| Hotline: 0983.970.780

Nghiệp... chẻ đá

Thứ Ba 23/08/2016 , 13:30 (GMT+7)

Gan Mai Xá. Đá Hảo Sơn. Người xưa muốn nói gan dạ thì như người làng Mai Xá. Còn vùng Hảo Sơn của xã Gio An và nói rộng ra là cả miền Tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là thủ phủ của đá và nghề chẻ đá, nhưng ngày nay đá cũng hết.

Các thợ phải đào sâu xuống đất hoặc đi mua lại đá để chẻ bán kiếm tiền mưu sinh cuộc sống.

 

Nức tiếng

Dọc theo con đường 75 Tây dẫn lên các xã Gio An, Gio Bình giữa cái nắng nóng như đang úp chảo rang trên đầu, đập vào tai tôi là tiếng búa của những người thợ đánh ve chẻ đá nghe chan chát.

Nghề chẻ đá ở vùng đất này nổi tiếng từ mấy thế kỷ trước. Tầm cuối thế kỷ XIX, cụ Lâm Hoằng người làng Gia Bình, xã Gio An, làm Tham Tri bộ Công của triều Nguyễn đã huy động người dân trong vùng góp sức chẻ đá xây dựng thành tuyến phòng thủ cửa biển Thuận An (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đá ở Gio An rất nhiều, chủ yếu là đá cuội nằm trên mặt đất. Thợ chẻ đá giỏi chế tác ra những công cụ đá phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Vì vậy cụ Lâm Hoằng đã huy động các thợ chẻ đá ngày đêm chẻ những hòn đá to thành từng viên đá hộp vuông kịp chở vào Thuận An phục vụ xây thành đánh giặc Pháp. Cả làng ngày đó hì hục với công việc chẻ đá để phục vụ chính nghĩa. Công việc diễn ra một thời gian dài cho đến khi xây xong tuyến phòng thủ ở Thuận An.

Những viên đá hình khối vuông chưa được vận chuyển hết vào Thuận An nay vẫn còn lại ở các xã Gio An, Gio Bình. Người dân ở đây gọi là đá “Quan hạng” có nghĩa là đá do quan đặt làm. Nhiều gia đình bây giờ còn giữ lại những viên đá “Quan hạng” như lưu lại kỷ niệm một thời vang bóng của cha ông.

Ngày ấy, ngoài làm đá cho quan để xây thành, ở vùng đất ở xã Gio An còn có nhiều ngôi nhà, nhiều công trình kiến trúc hoàn toàn bằng đá, rất đẹp. Dưới bàn tay tài hoa của những người thợ chẻ đá họ đã biến những viên đá cuội thành những vật liệu xây dựng độc đáo, tạo nên phong cách trong kiến trúc xây dựng của một vùng đất.

Tôi lân la hỏi chuyện một người đàn ông đang hì hục đẽo đá. Ông tên là Trương Hồng. Ông Hồng có nước da nâu bóng loáng, trên cánh tay ông đầy những hình xăm trổ. Ông Hồng kể rằng đã làm cái nghề này hơn 30 năm rồi để kiếm tiền mua gạo cơm nuôi sống gia đình. Nhờ nghề chẻ đá mà ông kiếm được đồng tiền ít ỏi nuôi đưa con gái lớn đi học Đại học Luật ở Huế.

Biết tôi muốn tìm hiểu nghề chẻ đá, ông Hồng chỉ tay về bãi đá đang tập kết nằm sâu trong làng Bình Minh, xã Gio Bình rồi cho biết đó là chỗ khai thác đá lớn nhất ở cái xã này, mà có khi lớn nhất vùng miền Tây Gio Linh. Cả làng Bình Minh có khoảng năm mươi người đi chẻ đá. Tính bình quân mỗi hộ gia đình có một đến hai người làm đá. Hình như nhà nào có đàn ông là có người làm đá.

Hiện nay các công trình xây dựng ngày càng chuộng đá chẻ nên nghề chẻ đá vì thế cũng trở nên sôi động. Hàng ngày, tiếng máy múc dò tìm đá, tiếng đẽo đá của những người thợ vang lên âm ầm trên từng quả đồi. Sản phẩm đá chẻ chủ yếu là hai loại. Đá hộc và đá thước.

Đá thước thông thường có kích thước dài 30 cm, rộng 20 cm, dày cỡ 10 cm, loại này chủ yếu phục vụ để xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc khác nhau như tường rào, lăng mộ. Loại đá này bán ra thị trường có giá từ 12 ngàn đến 13 ngàn đồng/viên. Còn đá hộc là loại đá cong vênh hoặc bị vỡ trong quá trình chế tác, chủ yếu phục vụ cho các công trình xây dựng như làm móng nhà, lát đê kè, làm rọ đá… được bán theo khối với giá rẻ hơn.

Ở một khu khai thác đá gần bên tôi gặp ông Lê Văn Tiến. Tuổi nghề của ông Tiến còn hơn cả tuổi đời của một vài người thợ. Ông Tiến đã làm cái nghề này hơn bốn mươi năm. Ông kể với tôi rằng nhà ông có đến 3 đời đi chẻ đá, gọi vui là nghề “gia truyền” cũng được.

Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy cách ông chẻ một khối đá lớn ra làm đôi, làm ba nhẹ nhàng như thế nào. Sau khi dùng thước vạch vài đường thẳng lên tảng đá, ông dùng ve sắt đục một hoặc vài lỗ tuỳ vào kích cỡ lớn hay nhỏ của hòn đá. Tiếp đến, ông cho nước vào những lỗ vừa đục rồi đặt con chạm (một miếng sắt nhọn có hình khối tam giác) vào. Mục đích là để con chạm không bị lệch đi khi đập đá, một phần là để vụn đá trong lỗ đục bay ra theo hướng nước khi đập vào. Nói chưa hết câu, ông vung tay dùng búa tạ đập vào con chạm một phát thật mạnh, tảng đá vỡ làm đôi, thẳng tắp. Bằng cách đó, khối đá lớn được chẻ thành nhiều viên đá nhỏ hơn.

 

"Nghề ni khổ lắm chú nờ"

Tôi nghĩ, chẻ đá mới là nghề nghiệp chính của người dân ở vùng đất đỏ bazan này chứ không phải là trồng cao su hay làm ruộng. Nhưng có lẽ tiền nhân chúng ta ngày trước cũng không ngờ đến hôm nay đá ở các xã Gio Bình, Gio An và cả vùng miền Tây Gio Linh hết sạch trên mặt đất. Bây giờ, muốn có nguồn nguyên liệu đá phải đào sâu xuống mặt đất hơn 1m hoặc sâu hơn nhưng cũng không có đất mà đào đá nữa.

10-46-20_che-d-2
Những viên đá thước được người thợ công phu ghè đẽo song bán được không nhiều tiền

 

Các thợ chẻ đá phải đi mua lại các chủ mỏ, hoặc mua từng quả đồi để khai thác đá nằm dưới đất sâu. Ông Trương Hồng cho biết giá mua mỗi xe ô tô tải đá từ các ông chủ mất hai đến ba triệu đồng.

Tiếp tục câu chuyện, ông Trương Hồng thở dài: Cái nghề ni khổ lắm chú nờ, ngày mô siêng, người không mệt mỏi mới chẻ được 30 viên đá. Nhiều khi mua đá về khai thác nhưng vì gặp đá méo mó quá, chẻ ra không được mấy viên vuông vức, đem bán chẳng bù lại được tiền mua đá. Có khi phải đi mua bãi xa, đặt cọc tiền trước cho người ta, nhưng do nhiều nơi hết đá nên người ta lại nâng giá bán bãi rồi mình cũng phải chấp nhận mua để có việc làm.

Nghề chẻ đá tuy kiếm ra đồng tiền trong thời buổi khốn khổ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy rình rập. Vì miếng cơm manh áo, nhiều thợ đá bất chấp để hành nghề. Họ hầu như không có trang thiết bị bảo hộ lao động. Ai nấy cũng chỉ khoác manh áo vải, đội nón cho đỡ nắng, cùng lắm thì bịt mũi lại cho bớt bụi. Mặc dù biết cái nghề này nguy hiểm, nhưng con người ở đây vẫn không bỏ nghề được, vì ngoài chẻ đá ra thì không có việc gì để kiếm được đồng tiền mưu sinh cuộc sống.

Điều làm tôi luôn day dứt đó là ông Hồng và hàng trăm thợ đá lo âu nhất không phải là sợ tai nạn lao động từ chẻ đá, mà nếu một mai xứ đá này hết đá dưới đất sâu thì cái nghề duy nhất tồn tại hàng trăm ngăm ở đây, là nghề chẻ đá sẽ đi về đâu? Và khi hết đá người dân phải làm gì để sống? Cái lo lắng của ông Hồng và các thợ đá rất đang quan tâm.

Ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, cho biết nghề chẻ đá ở 7 xã miền Tây Gio Linh tạo nguồn thu nhập ổn định cho hơn 500 người thợ. Tuy nhiên, nghề này vẫn chưa được cơ quan chức năng quản lý. Bỏ ngỏ quản lý không chỉ làm mất nguồn thu ngân sách cho các địa phương mà việc bảo hộ lao động cho người thợ chẻ đá cũng không được bảo đảm khi thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng. Thời gian tới, huyện sẽ có cơ chế quản lý phù hợp để nghề chẻ đá hoạt động quy củ, ổn định.

 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất