| Hotline: 0983.970.780

Nghiệt ngã một dự án

Thứ Tư 20/04/2011 , 10:37 (GMT+7)

Trong những ngày qua, 109 hộ dân ở huyện Di Linh – Lâm Đồng lại “vác” đơn đi gõ cửa các ngành chức năng, cũng như các cơ quan báo chí trên địa bàn để kêu cứu việc họ đã mất hàng trăm ha đất sản xuất cho Dự án thủy điện, thế nhưng khi thủy điện đã đóng điện tổ máy số 1 mà họ vẫn chưa được tiền đền bù, giải tỏa hay tái định cư...

Trong những ngày qua, 109 hộ dân ở huyện Di Linh – Lâm Đồng lại “vác” đơn đi gõ cửa các ngành chức năng, cũng như các cơ quan báo chí trên địa bàn để kêu cứu việc họ đã mất hàng trăm ha đất sản xuất cho Dự án thủy điện, thế nhưng khi thủy điện đã đóng điện tổ máy số 1 mà họ vẫn chưa được tiền đền bù, giải tỏa hay tái định cư từ chủ đầu tư, và đẩy những hộ dân này phải đối mặt với cái đói...

Dự án thủy điện Đồng Nai 3, có tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng, công suất 180 MW. Với diện tích lưu vực 2.441km2, dung tích ứng với mực nước dâng bình thường (+590m) là 1.612 triệu m3. Sau khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư đã xuống điều tra, khảo sát, diện tích mặt hồ gần 60 km2, thuộc địa bàn Quảng Khuê, Đắk Som, Đắk Plao - huyện Đắk Glong (Đắk Nông), Lộc Lâm, Lộc Phú – huyện Bảo Lâm, Tân Thanh - huyện Lâm Hà, Đinh Trang Thượng – huyện Di Linh (Lâm Đồng) để lên phương án đền bù, giải toả. Lúc này đa số hộ dân đều có suy nghĩ để tạo điều kiện cho công trình sớm được triển khai, nên họ sẵn sàng giao đất. Thế nhưng, đến nay, như đã nói, Thủy điện đã đóng điện tổ máy số 1 mà 109 hộ dân ở huyện Di Linh vẫn chưa được đền bù hay tái đinh cư?!

Không có Quyết định vẫn thu hồi đất!

Đơn khởi kiện của các hộ dân gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng có nêu: Ngày 1/6/2009, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 1248/QĐ-UBND “Về việc thu hồi đất để tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng thủy điện Đồng Nai 3”. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Di Linh ban hành quyết định thu hồi đất cụ thể đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất thuộc khu vực dự án trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đến nay những hộ dân này vẫn chưa nhận được gì ngoài thông báo di dời ra khỏi vùng dự án?

Ông Phan Tấn Hải – một trong hàng trăm người là nạn nhân của Dự án này bức xúc nói: “Chúng tôi không nhận được Quyết định nào về việc thu hồi đất và tài sản gắn liền với đất, mà chỉ nhận được thông báo số 231/TB-DATD96-KT ngày 16/09/2010, với nội dung: “Tích nước hồ chứa thủy điện Đồng Nai 3, đề nghị nhân dân khu vực bị ảnh hưởng tránh đi lại, sản xuất, sinh sống làm ăn trong khu vực trên, đồng thời khẩn trương di dời vật kiến trúc, gia súc gia cầm ra khỏi vùng bị ảnh hưởng để tránh thiệt hại về tài sản và tính mạng”.

Như vậy, việc thu hồi đất thiếu tinh thần trách nhiệm của UBND huyện Di Linh là không đúng với tinh thần Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ gây thiệt hại và bức xúc cho nhân dân.

Chủ dự án “hứa lèo”

Giữa tháng 3/2011, sau gần 6 năm dài mòn mỏi chờ đợi, người dân vùng Dự án Thủy điện Đồng Nai 3 lại được chủ đầu tư - Ban quản lý dự án thủy điện 6 tổ chức họp dân một lần nữa và đưa ra bảng chiết tính giá đền bù cho dân. Cùng với bảng giá đền bù là lời hứa đến cuối tháng 3/2011, người dân sẽ được nhận tiền. Thế nhưng, cũng như bao nhiêu lần hứa trước, người dân nơi này đợi mãi vẫn không thấy bóng dáng của chủ đầu tư đâu.

Bức xúc, giận dữ và không còn đủ kiên nhẫn là cảm giác chung của 109 hộ dân trong vùng giải tỏa, vì họ đã khốn đốn không biết bao nhiêu lần vì những lời hứa suông của chủ đầu tư. Bà Nguyễn Thị Mai, một người dân ở xã Đinh Trang Thượng, chua xót kể: từ ngày 12ha cà phê và nhà cửa bị nhấn chìm dưới lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3, gần 20 con người trong đại gia đình của bà rơi vào cảnh tứ tán. Từ đó đến nay, gia đình bà vẫn chưa nhận được một đồng tiền nào từ việc bồi thường, tái định canh, định cư như chưa từng nghe ai nhắc đến. Không còn tấc đất cắm dùi, mọi thành viên trong gia đình phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống qua ngày, cuộc sống khốn khổ trăm bề.

Bà Ka Thôn, một người dân tộc thiểu số Kơ Ho đưa tay chỉ vào biển nước mênh mông của lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3, cho biết: gia đình bà có tới 8 miệng ăn, lâu nay đều trông cậy vào 9 sào cà phê, nhưng đã bị hồ thủy điện nuốt chửng mất rồi. Vì chưa nhận được tiền đền bù nên hiện cuộc sống của gia đình chưa biết trôi về đâu...

Chính quyền “bó tay”?

Ông K’Rim, Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng - huyện Di Linh, cho biết, Ban quản lý dự án thủy điện 6, đơn vị chủ đầu tư công trình Thủy điện Đồng Nai 3 đã nhiều lần trực tiếp hứa hẹn với dân là sẽ nhanh chóng thực hiện chi trả tiền bồi thường, nhưng rồi lại thất hứa, hết lần này đến lần khác khiến người dân mất niềm tin và bức xúc khi phải đối mặt với trăm bề khó khăn trong suốt thời gian dài qua, đã có hàng chục trẻ em phải nghỉ học.

Ông Tạ Văn Thành, Trưởng Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Di Linh cho chúng tôi biết: Đến thời điểm này chỉ mới có 271 hồ sơ đưa vào áp giá, với tổng số tiền đã được phê duyệt là 56,7 tỷ đồng, trong đó chỉ mới thực hiện chi trả 24,9 tỷ đồng. Ước tính hiện còn 157 hộ dân trong vùng dự án vẫn chưa hoàn chỉnh hồ hơ và phương án đền bù. Ông Thành cho rằng, chủ đầu tư dự án Thủy điện Đồng Nai 3 chỉ nghĩ đến lợi ích của họ mà chưa thật sự quan tâm đến đời sống của người dân trong vùng dự án.

Cụ thể, đến nay chủ dự án vẫn chưa xác định được diện tích tái định canh để giao cho các hộ có đủ điều kiện bố trí tái định canh. Hơn nữa, hiện vẫn còn một số diện tính canh tác tương đối lớn của người dân đã nằm sâu dưới lòng hồ thủy điện thuộc phần giải quyết của chủ dự án, nhưng đơn vị này vẫn chưa tiến hành kiểm kê.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm