| Hotline: 0983.970.780

Ngô giống C.P khẳng định vị thế

Thứ Hai 17/03/2014 , 10:34 (GMT+7)

Thái Mỹ là một trong những địa phương đầu tiên được Cty Hạt giống C.P chọn trồng ngô. Chính vì thế, nhiều nông dân xã này đã khá lên,thoát nghèo.

Cây ngô (bắp) giống của Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam đã có mặt trên đồng ruộng nước ta ở cả 3 miền từ gần 20 năm nay. Và càng ngày, người nông dân càng gắn bó ngô C.P, bởi nó không chỉ mang lại lợi nhuận cao, mà họ còn rất an tâm, không phải lo đầu ra, khi được công ty bao tiêu sản phẩm.

1 NGÔ = 5 LÚA

Hơn 8 giờ sáng, khi ánh nắng còn chưa kịp làm rát mặt, chúng tôi đã có mặt ở cánh đồng ngô giống xã Thái Mỹ, Củ Chi (TPHCM). Phía dưới ruộng, hàng chục nông dân đang đứng, lúi húi lột vỏ, bẻ ra những trái bắp vàng ruộm.

Thái Mỹ là một trong những địa phương đầu tiên được Công ty Hạt giống C.P chọn trồng ngô. Chính vì thế, nhiều nông dân xã này đã khá lên,thoát nghèo. Đến nay, diện tích trồng ngô giống của C.P ở Thái Mỹ đã lên đến 200 ha.

Theo những nông dân ở Thái Mỹ, bình quân 1 ha ngô đầu tư từ 35 - 40 triệu đồng, năng suất từ 8,5 - 12 tấn bắp trái tươi/ha. Công ty thu mua ngay tại chỗ từ 8.500 - 8.600 đồng/kg. Trừ các chi phí, họ còn lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha.

14-42-10_anh-1
Nông dân xã Thái Mỹ đang thu hoạch ngô giống C.P

Anh Trần Văn Quang, 47 tuổi, nông dân ấp Bình Hạ Tây, xã Thái Mỹ cho biết: “Tôi có 3 công ruộng, ngày xưa chỉ trồng lúa, lời lãi chẳng bao nhiêu, mà cứ lo ngay ngáy vì giá cả bấp bênh. Từ khi Công ty C.P sang đây trồng bắp, tụi tui khá hơn nhiều. Công ty họ hỗ trợ miễn phí giống, thuốc trừ sâu, phân bón lá, lại không phải lo đầu ra vì họ bao tiêu sản phẩm hết rồi”.

“Anh trồng lãi khá không?”, tôi hỏi.

“Bình quân cứ 1 lời 1. Tôi đầu tư 3 công này hết hơn chục triệu. Năng suất có vụ được gần 3 tấn. Nghĩa là khoảng hơn 9 tấn/ha đấy. Vậy là khá rồi. Trừ chi phí còn lãi hơn chục triệu. Nếu làm giỏi, năng suất cao thì lời nhiều hơn, có người lời cả 50 triệu đ/1ha chứ không ít”, anh Quang đáp.

Nghe tôi hỏi về năng suất, lợi nhuận, ông Trần Văn Bảy, nông dân xã Thái Mỹ cười bẽn lẽn: “6 công ruộng ngô này lúc trước cha tui làm. Cũng từ ngày đầu C.P mới sang đây. Thấy khá lắm. Lúc đó tui làm dưới Sài Gòn. Đến khi ổng yếu, không làm được nữa mới gọi tui về giao lại. Có lẽ chưa quen nên đầu tư nhiều mà năng suất chưa cao. Vụ này ước tính đạt khoảng 6 tấn (tương đương 10 tấn/ha). Nhưng vẫn thấy lời gấp mấy lần trồng lúa”.

"Trước giờ nông dân ở đây nghèo lắm, vì đất ruộng không được màu mỡ, trồng cây gì thu nhập cũng kém. Từ khi có cây ngô giống của C.P, đời sống bà con đỡ hơn nhiều. Thu nhập khá, không phải lo đầu ra. Mấy anh cán bộ của công ty thường xuyên có mặt, theo dõi và hướng dẫn bà con nên bà con quý lắm", ông Đặng Văn Dìa, Bí thư Chi bộ ấp An Đước, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh nói.

Tôi hỏi: “Anh đầu tư hết khoảng bao nhiêu?”, ông đáp: “Tính ra chắc cũng khoảng ngót 40 triệu”.

Nghe vậy, ông Bạch Văn Sinh, chuyên gia kỹ thuật của C.P kêu trời và nói: “Anh đầu tư thế thì làm sao có lời nhiều được? 1 ha đầu tư từ 35 - 40 triệu đồng, bón khoảng 1 tấn phân. Chúng tôi sẽ theo sát để hướng dẫn anh kỹ hơn”.

Cây bắp không chỉ giúp người nông dân có ruộng có thu nhập cao, ổn định, mà còn giúp hàng trăm người dân không có đất SX có việc làm khá ổn định từ bẻ bắp thuê.

“Tụi tui không có ruộng nên phải đi làm thuê. Từ ngày trồng bắp, làm thuê thu nhập cũng khá hơn. Mùa thu hoạch kéo dài khoảng 1 tháng, mỗi ngày làm 3 tiếng buổi sáng, được trả công 110 ngàn đồng. Nếu làm quá thời gian thì cứ 1 tiếng họ được trả thêm 40 ngàn đồng. Buổi chiều về vẫn có thể làm thêm việc khác được”, ông Đặng Văn Bé, một nông dân bẻ bắp thuê ở Thái Mỹ cho biết.

GẮN BÓ BỀN VỮNG

Rời xã Thái Mỹ, chúng tôi tiếp tục đến xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, một trong những xã gắn bó với ngô giống C.P từ những ngày đầu tiên.

Ông Nguyễn Văn Tân, một trong những nông dân trồng bắp giỏi nhất ở ấp An Đước, xã An Tịnh cho biết: “Tôi có 5 công, vừa thu hoạch xong, được gần 6 tấn. Bán 8.600 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí khoảng 1/3, còn lại là lãi. Ở đây có người làm năng suất đến 13 tấn/ha. Lãi dữ lắm! Thu hoạch xong tui chuẩn bị sạ lúa. Nhưng trồng lúa thì giá cả bấp bênh lắm. 5 công này nếu trồng lúa lãi chừng 7 triệu là may lắm rồi”.

Ông Pichit Kaewseeda, GĐ SX Cty C.P, nói bằng tiếng Việt khá trôi chảy: “Hiện nay, diện tích ngô lai của C.P ở Việt Nam đã tăng lên 2.500 ha. Ngô giống sau khi thu hoạch được bán cho các địa phương trồng ngô thương phẩm và hiện nay ngô giống C.P còn được xuất khẩu đi các nước trong khu vực như Lào, Campuchia...

Nhằm giúp nông dân có cây giống SX ổn định và bền vững, tăng năng suất, sản lượng và xuất phát từ thực tế, yêu cầu phát triển ngô lai trong SX, C.P hàng năm đã tiến hành khảo nghiệm sơ bộ tại Việt Nam tập đoàn giống ngô lai mới (của Trung tâm Nghiên cứu & phát triển của C.P Seeds ở Thái Lan) nhằm tạo ra các giống ngô lai tốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu SX và tham gia vào mạng lưới khảo nghiệm ngô Quốc gia.

Đồng thời qua đó muốn tìm ra những giống ngô có đặc tính nông học tốt như chín sớm, chịu hạn, nhiễm nhẹ sâu bệnh, thích hợp với việc trồng dầy và các đặc tính khác như thích nghi rộng, năng suất cao và ổn định nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hiện riêng Tây Ninh có 800 ha ngô giống. Sắp tới, công ty sẽ tăng diện tích lên 1.500 ha. Bởi đây là vùng đất khá thích hợp với cây ngô giống của chúng tôi”.

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Xây dựng dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa

Ngày 22/4, Cục Trồng trọt phối hợp cùng IRRI tổ chức hội thảo tham vấn, đánh giá và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa hiệu quả.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.