| Hotline: 0983.970.780

Ngô rởm “tấn công” vụ đông

Thứ Hai 16/09/2013 , 10:50 (GMT+7)

Vụ đông 2013 vừa khởi động đã bị những giống cây trồng rởm như bí, su hào… đặc biệt là ngô nếp tấn công phủ đầu. Nhiều giống ngô, rau màu được nhập lậu từ Trung Quốc bày bán tràn lan.

Vụ đông 2013 vừa khởi động đã bị những giống cây trồng rởm như bí, su hào… đặc biệt là ngô nếp tấn công phủ đầu. Nhiều giống ngô, rau màu được nhập lậu từ Trung Quốc bày bán tràn lan. 

Mua dễ như mớ rau

Vấn nạn giống cây trồng (GCT) rởm xuất hiện trên thị trường không mới. Tuy nhiên, việc bày bán các loại giống này một cách công khai như hiện nay thì quả thực đáng báo động. Việc mua một vài kg ngô giống rởm, thậm chí cả tạ dễ dàng như mua một mớ rau sau một cú điện thoại đặt hàng.

Một bạn đọc Báo NNVN đã cung cấp thông tin về việc mua phải một số giống ngô rởm, có thể chưa được phép bán ra thị trường. Từ thông tin này, PV đã đi một loạt các huyện ngoại thành Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hòa Bình… để tìm hiểu thực hư.

Điểm đến đầu tiên chúng tôi chọn là khu chợ Vạng, thuộc xã Song Phương (Hoài Đức – Hà Nội). Mặc dù có diện tích nhỏ nhưng đây là chợ phiên, hàng hóa vô cùng đa dạng. Tại con dốc từ bờ đê xuống chợ, thoáng qua, chúng tôi đã thấy vài đại lí bán GCT và thuốc BVTV. Những đại lí này đều nằm ở mặt đường, đặt sát nhau gần như tạo thành một chuỗi cửa hàng bán GCT.

Ghé vào đại lí đầu tiên, trên chiếc kệ bằng sắt, các thùng các – tông, bao bì ngô giống bày ngổn ngang. Khi chúng tôi hỏi mua giống ngô nếp về trồng vụ đông, bà chủ đại lí đon đả mời vào xem. Chỉ tay lên chiếc kệ, bà này bảo chú muốn mua loại nào cũng có, chỗ chị toàn bán giống uy tín thôi.

Nói đoạn, bà cầm vài túi ngô nếp từ trong thùng ra cho chúng tôi xem. “Chú lấy loại nào, toàn giống của Trung ương cả đấy. Giá thì 300 nghìn một cân, chú mua mấy túi để chị lấy cho”, bà này tiếp lời.


Chủ đại lí Đức Bình, chợ Hòa Đình (Bắc Ninh) đang tiếp thị giống ngô rởm

Chúng tôi dạo qua mấy đại lí nữa nhưng chưa phát hiện được gì. Được một người bán thịt tại cổng chợ mách nước, chúng tôi tiếp tục vào một đại lí bán GCT có thâm niên hàng chục năm. Đại lí này tên Lâm Mến, nằm đối diện với bãi gửi xe của chợ Vạng. Vợ của chủ đại lí mời chúng tôi vào để chọn ngô giống.

Tôi hỏi có loại giống ngô mới nào rẻ không? Ngập ngừng một lúc, cô vợ chạy vào gian nhà trong cầm ra vài túi ngô giống màu xanh, loại 100 gram có tên Sticky 2008. Cầm túi ngô giống trên tay, chúng tôi phát hiện, đây chính là mẫu ngô mà bạn đọc cung cấp.

Trên bao bì có in tên đơn vị SX là Cty TNHH Bảo vệ thực vật và hạt giống Tài Lộc. Theo đó, Cty này có trụ sở đóng tại tổ dân phố An Lạc, thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm – Hà Nội). Bao bì của sản phẩm in ấn nhập nhèm, sai chính tả, tên giống in trên giấy dán đè lên mặt túi. Ngày SX cũng như hạn sử dụng in bằng mực đen, chạm tay vào là nhòe. Hỏi thêm thì được biết, giống ngô đã được đại lí này nhập về và bán được 3 vụ.

“Chú cứ yên tâm về trồng, đảm bảo tốt không kém gì thằng HN88 (giống ngô nếp đang được ưa chuộng - PV) đâu”, chủ đại lí Lâm Mến khẳng định.


Những giống ngô rởm đang được bày bán tràn lan

Ngày hôm sau, chúng tôi lại rong ruổi quanh các khu vực bán GCT trên địa bàn thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Dọc khu ga của phường Phúc Thắng, đếm sơ sơ cũng phải có đến trên chục đại lí kinh doanh các mặt hàng về giống, thuốc BVTV. Một người dân nhà ven đường tại đây bảo, chú cứ vào đại lý giống Bình Thoan, nó lớn nhất khu này đấy.

Quả đúng, đây là một đại lí khá lớn, khách đến mua hàng chật kín chỗ để xe. Bên trong, 4 – 5 nhân viên liên mồm hỏi khách mua giống gì, bao nhiêu rồi nhanh chóng cân giống, tính tiền như một cái máy. Tiếp tục trong vai một người đi mua ngô giống, chúng tôi được nhân viên đại lí Bình Thoan giới thiệu một loạt giống đang bán.

“Có giống nào mới và năng suất không chị?”, tôi hỏi. “Có đấy, có giống của thằng Tài Lộc, đợi một chút chị lấy cho”, nhân viên này trả lời. Từ trong chiếc bao xác rắn màu xanh còn khoảng một nửa, người này cầm ra vài túi đưa cho tôi. Giống ngô này hoàn toàn có bao bì giống với mẫu thu được tại khu vực chợ Vạng ngoài cái tên “TL 2008”.

Hỏi thêm vài câu, người nhân viên có vẻ khó chịu bảo: “Thôi chú mua nhanh, đang đông khách quá”. Chúng tôi lấy hai gói ngô giống, trả tiền rồi đi.

Nằm ngay tại trung tâm chợ Hòa Đình, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh là cả một cung đường với những đại lí GCT mọc san sát nhau. Hòa Đình được coi là chợ nông sản lớn nhất của thành phố cũng như tỉnh Bắc Ninh. Ghé vào đại lí tên Bản Thanh, khi tôi hỏi có bán giống ngô nếp Sticky 2008 hay không, chủ đại lí nói ngay, chú mua làm gì cái giống đó, giống của thằng Tài Lộc chứ gì, toàn hàng vớ vẩn.

Điều này chứng tỏ, người chủ đại lí biết, thậm chí biết rất rõ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ giống ngô rởm này. Tại đại lí Đức Bình cách đó không xa, chúng tôi lại được chủ đại lí thao thao bất tuyệt quảng cáo về giống ngô có cái tên lạ hoắc là “F186”. Trên vỏ bao ngô giống được in hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc, đề Cty SX là De Tian seed.

Vị chủ đại lý này tiếp tục quảng cáo: “Chú cứ yên tâm, giống này tôi bán nhiều rồi. Trên vùng Lục Nam của Bắc Giang người ta trồng nhiều lắm, tốt không thua gì mấy giống của Trung ương. Ngoài ngô, tại đại lí này, PV còn thấy bày bán rất nhiều giống ngô, cà rốt, su su, cải bắp…bao bì là chữ Trung Quốc. Đại lí thứ 3 tại khu vực chợ Hòa Đình chúng tôi ghé vào có tên Bình Hiền.

PV vừa bước vào cửa, chủ đại lí đã hỏi dồn: “Chú ở đâu, mua giống gì, bao nhiêu?”. Khi tôi bảo, cần mua một ít ngô giống về trồng vườn nhà để ăn, chủ đại lí chạy vào gian trong cầm ra vài túi, vẫn là giống Sticky 2008 của Cty Tài Lộc. Thấy tôi hỏi thông tin về giống này, tay chủ đại lí nhìn gườm gườm bảo, hình như chú ở bên Cty nào đi khảo sát về giống đúng không?


Gói ngô giống rởm Sticky 2008 và TL 2008


Hạt ngô rởm

Tôi cười lớn: “Dáng em làm gì phải công ty, làm ruộng sống thôi”. Nói chuyện một lúc, chủ đại lí này bảo: “Chú mày cứ về trồng thử đi, tốt lắm đấy. Cái thằng Sticky này anh bán 3 vụ rồi, mỗi năm cả chục tấn chứ ít ỏi gì đâu. Từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, nhiều tỉnh khác cũng về đây lấy hàng đấy”.

Giống gì lạ thế!

Cách khu vực đại lí Bình Thoan khoảng 2km là những cánh đồng màu bạt ngàn của xã Kim Hoa (Mê Linh – Hà Nội). Nhiều diện tích đất đã trồng ngô, số còn lại đã làm luống chờ ngày tra hạt.

Hộ ông Ngô Tiến Dũng, thôn Bạch Đa (xã Kim Hoa) cho biết, năm nào cũng trồng một vài sào ngô nếp vừa để ăn vừa để bán làm quà. Khi chúng tôi đưa gói ngô giống Sticky 2008, một vài người đang làm đất tại đây chuyền tay nhau nhưng đều lắc đầu không biết. Họ khẳng định, chưa bao giờ gieo trồng giống ngô này.

“Đây, nhà tôi trồng hơn 1 sào HN88, nếu ngô tẻ thì cấy Việt Nam 4, 2008 là giống gì mà lạ thế”, vợ ông Ngô Tiến Dũng cho biết. Một cán bộ văn phòng của xã Kim Hoa cũng xác nhận, chưa thấy giống ngô này bày bán trên địa bàn xã. “Ở đây, người dân thường mua các loại giống cây thông qua trạm BVTV hoặc Khuyến nông. Rất ít khi người dân tự ý mua những giống ngô lạ, không rõ nguồn gốc xuất xứ”, vị này cho biết.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Hòa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Bắc Ninh) cũng tỏ ra hết sức ngạc nhiên với giống ngô này. Bà Hòa khẳng định, chưa nhìn thấy bao giờ. “Tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ SX một số giống ngô, tôi sẽ cung cấp cho anh đầy đủ tên các loại giống”.

 

 

Câu hỏi PV rất quan tâm là tại sao một Cty ngay tại Hà Nội lại dám SX ngô giống rởm, bán tràn lan ra thị trường. Và, ảnh hưởng của nó sẽ thế nào đối với tình hình SX?!

 

Theo bà Trần Thị Hòa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Bắc Ninh), đơn vị thường xuyên phối hợp với phòng NN- PTNT các huyện kiểm tra tình hình SX của bà con. Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết bà con đều trồng đúng cơ cấu giống ngô được hỗ trợ.

Còn việc thanh kiểm tra các đại lí bán GCT, thuốc BVTV trên địa bàn lại thuộc Phòng Thanh tra của Sở. Rất tiếc, trong buổi chiều hôm đó, chúng tôi đã không gặp được cán bộ thanh tra vì lãnh đạo phòng đều đang đi cơ sở.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất