| Hotline: 0983.970.780

Ngoài phòng thi, phụ huynh "căng" hơn cả thí sinh

Thứ Hai 04/07/2011 , 09:27 (GMT+7)

Trong khi những thí sinh đang dồn hết sức để hoàn thành bài thi của mình, thì ở bên ngoài các vị phụ huynh dường như còn căng thẳng hơn cả con em mình.

Ngày hôm nay, các sĩ tử trên cả nước cùng bước vào ngày thi đại học đầu tiên. Trong khi những thí sinh đang dồn hết sức để hoàn thành bài thi của mình, thì ở bên ngoài các vị phụ huynh dường như còn căng thẳng hơn cả con em mình.

Sức khỏe là trọng tâm

Chị Nguyễn Thị Hằng, Long Biên, Hà Nội, có con thi vào trường Kinh tế Quốc dân, với tâm trạng rất lo lắng cho biết con gái chị học ở Trường cấp III Chu Văn An, tinh thần học tập ở đó rất tốt. Ngay từ lớp 10, các em đã tập trung vào các môn thuộc khối thi mà chúng lựa chọn thi. Con chị và những đứa bạn học suốt ngày. Ba năm liền ngoài giờ học chính, các em lại cùng nhau tất tả ngược xuôi từ đầu thành phố đến cuối thành phố để bồi dưỡng kiến thức, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc thi đầy trọng đại này. 

“Riêng năm lớp 12, con tôi học rất căng, hôm nào cũng thức đến hơn 1 giờ đêm và sáng hôm sau 5 giờ 30 đã phải dậy để kịp đón xe buýt đi học. Vì ngủ ít, cơ thể nó gầy còm và sinh ra biếng ăn, bây giờ nó mới cao được 1m49, nặng 39 kg. Gần đến ngày thi, tôi chỉ lo con mình kiệt sức, nên nấu rất nhiều thức ăn bổ dưỡng nhưng cháu cũng không ăn được là bao. Nó chỉ có nhắm mắt uống sữa cho nhanh thôi,” chị Hằng than thở, đứng ngồi không yên khi nói về sức khỏe của con.

Sự băn khoăn của chị Hằng cũng là tâm sự của hầu hết các bậc làm cha, làm mẹ đang có con thi đại học. Áp lực học hành, thi cử đã lấy đi nhiều sức lực của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. 

Chú Nguyễn Văn Chính, Ba Đình, Hà Nội, cũng đang chờ đợi con thi tại Hội đồng thi tại Trường Tiểu học Mai Động cho biết, công tác hậu cần phục vụ cậu con trai thi cũng căng thẳng chẳng khác gì việc thi cử của con. Mấy tháng nay, vợ chú hầu như ngày nào cũng ninh gà tần thuốc bắc và luộc trứng vịt lộn cho con trai ăn. Sữa thì đều đặn mỗi ngày 1 lít, uống như nước lọc.

“Tôi và mẹ nó cứ phải ép con ăn uống thường xuyên, chứ học mất sức lắm. Mặc dù cu cậu cằn nhằn không muốn ăn, nhưng dứt khoát chúng tôi phải giám sát chặt chẽ. Vợ tôi cũng nghỉ hẳn việc để ở nhà phục vụ con cái, ngoài công việc nấu nướng, cô ấy còn chở nó hàng ngày đi học thêm và một tuần 3 buổi đi bơi. Theo tôi, con học giỏi đến mấy mà không có sức khỏe thì cũng hỏng,” chú Chính nói.

Nhọc nhằn người ngoại tỉnh


Không được dư giả và thuận lợi như những gia đình trong thành phố, nhiều người ở ngoại tỉnh đưa con đi thi lại phải đôn đáo trong cái cảnh ăn ở đường chợ. 

Chuẩn cho con trai thi vào trường Đại học Giao thông Vận tải, địa điểm thi ở Trường tiểu học Nghĩa Tân (Từ Liêm, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Nga và con trai Trần Văn Trung quê Bình Lục (Hà Nam) mấy hôm trước đứng ngồi không yên vì chưa thuê được nhà trọ. 

May sao gần đến ngày thi, chị đã nhờ người quen thuê được một phòng của gia đình bà Nguyễn Thị Mến ở ngay cạnh trường Nghĩa Tân với giá 80.000 đồng/người/ngày. Phòng trọ rộng 15m2 có quạt, đèn để bàn học, nói chung là  đủ điều kiện phục vụ công tác “lều chõng.”

Chị Nga tâm sự: "Tôi may mắn hơn nhiều người đã thuê được nhà trọ ở gần địa điểm thi, chỉ cần đi bộ thôi, chứ nắng nôi thế này mà ở nhà người quen cách đây hơn chục cây thì đi lại cực lắm, với lại đi đường bây giờ cũng không biết thế nào, nhỡ xảy ra chuyện gì thì hối cũng không kịp. Nhà chủ cũng tốt, họ tạo điều kiện cho mẹ con tôi mua đồ ăn về nấu ăn cùng luôn. Đồ ăn ở ngoài quán chẳng biết nguồn gốc thế nào, nhỡ ăn vào đau bụng thì khổ, bà chủ nhà rất nhân hậu và dễ gần nên tôi mua về nấu cả nhà cùng ăn vừa vui, vừa đảm bảo an toàn.”

Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn như chị Nga, anh Trương Văn Lục và con trai Trương Văn Long quê ở huyện Vĩnh Lộc, Nam Định thi trường Học viện Ngân hàng, địa điểm thi cũng ở ngay tại trường luôn. Hai bố con khăn gói lên Hà Nội từ ngày 1/7 để cho con quen dần với với chỗ trọ.

Vì điều kiện cũng chẳng dư giả gì nên bố con anh ở cùng 2 người nữa thuê chung trong căn nhà 12m2 tại Tập thể Thành Công. 

Anh Lục than thở: "Vẫn biết là gia đình nào ở quê đưa con đi thi cũng vất vả như thế này nhưng tôi vẫn không lường hết được. Đúng là 'sểnh nhà ra thất nghiệp', phòng trọ thì chật chội, nóng bức, mà họ lấy những 200 nghìn đồng/ngày, lại còn phải gửi xe nữa chứ, mỗi ngày cũng mất đứt thêm 20.000 đồng."

Anh Lục chia sẻ thêm, mặc dù ở xung quanh đây các quán cơm cũng nhiều nhưng giá cả lại rất đắt, một đĩa cơm ăn chẳng đủ no mà cũng 30 nghìn đồng, chắc 2 đợt thi này gia đình sẽ "đi tong" 5 tạ thóc.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.