| Hotline: 0983.970.780

Ngôi làng kỳ bí với tập tục "huyền quan"

Thứ Tư 24/10/2012 , 09:44 (GMT+7)

Chưa ai lý giải được người cổ đại làm thế nào để treo quan tài lên vách núi dựng đứng cao hàng trăm mét.

Huyền quan cho tới nay vẫn là điều kỳ bí với giới khảo cổ Trung Quốc. Chưa ai lý giải được người cổ đại làm thế nào để treo quan tài lên vách núi dựng đứng cao hàng trăm mét.

>> Chung sống cùng cá sấu
>> Ngôi làng trong tổ mối

Huyền quan hay còn gọi là nhai mộ trong tiếng Trung Quốc đều có nghĩa là quan tài treo trên vách núi đá. Theo giới khoa học Trung Quốc, một số dân tộc ở nước này có tập tục an táng người chết bằng cách đưa quan tài lên vách núi hoặc để trong các hang động trên núi cao.

Điều đặc biệt nữa là những ngọn núi được chọn đều là núi đá trơn nhẵn, cho dù là người hiện đại với các công cụ leo núi chuyên nghiệp cũng chưa chắc đã leo lên được. Hơn nữa, những ngọn núi này đều có đặc điểm là xung quanh có sông suối.

Huyền quan được tìm thấy nhiều ở các tỉnh Tứ Xuyên, Quảng Tây, Hồ Nam, Phúc Kiến và Quý Châu. Trong đó nổi tiếng nhất là những quan tài treo trên vách núi của dân tộc Miêu ở gần sông Cách Đột, tỉnh Tứ Xuyên.

Người Miêu thường dùng 2 loại huyền quan. Loại thứ nhất là dựa vào những vách núi kín gió, có sông suối chảy quanh. Họ tận dụng khe hở trên vách đá để cắm cọc gỗ làm giá đỡ cho quan tài, vì thế, nhiều quan tài ở đây đã có lịch sử vài trăm năm.

"Thậm chí còn có những chiếc quan tài lâu tới nỗi không người già nào trong làng nhớ nổi. Chúng tôi từ nhỏ tới giờ cũng chưa từng lên đó, nhưng nhìn từ dưới lên thì gỗ làm giá đỡ và quan tài vẫn chưa bị mục nát”, Vương Đức Nguyên - tộc trưởng một làng người Miêu nói.

Loại huyền quan thứ hai là quan tài gỗ được đặt trong động do người Miêu dùng đục đá tạo ra ở núi đá vôi. Loại cuối cùng là quan tài được đặt trong các hang động tự nhiên.

Người Miêu ở Tứ Xuyên kể rằng, vài chục năm trước, trên các vách núi quanh nơi họ sống có đến vài trăm chiếc huyền quan. Tuy nhiên, vài chục năm trước, một trận bão lớn đã quét gần hết khu di tích ghi dấu ấn độc đáo này. Hiện chỉ còn vài chục chiếc huyền quan vẫn vững vàng trên vách núi, thách thức các nhà khoa học về câu chuyện huyền bí của người xưa.


Rất nhiều quan tài được treo trên vách núi cao

Người Miêu hiện nay không còn dùng tục lệ cổ xưa này nữa, và cũng chưa có lời giải thích xác đáng nào cho cách mai táng kỳ bí này.

Vì sao người Miêu “chôn” người chết trên vách núi? Theo lời Vương Đức Nguyên, tục huyền quan bắt nguồn từ việc người Miêu xưa không có nhiều đất để canh tác. Đất đai ít, thế nên họ phải an táng người chết bằng cách đưa quan tài lên vách núi.

Trong khi đó, những người già ở các bộ tộc người Miêu nói tập tục này có 4 điều lợi. Thứ nhất là ngăn không cho kẻ thù hủy hoại quan tài; thứ hai là khiến dã thú không ăn xác người chết; tiếp đó là nhiệt độ trên núi thường thấp, đặc biệt với các quan tài để trong hang động thì rất khó bị phân hủy; Lợi ích cuối cùng là… tiết kiệm đất canh tác.

Mặc dù tục huyền quan không còn nữa, nhưng tang lễ của những người già trong Miêu tộc vẫn còn những nghi thức mô tả phong tục có từ hàng ngàn năm trước. Trong tang lễ, sẽ có 4 con ngựa trống khỏe mạnh bị giết để làm vật cưỡi cho người chết, người Miêu coi đó là “chiến mã”.

Ngoài ra còn có 4 con bò bị giết để bồi táng cùng những vật dụng dùng trong chiến đấu như yên ngựa, dao chiến, cung tên, mũ chống tên được bện bằng tre, tẩm vật liệu bí truyền.

Người Miêu khá coi trọng chiến đấu, bởi theo những câu chuyện sử thi của họ thì khi rời Trường Giang xuống phía Nam, người Miêu đã phải chiến đấu ác liệt cùng các bộ lạc bản địa để dành chỗ đứng. Chiến thuật của người Miêu dựa nhiều vào ngựa, thế nhưng ngựa chiến khi xưa của họ chạy không nhanh. Vì thế, trong tang lễ, người ta coi việc cho 4 chiến mã bồi táng là cách để giúp người đã khuất sẽ mạnh mẽ hơn khi ở thế giới bên kia.

Dương Chính Giang, một chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa người Miêu mới đây đưa ra cách lý giải khác cho tục huyền quan. Theo đó, người Miêu xưa nghĩ rằng sẽ có một ngày họ quay trở lại vùng đất phát tích của dân tộc này ở sông Trường Giang. Vì thế, họ không chôn quan tài xuống đất mà treo lên vách núi để khi trở lại vùng Trường Giang, họ sẽ mang quan tài theo để người đã khuất được chôn cạnh tổ tiên.

Người Miêu đưa quan tài lên vách núi bằng cách nào? Vách núi nơi có huyền quan thường dựng đứng cao hàng trăm mét, dưới lại có sông suối hoặc kênh rạch nên việc người Miêu làm thế nào mang được quan tài lên vách núi là điều rất bí ẩn.

Sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia của Trung Quốc chỉ có thể phỏng đoán cách người Miêu làm.

Thứ nhất là họ đã khoét núi làm đường, đặt quan tài lên vị trí cần thiết rồi phá bỏ con đường đó đi, khiến cho việc tới được quan tài là điều không thể với người cổ đại.

Thứ hai là người Miêu ban đầu đặt quan tài vào vách núi xong rồi mới khoét dần đất ở xung quanh cho tới khi chiếc quan tài đã ở độ cao cả trăm mét. Thứ ba là người Miêu xưa dùng thang gỗ, hoặc “xa lâu” (tháp di động có bánh xe gắn ở dưới, ở trên có thể chứa được khoảng chục người).

Tuy nhiên, ba cách lý giải nêu trên đều bị cho là không thuyết phục. Gần đây nhất, một cách giải thích có vẻ hợp lý nhất nhưng nhuốm màu huyền bí: Người Miêu có tuyệt kỹ leo trèo trên vách núi như siêu phẩm điện ảnh "Người nhện" ở Mỹ.


Huyền quan đang thách thức các nhà khoa học

Theo đó, thời xưa, một số người Miêu thường truyền dạy nhau tuyệt kỹ leo trèo trên vách núi đá vôi. Họ học được điều này do cuộc sống cần phải leo trèo hái thuốc, tìm tổ yến...

Trong mỗi tang lễ, thường thì những “người nhện” trong Miêu tộc sẽ tách từng mảnh ván quan tài ra rồi mang lên gắn vào vách núi. Trước đó, họ đã chọn kỹ địa điểm và chuẩn bị điều kiện cần thiết, đó là đóng trước những cọc gỗ làm giá đỡ quan tài.

Sau khi mang hết những mảnh quan tài lên vách núi, người Miêu sẽ làm việc khó nhất trong công đoạn huyền quan là mang xác người chết lên đặt vào quan tài rồi đóng nắp áo quan.

Nhưng các cuộc kiểm chứng gần đây cho thấy, "người nhện" cao thủ nhất trong Miêu tộc cũng chỉ leo được vách núi cao 30 m, vậy những huyền quan ở độ cao cả trăm mét thì sao?

Người ta đành bằng lòng với lý giải: Biến động địa chất khiến núi cao dần lên, ban đầu, huyền quan chỉ cách mặt đất vài chục mét.

Vì thế, huyền quan cho tới nay vẫn là điều bí ẩn ở Trung Quốc và với chính những hậu duệ của người Miêu ngày nay.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất