| Hotline: 0983.970.780

Ngôi làng tự phá thế cô lập

Thứ Sáu 14/02/2014 , 10:20 (GMT+7)

Người dân ốc đảo thôn Đông Bình, xã Duy Vinh (Duy Xuyên, Quảng Nam) đã tự đóng góp tiền của, ngày công ngăn sông làm đường.

Người dân ốc đảo thôn Đông Bình, xã Duy Vinh (Duy Xuyên, Quảng Nam) đã tự đóng góp tiền của, ngày công ngăn sông làm đường. Chuyện cứ tưởng như đùa, vậy mà với hơn 2.000 ngày công, 10.000 cây tre, đắp hơn 12.000 m3 cát, người dân Đông Bình đã lấp một khúc sông sâu 2 - 5 m, dài gần 300 m.

NGĂN SÔNG LÀM ĐƯỜNG

Mới sáng sớm, cụ Mai Xuân Văn (75 tuổi, thôn Đông Bình) đã có mặt ở con đường vừa mới làm xong. Cụ ra đây để kiểm tra xem đêm qua trời mưa to có gây sạt lở con đường mới đưa vào sử dụng trước Tết không.

Thấy chúng tôi ghé thăm, cụ Văn vui vẻ hỏi: Các chú vào nhà ai vậy? Tôi bảo: Chúng cháu đi xem con đường người dân vừa làm thôi. Cụ Văn trải lòng: Làm được con đường này là bằng sự đồng lòng của người dân trong thôn, nhà nào nhà nấy đều góp công, góp của. Có ít góp ít, có nhiều góp nhiều.

Làng Đông Bình có 340 hộ, gần 1.500 nhân khẩu. Ngôi làng bị nước bao quanh tứ bề, người dân muốn ra khỏi làng chỉ có cách lụy đò. Cách đây mấy năm, chính quyền có đầu tư làm một cây cầu phao để dân qua lại. Có cầu rồi nhưng mỗi lần đi qua mất 2.000 đồng; tiền mất, người dân không nói gì, đằng này vào mùa mưa người ta kéo cầu phao vào nằm trong bờ đến cả tháng trời cũng không bắc lại, do đó bà con phải đi đò với giá 3.000 đồng/lượt.


Người dân đang đóng cọc ngăn sông làm đường

Đấy là chuyện những ngày không mưa gió, còn những đợt mưa lũ về thì bọn trẻ trong làng đi học gặp muôn vằn khó khăn. Ở làng học sinh cấp 2, cấp 3 phải xuống tận TP. Hội An để học. Việc đến trường, ngoài qua đò ở làng Đông Bình, các em phải lụy đò Cẩm Kim, TP. Hội An.

Chưa dừng lại đó, người dân ốc đảo Đông Bình luôn đối mặt với những câu chuyện thương tâm như có nhiều người bị bệnh nhưng đi lại khó khăn, khi đưa đến bệnh viện đã không qua khỏi; nhiều người phụ nữ đến lúc sinh con đành phải sinh ở nhà nên không ít người mất đi những đứa con của mình. Đặc biệt, nhiều người chết để vài tuần lễ mới đem đi mai táng, tất cả là do không có đường bộ.

Từ những bức xúc trên, người dân trong làng ngồi lại bàn kế hoạch ngăn sông làm đường. Ngày triển khai “dự án”, ông Lê Hoặc (73 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Duy Vinh khóa 1985 - 1990) được bà con trong thôn bầu làm trưởng ban xây dựng công trình và giao trách nhiệm làm một tờ trình để xin chính quyền ngăn sông. Ông Hoặc tự viết tờ trình rồi lên gặp Chủ tịch huyện xin chủ trương làm đường.


Con đường do người dân thôn Đông Bình làm nên

Ông Hoặc cho hay: Việc ngăn sông sẽ ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, để không ảnh hưởng thì phải làm một cây cầu nhưng chú coi đó, với chiều dài gần 300 m, trong khi dân số ít ỏi thì ai mà chịu bỏ cả một núi tiền ra làm cầu cho dân đi. Còn người dân lấy đâu ra tiền nhiều vậy để mà xây.

Trong nhiều cuộc họp người dân đã không ít lần kiến nghị lên các cấp, các ngành nhưng chờ mãi không thấy. Khi dân làng đã bàn và quyết định ngăn sông nhưng cũng phải xin phép xã, huyện.

Bản thiết kế con đường do người dân Đông Bình tự làm. Phương án đóng góp, gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn thì góp 500 ngàn đồng, nhà khá giả 2 triệu đồng và ai nấy đều đồng tình ủng hộ.


Ông Mai Xuân Văn vui mừng khi con đường hoàn thành

Ngày 2/11/2013 (âm lịch), người dân làng Đông Bình từ già đến trẻ bắt tay vào làm đường. Hơn 10.000 cây tre được người dân tập kết bên bờ sông, người khỏe mạnh chèo thuyền, ghe ra giữa sông đóng cọc; người già, phụ nữ ngồi trên bờ chẻ tre đan phên. Chỉ trong vòng một tháng, con đường bắc qua một nhánh sông Thu Bồn dài gần 300 m chính thức được khánh thành.

"Để có con đường dài gần 300 m, rộng 8 m, người dân Đông Bình bỏ ra hơn 2.000 ngày công, 12.000 m3 cát. Số tiền đóng góp của bà con gần 500 triệu đồng. Khi con đường hình thành, UBND huyện kịp thời hỗ trợ 80 tấn xi măng, 250 m3 đá. Tổng chi phí đến nay đã lên đến 800 triệu đồng. Hiện nay, bà con đang nghỉ lấy sức, một thời gian sau tiếp tục đóng góp để làm bờ kè”, ông Hoặc cho biết.

NỐI NHỊP BỜ VUI

Đã 26 năm gieo chữ ở thôn Đông Bình, cô Phan Thị Tình (ở thôn Hà Mỹ, xã Duy Vinh) hằng ngày lụy đò để đến lớp dạy chữ cho bọn trẻ nơi ốc đảo. Nay con đường hoàn thành nối liền làng Đông Bình với Hà Mỹ, cô Tình rất vui mừng.

Ngày người dân ngăn sông làm đường, cô Tình ủng hộ gần nửa tháng lương cho bà con. “Giờ đây mỗi ngày đến trường, tôi không phải mất nhiều thời gian đợi đò. Chuyện chậm giờ lên lớp, học sinh thường nghỉ học vì cô giáo không qua được sông sẽ không còn nữa”, cô Tình vui mừng nói.

Nói về niềm vui từ ngày có con đường, ông Nguyễn Ngọc Phú (70 tuổi) khoe: “Vui lắm chú ơi! Con đường mới đưa vào sử dụng gần 1 tháng mà trong làng sắp có mấy đám cưới với trái gái làng bên rồi. Có đường thuận tiện cho bọn trẻ qua lại tìm hiểu, con em Đông Bình sẽ rước được nhiều dâu hiền, rể mới về cho làng. Ngày xưa trái gái Đông Bình lấy người làng khác hiếm lắm, vì người ta chê người Đông Bình sống biệt lập, rứa mà từ ngày có đường là khác liền”.


Niềm vui của bậc cao niên thôn Đông Bình khi có đường mới

Về Đông Bình bây giờ đừng nói xe máy, xe đạp mà cả ô tô, xe tải… cũng chạy được hết. Người trong làng bị bệnh nặng, xe cấp cứu vào đến tận nhà. Có đường ốc đảo Đông Bình trong nay mai thôi chắc chắn sẽ có được nhiều nhà xây mọc lên, bởi trước đây người dân muốn làm một ngôi nhà cấp bốn thì tốn rất nhiều tiền vận chuyển vật liệu. Còn bây giờ xe chở vào tận nhà, tính ra xây một ngôi nhà tiết kiệm 20 triệu đồng.

Rời Đông Bình, chào mọi người ra về, chúng tôi nhận thấy được niềm vui của người dân khi con đường đưa vào sử dụng nhưng họ còn nhiều điều lo lắng. Bởi mùa lũ sắp tới, trong khi hai bên bờ chưa được kè bê tông thì rất dễ bị dòng nước cuốn phăng.

Họ rất muốn được kè bằng bê tông kiên cố để con đường bền vững nhưng nguồn kinh phí người dân đóng góp đã cạn kiệt. Liệu con đường của lòng dân Đông Bình làm nên có tồn tại sau những trận lũ đi qua đang là một điều đáng lo ngại của người dân nơi đây.

Đông Bình là thôn bãi ngang, nghèo nhất xã Duy Vinh, có 60% người dân sống bằng nghề SX chiếu cói. Theo tính toán của người dân, số tiền đóng góp làm đường còn rẻ hơn so với tiền đi đò hoặc cầu phao, vì tính ra mỗi năm một gia đình ở đây phải tốn từ 4-5 triệu đồng tiền cầu và đò.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm