| Hotline: 0983.970.780

Ngôi nhà bất hạnh

Thứ Sáu 12/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Đến xã Minh Xuân, hỏi về những người có hoàn cảnh khó khăn nhất, thì ngay những đứa trẻ nhỏ cũng nhắc đến gia cảnh đầy nước mắt của bà Hà Thị Tăng, thôn 13, xã Minh Xuân (Lục Yên, Yên Bái).

Theo chân lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lục Yên, cùng lãnh đạo xã Minh Xuân, chúng tôi đến thăm gia đình bà Hà Thị Tăng. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là một ông già đen đúa, ngồi bệt trên nền nhà, miệng lẩm nhẩm điều gì đó, đôi mắt vô hồn lờ đờ đảo đi đảo lại khi thấy khách tới thăm.

Ông Phạm Ngọc Quảng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Xuân, người dẫn đầu đoàn công tác cho hay: Đó là ông Vũ Đức Tiến, chồng bà Tăng, là một đảng viên, năm nay ông hơn 60 tuổi đời và 40 năm tuổi Đảng.

Dừng tay dọn dẹp, bà Tăng ra tiếp chuyện với khách. Bà mở đầu câu chuyện bằng câu nói khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng: “Phải cố mà sống thôi, đời tôi đã quá khổ rồi, giờ chỉ còn biết cố gắng sống được ngày nào thì chăm sóc chồng và các con...”.

Bà tâm sự, sinh ra ở Phú Thọ, theo chồng về xã Minh Xuân, huyện Lục Yên sinh sống và tham gia công tác xã hội. Chồng bà là ông Vũ Đức Tiến từng là bộ đội, rồi làm cán bộ xã Minh Xuân.

Cuộc đời tưởng chừng như mỉm cười với vợ chồng bà khi 4 người con lần lượt chào đời, khỏe mạnh, chăm ngoan. Hai vợ chồng bà tích cực tham gia công tác xã hội và tăng gia sản xuất để có điều kiện nuôi các con ăn học.

Thế nhưng tai họa ập xuống gia đình, khi chồng bà đang khỏe mạnh bỗng nhiên đổ bệnh, mặc dù đã chữa chạy nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi. Từ một trụ cột gia đình ông trở thành một người điên dại, suốt ngày thơ thẩn, lẩm bẩm và chẳng còn biết đến thứ gì đang xảy ra trên đời.

Bà đang công tác trên xã thì bỗng dưng mắt mờ, đau đầu, rồi phải nghỉ công tác để về nhà lao động, chăm sóc chồng. Những lúc khỏe bà đi buôn bán đủ thứ mong sao có tiền lo cho các con.

Như một cơn ác mộng, các con bà cũng lần lượt hóa điên dại. Anh Vũ Anh Văn, sinh năm 1974 đang theo học lớp 10 THPT thì bỗng dưng điên loạn, đập phá nhà cửa, đồ đạc rồi bỏ nhà đi lang thang khắp nơi. Con gái bà là chị Vũ Thị Lý (sinh năm 1978) đang làm y tế thôn bản cũng đổ bệnh, đập phá đồ đạc và cũng thường xuyên đi lang thang.

Người con trai út học xong 12 THPT nhưng giờ cũng chỉ là kẻ ngây dại, ai bảo gì thì làm nấy, suốt ngày bỏ nhà đi lang thang khắp các ngõ ngách. Duy chỉ có 1 người con gái khỏe mạnh nhưng nay đã đi lấy chồng và có gia đình riêng.

Những ngày đầu thương con, bà còn lần mò đi tìm chúng lôi về, nhưng bất chấp sự đau khổ, van xin của người mẹ chúng vẫn cứ “tung hoành” khắp nơi. Nhiều đêm tự nghĩ về cuộc đời mình, bà khóc đến cạn nước mắt, muốn chết đi, nhưng khi nghĩ lại chết đi thì ai chăm chồng và con, bà lại gượng dậy, cố gắng chống đỡ với bệnh tật, tuổi già, nuốt nước mắt sống tiếp.

Đang trò chuyện thì phía trong nhà có tiếng hẵng giọng, một người đàn ông nhếch nhác bước ra và ngồi sát ông Tiến, bà Tăng nghẹn lời: “Đó là thằng Văn, con trai tôi đấy. Chỉ khi ngủ là nó ở nhà thôi, cứ dậy là đi lang thang, làm đủ các trò bẩn thỉu. Mấy đứa nó đi suốt, may mà chồng tôi không đi như chúng”.

Trên chục năm qua, bà đã phải gồng mình để lo cho 4 con người tâm thần, từ tắm giặt, cho ăn, tất cả đều do một mình bà làm. Lúc khỏe bà tranh thủ chợ búa, buôn bán đủ thứ kiếm tiền, giờ sức khỏe đã yếu dần bà chỉ còn biết trông vào tiền trợ cấp theo chế độ dành cho người tâm thần.

Nhà có 5 người thì 4 người được hưởng chế độ tâm thần, đó có lẽ là niềm an ủi lớn nhất và cũng là chính nỗi đau lớn nhất của đời bà.

Ông Phạm Ngọc Quảng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết: “Hoàn cảnh của gia đình bà quá éo le, những năm qua chính quyền địa phương cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ về vật chất và tinh thần. Làm đầy đủ các thủ tục, hồ sơ để gia đình được hưởng mọi chế độ chính sách theo quy định. Hiện gia đình bà có 4 người được hưởng chế độ người khuyết tật, tâm thần”.

Gia cảnh này mong nhận được sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ trên hoặc gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ, ĐT: 07103.835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm