| Hotline: 0983.970.780

Ngôi nhà “kí hiệu”

Thứ Tư 10/02/2010 , 16:25 (GMT+7)

Gia đình ấy có năm thành viên, hai vợ chồng và ba người con. Nhưng kì lạ thay, bao năm qua các thành viên trong gia đình chưa ai từng một lần nói chuyện với nhau, dù chỉ là nửa lời...

Gia đình ấy có năm thành viên, hai vợ chồng và ba người con. Nhưng kì lạ thay, bao năm qua các thành viên trong gia đình chưa ai từng một lần nói chuyện với nhau, dù chỉ là nửa lời. Thay vào đó, ngôn ngữ của họ là ánh mắt, cử chỉ và các hành động khoa chân múa tay giống những diễn viên tuồng, chèo...

Ngôn ngữ đôi tay

Trong cuộc sống hối hả như hiện nay, con người tìm mọi cách để liên lạc, trao đổi, trò chuyện với nhau bằng thư từ, điện thoại, internet... Vậy, đã khi nào chúng ta thử đặt một câu hỏi: Những người câm điếc họ trò chuyện với nhau bằng cách nào? Chính sự tò mò này đã thôi thúc tôi tìm về thôn Du Tư, xã Nam Thanh (Nam Trực - Nam Định) để tìm hiểu cuộc sống của những con người bất hạnh trong một thế giới không lời.

Khi chúng tôi hỏi đường vào nhà ông Nguyễn Văn Chất, bà Đào Thị Huệ, một người hàng xóm nói trong ánh mắt buồn rầu: “Ông ấy mất cách đây được gần một tháng rồi! Để tôi dẫn anh vào, giờ chắc mẹ con bà có ở nhà đấy!”. Bám nhanh theo gót bà lão đi vào con ngõ nhỏ chỉ vừa một chiếc xe máy, hiện ra trước mắt chúng tôi là một nhà cấp bốn sập sệ. Theo lời bà Huệ giới thiệu thì đây chính là nơi cư ngụ của 5 con người câm điếc nhưng nay chỉ còn lại 4 thành viên. Thấy người lạ vào nhà, con chó xích ở đầu hè lồng lộn lên sủa inh ỏi.

Quái lạ, chó cắn dữ vậy mà không thấy ai ra đón khách nhỉ? Như hiểu được ý tôi, bà Huệ phân bua: “Chắc hai mẹ con nó đang ngủ, khổ thế đấy anh ạ! Điếc nên chẳng nghe thấy gì đâu, để tôi vào lay hai mẹ con nó dậy.” Sau một hồi bà Huệ đi vào, theo ra phía sau là hai người phụ nữ, một già một trẻ. Chỉ tay về phía tôi bà Huệ dùng tay múa máy, uyển chuyển như nói một điều gì đó với họ mà tôi không hiểu. Chỉ biết rằng, khi thấy bà Huệ ra kí hiệu như vậy, cô gái trẻ chạy một mạch qua cái ngách mất tăm. Hướng ánh mắt về phía tôi bà Huệ cười giải thích: “Tôi vừa dùng kí hiệu bảo hai mẹ con chúng nó là có hai anh nhà báo muốn viết bài về gia đình bà, sau đó bảo cái Ngọ sang gọi bác trưởng thôn qua đây.”

Quả đúng như vậy, bà Huệ vừa dứt lời thì cô gái có tên Ngọ bước thấp bước cao chạy về, theo sau là ông trưởng thôn Du Tư - Phan Thanh Phụng. Gặp tôi ông Phụng nói không ra hơi: “Tôi đang xây lại cái bờ ao thì thấy cái Ngọ chạy sang. Nó dùng hai tay nắm lại vặn vặn rồi chỉ vào mạng sườn ra kí hiệu là có hai người đi xe máy vào nhà nó, bên hông đeo cái túi xách to lắm. Tôi đoán là có mấy anh cán bộ trên huyện hay tỉnh về nên vội sang đây ngay.”

Chuyện tình ra dấu

Lặng lẽ thắp cho ông Chất nén hương muộn, tôi lui ra ngồi xuống chiếc ghế nhựa cũ kĩ nghe trưởng thôn Phan Thanh Phụng kể câu chuyện tình độc nhất vô nhị ở thôn Du Tư từ xưa đến nay. Ông bảo duyên phận của vợ chồng ông Chất bà Ngời rất tình cờ nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Chả là ngày xưa, từ thời vẫn còn nền kinh tế hợp tác xã, ông Chất sinh ra vốn đã là một người câm điếc, nhưng được cái là cần cù, khỏe mạnh. Mọi công việc cày sâu cuốc bẫm nặng nhọc của hợp tác xã ông đều xung phong nhận làm. Thấy ông hiền lành, chăm chỉ dân làng thương cảm nên cũng muốn ướm cho ông một đám.

Nhưng chỉ cần nghe thấy tên cái anh chàng Chất câm điếc là cô gái nào trong làng cũng nhảy dựng lên từ chối. Thế rồi tình cờ một lần gánh mạ cho vụ đông xuân, ông Chất quen được bà Ngời khi đó đang lom khom cấy dưới ruộng. Bà Ngời là cô gái ngoan ngoãn, xinh xắn, chỉ vì câm điếc bẩm sinh nên vẫn một mình một bóng. Không biết có phải duyên trời sắp đặt từ trước hay không mà từ khi gặp mặt, hai con người ấy cứ quấn quýt bên nhau. Hàng ngày, sau tiếng kẻng báo hiệu hết giờ làm, bà con lại thấy đôi uyên ương ngồi tâm sự với nhau dưới gốc đa đầu làng.

Khoảng một tháng sau, trong giờ nghỉ trưa, bà Ngời ngồi “trò chuyện” với mấy chị em cùng làng còn ông Chất ngồi rít thuốc lào với mấy cánh đàn ông cách đó không xa. Không biết do ai xúi bẩy hay ma xui, quỷ khiến thế nào mà ông Chất chạy một mạch sang chỗ bà Ngời dùng tay múa máy một thôi, một hồi. Hình ảnh đáng nhớ nhất là việc ông Chất cầm tay bà Ngời đặt vào ngực mình, dân làng hôm đó được một phen cười vỡ bụng bởi hành động ngây ngô đó, nhưng khi nhìn sang bà Ngời, những dòng nước mắt đã lăn dài trên má. Cảm động trước tình yêu của hai mảnh đời khiếm khuyết, gia đình, làng xóm đã tác hợp cho họ.

Một đám cưới đạm bạc với mâm cơm và vài chén rượu nhạt được cử hành trong niềm vui lẫn nỗi lo của gia đình, xóm làng. Thế rồi họ cũng dọn ra ở riêng trong hoàn cảnh “một túp lều tranh hai trái tim vàng” như bao cặp vợ chồng khác. Hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ, người bình thường ngày kiếm hai bữa ăn còn khó huống chi là đôi vợ chồng tật nguyền ấy. Vậy mà từ khi hai con người thiệt thòi đó về góp gạo thổi cơm chung, chưa bao giờ thấy họ giận dỗi, đánh lộn với nhau dù chỉ một lần, mà ngược lại họ luôn sống rất êm đềm hạnh phúc.

Những nỗi đau không lời

Năm 1970, ở với nhau đầy một năm trời, niềm vui đến với đôi vợ chồng tỏ tình bằng tay ấy. Đứa con đầu lòng tên Hải cất tiếng khóc chào đời mang theo bao hi vọng không chỉ với họ mà cả người dân thôn Du Tư. Sau một năm, hai năm, ba năm... hồi hộp chờ đợi, con gái đầu cua họ vẫn không thể cất lên một tiếng kêu ú...ớ... mà cô bé luôn lặng câm trong nỗi buồn tê tái của gia đình. Hai đứa con tiếp theo là Nguyễn Thị Ngọ (1975) và Nguyễn Văn Dân (1985) tiếp tục được sinh ra với niềm tin nhỏ nhoi, chúng sẽ không bị căn bệnh câm điếc từ bố mẹ di truyền sang. Vậy mà cuối cùng, chúng vẫn trở thành những đứa trẻ có lớn mà không có lời. Nhưng chính lúc khó khăn, trở ngại ấy, hai con người khiếm khuyết đã biết dựa vào nhau để sống và nuôi dạy con cái nên người.

Những đứa con của họ mỗi ngày một lớn đồng nghĩa với việc gánh nặng cơm áo mỗi ngày một tăng lên. Hàng ngày, ông Chất lặn lội khắp nơi làm thuê, làm mướn, chỗ nào bẩn nhất cánh đồng ông đều có mặt kiếm cá nuôi con. Ông Phụng cho biết, trước đây ông Chất còn sống đi làm còn có được bữa rau bữa cháo. Từ ngày ông mất, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh lao đao cùng quẫn. Bà Ngời giờ đã không còn khả năng lao động, các con bà câm điếc nên đi đâu chẳng ai người ta nhận vào làm.

Nguồn sống duy nhất của gia đình phải nhờ vào sự giúp đỡ của bà con lối xóm cùng những đồng tiền trợ cấp ít ỏi mỗi tháng người ta mang hộ đến tận nhà. Đã vậy, Hải lại còn bị một kẻ vô lương tâm lừa gạt sinh ra một đứa trẻ. Nhưng do hoàn cảnh không thể làm khác được nên gia đình bà Ngời đành phải cho đứa bé đi trong nước mắt giàn giụa của người mẹ bất hạnh. Không biết có phải do bản năng làm mẹ hay không mà từ ngày mất con Hải thường ngồi ủ rũ một mình trong nhà không làm được việc gì. Đáng buồn và lo lắng hơn, niềm hi vọng duy nhất là cậu con trai thứ ba tên Dân, tuy có sức khỏe nhưng không chịu làm ăn mà tối ngày lêu lổng. Nhiều lần lang thang ngoài đường, Dân suýt bị xe đâm vì không nghe thấy tiếng còi. Nhưng vẫn chứng nào tật ấy, lâu lâu cậu lại về nhà đánh đập mẹ và chị gái thậm tệ để đòi tiền đi chơi, trong khi đó nhà không có nổi một hạt cơm để mà ăn.

Chúng tôi chuẩn bị ra về đúng lúc Ngọ dọn mâm cơm, nhưng thực chất chỉ là một nồi rau bắp cải luộc lõng võng nước ăn cho qua bữa. Tôi ra kí hiệu hỏi sao không nấu cơm mà ăn, ăn rau không như thế này sống sao nổi. Ngọ ngân ngấn nước mắt chỉ tay về phía chum gạo đã không còn một hạt rồi ra kí hiệu một lúc lâu. Đến lúc này thì tôi chua xót hiểu được ý của cô muốn nói rằng: “Nhà em hết gạo từ lâu lắm rồi, may có hàng xóm cho cái bắp cải còn có cái mà ăn chứ không thì nhịn đói. Có mấy trăm nghìn để đong gạo hôm qua thằng Dân về đánh ba mẹ con lấy đem đi hết rồi.” Chén nước ông Phụng mời, tôi thấy đắng ngắt nơi cuống họng...

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất