| Hotline: 0983.970.780

Ngôi sao lặng thầm trên đỉnh núi

Thứ Hai 12/06/2017 , 14:44 (GMT+7)

Hình dáng gầy guộc, trông có phần lam lũ nhưng từng ngày từng ngày cô  Nguyễn Thị Thanh Minh âm thầm gieo những mầm xanh trên mảnh đất đầy đá và gian nan...

Tổ chấy, xà phòng và một tấm lòng

Con đường đầy khó khăn đưa tôi đến với phân hiệu Sảng Pả của Trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải (huyện Bảo Thắng, Lào Cai). Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh trìu mến nhìn lũ trẻ, trầm tư kể lại câu chuyện: Nhà các cháu ở xa lắm, tít trên đỉnh núi Sảng Pả, đường đi lại khó khăn, phải đi bộ gần hai tiếng mới tới nơi. Trong 4 cháu thì có 2 chị em ruột là Cư Thị Chứ (2 tuổi), Cư Thị Gió (4 tuổi); còn 2 cháu khác là Cư Seo Mùi (4 tuổi), Cư Văn Hải (4 tuổi).

114151112
2141511130
Cô giáo Minh chăm sóc 4 em nhỏ người Mông

Trước tết Nguyên đán 2017, ở Sảng Pả trên, chỉ có 2 cháu mầm non 5 tuổi đi học nhờ ở điểm trường tiểu học, còn 4 cháu vẫn chưa được học mầm non. Khi có chủ trương xóa phân hiệu này để đưa toàn bộ học sinh về phân hiệu dưới học tập, tôi phải nhiều động viên rất nhiều, bố mẹ các cháu mới đồng ý cho con xuống núi đi học. Nhưng phân hiệu Mầm non Sảng Pả không có phòng ở cho các cháu nên các gia đình phải tất bật tìm chỗ gửi con.

Nhìn cảnh lũ trẻ nheo nhóc khổ quá, tôi nói muốn đón các cháu về nhà mình ở, bố mẹ các cháu rất phấn khởi bảo có cô giáo rồi thì không phải lo gì nữa nên gửi con ở lại để về trồng ngô, cuối tuần mới xuống đón con về nhà. Lúc đầu chỉ có 2 chị em là Chứ và Gió thôi, mấy tuần sau cháu Mùi, cháu Hải mới được bố mẹ đưa xuống nhưng thường xuyên nghỉ học vì ở nhờ nhà người dân, không có ai đưa đón. Thương các cháu quá, tôi nói chuyện với bố mẹ cháu để đón cháu về nhà mình.

Cháu Cư Thị Chứ nhỏ tuổi nhất, tóc vàng hoe, khi đến với cô Minh còn cả tổ chấy trên đầu, trứng chấy dày như hạt kê, giờ thì sạch sẽ lắm rồi, không ngứa ngáy, khó chịu nữa. Nhớ lần đầu tiên lũ trẻ được tắm gội bằng xà phòng thơm, đứa nào cũng lạ, cũng sợ, tắm xong rồi được mặc áo mới thì thích chí nhìn nhau cười khúc khích…

Khi mới về đây, cháu nào mặt mũi cũng nhem nhuốc, quần áo không đủ mặc, đầu tóc thì bù xù vì bố mẹ bận làm nương ít quan tâm đến. Giờ thì cháu nào cũng tăng được 1-2 kg rồi, nhìn sáng sủa ra nhiều lắm. Vui nhất là các cháu rất ngoan, tới bữa cơm đều biết mời cô ăn cơm, tự cầm bát xúc cơm ăn, gặp người lạ đều biết chào hỏi bằng tiếng phổ thông.
 

Số vất vả

Trước khi đến gặp cô giáo Minh, tôi đã có cuộc trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải. Cô Hà cho biết, cô giáo Minh có hoàn cảnh riêng éo le, vất vả nhưng hiếm thấy ai yêu nghề, mến trẻ, tận tụy chăm lo cho học sinh như cô Minh.

Đến nay, cô Minh đã có gần 30 năm làm giáo viên mầm non ở thị trấn Phong Hải, trong đó 5 năm gần đây tuy tuổi đã cao nhưng cô vẫn tình nguyện công tác ở các điểm trường vùng cao của Phong Hải như phân hiệu Sín Thèn, Sảng Pả.

Năm 2010, chồng cô Minh bị tai biến mạch máu não qua đời, cô vừa công tác ở vùng cao, vừa một mình tần tảo nuôi hai con học đại học. Giờ đây, con gái cả của cô đã đi làm ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và đã lấy chồng, còn con trai cô mới tốt nghiệp Trường Đại học Điện lực Hà Nội nhưng chưa xin được việc làm, lên thành phố làm thuê, thì cô sống một mình trong căn nhà nhỏ tại thị trấn Phong Hải.

3141511262
Lớp học mầm non của cô giáo Minh ở Phân hiệu Sảng Pả

Người ta bảo số cô Minh vất vả, vì lúc nào cũng thấy cô tất bật, lo lắng đủ thứ công việc, từ việc nhà đến việc cơ quan. Mà việc gì cô làm cũng nhanh, cứ thoăn thoắt. Đường lên Sảng Pả trên khó đi là vậy nhưng có tháng, cô Minh lên Sảng Pả tới 3 - 4 lần để vận động học sinh đi học. Nhờ có sự kiên trì thuyết phục của cô Minh, mà các hộ đồng bào Mông ở trên đỉnh núi mới đồng ý cho con xuống phân hiệu dưới học tập.

Việc cô giáo Minh tự nguyện nhận nuôi 4 học sinh mầm non ở Sảng Pả trên khiến ai cũng cảm phục tấm lòng của cô, nhưng cũng ái ngại, lo cho cuộc sống của cô sẽ thêm nhiều vất vả. Về phía nhà trường cũng đã kêu gọi giáo viên và các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ gạo, quần áo và một số nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ các em học sinh có cuộc sống tốt hơn.
 

Người hùng vô danh

Trở lại với câu chuyện tự nguyện nhận nuôi 4 em nhỏ người Mông ở Sảng Pả trên, buổi sáng cô Minh thường dậy từ lúc gà chưa gáy để chuẩn bị nấu cơm cho lũ trẻ ăn. Sau đó, trên chiếc xe Dream cũ kỹ, cô Minh làm tài xế, chở 4 con vượt chặng đường 6 km để đến phân hiệu Mầm non Sảng Pả. Đêm nào cũng vậy, trên chiếc giường nhỏ, 4 con nằm ngủ phía trên, còn cô nằm ngang dưới chân chúng ở cuối giường.

“Không phải nhà thiếu giường, mà tôi không yên tâm để các con ngủ một mình nên ngủ cùng để đêm rét còn đắp chăn ấm cho lũ trẻ, dỗ dành các con khi con nào giật mình quấy khóc”, cô Minh tâm sự.

Có một kỷ niệm mà cô Minh nhớ mãi đó là vào một đêm mùa đông rét mướt khi lũ trẻ đã về ở với cô được mấy tuần. Hôm đó, cháu Cư Thị Chứ bị viêm phổi, 2 giờ đêm bị sốt cao, khó thở, tình trạng rất nguy hiểm. Không quản đêm khuya, cô khẩn trương đưa con ra Trạm y tế thị trấn Phong Hải cấp cứu. Đêm ấy, cô Minh nằm cạnh chăm sóc con. Cháu Chứ cứ sốt mê man, còn tè dầm ra ướt đầm áo cô Minh…

5141511642
Cô giáo Minh tắm cho các con hàng ngày

Sáng sớm hôm sau, vợ chồng anh Cư Seo Hảng, chị Ly Thị Dậu từ trên Sảng Pả xuống chăm con ốm. Anh Hảng bảo hai vợ chồng lấy nhau đã lâu, nay đã có 5 con, nhưng chưa đăng ký kết hôn, anh cũng không có giấy chứng minh thư nhân dân. Cháu Chứ là con út đã 2 tuổi nhưng chưa được khai sinh, không có thẻ bảo hiểm y tế.

Vợ chồng anh Hảng nghèo, không có tiền cho con chữa bệnh nên định mang con về nhà. Cô Minh lo cho tính mạng cháu nhỏ nên đã hết sức khuyên can. Những ngày sau đó, cô Minh lặn lội lấy xe máy đưa hai vợ chồng anh Hảng vượt hàng chục km ra huyện Bảo Thắng chụp ảnh, làm chứng minh thư nhân dân, rồi về UBND thị trấn Phong Hải đăng ký kết hôn, làm thủ tục đăng ký khai sinh và làm thẻ bảo hiểm y tế cho cháu Chứ. Một tuần sau đó cháu Chứ đã khỏi ốm và được về nhà. Anh Hảng rưng rưng xúc động nghẹn ngào nói lời cảm ơn cô Minh, người mẹ nuôi tận tụy của hai đứa con mình.

Khi dạy học ở phân hiệu Sín Thèn và phân hiệu Sảng Pả, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh đã có những việc làm vô cùng ý nghĩa đó là rà soát và hướng dẫn bà con trong thôn xuống xã làm thủ tục đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 30 trẻ em người Mông. Riêng ở thôn Sín Thèn, nhờ sự tận tình giúp đỡ của cô giáo Minh, mà có 22 trẻ người Mông đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

814151267
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh

Chia sẻ về chuyện này, cô Minh bảo ở các thôn xa xôi, đồng bào vùng cao nhiều người không biết chữ, giao tiếp còn hạn chế nên rất ngại đi ra xã làm các loại giấy tờ nếu mình không giúp họ thì lũ trẻ không có thẻ bảo hiểm y tế, khi ốm đau phải mua thuốc rất tốn kém.

Còn bà con Sín Thèn, Sảng Pả ai cũng nói dù có được cho cho thật nhiều tiền cũng không thích bằng được cô giáo Minh giúp làm thẻ bảo hiểm y tế cho các con.

Cô Minh còn thường xuyên vận động quyên góp quần áo, giầy dép, chăn ấm mang lên núi cho học sinh nghèo. Trong cái cặp sách cũ của cô, ngoài sách vở, lúc nào cũng có cuộn chỉ, cái kim để khâu vá quần áo cho các em nhỏ. Tuy không có tiền cho bà con, nhưng đó là việc cô có thể làm để giúp người dân và lũ trẻ con nhà nghèo trên những đỉnh núi cao này.

Khi viết bài này, điều khiến tôi rất bất ngờ là nhận được từ cô giáo Minh 8 trang giấy viết tay đầy xúc động chia sẻ về những tâm sự cuộc đời và công việc. Câu chuyện của cô giáo Minh cứ khiến tôi suy nghĩ mãi về những giá trị và lòng tốt ở trên đời, về những vì sao vẫn lấp lánh mãi ở phía đỉnh núi xa.

Cô Minh bảo sinh thời Bác Hồ vẫn dạy “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất”, “Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Đó cũng là động lực để cô không ngại khó, ngại khổ, vượt qua khó khăn, đem tình yêu thương đến với học sinh nghèo.

 

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng
    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên
    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín
    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển
    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'
    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

  • Những 'bông hồng' trên mâm pháo
    Phóng sự 08/03/2024 - 06:30

    Đó là những nữ dân quân trẻ tuổi thuộc Đại đội pháo phòng không 37 ly ở Đồng Hới, Quảng Bình. Bất kể trong điều kiện thời tiết nào, họ vẫn hăng say luyện tập…

  • Thu hoạch tiêu, nghề nguy hiểm
    Phóng sự 06/03/2024 - 06:33

    Nghề hái tiêu nhìn bên ngoài có thể dễ dàng nhưng công việc luôn đứng trên thang cao, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đây được xem là nghề nguy hiểm.

  • Gã họa sĩ lập dị móng tay dài cả mét
    Phóng sự 05/03/2024 - 09:08

    Sau hơn 30 năm nuôi móng tay, ông Huyền không thể tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày nhưng lại là họa sỹ nổi tiếng vùng biển.

  • Độc đáo chuyện học trên đảo Hòn Chuối
    Phóng sự 04/03/2024 - 06:54

    Ngày mới tập làm quen với con chữ, học sinh của 'lớp học tình thương’ trên đảo Hòn Chuối được người thầy mặc áo lính tập trung dạy làm người, hình thành nhân cách…

  • Chuyện ông 'Thìn rồng' ở đền Đô
    Phóng sự 02/03/2024 - 06:00

    Về Từ Sơn, hỏi chuyện 'ông Thìn rồng', đứa trẻ lên 6 cũng tỏ tường bởi ông là người may mắn hai lần ghi được khoảnh khắc đám mây hình rồng trên đỉnh đền Đô.

  • Ngày hội của những chàng trai
    Phóng sự 01/03/2024 - 06:00

    Mới ngày nào, họ còn là những học sinh, sinh viên, hay lao động tự do, nay đã chỉnh tề trong bộ quân phục màu xanh, chuẩn bị lên đường làm nghĩa vụ quân nhân.

  • Nổi nênh nghề rọ tôm trên hồ Thác Bà
    Phóng sự 26/02/2024 - 10:05

    YÊN BÁI Nghề đan rọ tôm có lúc mai một bởi xuất hiện công nghệ đánh bắt hiện đại, nguồn tôm cá ít dần theo thời gian, nhưng bà con vẫn cần mẫn thủy chung với nghề.

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Nhịp sống miền Tây giữa đỉnh điểm hạn mặn: [Bài 4] Cống thủy lợi chở che những cánh đồng

Mặn bủa vây cả hướng biển Đông và biển Tây, nhưng nhờ có hệ thống công trình thủy lợi điều tiết, đến nay,xâm nhập mặn chưa gây ảnh hưởng sản xuất cho Hậu Giang.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.