| Hotline: 0983.970.780

Ngọn đèn trên đỉnh núi cao

Thứ Hai 17/05/2010 , 19:10 (GMT+7)

Hơn ba mươi năm trước, thầy Hà Công Văn tình nguyện lên dạy chữ cho hàng vạn người Vân Kiều, Pa Cô ở Quảng Trị biết được cái chữ của Bác Hồ. Thầy đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Hơn ba mươi năm trước, thầy Hà Công Văn tình nguyện lên dạy chữ cho hàng vạn người Vân Kiều, Pa Cô ở Quảng Trị biết được cái chữ của Bác Hồ. Thầy Hà Công Văn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Ngôi nhà sàn lợp bằng lá rừng của thầy giáo - Anh hùng Lao động Hà Công Văn nằm ở xã Húc Nghì vừa được làm lại sau khi bị cơn lũ quét cuối năm 2009 cuốn trôi. Thầy Hà Công Văn kể, hồi mới lên huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị dạy chữ, muỗi rừng, sốt rét, đói khổ đã khiến hai người đồng nghiệp của anh trở về đồng bằng.

Đêm đi dạy, ngày làm rẫy

Ngồi kể lại chuyện cũ, người dân sống giữa đại ngàn Trường Sơn vẫn còn nhớ hình ảnh ngày đầu tiên thầy Hà Công Văn mới ra trường.

Năm ấy 1977, thầy Văn tròn hai mươi tuổi, nước da trắng ngần như con gái. Sau khi tốt nghiệp trường Trung học Sư phạm Quảng Bình, thầy tình nguyện đến dạy học ở xã Tà Long, rẻo cao của tỉnh Quảng Trị. Ngày đó, Tà Long là nơi hết sức lạc hậu, bà con hầu hết đều mù chữ. Cầm quyết định trên tay, sau hơn ba ngày đi bộ, thầy Hà Công Văn mới đến được xã Tà Long. Dân bản rất đỗi ngạc nhiên trước vị khách này. Thầy Văn giải thích mãi, cuối cùng bà con mới hiểu, đó là người của Bác Hồ, có nhiệm vụ mang cái chữ của Bác lên dạy cho dân làng biết đọc, biết viết để mau thoát đói nghèo. 

Thầy Văn vào rừng kiếm măng về làm thức ăn cho học sinh nghèo nội trú

Khi mới đặt chân đến Tà Long, thầy gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, thầy Văn là người Kinh duy nhất ở xứ sở này. Muốn hoà nhập được với bà con, thầy đã hoá thân trở thành người miền núi, cùng ăn, cùng ở với dân bản,phải học tiếng Vân Kiều, Pa Cô để thuyết phục bà con nghe theo mình. Thầy quyết định bắt tay ngay vào công việc. Ban ngày bày họ cách trồng lúa nước, trồng rau, thâm canh hoa màu... Đêm về, thắp đuốc lội suối đến từng nhà vận động bà con cho con em mình đi học, nhưng may mắn lắm cũng chỉ có được một vài em. Không có nơi học hành, thầy cùng bà con chặt tre nứa làm trường. Giữa đại ngàn Trường Sơn sau bao nhiêu năm chiến tranh, lần ấy có được một lớp học 42 học sinh ca hát rộn vang cả núi rừng.

Mô hình trường nội trú dân nuôi

Mười lăm năm sau, năm 1987, thầy Văn lại được điều vào công tác ở một nơi xa hơn, đó là xã Húc Nghì. Đường vào xã Húc Nghì có nhiều đèo dốc hiểm trở. Quanh năm mây ngàn che kín các đỉnh núi với một màu lam trắng. Nhiều học sinh của thầy Văn phải đi bộ qua những ngọn núi cao mới đến được lớp học. Thương các em nhỏ, thầy đã sáng tạo ra mô hình trường nội trú vùng cao bằng cách vận động bà con kiếm gỗ rừng làm trường học. Có trường, thầy vào tận các bản xa xôi tìm những em có hoàn cảnh khó khăn đưa ra nuôi ăn học.

Như đêm tối gặp đèn, nhiều người đã gùi gạo, cõng con đến trường giao hẳn cho thầy. Lúc ấy thầy Văn vừa là thầy, vừa là anh, là cha của các em. Mỗi ngày học một buổi, buổi còn lại thầy trò ra rẫy tự sản xuất lương thực. Những em lớn cùng thầy chăn nuôi, trồng lúa; các em nhỏ trồng rau, xuống suối bắt cá... bằng đồng lương ít ỏi của mình thầy Văn dành dụm về đồng bằng mua sách vở, bút mực lên trang bị cho các em có học… 

Thầy Văn với học trò nội trú ở trường Húc Nghì

Năm năm ở Húc Nghì, thầy Văn đã tự sản xuất, nuôi dạy 47 học sinh theo học hết cấp một. Lúc ấy ở miền núi Quảng Trị chưa có trường trung học cơ sở, học sinh của thầy Văn học xong tiểu học phải ở nhà, muốn học lên nữa cũng không có lớp. Sau nhiều lần suy nghĩ, thầy quyết định mở lớp "nhô" đầu tiên cho toàn bộ khu vực (học sinh học xong lớp 5 được tiếp tục học lên lớp 6 ngay tại trường tiểu học). Một số giáo viên tự nguyện đứng ra dạy học. Lớp 6 “nhô” đầu tiên của trường chỉ có 20 học sinh. Từ lớp học đầu tiên manh nha đó, đến bây giờ đã có hàng trăm em theo học các lớp 7,8 và 9 , ăn ở nội trú quanh năm tại trường.

Nhờ sự kiên trì vận động của thầy, ngoài việc dạy học các cấp, thầy đã giúp xoá mù chữ cho bà con hàng chục xã vùng cao Quảng Trị biết đọc, biết viết cái chữ Bác Hồ. Nhiều học sinh của thầy văn giờ đã trở thành cán bộ cốt cán của địa phương. Bây giờ hàng ngày thầy Văn phải lao động kiếm thêm lương thực để nuôi 34 học sinh nghèo là con em dân tộc Văn Kiều, Pa Cô đang được thầy nuôi ăn ở, học hành nội trú tại trường...

Hơn 30 năm sống giữa rừng nuôi dạy học trò, nhiều lúc người ta nghi ngờ lòng tốt của thầy, bởi vì trước đó chưa có ai dám hy sinh cả tuổi thanh xuân, gia đình của mình. Bỏ qua tất cả, thầy Văn chỉ quan tâm: "Còn rất nhiều học trò nghèo khổ muốn học được cái chữ của Bác Hồ, mình phải dạy học để nhiều con em dân tộc Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác vượt qua được đói nghèo, tăm tối".

Bây giờ thầy đang giữ trọng trách là hiệu trưởng trường vùng cao xã Húc Nghì, huyện Đakrông. Ngôi trường cho các em học đã được Nhà nước xây dựng khang trang hơn. Song chừng đó cũng chưa đủ để bù đắp được nỗi vất vả nhọc nhằn.

Tài sản quý giá nhất của thầy Hà Công Văn đó là hàng ngàn người Vân Kiều, Pa Cô trên rẻo cao Trường Sơn được học cái chữ của Bác Hồ để bà con có thêm điều kiện vươn lên hoà nhập với các dân tộc anh em.

Về thầy giáo - Anh hùng Lao động Hà Công Văn, ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng: “Trong thời đại ngày nay cần có rất nhiều điển hình như thầy giáo - Anh hùng Lao động Hà Công Văn. Thầy Văn như một ngọn đèn trên đỉnh núi cao”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.