| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân “trông gió, ngó cát”

Thứ Sáu 05/08/2011 , 08:46 (GMT+7)

Chỉ biết “ăn không ngồi rồi” do không có đất sản xuất, cơ sở hạ tầng “thiếu đầu hụt đuôi”, con em không có trường mầm non học tập. Đó là thực trạng của các hộ dân về khu tái định cư xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế.

Ông Lê Công Yêm cho bên cạnh bao thóc ít ỏi từ diện tích bốn sào ruộng, đây là diện tích đất sản xuất duy nhất của gia đình ông

Chỉ biết “ăn không ngồi rồi” do không có đất sản xuất, cơ sở hạ tầng “thiếu đầu hụt đuôi”, con em không có trường mầm non học tập. Đó là thực trạng của các hộ dân về khu tái định cư xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế.

Xóm ăn không ngồi rồi

Có một điều kì lạ khi đặt chân đến khu tái cư xã Lộc Vĩnh là trông diện mạo bên ngoài ai cũng nghĩ rằng đời sống của người dân đổi thay, khấm khá hơn nhiều. Tuy nhiên, trái với vẻ ngoài hào nhoáng đó, cuộc sống của người dân ở đây rất bi đát.

Không khó để tiếp cận các hộ dân bởi nhà nào cũng đông đúc suốt ngày do “không biết làm gì”. Chúng tôi ghé vào ngôi nhà khang trang của ông Lê Công Yêm (SN 1958) khi ông Yêm đang vật vờ ngồi hút thuốc và nhìn xa xăm về đồi cát trước nhà. Chưa kịp hỏi, ông Yêm vội thanh minh: “Nhà cửa ở đây khang trang vậy nhưng nhà nào cũng khó khăn cả chú ơi, không biết làm chi ra tiền”.

Với vẻ mặt não nề, người đàn ông này kể về cảnh ngộ gia đình: “Nhà tui từ thôn Cảnh Dương di dời về đây theo diện giải tỏa phục vụ xây dựng công trình tuyến đường thuộc khu phi thuế quan đã bốn năm nay. Về đây thì thoáng mát, tiện đường giao thông hơn nhiều, chỉ khổ nỗi là không biết làm gì để mà ăn, nuôi con lợn con gà cũng không có chỗ”. Ông cho hay, gia đình được bồi thường tổng số tiền gần 500 triệu đồng nhưng giờ “không còn đồng nào”. Tiền mua đất mới là 26 triệu đồng/lô, mất thêm hơn hai trăm triệu để xây nhà. "Ăn dần ăn mòn giờ không còn đồng nào chú ơi, bảy miệng ăn chỉ biết trông chờ vào bốn sào ruộng nước” - ông Yêm bộc bạch. 

Chỉ cho chúng tôi những dụng cụ đi biển ở góc nhà, vợ ông Yêm cho hay trước đây phần lớn ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ, nhưng nay do chuyển về nơi ở mới nên phải bỏ nghề do khoảng cách ra biển quá xa. Bà Bùi Thị Thông, vợ ông Yêm nói thêm: “Ăn rồi chỉ biết ngồi không thế này chứ làm chi mô chú. Muốn nuôi con lợn, con vịt cũng không có chỗ nuôi, nắng nóng chúng bỏng chân chết cả. Muốn ăn củ khoai củ sắn phải bỏ tiền ra chợ mua về”, bà đưa tay phủi phủi những hạt cát theo gió bám lên tay.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh Trần Chiến và chị Trần Thị Nở có cơ ngơi khá khang trang nhưng như lời anh chị nói thì “nhận tiền đền bù hơn 150 triệu, xây nhà xong chỉ còn mấy triệu để ăn, bây giờ ai thuê gì làm đó kiếm sống qua bữa, cả năm không dành dụm được đồng nào”. Anh Chiến tỏ ra nuối tiếc: “Ở làng cũ (xóm Liên Gia 10, thôn Bình An 2) tuy đi lại khó khăn nhưng nuôi được con lợn, trồng được củ khoai. Mỗi năm đi biển cũng dư thừa chút đỉnh lo cho con cái học hành. Từ ngày lên đây cả nhà ăn chơi, thuyền bè lâu ngày không dùng đành bán rẻ”.

Cụ Võ Thị Bê 72 tuổi thấy có người lạ cũng sang góp chuyện. Cụ kể gia đình có 9 khẩu, sau khi nhận tiền đền bù hơn 400 triệu để nhường đất xây dựng cảng biển, cụ phải tằn tiện chi tiêu mua thêm lô đất cho đứa con cả lập gia đình. Xây nhà mới xong khoản tiền 400 triệu chỉ còn vỏn vẹn hơn 10 triệu đồng. Không có việc làm, 7 đứa con cụ vốn quen nghề biển phải tha phương vào Nam kiếm sống. Bế đứa cháu nội chưa đầy 2 tuổi trên tay, cụ rầu rĩ: “Bố nó đi Nam, mẹ nó đi làm thuê trên thị trấn, tối mới về. Dân làng chúng tôi quen với nghề biển bao đời, bây giờ bỏ thuyền, bỏ lưới không biết lấy chi mà ăn”.

Hạ tầng thiếu trước hụt sau

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu tái định cư Lộc Vĩnh hiện không có trường mầm non, chợ búa mặc dù trước đó theo quy hoạch các công trình này có tên trên giấy tờ quy hoạch. Theo phản ánh của người dân, hiện rất nhiều con em đến tuổi mầm non nhưng do không có trường nên các em phải ở nhà cùng bố mẹ.

Chị Nguyễn Thị Hưởng, chuyển đến từ thôn Cù Dù bức xúc: “Cháu nhà tôi đến tuổi học mầm non nhưng phải đi hơn 7km mới có trường nên cháu đành ở nhà do không có ai đưa đón”. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh thừa nhận: “Trong quy hoạch xây dựng khu tái định cư, chủ đầu tư có quy hoạch xây dựng trường tiểu học, trường mầm non, khu chợ và một cảng cá nhỏ nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai làm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa có hồi đáp”.

Ông Bùi Ngọc Ga cho biết trên địa bàn toàn xã hiện có 27 dự án đăng kí đầu tư với tổng quỹ đất lên tới 760 hecta. Để phục vụ các dự án này xã phải thu hồi 170 hecta đất nông nghiệp, trên 1.000 hộ dân phải di dời. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 11/27 dự án được triển khai xây dựng và có tính khả thi.

Ông Bùi Ngọc Ga cũng cho biết thêm dự án xây dựng khu tái định cư Lộc Vĩnh có tổng diện tích 35 hecta, dự kiến có khoảng 35.000 người dân sinh sống, chủ yếu là các hộ dân ở hai xã Lộc Tiến, Lộc Vĩnh di dời phục vụ xây dựng một số dự án như: mở rộng lạch Giang, xây dựng tuyến đường phi thuế quan, mở rộng cảng vụ Chân Mây, xây dựng khu du lịch sinh thái Laguna…..

Về hướng giải quyết khó khăn cho các hộ dân ở khu tái định cư, ông Ga cho hay xã đã kết hợp với Sở LĐ-TB-XH TT- Huế, Trung tâm Xúc tiến việc làm tỉnh mở các lớp đào tạo kĩ thuật chăn nuôi, điện dân dụng và đào tạo nghề phục vụ nhà hàng nhằm giúp người dân có công việc ổn định. Tuy nhiên ông Ga cũng thừa nhận hiệu quả, chất lượng những lớp học này chưa cao: “Chúng tôi đang kiến nghị cấp trên cho phép người dân trong khu tái định cư được phép kinh doanh nhỏ lẻ, phát triển dịch vụ trên đất dự án nhưng chưa triển khai xây dựng với điều kiện khi dự án triển khai các hộ này phải đồng ý tự nguyện tháo dỡ”, ông Ga đề xuất.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất