| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân tự ý hợp đồng đánh bắt hải sản ở Malaysia: Bất hợp pháp!

Thứ Năm 28/01/2010 , 14:45 (GMT+7)

Thời gian qua, một số ngư dân ĐBSCL tự ý hợp đồng phía Malaysia để khai thác hải sản ở nước này. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản khẳng định, hành vi trên là bất hợp pháp và có độ rủi ro cao.

Ảnh minh họa

Thời gian qua, một số ngư dân ĐBSCL tự ý hợp đồng phía Malaysia để khai thác hải sản ở nước này. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KTBVNLTS) khẳng định, hành vi trên là bất hợp pháp và có độ rủi ro cao.

Theo Cục này, hiện Cà Mau có trên 30 tàu cá tập trung chủ yếu tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời tự ý hợp đồng với phía Malaysia theo nhiều hình thức. Một là chủ tàu làm đơn xin ngừng hoạt động khai thác thủy sản tại Việt Nam, đồng thời phôtô các giấy tờ liên quan đến tàu như giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác…và ký vào giấy bán tàu cho một môi giới là người Malaysia. Người môi giới sẽ làm mọi thủ tục cấp phép khai thác của chính quyền Malaysia, sau đó, tàu cá Việt Nam sẽ sang nước này đánh bắt hải sản.

Theo tìm hiểu của Cục KTBVNLTS, thực chất đây không phải là việc bán tàu, mà là “lách luật”, tức là chuyển đổi sở hữu tàu cho ngư dân Malaysia về hình thức, vì chính quyền nước này chỉ cấp phép khai thác cho ngư dân nước họ. Cách thứ hai “cao tay” hơn là chủ tàu vẫn làm đơn xin ngừng hoạt động khai thác có thời hạn tại Việt Nam, làm thủ tục bán tàu về hình thức cho phía Malaysia và có sự chứng thực của Tổng lãnh sự quán nước này tại TPHCM, sau đó mang tàu sang Malaysia đánh bắt cá.

Theo nhiều ngư dân tại Cà Mau, điều kiện để sang Malaysia khai thác là tàu cá phải có trọng tải từ 40- 50 tấn hoạt động tất cả các nghề, trừ nghề câu mực. Phí phải nộp cho người môi giới khi được cấp phép khai thác là 15 nghìn USD, tương đương gần 300 triệu đồng. Ngoài ra hằng tháng, tàu cá còn phải nộp phí cho phía Malaysia khoản tiền tương đương 25 triệu đồng, sản phẩm khai thác được phải bán cho nước này từ 1 – 2 tấn cá/chuyến. Hơn nữa, mỗi chuyến đi biển, mỗi tàu cá được mua của Malaysia từ 20 nghìn đến 28 nghìn lít dầu với giá khoảng 8 nghìn đồng/lít. Như vậy, giá dầu này chỉ bằng 50% so với giá của Việt Nam (Malaysia có chính sách trợ giá dầu cho tàu khai thác hải sản).

Nguồn lợi lớn như vậy nên nhiều ngư dân Việt Nam đâm ham. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã phải chịu hậu quả, đó là 2 trường hợp ngư dân bán tàu cá cho ngư dân Malaysia lập tức bị nước này tịch thu luôn, đồng nghĩa với việc ngư dân Việt Nam mất tàu. Ngoài ra, khi tàu đã có chủ sở hữu là người mang quốc tịch Malaysia thì không thể trở lại Việt Nam. Cũng theo Cục KTBVNLTS, khi đã bán hải sản chất lượng cao cho phía Malaysia, số sản phẩm còn lại mang về nước có chất lượng kém. Việc chuyên chở về nước còn làm mất an ninh trật tự trên biển. Mặt khác, việc tự ý hợp đồng đánh bắt hải sản với phía Malaysia sẽ gây khó khăn cho việc quản lý và giải quyết thủ tục NK tàu cá.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (Cà Mau): “Nếu nhà chức trách Malaysia ngăn chặn không cho tàu mang quốc tịch Malaysia được rời khỏi lãnh hải nước mình thì liệu những tàu của ngư dân Việt Nam “trong vai” tàu nước bạn có về nước được không?”.

Theo ông Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục KTBVNLTS, việc ngư dân Việt Nam tự ý hợp đồng với tổ chức, cá nhân của Malaysia để đưa tàu sang đánh bắt hải sản là bất hợp pháp và không được sự cho phép của cơ quan chức năng Việt Nam. Đây là hình thức “hợp đồng chui” giữa các bên. Ông Vĩnh khuyến cáo: “Trong trường hợp Nhà nước Malaysia phát hiện, tàu cá trên sẽ bị xử phạt, tịch thu hoặc sẽ mất tàu nếu bị đối tác phía Malaysia lừa đảo. Do vậy, các hình thức hợp tác trên có độ rủi ro cao, có thể gây tổn thất về tài sản cho ngư dân Việt Nam nếu xảy ra tranh chấp”.

Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Cục KTBVNLTS kiến nghị, Bộ cần có văn bản đề nghị các tỉnh ĐBSCL cấm ngư dân không được tự ý đưa tàu đi khai thác thuỷ sản ở nước ngoài. Đây cũng là biện pháp ngăn chặn tình trạng đưa tàu cá hoạt động trái phép ở vùng biển các nước.

Xem thêm
Phát triển Tiền Giang với '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh'

TIỀN GIANG Theo Thủ tướng, tinh thần 'ba cùng' là 'cùng lắng nghe, thấu hiểu', 'cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động', 'cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển'.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực

Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

Bình luận mới nhất