| Hotline: 0983.970.780

Ngũ Điền thỏa cơn khát

Thứ Sáu 14/10/2011 , 12:17 (GMT+7)

Nước sạch đã về với ngũ Điền (gồm các xã: Điền Hòa, Điền Lộc, Điền Hương, Điền Môn, Điền Hải) mang theo bao khát vọng ngàn đời của người dân vùng trũng.

Người dân vùng ngũ Điền đã không lo thiếu nước sạch

Chờ đợi bao năm, người dân vùng ngũ Điền (huyện Phong Điền, tỉnh TT- Huế) giờ đây đã quên đi đôi quang gánh oằn trên vai khi đi qua từng trảng cát ven biển, đầm phá hay vét từng giọt nước từ giếng nước khoan bị nhiễm phèn.

Nước sạch đã về với ngũ Điền (gồm các xã: Điền Hòa, Điền Lộc, Điền Hương, Điền Môn, Điền Hải) mang theo bao khát vọng ngàn đời của người dân vùng trũng.

Về vùng Ngũ Điền hôm nay, trên gương mặt người nông dân một đời chân lấm tay bùn giờ tươi vui lên hẳn. Họ vui vì đã bỏ lại trong quá khứ những ngày làm đồng trở về, trong cái nắng bỏng rát của trời miền Trung, khát cháy cổ họng, cầm bát nước váng phèn lên không uổng nổi. Ấy thế mà bao thế hệ người dân vùng trũng Ngũ Điền cũng qua đi sau bao ngày vật vã trên từng trảng cát, thuê máy khoan tìm “nước sạch” sinh hoạt.

Ngồi trò chuyện cùng ông Đặng Hữu Danh, Phó chủ tịch UBND xã Điền Môn, một trong những xã điểm đã hoàn thiện đến 95% mạng lưới nước sạch ở các thôn, ông bảo: “Nếu xét về đầu tư phát triển kinh tế cho xã thì nguồn nước sạch không có hiệu quả rõ ràng nhưng nói về mặt tình cảm thì nguồn nước sạch là ước mơ ngàn đời của bà con vùng thấp trũng Điền Môn. Vui nhất là những người già, bởi họ cứ nghĩ rằng suốt một đời lam lũ trên ruộng đồng, sẽ không có được một ngày “hưởng” một lần tắm dòng nước mát. Giờ đây thì bà con phấn khởi lắm. Nước sạch đã về, không còn phải chịu cái cảnh vừa uống vừa lo bệnh tật như hàng chục năm trước".

Nước sạch ở Điền Môn được triển khai từ những tháng đầu năm 2010, đến tháng 6/2011 thì nguồn nước sạch đã chảy về tận vòi của từng hộ dân. Toàn xã Điền Môn có 822 hộ với 3.826 khẩu thì có đến 95% hộ dân có nước sạch của Cty Xây dựng và Cấp thoát nước TT- Huế đưa về dùng. Chỉ còn chừng 80 hộ dân ở rải rác, xa đường ống chính (khoảng 400- 500m) không thể đưa nước về được, xã đang nghiên cứu phương án giúp bà con.

Toàn xã có 4 thôn, trong đó vào những năm trước những thôn ven đầm phá như thôn 1, 2 Kế Môn là một trong những “điểm khát” ám ảnh với bà con nông dân. Ở những thôn này, hầu hết mỗi hộ gia đình đều phải có giếng khoan, cứ khoan giếng này nhiễm phèn thì tìm giếng khác. Sức người dường như cũng vắt kiệt theo từng giọt nước váng phèn vì thế sản xuất nông nghiệp của bà con cũng trì trệ.

Bà Bùi Thị Thảo, một hộ gia đình ở thôn 1 Kế Môn nhớ lại: “Khi chưa có nước sạch người dân tui khổ trăm bề, nước uống phèn, cứ nấu xong là nổi váng, đóng cặn dày đặc ở đáy xoong. Không uống thì chẳng biết lấy nước ở đâu nên đành phải làm liều. Trẻ nhỏ thì vẫn phải dùng nhưng lại nơm nớp lo nhiễm bệnh. Nghe nói xã bắc nước về, chỉ mấy tháng là thông báo nộp tiền bắt đồng hồ, dẫn nước vào tận nhà. Sống hơn một nửa đời người rồi, giờ tui vui lắm, ở nông thôn mà có điện, nước sạch, đường thênh thang thua chi thành phố chứ".

Tại xã Điền Lộc, nước sạch cũng đang trên hành trình dẫn về với bà con. Gặp chúng tôi, ông Hoàng Trai, Chủ tịch UBND xã Điền Lộc, thông tin: “Hiện toàn xã mới có được nguồn nước sạch cho 320/1.220 hộ dân. Đường ống chính đang dẫn về ở 4 thôn Nhất Đông, Nhì Đông, Nhất Tây, Nhì Tây với khoảng 600 hộ dân. Theo kế hoạch năm 2011, có khoảng 70% số hộ dân trên toàn xã có nước sạch dùng, chỉ còn 2 thôn Mỹ Hòa, Tân Hội với khoảng 230 hộ dân nằm xa trung tâm, chưa triển khai bắc nước trong năm 2011 này được. Nhờ sự nỗ lực của chi nhánh cấp nước Sịa nên ở những vùng là “điểm khát” của xã có nước sớm hơn dự kiến".

Trước đây, khi chưa có nước sạch về, bà con phải đầu tư giếng khoan từ 700 - 800 nghìn đồng/giếng. Nhất là các vùng nhiễm phèn nặng như Giáp Nam, Hòa Xuân đều phải khoan giếng liên tục. Hầu hết mỗi hộ dân ở Điền Lộc đều có giếng khoan nhưng chỉ dùng vài năm đều nhiễm phèn, không dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu được, phải đầu tư giếng mới rất tốn kém.

Theo Cty Xây dựng và Cấp thoát nước TT- Huế trong năm 2012 và các năm tới, sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống cấp nước cho các xã còn lại trên địa bàn tỉnh TT- Huế. Trong đó, phấn đấu từ năm 2015 đến năm 2020, diện bao phủ nước đạt trên 90% trên địa bàn toàn tỉnh.

Chị Dương Thị Hằng, một hộ dân ở thôn Nhất Đông, cho hay: “Tui vừa đi nộp 297 nghìn đồng tiền bắc nước về. Chỉ trong một tuần nữa là có ống phụ dẫn nước vào tận nhà rồi, không còn lo uống nước phèn nữa”. Ông Hoàng Trai cho biết thêm, ngày 13/10 tới Chi nhánh cấp nước Sịa sẽ triển khai lắp đặt đồng hồ, bắc nước về tận nhà cho 50 hộ dân ở thôn Nhất Đông. Chỉ trong thời gian ngắn nữa nước sạch sẽ về với 80% số hộ dân trên toàn xã.

Ông Trương Công Kiệt, Phó Giám đốc Chi nhánh cấp nước Sịa, cho biết: “Tính đến nay, cả vùng ngũ Điền và xã Phong Hải (huyện Phong Điền) đã triển khai xong hệ thống nước ống chính cấp nước về các xã. Chỉ còn lại một số xã như Điền Hòa, Điền Lộc, Phong Hải, đang trong quá trình tiến hành cho lắp đặt đường ống phụ và đồng hồ. Nếu thời tiết thuận lợi, nước sạch sẽ về với bà con trong năm 2011. Đây là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với bà con vùng trũng ngũ Điền, mang theo ước mơ về nguồn nước sạch cho bà ở các địa phương này".

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm