| Hotline: 0983.970.780

Ngũ Kiên chạm đích NTM

Thứ Hai 02/12/2013 , 10:20 (GMT+7)

Là một trong 20 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Vĩnh Phúc, cuối tháng 11/2013, Ngũ Kiên (huyện Vĩnh Tường) đã báo cáo hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM.

Là một trong 20 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Vĩnh Phúc, cuối tháng 11/2013, Ngũ Kiên (huyện Vĩnh Tường) đã báo cáo hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM.

Quê hương của anh hùng Nguyễn Viết Xuân giờ đây khang trang, sạch đẹp, đường bê tông chạy đến từng nhà. Cuộc sống của người dân đang dần đổi thay, ấm no hơn, hạnh phúc hơn.

Từ tháng 7/2011, Ngũ Kiên bắt đầu triển khai công cuộc xây dựng NTM. Nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân là mục tiêu cốt lõi của công cuộc xây dựng NTM.

Ngũ Kiên là một xã có các loại hình kinh tế tương đối đa dạng từ SXNN đến tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Với diện tích 4,9 km2, đây là nơi sinh sống của 1.830 khẩu với hơn 8000 dân. Ông Trương Quang Quá, Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Kiên, cho biết, dù đa dạng về loại hình kinh tế, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn chủ yếu là SXNN. Tính trung bình, tỉ trọng SXNN chiếm 41% ngành nghề toàn xã.


Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, sạch đẹp

Để nâng cao giá trị từ SXNN, chính quyền xã đã mạnh dạn xây dựng vùng SX hàng hóa cho bà con. Nhiều thửa ruộng được áp dụng SX theo mô hình cá + lúa, đem lại thu nhập tương đối cao cho người dân.

Không chỉ trồng lúa, khoảng 100ha đất SX kém hiệu quả cũng được xã cho người dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Giá trị kinh tế một năm đạt khoảng 100 triệu đồng/ha. Khu trang trại 10ha nuôi lợn, gia cầm của người dân được chính quyền xã bố trí nằm xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Quá, lợi nhuận thu được từ dịch vụ thương mại còn “khủng” hơn SXNN nhiều lần. Trên địa bàn xã có một chợ lại tiếp giáp thị trấn Tứ Trưng (huyện Vĩnh Tường), dịch vụ mua bán, trao đổi hàng hóa ở đây khá sôi động.

Các nghề làm bánh, làm nem được người dân phát huy tối đa, phục vụ nhu cầu của thực khách. Giữa trưa, chúng tôi có mặt tại khu vực chợ Chùa và thị trấn Tứ Trưng, cảnh người mua kẻ bán vẫn vô cùng tấp nấp. Thu nhập bình quân đầu người của xã Ngũ Kiên năm 2012 đạt khoảng 23 triệu đồng/người/năm.

Theo rà soát ban đầu của xã Ngũ Kiên thì đã có 7 tiêu chí đạt chuẩn NTM. Quy hoạch, dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là quá trình khá khó khăn với địa phương khác nhưng Ngũ Kiên thực hiện khá dễ dàng.

“Từ năm 1996, chúng tôi đã tiến hành DĐĐT, tuy nhiên thời đó vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Khi có Chương trình xây dựng NTM, chúng tôi làm quyết liệt hơn. Đến nay, công tác DĐĐT của địa phương đã đạt 100%”, ông Quá cho biết.

Con đường từ thị trấn Tứ Trưng dẫn vào xã Ngũ Kiên uốn lượn, như đường vào khu sinh thái. Gần 20 km đường giao thông nông thôn, nội đồng đều được trải bê tông phẳng lì, rộng thênh thang như sân bay.

Theo quy định thì mỗi Nhà văn hóa thôn đạt chuẩn phải có diện tích tối thiểu là 500m2 nhưng đối với Ngũ Kiên, Nhà văn hóa thôn nào bét nhất cũng phải 800m2 trở lên. Riêng hai thôn Thượng 1 và Thượng 2, do dùng chung nên Nhà văn hóa được xây cất rộng cả nghìn mét vuông.

Ông Lê Công Liên, cán bộ Văn hóa xã, cho chúng tôi đi thăm một vòng hệ thống đường xá, cơ sở vật chất các thôn. Một Nhà văn hóa ở Ngũ Kiên ít nhất cũng có giá xây dựng khoảng 1 tỉ đồng.

“Riêng Nhà văn hóa dùng chung cho hai thôn xây dựng mất khoảng 3,5 tỉ đồng. Trong khuôn viên có hội trường, hai sân bóng, nhà ăn, nhà bếp…”, ông Liên giới thiệu. Nguồn vốn xây dựng, UBND huyện Vĩnh Tường cấp 150 triệu, tỉnh 40 triệu, tiền từ giải phóng mặt bằng 100 triệu. Còn lại là xã cùng người dân góp công, góp của xây dựng.

Nhận thấy được lợi ích của Chương trình xây dựng NTM, người dân xã Ngũ Kiên đã tự nguyện hiến được 13.000 m2 đất. Như nhà bà Phan Thị Huy (thôn Dầu) xin được đóng góp 80 triệu đồng để xây dựng Nhà văn hóa. Số gia đình đóng góp trên dưới 10 triệu đồng cũng tương đối nhiều.

Ông Quá kể, hôm khánh thành Nhà văn hóa, cả làng mở hội liên hoan, anh em con cháu đi xa về dự đóng góp vào, thế là tiền cỗ bàn thôn, xã không phải chi. Khu nhà đa năng, sân khấu ngoài trời của UBND cũng đã hoàn thành.

Mặc dù nằm cách thị trấn không xa nhưng người dân Ngũ Kiên vẫn chưa được sử dụng nguồn nước sạch. Ông Quá cho biết, có khoảng 97% người dân toàn xã được dùng nguồn nước hợp vệ sinh.

“Nguồn nước hợp vệ sinh ở đây là nước mưa, nước giếng khoan nhưng người dân đã xử lí bằng cách lọc cát, mua các loại bình lọc về sử dụng”, ông Quá giải thích. Xã thành lập một đội chuyên đi thu gom rác thải. Sau đó tập trung chôn lấp tại một điểm, dùng các chế phẩm sinh học xử lí. Tuy chưa phải là một biện pháp triệt để nhưng hạn chế rất nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường ở nơi đây.

Không chỉ rác thải, toàn bộ nước thải từ các hộ dân cũng được xử lí bằng chế phẩm sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hai nghĩa trang nhân dân nằm ngoài cánh đồng nay được quy hoạch, có người quản trang theo quy ước nếp sống văn hóa.

Ông Quá cho biết, vừa qua, xã đã báo cáo hoàn thành 19 tiêu chí lên các cấp và đang chờ kiểm tra... Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Xuân, Phó trưởng phòng NN-PTNT Vĩnh Tường, cho hay, Ngũ Kiên là một địa phương có phong trào xây dựng NTM khá mạnh.

“Điểm nổi bật ở Ngũ Kiên chính là việc xây dựng được cơ sở vật chất khang trang, đường giao thông, nội đồng sạch đẹp. Chính quyền xã đã làm tốt công tác dân vận, biết huy động sức dân để làm NTM”, ông Xuân nói.

“Có một điều mà chúng tôi còn đang băn khoăn đó là quy chuẩn nhà ở khu dân cư. Việc này ở nông thôn mà nói là rất khó”, ông Quá chia sẻ.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất