| Hotline: 0983.970.780

Ngửa bài với nàng dâu tương lai

Chủ Nhật 01/10/2017 , 08:30 (GMT+7)

Bố mẹ là công chức nhà nước, lương ba cọc ba đồng nên ngay từ khi còn nhỏ, Duy đã hạ quyết tâm phải học thật giỏi để sau này kiếm được nhiều tiền, chi tiêu thoải mái chứ không phải dè xẻn từng đồng như ông bà.

22-13-08_trng_10-2
Ảnh minh họa

Niềm mơ ước đó đã thành sự thật khi mới ngoài 30 tuổi, Duy đã có một công ty riêng của mình. Công việc làm ăn thuận lợi khiến cậu say mê mà quên hẳn chuyện xây dựng gia đình. Khi đã sang tuổi 35, mẹ Duy tuyên bố, dứt khoát năm nay phải lấy vợ chứ không được chần chừ nữa. Duy đồng ý và hứa sẽ đưa cô gái mà anh ưng ý về nhà ra mắt bố mẹ.

Cô gái Duy chọn tên Vi. Duy nói, Vi sẽ ở chơi mấy ngày. Đó là một cô gái đẹp, cao ráo, vóc dáng mảnh khảnh, ăn nói nhỏ nhẹ. Tối hôm đó, bà Lan hỏi chuyện gia đình Vi. Một cách lễ phép, Vi thưa, nhà cô khá giàu. Bố cô là chủ một cửa hàng điện máy. Mẹ cũng buôn bán phụ giúp bố. Cô là con gái cưng duy nhất của ông bà. Nghe vậy, bà Lan rất ưng ý.

Song, chỉ ngày hôm sau, bà Lan nhận ra là ngoài việc lễ phép, Vi chẳng được điểm nào tốt. Đến nhà bạn trai mà Vi chẳng động chân động tay vào bất cứ việc gì. Cả ngày hầu như ở trong phòng Duy, hết nghe nhạc lại bấm di động, xem tivi…

Cô chỉ xuất hiện vào ba bữa ăn khi trên bàn mâm bát đã đầy đủ và Duy lên “mời”. Không những thế, thỉnh thoảng còn sai thằng con trai bà, khi thì lấy cho em cái khăn lạnh, lúc lại, gọt trái cây cho em đi, hoặc: “Nhà có cam không, pha cho em ly cam vắt…”. Tuy khó chịu nhưng vì Vi là “khách” nên bà Lan không nói gì. Nhưng để gần gũi hơn với con dâu tương lai, thỉnh thoảng bà Lan lên gọi Vi vào bếp, nhờ làm giúp cái này cái kia như vo gạo, lặt rau... Vi vui vẻ theo bà nhưng cô lúng ta lúng túng vì không biết làm.

Thấy thế, Duy “đỡ” hộ: “Ở nhà có người giúp việc nên cô ấy chẳng biết làm gì đâu mẹ ạ! Khi nào về đây, từ từ mẹ dạy Vi nhé!”. Mặc dù bà Lan rất muốn chỉ bảo cho Vi ngay lúc đó, nhưng từ sau lần ấy, cô luôn lấy cớ bận để thoái thác “học”. Thấy vậy, bà Lan bắt đầu thiếu thiện cảm với Vi. Nhưng qua cách cư xử của Duy, bà biết, đây là lần đầu tiên thằng con trai của bà yêu. Rất khó khăn nó mới tìm được một cô gái ưng ý. Nó bảo nó chấm được cô gái này rồi và sẽ chấp nhận mọi điểm xấu của người yêu. Từ từ rồi sẽ uốn nắn vào khuôn phép. Bà Lan cũng tặc lưỡi, thôi thì chín bỏ làm mười. Dù sao thì các nhược điểm ấy của Vi cũng không nặng lắm. Đừng khắt khe quá thì cũng chấp nhận được.

Hai tuần sau đó, Duy nói bố mẹ đến nhà Vi bàn chuyện cưới xin. Lúc đầu, bà Lan lưỡng lự, nói rằng hai đứa hãy tìm hiểu thêm đi. Khi nào quyết định rồi thì hãy đến nhà người ta. Duy khăng khăng là chúng nó đã quyết định lấy nhau.

Chủ nhật vừa rồi, cả nhà bà Lan về nhà Vi, ở một huyện cách nhà bà chừng hơn trăm cây số. Cảnh bà Lan chứng kiến khác hẳn với những gì bà hình dung và nghe được từ Vi, nào là cả nhà làm kinh doanh, kinh tế ổn định, nhà khá giả...

Thì ra, mọi chuyện Vi đều nói quá lên. Đúng là bố Vi có một tiệm điện tại nhà. Nhưng không phải là kinh doanh mà ông chỉ là thợ, sửa chữa những đồ điện, điện tử hư hỏng như quạt máy, bàn là, ti vi, máy tính… Hoàn toàn không phải là tiệm kinh doanh những thứ hàng cao cấp về điện, điện tử như laptop, máy giặt, ti vi… Căn nhà nhỏ nằm trong hẻm bày la liệt những thứ đồ điện khách gởi. Bố Vi phải loay hoay dọn dẹp mới có lối đi cho khách. Mẹ Vi đang bán rau ngoài chợ, nghe có khách nên chạy về. Sau Vi còn hai đứa em đang tuổi ăn học. Chắc phải rất vất vả mẹ Vi mới có thể xoay xở để lo cho gia đình.

Song, Duy lại có vẻ không để ý đến cảnh nhà của Vi. Duy nói, chẳng quan trọng chuyện giàu nghèo. Bởi vì, với khả năng của mình, Duy có thể đảm bảo cuộc sống cho vợ con. Trong khi chủ nhà xuống bếp chuẩn bị trà nước thì Duy nói mẹ bàn định việc cưới hỏi. Bà Lan rất không muốn vì thấy Vi đã lười biếng, vụng về, lại không thật thà. Chắc gì con trai bà đã tìm hiểu kỹ về cô vợ tương lai này? Nhưng nói thế nào Duy cũng không chịu. Cậu tuyên bố là nếu không lấy Vi, sẽ sống độc thân cả đời. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Thế là bà Lan đành mở miệng hỏi Vi cho Duy. Lễ cưới sẽ tổ chức vào tháng sau.

Chẳng biết rồi đây, mẹ chồng nàng dâu sẽ sống với nhau như thế nào?

(Kiến thức gia đình số 38)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất