| Hotline: 0983.970.780

Chuyện vùng cao 135:

Người 16 lần sinh nở

Thứ Ba 24/06/2014 , 10:36 (GMT+7)

16 lần sinh thì dưỡng được 15 con nên người. Kỷ lục ấy thuộc về bà Quách Thị Trảm, người ở xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình).

Anh Quách Công Trọng, cháu họ của bà Trảm, hiện đang làm Phó Chủ tịch xã Phú Cường kể về người nhiều con nhất xứ Mường như sau: “Bà vốn dòng dõi quý tộc thuộc tầng lớp quan lang ở huyện Lạc Sơn, người Mường vẫn hay gọi là nàng. Lạc Sơn vốn là đất của những người đẹp.

Chả thế mà cuộc thi hoa hậu xứ Mường đầu tiên năm 1932 do người Pháp tổ chức, bà Quách Thị Tẻo đoạt ngay vương miện còn bà Đinh Thị Quỳ đạt á hậu. Chồng bà Trảm họ Đinh - một dòng họ danh giá ở đất Mường Bi. Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động trong bốn xứ Mường thì mường Bi là đệ nhất. Đoàn rước dâu phải mang võng kiệu vượt mấy chục cây số đường núi từ đất Lạc Sơn đón về…".

Lấy nhau đã được ba bốn năm rồi mà bụng bà Trảm vẫn phẳng lì như còn con gái, chẳng chửa đẻ gì khiến cho người chồng định bỏ đi lấy vợ mới. Lúc ấy bố bà là một thầy tướng giỏi có tiếng trong vùng mới quyết định ra tay.

Đó là một người đàn ông dị tướng, bụng to, tay ngắn, chân yếu không lê nổi thân mình, đi đâu cũng phải có người khiêng. Tuy chân tay ngắn như thế nhưng ông lại có tầm nhìn dài vài chục năm, nhìn xuyên cả chục mét sâu dưới đất.  

Một dịp, bố chồng bà Trảm mất, biết tin ông liền nhờ người khiêng từ Lạc Sơn sang tìm đất chôn. Lúc đó, người Mường còn phong tục chết không chôn ngay mà để hàng trăm ngày trong nhà chọn ngày đẹp, đất hợp. Trong hai tháng đầu cái xác bốc mùi thối kinh khủng nhưng theo thời gian mùi cũng dần mất đi.

Người ta khiêng ông thầy đi hết xóm Khiềng, xóm Pa Khan, xóm Bát mà không tìm được đất tốt. Khi đến xóm Sung, ông ra hiệu dừng lại bên một gò đất cao rồi bảo: “Táng chỗ này con cái đa đinh nhưng không cường phú (nhiều con trai nhưng không giàu có). Đào sâu dưới năm thước đất sẽ thấy một tảng đá có hình con lợn nái có 16 vú”.

Mọi người nửa tin, nửa ngờ. Hàng chục tráng đinh được huy động đào ngày, đào đêm. Quả thật sâu dưới năm thước đất có một tảng đá hình thù con lợn nái với đủ 16 vú nên người ta quyết định táng bố chồng của bà Trảm xuống.

Ba cái bậc thang nhà sàn được buộc nối vào nhau mới đủ độ dài để đưa chiếc quan tài xuống đáy huyệt sâu hun hút như một cái giếng. Táng xong ông bảo bà Trảm rằng: “Con hãy về đan một cái nôi bằng tre, đợi cuối năm sẽ có tin tốt”. Cuối năm đó, bà sinh hạ người con gái đầu, đặt tên là Đinh Thị Nhin.

Như một cỗ máy đã vào guồng, cứ sòn sòn năm một, hơn năm một, bà Trảm lại sinh con. Chế độ dinh dưỡng sau đẻ của bà rất ngặt nghèo, chỉ ăn cơm với muối, uống nước sắc từ rễ cây rừng. Đẻ xong nhà chồng còn bảo bà phải sưởi lửa đủ 6 tháng. Một cái giường tre kê ngay gian bếp luôn đỏ lửa cả ngày lẫn đêm.

Đến bữa người ta mang đến cho nàng dâu một niêu cơm nóng, một đĩa muối trộn hạt dổi cùng một bát nước nóng. Mọi thứ người đẻ uống đều phải nóng mới tốt.

Ngoài chế độ chay trường, thi thoảng để bồi bổ cơ thể cho bà, một con gà trống được đem cắt tiết, xẻ lấy cái ức rồi luộc. Ức gà luộc xong lại được ngâm vào nước tro trong xuyên que tre nướng cho thật vàng, thật khô mới ăn.

Bà Trảm phải kiêng tất cả những thứ tanh tao như cá, thịt trâu, thịt bò trong vòng nửa năm. Bà cũng kiêng làm lụng, giặt giũ trong thời gian ấy. Chế độ kiêng khem ngặt nghèo giúp cho làn da bà mỗi lúc một hồng, đôi môi mỗi lúc một thêm đỏ thắm, mái tóc đen như bóng đêm, còn con mắt long lanh như nước. Càng đẻ bà càng xinh ra.

Tổng cộng đàn con của bà có 16 đứa, mất 1 còn 15 (11 trai và 4 gái). Điều đặc biệt nữa, khác với nhiều mẹ đông con là bà Trảm chỉ sinh tằng tằng một con một lần chứ không có lần nào sinh đôi, sinh ba. Sinh đến đứa thứ bảy, thứ tám, tiếng là nhà dòng dõi thật nhưng chỉ còn mỗi cái danh, vì từng đấy miệng ăn thì núi Thái Sơn cũng phải lở.

Ruộng nương, trâu mộng rồi đến cả những vật dụng quý hồi môn lúc về nhà chồng dần “đội nón” ra đi theo những miệng ăn mỗi lúc một há to hơn của đàn con. Một vòng cổ bằng vàng đổi được một tạ gạo, một vòng tay bằng vàng đổi được một yến gạo, một chuỗi hạt cườm chỉ đổi được vài đấu gạo…

Giỗ bà 30 mâm, mỗi năm con cháu lại mổ con lợn tạ, dăm ba con dê, vài chục con gà mà một chốc là hết veo. Giỗ bà, sàn nhà luôn rầm rập bước chân người. Diện tích sàn không đủ rộng, người ta phải bố trí ăn giỗ làm ba lượt, mỗi lượt 10 mâm, 60 người ra thì lại có 60 người vào.

Chồng bà Trảm lúc này đã trút bỏ được cái tính vô công rồi nghề của dòng dõi thế gia, chấp nhận làm đủ nghề từ SX súng kíp cho cánh thợ săn đến hàng mộc cho dân trong bản. Sản phẩm của ông chủ yếu là hòm đựng quần áo, mâm gỗ và thông dụng nhất là tủ mèo - những cái tủ cất thức ăn có cửa khóa rất chắc để tránh mèo vụng trộm.

Công cán mỗi thứ như vậy chỉ là vài đấu, khi thì gạo, bận lại ngô. Chính vì thế đàn con đông đúc của gia đình được phiên chế nghiêm ngặt như trong quân đội, đứa nhỏ ẵm em, nấu cơm, đứa nhỡ đi đào củ mài, củ nâu, đứa lớn đi làm thuê, làm mướn.

Đói ăn triền miên nhưng nhà vẫn vui vì còn có cái đài quay đĩa bằng tay. Sau cả ngày trên nương rẫy, tối tối đám thanh niên bản lại tụ tập ở nhà bà, mài chiếc kim như cái đinh nhỏ cho thật sắc rồi bỏ đĩa hát vào máy.

Một thứ âm thanh eo éo, meo méo vang lên nhưng lại có sức cuốn hút lạ thường bởi đó là cái máy hát duy nhất của cả vùng. Cuối cùng HTX cũng tịch thu luôn cái quay đĩa đó vì quy là lãng mạn, là làm suy yếu… sức lao động của nhân dân.

Bà Trảm như một con ong chúa, chỉ có nhiệm vụ đẻ rồi nhân giống, nhân giống rồi đẻ, không phải làm bất cứ việc nặng nhọc gì. Vét nốt quả trứng già cuối cùng, bà sinh ra chị Hẹt khi đã bước vào tuổi 46. Bà quý đứa con út này lắm. Trong những buổi chiều trước hiên nhà chờ đàn con từ rừng trở về, bà bới chấy cho nó, đưa vào miệng cắn đến bép một cái.

Sau này chị Hẹt lớn lên, có con rồi bà vẫn năng đến nhà. Lần nào bà cũng rủ rỉ: “Chẳng có vàng bạc gì để cho các con, đừng trách mang (mẹ), trách eng (bố) con nhé!”. Chị Hẹt luôn trả lời rằng: “Mẹ không phải nói nhiều, mẹ nuôi sống 15 đứa con là có 15 cân vàng rồi, quý lắm!”.

Con cái bà Trảm ai cũng có “gen” đẻ khỏe như mẹ. Mỗi đứa trung bình có 5- 6 người con, mỗi con lại sinh được 2- 3 cháu, cháu lại sinh ra chắt, tính ra tổng cộng cả con, cháu, chắt có đến 300 đứa.

Đàn cháu dần lớn khôn, một buổi bà Trảm về với trời ở tuổi 83. Bà đi khi chưa bao giờ biết đến vị đắng của một viên thuốc tây, cái đau như kiến cắn của mũi tiêm xọc vào da thịt và ánh sáng như tia chớp của chiếc đèn máy ảnh.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất