| Hotline: 0983.970.780

Người Ấn đối phó nắng nóng 50 độ C

Thứ Hai 01/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Ấn Độ đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục với nền nhiệt ở nhiều nơi lên đến 500C.  Khoảng 2.000 người đã thiệt mạng./ Nắng nóng kinh hoàng, 2000 người chết

Tuy nhiên, hiện tượng thời tiết cực đoan như thế không phải là một sự kiện đơn lẻ. Trong những năm gần đây, người Ấn Độ có lẽ hơn ai hết đang thấm đòn của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Thật dễ hiểu khi nông nghiệp là một trong những ngành chịu hậu quả nặng nề nhất. Và Chính phủ Ấn Độ cũng đang phải nỗ lực thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cung cách canh tác để sống chung với hiện tượng thời tiết cực đoan.

Thời tiết cực đoan

Trước đợt nóng kỷ lục này, hồi đầu tháng 3/2015, cùng thời điểm cơn bão Pam san bằng quốc đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương, những trận mưa trái mùa và mưa đá đổ xuống bang Maharashtra của Ấn Độ, phá hủy ít nhất 5,5 triệu ha hoa màu vụ đông, theo tờ Thời báo Ấn Độ.

Đây là một cú sốc đối với quốc gia vẫn đang hồi phục từ đợt lũ lụt tồi tệ nhất xảy ra tại bang Uttarakhand hồi tháng 6/2013 khi hàng ngàn người chết vì nước lũ và lở đất, hậu quả của các đợt mưa lớn kéo dài và hồi tháng 9/2014, một trận lũ quét kinh hoàng nhất được ghi nhận ở bang Srinagar trong vòng 60 năm.

Danh sách những hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng mạnh đến đời sống của người Ấn Độ một số năm gần đây tiếp tục dài thêm nếu ta tính đến cơn mưa cực lớn, lớn nhất trong lịch sử nước này từng được ghi nhận, xảy ra vào ngày 26/7/2005 gây ngập toàn bộ thành phố lớn Mumbai và một cơn mưa khủng khiếp khác ở vùng Leh với lượng mưa 355mm trong suốt hai giờ.

Và không chỉ các cơn mưa lớn mới khiến giới dự báo thời tiết sửng sốt. Đợt nắng nóng dài nhất đã tràn qua phía bắc Ấn Độ hồi tháng 6/2014, đưa nền nhiệt độ ở thủ đô Delhi lên gần 480C, nóng nhất trong vòng 62 năm qua.

Theo Bộ Chỉ số Nguy cơ khí hậu toàn cầu, do tổ chức Germanwatch công bố, Ấn Độ là một trong ba quốc gia (cùng với Philippines và Campuchia) phải chịu đựng những đợt thời tiết cực đoan nhất thế giới trong năm 2013.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã dự báo rằng “hình thái mưa ở bán đảo Ấn Độ sẽ ngày càng trở nên khó dự báo, với khả năng giảm lượng mưa chung nhưng gia tăng số lượng các hiện tượng thời tiết cực đoan”. Các nhà khí hậu học ở Ấn Độ đều đồng ý với dự báo này.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ Sanjeev Balyan, một phân tích do Hội đồng nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ thực hiện cho thấy gần 81,3 triệu ha thuộc 122 quận, 11 bang của nước này có thể phải chịu đựng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ông Bộ trưởng mới đây nói trước quốc hội rằng một nghiên cứu dự báo sản lượng ngô sẽ giảm 18%, lúa mì và gạo giảm 6% vào năm 2020.

Một báo cáo của các nhà khoa học của Viện Công nghệ Ấn Độ ở Kharagpur tập trung phân tích các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp của lòng chảo sông Hằng, vùng SX lương thực-thực phẩm lớn nhất Ấn Độ.

Họ dự báo rằng lòng chảo sông Hằng có thể phải đối mặt với các đợt mưa cực lớn trong mùa hè. Sản lượng lúa mì được dự báo sẽ giảm.

Nông nghiệp đối phó

Nhận thức được nguy cơ từ các hiện tượng biến đổi khí hậu, giới khoa học và nông dân Ấn Độ đã có những bước đối phó, theo đài VOA. Ở một làng quê, nông dân đang thay đổi phương thức canh tác để đương đầu với những biến đổi khí hậu.

Harpreet Singh là một nông dân ở làng Taraori, bang Haryana, phía bắc Ấn Độ. Ông nói thời tiết nóng, khô trong những năm gần đây đã tàn phá lúa và lúa mì trên cánh đồng 30 ha của gia đình. Nhưng không giống các nông dân khác, mùa nóng trong năm nay chẳng khiến ông lo lắng.

Ông Singh đã thay đổi cách trồng lúa. Phương thức trồng lúa kiểu cũ là gieo mạ rồi nhổ lên cấy. Nay ông gieo lúa trực tiếp, nghĩa là không cần giai đoạn cấy lại. Phương pháp này cần ít nước hơn phương pháp cũ.

Ông Singh mỉm cười khi ngắm nhìn đồng lúa tốt bời bời. Ông kể về những phương pháp canh tác mới. Ví dụ như ông dùng đèn laser để giúp làm cánh đồng lúa bằng phẳng hơn, giúp ông tiết kiệm 25-30% nước. Kỹ thuật cao này giúp nước ở trong ruộng lâu hơn.

Bang Haryana SX một lượng ngũ cốc lớn. Ở bang này, có 26 làng đang triển khai chương trình “làng thông minh đối phó biến đổi khí hậu”. Đây là một phần chương trình của nhóm nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực ở Ấn Độ.

Gần đây, Ấn Độ đã có đủ năng lực để đảm bảo an ninh lương thực cho dân số 1,2 tỷ người. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng điều kiện thời tiết khác thường, lụt lội, khô hạn, nắng nóng có thể đe dọa an ninh lương thực.

Và nhiều thói quen phải thay đổi. Ở làng Anjanthali thuộc bang, Vinod Kumar thường trồng lúa gạo và lúa mì bằng phương pháp truyền thống. Nhưng ông nói, có nhiều loại bệnh xảy đến với cây trồng, ví dụ lúa mì, trong những năm gần đây. Người ta nói nguồn gốc gây bệnh là do thay đổi nhiệt độ.

Ông Kumar nói kỹ thuật mới đã giúp ông bảo vệ mùa màng và thu nhập. Thậm chí còn tăng sản lượng cây trồng. Mỗi năm, ông bỏ lại một phần cây trồng trên ruộng làm thức ăn cho cây trồng mới mùa sau. Và kết quả là ông không cần mua phân bón. Điều này cũng giúp đất được cải tạo tốt hơn.

Bên cạnh sự tự nhận thức của nông dân, chính phủ cũng có những nỗ lực thuyết phục nông dân thay đổi loại cây trồng. Ở những vùng hạn chế nguồn nước, nông dân được yêu cầu thay thế lúa gạo bằng ngô.

Ở Anjanthali, nông dân Vikas Chaudhury 34 tuổi nói vụ ngô của anh đã sẵn sàng thu hoạch, chỉ trong ba tháng, thay vì bốn tháng như trồng lúa. Anh nói sự thay đổi này giúp giảm lượng nước cần thiết, gia tăng thời gian chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo.

Tuy vậy, những thay đổi như thế không được tất cả đón nhận. Ở những “làng thông minh đối phó biến đổi khí hậu”, vẫn có những người làm theo cách cũ và nghe ngóng những người sử dụng phương pháp canh tác mới xem có thành công hay không rồi mới tính tiếp. (Còn nữa)

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm