| Hotline: 0983.970.780

"Người bạn trung thành" gieo họa

Thứ Tư 23/06/2010 , 10:57 (GMT+7)

Mặt mũi dúm dó, biến dạng. Mắt long lên sòng sọc mà không nhìn vào cái gì cụ thể. Miệng sùi bọt mép ròng ròng. Cào cấu. Cắn xé. Gào thét... là những gì thường thấy ở những cái chết thương tâm vì bệnh dại.

Vận chuyển chó đi giết mổ, rất khó biết con nào dại, con nào không

Mặt mũi dúm dó, biến dạng. Mắt long lên sòng sọc mà không nhìn vào cái gì cụ thể. Miệng sùi bọt mép ròng ròng. Cào cấu. Cắn xé. Gào thét trong cơn đau đớn, điên loạn tột cùng... là những gì thường thấy ở những cái chết thương tâm vì bệnh dại. 

Anh Nguyễn Ngọc Trư, Trưởng ban Thú y xã Trung Hoà huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nhớ lại: “Ngày nào tôi chẳng đi chữa trị, tiêm chọc cho gia súc, gia cầm của người dân. Khoảng gần cuối năm 2009, bữa ấy tôi đến trang trại của ông Phạm Văn Thành. Vừa bước vào cổng con chó đã xô ra. Mọi khi chỉ quát cái, nó cụp đuôi vào ngay nhưng lần này nó lao thẳng ra cắn. Tôi co chân đạp phát đầu tiên trượt qua đầu, con chó ngoảnh lại cắn ngập cả chiếc ủng cao su dầy cộm, răng bập thấu vào bàn chân tôi…

Ba ngày sau, con chó này lại cắn hàng xóm là anh Bùi Đắc Tiến. Ông chủ của côn chó vẫn nghĩ nó là chó dữ nên gọi lại, vuốt ve, mắng nó không được cắn linh tinh, bất ngờ con vật cắn luôn chủ. Một ngày sau, một người chở trấu vào trang trại cũng bị nó ngoặm toạc cả chân, chạy gần chết. Chủ trại thấy thế mới xích con chó lại. Buổi chiều ra đã thấy nó chết, bọt mép sùi ra như bọt xà phòng. Hoảng quá, anh gọi cho mấy người bị chó nhà mình cắn đi tiêm kháng huyết thanh đồng loạt. Tôi mới tiêm có 10 mũi đã tốn tới hơn triệu bạc rồi đó chú”.

Anh Trư cho hay, mỗi mũi tiêm phòng cho chó, mèo có giá bèo bọt chỉ khoảng 10.000đ, thậm chí hộ nào không có tiền, anh còn khuyến mãi nhưng do tập quán nuôi chó thả rông, không xích, không rọ mõm nên khi đem đi tiêm rất cực. Đến gia chủ còn không bắt nổi chó nhà mình chứ đừng nói là thú y viên có thể gô cổ lại mà tiêm chọc được. Hơn nữa việc tiêm vắc xin dại cho chó mèo hiện vẫn chỉ làm theo 2 đợt/năm nên những hộ mới mua chó, mèo muốn tiêm phòng cũng không có vắc xin mà dùng. “Cứ mùa gió heo may, chuyển từ thu sang đông là thường trùng với mùa chó dại. Mỗi năm xã tôi có khoảng 40-50 người đi tiêm phòng dại vì chó cắn. Số người bị cắn mà không tiêm còn đông hơn thế nhiều lần”.

Tôi đến nhà vợ chồng anh Phùng Xuân Lục - Trần Kim Nhung ở xã Tân Tiến huyện Chương Mỹ (Hà Nội) khi khói nhang trên bà thờ vẫn còn nghi ngút. Di ảnh đứa con trai bụ bẫm, mắt đen lay láy vẫn như đang cười đùa, hồn nhiên. Anh chị có 3 con, 2 gái, 1 trai, buồn thay cháu trai là Phùng Xuân Hoàng lại ra đi vì bệnh dại: “Nhà tôi có con chó nhỏ độ 3-4 kg. Bữa ấy nó chạy ra ngõ đuổi dồn mấy bà đi chùa, tôi mới cầm que quật mấy cái, nó vùng chạy vào nhà. Cháu Hoàng đang chơi trên giường nhảy xuống đất liền bị nó đợp vào ngực trái, xước nhẹ rớm máu. Hôm sau, con chó chạy đi cắn chó nhà người khác bị anh hàng xóm đập chết. Tôi ra hỏi vì sao đập chết chó nhà mình, anh ấy bảo: Con này điên nên cứ đi cắn càn.

Mấy anh em sau đó còn chung tay thịt chó, đánh chén. Nghi là chó dại nên tôi chở con lên Bệnh viện trên Hà Đông tiêm phòng nhưng đã hết vắc xin. Về, nghe người thím nói ở Gốt thuộc xã Đông Phương Yên có thầy lang thử chó dại tốt lắm tôi chở con đến. Thầy rót một ít rượu ra đĩa rồi vò lá trầu không nhúng vào, bảo con tôi vạch áo rồi vuốt lá trầu từ trên gáy xuống lưng. Cứ vuốt lên, vuốt xuống như vậy chừng 15 phút thầy phán, không có vết bầm nào, không phải chó dại cắn đâu. Tôi hỏi đi hỏi lại, có chắc bị chó dại cắn không, thầy đều bảo kinh nghiệm nhiều năm, không sai được. Sau khi gửi thầy 20.000đ tiền công, tôi yên tâm chở con ra về. Đúng một tháng sau, cháu phát bệnh”.

Lúc đầu Hoàng chỉ bị sốt nhẹ, đầu vẫn mát mà chân lại nóng. Bố em đưa đến một thầy đông y, thầy này chẩn đoán sốt virus, tiếp cho một chai nước cũng chẳng đỡ. Đêm đó, Hoàng đang nằm ở bên ngoài giường cùng bố mẹ lại nhảy vào bên trong, bảo: “Con sợ lắm”. Cháu khát, đòi uống nước, rồi lại sốt. Bố em lại đưa đến một y sỹ trường đặc công thì ông ấy nghi ngờ nên hỏi cháu có bị chó cắn bao giờ không?. Bố em bảo có. “Thế thì bị bệnh dại rồi”.

Ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NN - PTNT):

Nguyên nhân dễ thấy của bệnh dại là do bị chó cắn không đi tiêm phòng, giết mổ chó dại nhưng cũng có nguyên nhân tiềm ẩn như trẻ con hoặc người nhà ra nựng, vuốt ve, tình cờ dính phải rãi rớt của chó bệnh...Trung bình cả nước có 461.930 người phải đi tiêm phòng chó dại hàng năm chi phí trung bình cho việc này 92 tỉ/năm, nhưng số người bị cắn còn nhiều hơn thế. Khi có dịch xảy ra, địa phương chỉ đạo quyết liệt lắm nhưng “thời bình” lại lơ là khiến dịch bùng phát. Những điểm nóng về bệnh dại hiện nay là Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái....

Như sét đánh ngang tai, hoảng quá, anh Lục đem con lên Bệnh viện trên quận Hà Đông nhưng họ bảo không chữa được. Có bệnh, vái tứ phương, về quê gặp một thầy lang, ông ấy phán nếu uống thuốc lá của ông mà nôn được ra là khỏi. Anh Lục mừng lắm! “Cho uống một cốc thuốc, cháu lịm đi. Tỉnh giậy lại co giật, lại kêu buồn đi giải nhưng không thể đi nổi. Miệng cháu sùi bọt mép, mắt trợn lên nhưng vẫn tỉnh táo. Nó bảo tôi rằng: “Bố ơi, bác sĩ bảo con sắp chết”. Tôi cứ phải dối lòng nói rằng: “Không, con trai của bố sắp khỏi rồi”. Đau quá, nó cứ giẫy mãi khiến tôi phải ôm thật chặt. Khi lấy thêm một chén thuốc cho nó uống, được một tí thì nó đi”. Anh Lục buồn rầu thuật lại.

Sau cái chết tức tưởi của cháu Hoàng. Nhiều người trong xóm bị chó nhà anh Lục cắn bỗng hoang mang, nhất loạt đi thầy lang chữa. Anh Vũ Công Minh, Thú y xã Tân Tiến bảo: “Chúng tôi từng tổ chức nhiều cuộc vận động bà con bị chó cắn không nên đi thầy lang chữa mà phải đi tiêm nhưng họ vẫn không nghe. Hễ chó, mèo cắn là lại rỉ tai nhau đi tìm thầy lang thử xem có bị dại không. Nhiều khi lên cơn rồi thì đã quá muộn”. Con chó nhà anh Lục trước khi cắn chính cháu Hoàng đã cắn 3 đứa trẻ khác trong làng nhưng chỉ có 1 cháu đi tiêm phòng còn lại vẫn đi thử lá trầu, vẫn đi uống những liều thuốc nam bí hiểm với giá 400.000/ viên với lời cổ suý cứ nôn ra hết virus dại là khỏi.

Thống kê từ năm 1991 đến nay, năm nhiều nhất (1994) Việt Nam chết 505 người vì dại, 1995 chết 412 người, 1998 chết 129 người, sau đó nhờ chiến dịch tiêm phòng nên giảm dần 2003 chỉ 34 người, nhưng nay mọi dấu hiệu của đại dịch đang quay trở lại. Chính quyền địa phương chẳng mấy nơi quan tâm tới việc tiêm phòng, người dân bị chó cắn chủ quan không đi tiêm, thậm chí chó dại sùi bọt mép còn hò đuổi đánh về… nhậu. Trong Nam tình trạng đó đỡ hơn nhưng ngoài Bắc, số người chết vì chó dại cắn năm 2009 là 50/67 người tử vong của cả nước. Đang chuẩn bị mùa nóng ở miền Bắc cũng trùng với mùa bệnh dại hoành hành.
Có lẽ do trước khi thực sự lên cơn điên, con chó chưa tích đủ lượng virus dại cần thiết trong nước bọt nên may mắn những em bé đã từng đi thử bệnh dại bằng lá trầu, chữa bằng thuốc lá này giờ đây vẫn bình yên, vô sự. Chỉ một tháng sau cái chết của cháu Hoàng, chị Nguyễn Thị Thảo 25 tuổi ở thôn Đồi Miễu xã Nam Phương Tiến cùng huyện Chương Mỹ cũng ra đi một cách tức tưởi. Trước đó, nạn nhân bị chó dại cắn, nhưng con chó không được nhốt theo dõi mà bị đập chết ngay. Chị Thảo cũng không hề đi tiêm phòng. Khi phát bệnh dại, mọi chuyện đã quá muộn.

Theo Sở NN & PTNT TP. Hà Nội, nguyên nhân các trường hợp người chết vì bệnh dại là do chó thả rông, chó không tiêm phòng vắc -xin cắn người chiếm 79,4%, do giết mổ chó chiếm 20,6%. Địa bàn thành phố Hà Nội sau khi mở rộng với 578 xã, phường, thị trấn, số chó nuôi trung bình tới 583.000 con nhưng số được tiêm phòng hàng năm chỉ được 230.000 con, nhiều xã tỷ lệ tiêm quá thấp chỉ được trên 20%. Mặt khác trên địa bàn Hà Nội có nhiều hộ kinh doanh nhập chó từ các tỉnh, từ nước ngoài về, việc giết mổ chưa qua kiểm dịch chiếm phần đa. Thêm vào đó là nhận thức của người dân về bệnh dại còn hạn chế. Khi chó cắn không tiêm phòng, giết mổ chó ốm bừa bãi.

Ví dụ như năm 2007, riêng huyện Ba Vì đã có một kỷ lục đau buồn là 13 người chết bởi bệnh dại. Sau đó UBND tỉnh Hà Tây cũ tập trung chỉ đạo, gấp rút tiêm phòng nên số người chết vì bệnh dại giảm đi rõ rệt. Năm 2008 nạn nhân của bệnh dại giảm (còn 8 người) lại sinh ra tư tưởng chủ quan, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó dẫn đến bệnh dại lại hoành hành Hà Nội trở lại vào năm 2009 với thống kê có tới 15 người bị chết vì bệnh dại…

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm