| Hotline: 0983.970.780

Người bị dọa bắn chết vì quyết bảo vệ đàn cò

Thứ Ba 08/08/2017 , 14:30 (GMT+7)

“Bảy cò” là cái tên không còn xa lạ với người dân xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Gần 30 năm nay, anh âm thầm bảo vệ hàng vạn con cò được an toàn.

Đất lành... cò đậu

Con đường nhựa phẳng lì, thẳng tắp dẫn chúng tôi về xã Thụy Liên vào một buổi chiều nóng bức. Hỏi thăm đường về nhà anh “Bảy cò” thì từ người già đến trẻ con ai ai cũng biết. Một đứa trẻ khoảng 5 tuổi chỉ tay và nói: Các chú tìm đến mua cò à? Chú Bảy không bán đâu. Nhà chú ý đi một đoạn nữa là đến.

13-55-03_nh_1
Anh Bảy cò

Quả không “ngoa” như lời đồn đại, hiện ra trước mặt tôi là một “khu sinh thái” rộng khoảng 7 ha với những ao cá, bạt ngàn màu xanh của dừa, bạch đàn, cây sanh,... Dẫn chúng tôi đi thăm khu sinh thái của gia đình, anh Bảy bảo: Tôi cũng có duyên với đàn cò đấy, của trời cho nên phải bảo vệ cẩn thận.

Theo lời anh Bảy, năm 1989, khi HTX Thụy Liên phát động đấu thầu những bãi đất ngập mặn, kém hiệu quả để chuyển đổi sang mục đích làm kinh tế. Sau mấy ngày bàn luận, vợ chồng anh Bảy quyết định nhận 7ha đất này để đào ao thả cá, xây chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với mơ ước thoát khỏi nghèo đói.

Anh Bảy cho biết, xưa kia, đây là vùng đất bãi cửa sông bị bỏ hoang lâu năm do chịu ảnh hưởng của triều cường. Nước ngập nên có muốn nuôi trồng cây gì, con gì cũng chịu. Nhưng với tinh thần, ý chí làm giàu, hai vợ chồng anh quyết tâm hồi sinh “vùng đất chết”.

Những ngày đầu, vợ chồng anh phải đào đất đắp thành những bờ cao vững chắc để ngăn thủy triều xâm nhập. Hệ thống bờ dài dằng dặc, ngăn chia thành các ao, đầm phục vụ cho việc nuôi thủy sản. Để chống sạt lở, nước cuốn trôi bờ đất, anh Bảy bàn với vợ trồng hơn 4.000 cây bạch đàn và 600 gốc dừa quanh khu vực này để vừa ngăn được thủy triều, về lâu dài sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Bỗng dưng, vào một buổi chiều giữa năm 1989, anh Bảy thấy trong vườn nhà mình xuất hiện hàng trăm con cò bợ và cò trắng đến đậu, trú ngụ trên những cây dừa, bạch đàn.

Vài ngày sau, số lượng đàn cò rủ nhau về trú ngụ ở vườn nhà anh mỗi lúc một nhiều, đậu kín vườn bạch đàn, trắng xóa trên lá dừa. Thấy vậy, anh Bảy dặn mọi người trong gia đình không ai được xua đuổi hay bắt giết mà để đàn cò sinh sống tự nhiên. “Ngày đó thấy cò về nhiều, tôi cũng lo vì sợ chúng ăn hết cá và tôm bé vừa thả. Nhưng may thay, ban ngày chúng bay đi kiếm ăn chỗ khác, tối đến lại bay về. Giống cò rất khôn, khi chúng cảm thấy an toàn mới yên tâm đi về và sinh sôi nảy nở ở đó”, anh Bảy cho hay.

13-55-03_nh_3
Anh Bảy coi đàn cò như những đứa con của mình

Cũng từ đây, anh nảy ra ý định “nhường đất” để bảo vệ đàn cò không bị các tay súng lạnh lùng sát hại. Anh tiếp tục trồng thêm bạch đàn, dừa với mong muốn ngày càng có nhiều cò về trú ẩn để chúng được sinh trưởng và phát triển an toàn. Đến giờ, anh Bảy cũng không biết được mình đang chăm sóc và bảo vệ bao nhiêu con cò, chỉ biết rằng trong đàn cò ấy có mấy loài cò quý hiếm cũng đang trú ngụ ở đây.
 

Bị dọa bắn chết vì bảo vệ cò

Dẫn chúng tôi đi vào sâu trong vườn sinh thái, anh Bảy dặn: “Các em đi nhẹ chân thôi, nghe tiếng động và có người lạ là đàn cò bay đi hết đó”. Anh Bảy nói vậy bởi lâu nay đàn cò đã quen với hình ảnh ông chủ trang trại của chúng.

Đi dọc bờ đầm dưới những tán dừa xanh để vào nơi đàn cò trú ngụ, chúng tôi giật mình khi hàng vạn cánh cò từ những tán cây bay lên trắng xóa cả một vùng trời cùng tiếng kêu oang oác như một giàn âm thanh làm sống động cả một khu, nghe rất vui tai.

Chỉ tay về khu vườn cây bạch đàn hơn 15 năm tuổi, anh Bảy tâm sự: Túng thiếu, nhiều lần vợ bàn bán cây đi để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng nhiều đêm suy nghĩ, bán cây thì lấy chỗ đâu cho cò ở nhất là những khi trời mưa bão. Thương lũ cò không có chỗ trú ngụ nên tôi không đành bán.

“Năm 2010, thời điểm cây sanh có giá, nhiều người hỏi mua một gốc cây sanh đẹp của tôi với giá 50 triệu đồng. Khi ấy, trong vườn của tôi có cả trăm cây sanh gốc to và đẹp cùng với hơn một nghìn cây bạch đàn đến tuổi được khai thác. Nhưng vì muốn có chỗ cho cò ở mà tôi đã không nỡ lòng bán đi cây cối trong vườn”, anh Bảy rầu rĩ.

13-55-03_nh_4
Đến chiều tối, từng đàn cò bay về vườn tìm chỗ ngủ

Thấy vườn nhà anh Bảy nhiều cò đến trú ngụ, nhiều tay súng lạnh lùng đã không ít lần tìm cách sát hại, săn bắt trộm cò để một lần được hưởng thụ “thịt cò”. Thế nhưng, vì muốn bảo vệ đàn cò nhiều lần anh Bảy phải đối mặt với nguy hiểm. Anh Bảy nhớ như in vào mùa đông năm 2004, lúc đó khoảng 1h sáng, khi đang say giấc ngủ, anh bỗng giật mình nghe thấy tiếng súng nổ chát chúa, sau đó là tiếng kêu thất thanh, nháo nhác của đàn cò. Nghĩ rằng, có chuyện không hay xảy ra, anh liền bật dậy chui ra khỏi chăn ấm, cầm đèn pin soi đường đi về phía những gã bắn trộm cò. Không nói năng gì, anh lao vào giằng co, giật cây súng và bị các đối tượng dọa bắn chết. Chưa hết, anh còn phát hiện nhiều tay săn cò đã đem cò mồi vào trong vườn nhà anh để đặt bẫy cò. Những lần như thế, anh lại mất ăn mất ngủ, để trông coi đàn cò được bình an.

Theo anh Bảy, tháng 3 âm lịch là thời gian đàn cò ốc bay về nên các đối tượng săn bắn xuất hiện nhiều. Cò ốc là giống cò quý, có trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con nên các đối tượng rất thích săn bắn về giết thịt. Vì vậy, anh phải túc trực ở đây thường xuyên, quyết không để những kẻ săn bắn gây hại tới đàn cò, phá hại hệ sinh thái tự nhiên ở vùng đất này.

Anh Bảy bảo, nhiều lúc mưa bão, gió xoáy mạnh từng đợt khiến nhiều con cò rơi xuống vườn, gãy cánh, bị thương, yếu sức, anh phải ra vườn đưa chúng vào nhà bó thuốc, chăm sóc đợi khi chúng hồi sức, hết bão mới dám thả ra. Nhiều lần, anh bị dân làng nói những lời không hay về mình, bảo anh là thằng dở tính không biết bắt cò bán mà lấy tiền hay làm thịt. Hay những lần, anh bị người dân bắt đền vì đàn cò bay xuống ruộng bới mạ mới gieo để ăn. Bỏ những lời đó ngoài tai, anh Bảy vẫn tiếp tục chăm sóc đàn cò, anh coi đàn cò là những đứa con của mình. Với anh, được chăm sóc, bảo vệ đàn cò là niềm vui mỗi ngày.

Tôi hỏi: Nếu có ai đó mua lại cả trang trại và đàn cò với số tiền lớn thì anh có bán không? Anh nở nụ cười rồi đáp: Dù có nghèo đói đến mấy, tôi vẫn nhất định không bán, quyết tâm nuôi đàn cò. Tôi sẽ bảo vệ chúng đến khi nào chúng không ở với tôi nữa thì thôi.

Ánh chiều nhập nhoạng, anh Bảy nhìn lên bầu trời như đếm từng chú cò đang bay về tổ ấm…“Chiều muộn, từng đàn cò chầm chậm bay về khu vườn bạch đàn và khu vườn dừa rậm rạp đậu kín sau một ngày chúng đi kiếm ăn trở về”, anh Bảy nói.

Tại các khu rừng ngập mặn ở huyện ven biển Thái Thụy có rất nhiều loài chim tự nhiên, trong đó có cả những loài chim quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như: cò thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa… Những khu rừng ngập mặn đang là nơi lý tưởng để những loài chim tự nhiên đến trú ngụ và sinh sống.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất