| Hotline: 0983.970.780

Người "cắt" tục nối dây

Thứ Ba 23/02/2010 , 14:15 (GMT+7)

Từ ngàn đời nay, người đàn bà dân tộc Vân Kiều luôn nơm nớp lo sợ bởi tục “nối dây”. Thế nhưng đã có một phụ nữ dám đứng lên chống lại tục lệ này.

Từ ngàn đời nay, dưới những cánh rừng rậm của dãy Trường Sơn hùng vĩ, người đàn bà dân tộc Vân Kiều luôn nơm nớp lo sợ bởi tục “nối dây”. Theo tục này thì người phụ nữ Vân Kiều khi chồng chết sẽ phải tiếp tục làm vợ của anh hay em trai chồng, cho dù người đó là ông già gần đất xa trời hay cậu bé vắt mũi chưa sạch.

Không chịu kiếp chồng chung

Năm 1974, khi vừa tròn 16 tuổi, chị Hồ Thị Con (ở bản Bến Đường, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình) lấy anh Hồ Văn Cu, người cùng bản. Cuộc sống tuy không no đủ nhưng anh chị vẫn sống vui vẻ, hạnh phúc bên nhau. Rồi lần lượt sáu đứa con, có trai có gái ra đời. Cứ tưởng cuộc sống ngày ngày vợ chồng cặp kè nhau với những buổi lên nương làm cây sắn cây ngô, xuống suối tìm bắt con cá con ốc nuôi con ấy sẽ là mãi mãi...

Vậy mà năm 2001, sau một chiều đi làm rẫy về  anh Cu bỗng nhiên đổ bệnh. Vượt qua bao con suối gia đình đã đưa anh Cu về bệnh viện để chữa trị nhưng rồi vào một buổi chiều, trời mưa sùi sụt, chị Con đành gạt nước mắt đưa chồng về nhà làm ma và thành goá bụa vào tuổi 40 còn tràn đầy sinh lực. 

Chị Hồ Thị Con: “Không còn thủ tục nối dây làm cho phụ nữ Vân Kiều bớt khổ”

Anh Cu mất được tròn năm thì theo phong tục của người dân tộc Vân Kiều, gia đình bên chồng chị sang đánh tiếng đưa chị về làm vợ hai của Hồ Văn Thục (sinh năm 1966), là em trai của anh Cu. Oái ăm thay, người đầu tiên bên nhà chồng sang đánh tiếng với chị lại chính là em gái của chị, Hồ Thị Nòn vợ Thục. Đêm tối như tấm vải nhuộm đen, bên bếp lửa nhà sàn leo lét, Nòn bảo: "Chị ơi, bây chừ mà chị thương các cháu thì chị hãy về theo em làm vợ của... chồng em để giữ lấy các cháu trong nhà, giữ lấy tình cảm gia đình, dòng giống của anh Cu...".

Trong căn nhà gỗ khang trang nằm cạnh cầu Khe Cạu, trên đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây, chị Con với dáng người cao ráo, khuôn mặt còn khá đẹp, vẫn chưa quên buổi nói chuyện ấy, bảo với tôi: "Biết trước sau chi rồi cũng đến ngày chuyện ni được nói ra, nhưng tui vẫn chộ (thấy) như quá đột ngột. Trong căn nhà vẫn như có đó bóng dáng anh Cu đi về, ai nỡ... Rứa là tui "hoãn binh" với Nòn: “Em ạ, nói với bố bên nhà là cho chị mãn tang anh đã rồi tính...”. Nòn phát hoảng nói: “Em sợ bà con bản không chịu mô”, rồi thắp đuốc ra về...

Hai năm để tang chồng trôi qua. Lần này thì đích thân Thục qua "đặt vấn đề" đưa chị dâu về làm vợ. Chị nói với Thục: "Chú Thục à, khi chị về làm vợ anh Cu thì chú không khác chi đứa em út nhỏ của chị, chị chăm bẵm chú như nuôi cháu em bây chừ... Nay anh mất mà chị về ở với chú thì chị không chịu mô". Thục nghe chị nói vậy, quay về. Với Thục, chị nói cứng rứa được chớ với dân bản thì chị Con cũng thấy sợ phong tục của làng bản mình. Nếu không lấy Thục, chị sẽ phải bỏ lại tất cả con cái, nhà cửa cho nhà chồng để trở về nhà cha mẹ đẻ làm gái không chồng. Chị nói: "Tui không muốn lấy em chồng như tập tục lạc hậu cũ, cũng không muốn bỏ con cái cho gia đình chồng nuôi nên cứ lần lữa thoái thác mãi...".

Thấy chị vậy, bà con dân bản “bắt lý sự” chị là đã không theo tục của làng. Mai này vì chị mà con ma núi sẽ về bắt cả làng phải chịu nhiều cái bệnh tật, không làm tốt được cái rẫy, cái ruộng... Một lần, già bản đến, đứng giữa sân nhà nói lớn: “Nếu có chuyện chi xảy ra với bản như có người chết vì đau ốm bản sẽ phạt chị nhiều con trâu, con bò để cúng con ma núi...”.

Hết bố chồng lại đến Thục sang thúc giục chị về làm vợ Thục. Chị Con nói: "Tui nghĩ mình phải làm đứt cái dây nối lạc hậu ni thôi, mới làm cho chị em phụ nữ mình sống thoải mái được. Vì rứa tui mới nói với bố chồng: Con xin ra khỏi họ (chồng) để ở vậy nuôi con, thờ chồng". Bố chồng khóc, nói: “Bố mất một đứa con rồi mà còn mất thêm 10 đứa cháu (lúc này chị Con có hai con dâu, hai cháu nội, sáu đứa con) nữa thì buồn lắm, con ra khỏi họ đừng lấy người khác kẻo bố mất hết cháu...”.

Thấy chị kiên quyết vậy, Thục và gia đình chồng không bắt ép nữa. Cả bản Bến Đường cũng không còn ai dị nghị này nọ với chị. Trái lại, năm 2004 chị Con còn được dân bản tín nhiệm bầu trúng vào HĐND xã và huyện.

Sau, Hồ Thục còn tới bảo chị: "Chị ở một mình cũng khổ, lỡ đau ốm ai lo? Thôi vẫn cho chị sống với mấy đứa con, đứa cháu như trước. Vẫn coi chị là người trong họ hàng”.

Thêm nhiều người "cắt" dây

Từ khi chị Hồ Thị Con ra khỏi họ Hồ Văn rồi, chị vẫn đi về như một người con dâu hiền thảo với nhà chồng. Con, cháu của chị cũng ngày ngày qua lại với chị hoặc gia đình bên chồng, thân thiết và tình nghĩa.  

Chị Con trong một buổi biểu diễn văn nghệ

Tất cả những đứa cháu của anh Thục vẫn được chị Con nuôi lớn lên, khoẻ mạnh và đến trường nhận nhiều thêm cái giấy khen của thầy cô giáo. Dân bản thì chờ đợi ngày nào đó bị ốm đau vì chị Con đã làm con ma núi giận dữ. Thế nhưng ngày, tháng, năm qua đi vẫn chẳng thấy ai bị ốm đau cả. Thấy chị Con không nối dây mà nhà họ Hồ Văn cũng không bị mất cháu nên nhiều người trong bản mới bảo nhau: Chị Con nói đúng rồi, nối cái dây như cũ là không tốt. Cứ đi làm vợ của anh hay em chồng mình là không được, lại phải đẻ thêm con rồi nuôi khổ cái thân mình lắm, phải học cái tốt của người Kinh thôi!

Thế là sau chị Con có chị Hồ Thị Hoà ở bản Trung Sơn không nối dây. Chồng chị Hoà mất lúc chị 40 tuổi, cái tuổi ấy với người Vân Kiều vẫn còn sinh đẻ được nhiều lần con cho chồng mới. Nhưng chị Hoà đã ở vậy nuôi con. Chị Hồ Thị Núi khi chồng mất đã muốn về nối dây với nhà chồng vì sợ dân bản, chị cũng muốn về nhà mẹ đẻ nữa để bước tiếp một bước khác. Khi thấy chị Con không nối dây mà vẫn yên ổn làm ăn, thờ chồng, nuôi con khôn lớn được thì chị làm theo, không đi bước nữa. Chị Núi bộc bạch: "Nếu mình lấy chồng sẽ phải sinh thêm nhiều con khác cho chồng mới. Mà mình có bảy đứa con rồi, nhiều quá rồi. Mình sinh nữa sẽ vi phạm cái pháp luật dân số mất, mình theo chị Con thôi...". Nay cả bảy đứa con của chị Núi đều lớn khôn.

Sau chị Núi có thêm chị Ngọc, chị Hờ... Đến nay cả xã có trên 20 chị chồng mất đã không nối dây. Các chị vất vả làm lụng nuôi con, nhưng không còn nghĩ đến chuyện phải nối dây để có chồng nuôi con như trước. Hầu như số con cái của các chị cũng hiểu tấm lòng của mẹ nên đều chịu khó học tập, lao động giúp đỡ mẹ. Không chị nào tỏ ra hối hận khi theo chị Con làm đứt cái dây nối mình với... hủ tục lạc hậu ngày xưa của người Vân Kiều. Riêng chị Con, nỗi lo của gia đình chồng về một tay chị phải nuôi nhiều miệng ăn khi không còn chồng đã được giải toả. Chị mách: "Mấy mẹ con phải lo làm nhiều hơn cái rẫy, cái ruộng để nhà chồng khỏi lo. Nay nhà có nuôi được nhiều con bò, làm mỗi năm hơn 1.000 lon đậu xanh đổi gạo ăn đủ quanh năm. Nhiều chị theo mình không nối dây cũng làm đủ ăn, mua được con bò như mình, lấy chồng lấy vợ được cho con rồi".

Năm 2002, khi còn "trốn" nối dây, chị Con đang làm Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã. Chị nói: "Cũng sợ phong tục của người Vân Kiều mình nhưng mình cũng nghĩ làm công tác dân vận mà tự mình không bỏ được cái tục nối dây thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Lấy lại em chồng là không đúng rồi, mà chú ấy còn có vợ, tức là mình phải làm vợ hai, mà lấy rồi còn phải sinh con thêm nữa là mắc nhiều cái vi phạm hôn nhân. Khi đi tuyên truyền sinh đẻ kế hoạch ai nghe mình?".

Nhiều cán bộ ở xã Trường Sơn đã không khỏi vui mừng, cho biết: "Huyện, tỉnh đã khen ngợi xã mình đó. Từ khi chị Con không chịu nối dây đến nay, nhiều người làm theo rồi. Bản Bến Đường đi đầu, không bắt ép ai nối dây nữa, cũng không còn ai muốn nối dây nữa...".

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.