| Hotline: 0983.970.780

Người cha của "nàng Bạch Tuyết"

Thứ Hai 28/01/2013 , 10:20 (GMT+7)

Chuyện về người tạo ra giống vịt trắng năng suất cao nổi tiếng một thời của Việt Nam mang cái tên mỹ miều Bạch Tuyết.

Chuyện về người tạo ra giống vịt trắng năng suất cao nổi tiếng một thời của Việt Nam mang cái tên mỹ miều Bạch Tuyết.

Trại chăn nuôi, một tối mùa hè năm 1970, điện thoại bỗng đổ chuông dồn dập. Kỹ sư Trần Thế Dị, người phụ trách trại lật đật dậy nghe, đầu dây bên kia tiếng ông Lương Định Của, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, vang lên ngắn gọn: “Ông xuống phòng tôi có việc nhé”. Không biết thủ trưởng sẽ “cạo” gì mình, chỉ khi thấy trên bàn có một chai bia Hà Nội loại 4 hào, mấy cái cốc và gói thuốc lá Thủ đô sắp sẵn, ông Dị mới thở phào nhẹ nhõm…

Cốc bia đã cạn từ lâu, điếu thuốc lá trên môi cứ bập bùng đỏ theo từng nhịp rít. Trầm ngâm một hồi, ông Của mới tâm sự rằng: “Người Nhật Bản nhận xét về nông nghiệp Việt Nam có hai thế mạnh. Thứ nhất là trình độ thâm canh lúa nước giỏi nhất Đông Nam Á. Chúng ta cần phát triển lúa nước với quy mô lớn, năng suất cao, chất lượng tốt để không những tự túc lương thực mà còn thành nước xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới (Ở thời kỳ mà cả nước đang còn dài cổ trông chờ viện trợ bo bo, mì hột từ phe xã hội chủ nghĩa chuyện xuất khẩu lương thực là một ý kiến vô cùng táo bạo của Lương Định Của). Thứ hai là nuôi vịt chăn thả”.


Ông Trần Thế Dị

Chăn vịt thả đồng là nghề truyền thống của nông dân Việt. Thả đúng thời vụ chỉ mất khoảng 1 kg thóc người ta thu được một con vịt thịt vì hầu hết thức ăn của chúng đều là những thứ nhặt nhạnh, di động trên đồng. Khối lượng khi giết mổ thấp chỉ 0,8-1 kg, thịt mang mùi hôi của đồng ruộng, màu “lông cà cuống” bán không được giá bằng màu lông trắng khi xuất khẩu chính là những nhược điểm lớn của vịt cỏ. Phải phá vỡ tập quán ngàn đời của dân Việt là nuôi vịt cỏ năng suất thấp. Nhưng bằng cách nào? Rất may hồi ấy ông Của sang Hungary “đối ngoại” lấy được giống vịt anh đào (Cherry valley) nổi tiếng thế giới vì tốc độ tăng trọng nhanh, khả năng cho thịt cao. Nhiều ưu điểm như vậy nhưng khi nhập nội độ thích nghi của vịt anh đào rất thấp, đặc biệt kỹ năng tìm mồi hầu như không có.

Kỹ sư Dị loay hoay tìm cách lai vịt cỏ và vịt anh đào. Ông kéo hai trùm lò về giúp mình khâu ấp trứng, trả công gấp đôi lương kỹ sư trưởng trại, chiều như chiều vong, thỉnh thoảng lại cho một cút rượu, cân thịt. Một cuộc họp chi bộ của Viện đã “đả” tơi bời ông Dị không có lập trường, tại sao công nhân hợp đồng mà lương cao, bổng hậu. Ông thủng thẳng: “Tôi đã đề nghị việc này lên Viện trưởng và được ông Của nhất trí rồi”. Mọi người nghe đến danh ông Của liền tụt hứng "đấu tố".

Ấp trứng là nghề đặc biệt, kỹ thuật nằm hết trong đầu các ông trùm, không chiều họ không truyền cho. Chính Ấn Độ đã cử nhiều chuyên gia sang Việt Nam học về ấp vịt thủ công mà không thành bởi yếu tố bí truyền này.

Trứng ấp kiểu “thóc trấu” phải trải qua hai giai đoạn, giai đoạn đầu ấp bằng nhiệt gọi tức pho nóng, cái này có thể dùng nhiệt kế để đo, học lỏm khá dễ dàng. Sang giai đoạn pho lạnh “trứng ấp trứng” trứng được phủ lớp chăn mỏng, nhiệt độ tỏa ra từ quả trứng sẽ ấp chính nó. Tuyệt kỹ này phụ thuộc vào nhiệt độ ngoài trời để điều chỉnh các tấm chăn. Đêm nằm thấy lạnh đắp thêm chăn cho trứng, ngày thấy nực mở bớt. Tất cả bằng cảm nhận, bằng độ nhạy của từng lỗ chân lông, thậm chí bằng cả… giác quan thứ sáu, không một máy móc, nhiệt kế nào tính toán, đo lường được. Pho lạnh bắt đầu từ ngày 16 đến ngày 28 khi vịt nở sẽ quyết định tất cả, vịt nở ra tỉ lệ có cao không, có khỏe mạnh không… Những năm 70 của thế kỷ trước, ông Dị bắt đầu tạo ra con vịt lai có trọng lượng lớn hơn vịt cỏ, dễ thích nghi với điều kiện chăn thả hơn vịt anh đào thuần chủng.

Năm 1975, cây đại thụ làng khoa học nông nghiệp, ông Lương Định Của ngã xuống. Một thời gian sau, Nguyễn Kim, Phó Viện trưởng Viện cây Lương thực và cây Thực phẩm, gọi riêng ông Dị ra mà chân tình khuyên: “Viện chuyên về cây trồng, nếu cậu ở đây sẽ trái ngành, trái nghề không phát triển được, suốt đời cũng chỉ là anh trưởng bộ môn. Tớ đã đề nghị cho cậu đi học lớp quản lý ở Liên Xô để làm cán bộ khung, sau này sẽ bổ nhiệm Viện phó, cậu nghĩ sao?”. Không chần chừ trước đề nghị hấp dẫn đó, ông Dị nói luôn: “Các anh ưu ái cho tôi đi học, tôi cảm ơn nhưng khuyên tôi bỏ nghề chọn tạo giống vật nuôi thì tôi nhất định không bỏ”.


Nghề chăn vịt đồng ở Việt Nam

Biết không thể lay chuyển được Trần Thế Dị, ông Viện phó đành thôi. Hồi TCty Gia cầm Trung ương nhận được 2 chỉ tiêu của chính phủ Hungary cho thành lập 2 Trung tâm giống thủy cầm, ông Dị được kéo về phụ trách Trung tâm giống Cẩm Bình đóng trên đất tỉnh Hải Hưng cũ… Thời gian hai năm sang Hungary tu nghiệp ngành tạo giống, rất trùng hợp là ông Dị được học ở ngay Sarvat Haki - Viện chuyên vịt và cá. Giáo sư Kissandrat, người hướng dẫn của ông, rất phục nghề nuôi vịt đồng của Việt Nam. Khi chuẩn bị xếp va li về nước, ông Dị được vị giáo sư này kéo vào nói nhỏ: “Tôi sẽ cho cậu 200 quả trứng nhưng nếu đi theo con đường ký hiệp định thì không được bởi vì đó là giống thuần. Cậu có sẵn sàng hi sinh 15 kg hàng xách tay để mang trứng về nước không?”.

15 kg hàng xách tay chính là cơ hội đổi đời của nhiều người Việt thời đó. Ưu tiên số một là Xêriba - loại thuốc bổ rất được chuộng ở Việt Nam hồi bao cấp. Mang được 15 kg Xêriba về bán chênh lệch là dễ dàng mua được cái xe máy hoặc cả một căn hộ tập thể. Không cần suy nghĩ nhiều về chuyện sẽ mất cơ hội làm giàu hiếm có được trong đời, ông Dị nói với vị giáo sư hướng dẫn mình bằng một giọng dứt khoát: “Em chấp nhận”.
Không có đường bay thẳng từ Hungary về Hà Nội mà phải quá cảnh ở Moscow (Liên Xô cũ). Bình thường chuyện quá cảnh ngắn cũng mất cả tuần, lắm khi trục trặc kéo dài đến nửa tháng, cầm chắc trứng giống sẽ thành trứng ung. Lường trước tình huống này, giáo sư Kissandrat viết thư cho một người quen làm điều viên ở sân bay và nhờ ông Dị đưa tận tay cả thư cùng một gói quà.

Được “bôi trơn” quan hệ, ngay chiều hôm ấy Trần Thế Dị lên máy bay rời xứ Bạch Dương. Về đến Nội Bài (Hà Nội), thủ tục hải quan thông thường đối với hàng tươi sống phải kiểm dịch rất mất thời gian, ông Dị trình bày đầu đuôi mục đích của lô trứng nhập cuối cùng cũng được châm chước mà cho qua. Lô trứng quý hơn cả chiếc xe máy, căn hộ tập thể ấy được đưa ngay vào máy ấp để làm tươi máu thêm cho dòng vịt anh đào giống sau này.

Mọi việc đang mát chèo, xuôi mái nào ngờ một thời gian sau Bộ Công an gửi công văn về Bộ Nông nghiệp báo cáo là dòng vịt ông Dị mới mang về nhiễm Salmonela - loại bệnh nguy hiểm chưa từng có ở Việt Nam. Cô phụ trách kỹ thuật của TCty Chăn nuôi Trung ương đem tin này xuống gặp ông Dị vừa khóc vừa nói: “Tình hình căng lắm anh ạ”.

Sở Nông nghiệp Hải Hưng, địa phương đơn vị đồn trú cũng cuống cuồng với tin dịch bệnh mới xảy ra trên địa bàn. Đàn vịt anh đào cầm chắc nguy cơ bị hủy, ông Dị cũng cầm chắc bị kỷ luật vì không làm thủ tục kiểm dịch khi nhập trứng về. Cả một đêm trắng trằn trọc, lo âu, mờ sáng hôm sau ông Dị gọi cậu lái xe chở thẳng lên Cục Thú y nằng nặc khẳng định: “Không hề có bệnh này trên đàn vịt, chắc có người định chơi tôi”. Trước những lời khẩn khoản ấy, người ta đành xuống kiểm tra, lấy mẫu, kết quả tất cả đều âm tính. Thoát án tử cho cả người lẫn vịt.

Qua 8 đời nghiên cứu, chọn lọc và được thể hiện trong thực tế sản xuất cả chục năm, phương pháp tạp giao giữa vịt đực anh đào với vịt cỏ cái tập trung được các gen tốt của cả hai giống. Con lai có đủ tính trạng mong muốn như khối lượng đạt 1,7-2kg, lông trắng tuyền, chân mỏ vàng tươi, khả năng chăn thả và kiếm nhặt thức ăn tốt, duy trì sức chống chịu bệnh cao. Cái tên Bạch Tuyết do chính ông Viện trưởng Viện cây lương thực hồi ấy, Vũ Tuyên Hoàng đặt. Cánh đồng Hải Hưng khi ấy 60 - 70% vịt trắng, Bí thư Tỉnh ủy phấn khởi đến mức còn đề nghị đoàn chèo địa phương dựng vở “Hoa trắng đồng xanh” viết về nàng Bạch Tuyết của ông Dị. Được công nhận giống mới, khi nàng Bạch Tuyết chính thức được đăng ký khai sinh, ông Dị cũng yên tâm về vườn.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất