| Hotline: 0983.970.780

Người cha thứ hai

Thứ Tư 26/04/2017 , 06:45 (GMT+7)

Nghe mẹ kể, cha tôi mất do căn bệnh nan y khi tôi vừa lên 2 tuổi...

Mẹ tôi, một người phụ nữ xinh đẹp phải chịu cảnh góa bụa khi tuổi đời còn rất trẻ. Một mình mẹ phải gánh gồng hai thiên chức (cha - mẹ) để nuôi tôi nên người.

Gần 2 năm sau, mẹ quen một người đàn ông làm nghề tài xế lái xe tải khi tình cờ ông suýt đụng phải mẹ trên đường.

Từ đó hai người quen nhau, rồi đến với nhau thật trong sáng, không vụ lợi. Bên ngoại tôi không chấp nhận vì cho rằng nghề tài xế rất đào hoa, có lắm vợ. Bên nội thì ghét cay ghét đắng mẹ tôi, cho rằng mẹ tôi lẳng lơ, mới khóc tang chồng giờ đã có nhân tình mới.

Hàng xóm thì bàn ra tán vào: "Con nhỏ coi hiền vậy mà ghê gớm đáo để, chưa mãn tang chồng mà định đi thêm bước nữa". Mẹ tôi gác bỏ ngoài tai những lời dị nghị. Vì chỉ có người trong cuộc mới hiểu được nỗi lòng. Rồi vì không chịu được sự sỉ nhục của bên nội và ngoại, sự phỉ báng của hàng xóm, mẹ đã dắt tôi bỏ xứ ra đi.

Đất lạ quê người, mẹ con tôi không biết nương thân chốn nào. Cũng may nhờ sự giúp đỡ của ông mà mẹ bớt lo lắng. Ông thuê cho mẹ con tôi một căn phòng trọ khá tươm tất. Thường ngày ông vẫn hay lui tới để chứng tỏ sự quan tâm và tình yêu của ông dành cho mẹ tôi. Được cái gật đầu đồng ý của mẹ, ông và mẹ tổ chức một bữa tiệc nhỏ xem như là lễ cưới. Bạn bè chỉ dăm người nhưng rất vui và ấm cúng.

Sau đám cưới, ông dọn về sống chung với mẹ con chúng tôi. Bắt đầu từ hôm đó, tôi chính thức gọi ông là cha. Không giống như người cha dượng trong những câu chuyện thêu dệt, ông luôn chăm sóc cho tôi rất chu đáo, ngày hai buổi đưa tôi đến trường, lo cho tôi từng cây bút, cuốn tập...

Thậm chí có nhiều người lầm tưởng tôi là con ruột của ông vì hai cha con có khuôn mặt y hệt. Mẹ kể có lần tôi sốt cao, ông đã sốt sắng đưa tôi đến bệnh viện, túc trực bên tôi, bỏ cả công việc cho đến khi tôi khỏi bệnh.

Rồi mẹ tôi có thai. Lúc đó, đầu óc non nớt của tôi suy nghĩ, khi em bé chào đời, cha sẽ không còn thương tôi như trước vì dù sao tôi vẫn không phải là con ruột của ông. Nhưng mọi chuyện đi ngược lại với ý nghĩ đó. Từ lúc em trai tôi ra đời, cha tôi vẫn thế, tình thương ông vẫn dành đồng đều cho cả hai.

Nhiều năm sau, cuộc sống ngày một khá hơn, cha tôi mua một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô cho mẹ và anh em tôi ở. Tôi đậu đại học bách khoa theo như lời khuyên của cha. Năm năm ngồi ở giảng đường đủ để tôi biết nỗi vất vả lo toan của cha đến mức nào.

Tôi đã làm thêm rất nhiều việc để giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ. Nhưng tạo hóa thật bất công khi lấy đi hạnh phúc mà gia đình tôi đang tận hưởng. Vì muốn tận mắt chứng kiến ngày lễ tốt nghiệp của tôi nên dù cách hàng ngàn cây số cha vẫn cố gắng về. Xe chạy quá nhanh, không làm chủ tay lái nên cha đã lao vào một xe tải khác đang đi hướng ngược lại. Thế là cha tôi đã ra đi mãi mãi...

Tôi buộc phải kiềm nén nước mắt, sự đau khổ, mềm yếu, thay cha gánh vác trách nhiệm gia đình, như lời ông đã từng nói: “Cha đặt hếtniềm tin ở con, sau này con sẽ là trụ cột trong nhà, lo cho mọi người”.

Cuộc sống này có rất nhiều điều lạ lẫm, mới mẻ mà đến chính chúng ta cũng không thể ngờ tới được. Vì thế xin ai đó đừng định nghĩa hai từ cha dượng (hoặc dì ghẻ) trước một cái bĩu môi đầy xúc phạm hay xấu mồm bảo: "Độc ác, nhẫn tâm, không đạo đức…". Hoặc ai đó bảo rằng đàn ông làm nghề tài xế bay bướm, trăng hoa, phụ nữ sẽ không được hạnh phúc khi có một người chồng như vậy. Đũa không thể vơ cả nắm, có chiếc xấu xí nhưng cũng có chiếc tuyệt vời. Và câu chuyện của cha tôi là một ví dụ điển hình.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?