| Hotline: 0983.970.780

Người có hai sáng kiến cải tiến kỹ thuật chế biến hồ tiêu

Thứ Tư 21/11/2007 , 15:08 (GMT+7)

Đó là anh Nguyễn Văn Quéo quê ở Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, năm nay 49 tuổi. Năm 1977, anh là thanh niên xung phong vào Gia Lai xây dựng kinh tế công tác tại Cty Cà phê tỉnh Gia Lai.

Đến năm 1989, vì điều kiện sức khoẻ nên anh xin nghỉ việc về làm nông. Hiện nay anh ở số nhà 1052, đường Hùng Vương, thị trấn Chư Sê, Gia Lai.

Trải qua sự ngỡ ngàng trước cái nắng, trước cái gió của cao nguyên, qua nhiều năm phấn đấu, vật lộn với mảnh đất Gia Lai này anh Quéo đã trở thành chủ một doanh nghiệp tư nhân (Cty TNHH Phùng Hưng) chuyên trồng và kinh doanh chế biến tiêu trên địa bàn Chư Sê. Gia đình anh trồng 9 ha tiêu, năm 2006 mới có 2,5 ha cho thu hoạch đạt 40 tấn tiêu đen, trị giá gần 3 tỷ đồng. Dự kiến năm 2007 cả 9 ha tiêu của anh sẽ cho thu hoạch 100 tấn tiêu đen. Giá của tiêu đen thấp, năm được giá lên đến trên 60 ngàn đồng/kg nhưng năm giá hạ chỉ còn không đến 20 ngàn đồng/kg. Trong khi đó giá tiêu trắng cao gấp hơn hai lần tiêu đen. Tiêu đỏ có giá cao nhất, gấp hơn 3 lần tiêu đen. Anh Quéo luôn mày mò nghiên cứu làm sao để sản phẩm hồ tiêu của mình cũng như bà con làm ra phải cho thu nhập cao mới xứng đáng công lao của người dân trồng tiêu bỏ ra. Trong quá trình sản xuất, anh Quéo đã nảy sinh ra 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ sản xuất và chế biến hồ tiêu. Đó là sáng kiến “Chế tạo máy bóc vỏ tiêu để chế biến tiêu trắng” và “Quy trình chế biến tiêu đỏ” đoạt giải trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai năm 2007.

Tỉnh Gia Lai nói chung và địa bàn huyện Chư Sê nói riêng là  vùng đất sản xuất và xuất khẩu tiêu thuộc vào diện lớn nhất nước. Để tăng giá trị của hồ tiêu, Khuyến công huyện Chư Sê đã nhập một số máy móc để chế biến tiêu đen thành tiêu trắng từ Vũng Tàu, Bình Dương về phục vụ cho nhân dân trong vùng tiêu trọng điểm này. Từ thực tế các máy bóc vỏ tiêu đen để chế biến tiêu trắng được nhập về là loại máy quay ngang như xay lúa làm tỷ lệ hao hụt cao tới 30%, hạt tiêu bị vỡ nhiều, lại nhiều công đoạn, phức tạp, phải sử dụng nhiều lao động, giá thành cao, tuy bán một kg tiêu trắng cao hơn tiêu đen rất nhiều mà lãi không bao nhiêu. Thế là chiếc máy bóc vỏ hạt tiêu để chế biến tiêu trắng của anh Quéo ra đời trong hòan cảnh đó.

Máy bóc vỏ tiêu cải tiến của anh Quéo rất đơn giản: Bóc hạt tiêu đen thành tiêu trắng theo nguyên lý ly tâm. Dùng cánh quạt quay đều trong cối tạo ma sát làm hạt tiêu tróc vỏ. Công đoạn làm ra tiêu trắng: Phân loại chọn lựa nguyên liệu, ngâm trong nước, ủ để vỏ mềm và phân huỷ rồi tiến hành xay bóc vỏ, rửa bằng nước và phơi khô, thế là được sản phẩm tiêu trắng dạng thô, rồi tinh lọc nhiều lần cho ra tiêu trắng thành phẩm.

Cấu tạo của máy bao gồm: Một mô tơ 3 pha 3 HP, tốc độ quay 1.500 vòng/phút, dùng làm trung tâm lực cho cả hệ thống chuyển động; một trục quay làm bằng sắt đường kính 5 cm có gắn cánh quạt, chiều dài trục tuỳ theo kích cỡ máy; khung máy làm bằng sắt chữ V rộng 6 cm; cánh quạt làm bằng sắt Ø 2 cm, có 8 cánh, độ dài 40 cm; 2 buri có đường kính 35 cm và 1 buri đường kính 12 cm làm nơi trung tâm chuyển động và làm tăng hoặc giảm tốc độ quay của cánh quạt và trợ lực giảm sức ép cho mô tơ; 4 ô bít (bạc đạn) giữ trục quay cố định; 2 dây coroa (B70, B78) dùng để truyền lực quay; 1 bể chứa có thể làm bằng gạch xây hay bằng inox… nhưng phải tạo độ nhám, ma sát trong thành bể. Dưới đáy bể có khóa mở để lọc nước và vớt vỏ hạt tiêu. Máy được đặt trên bể hoặc làm chân đứng. Giá thành ngoài thị trường hiện nay của một chiếc máy bóc vỏ tiêu để chế biến thành tiêu trắng 10 triệu đồng, công suất được 0,5 tấn tiêu trắng/giờ. Trong khi đó máy cải tiến của anh Quéo giá thành chỉ khoảng 7 triệu, công suất 1 tấn/giờ.

So với máy quay ngang có bán trên thị trường thì máy ly tâm của anh Quéo tiện lợi hơn nhiều: Tiết kiệm được hai công lao động trong quá trình làm việc, giảm được lượng nước tiêu thụ vì khi máy hoạt động có thể bơm nước vào để rửa tiêu luôn, đỡ tốn nước rửa tiêu (giảm được 2 m3 nước/tấn); công suất lại cao gấp đôi. Sản phẩm tiêu trắng đảm bảo chất lượng cao, bóng đẹp. Trừ các chi phí anh Quéo làm lợi khoảng 1 triệu/tấn.

Quy trình sản xuất tiêu đỏ: Khi hái hạt tiêu phải chín. Một buồng có hạt tiêu chín khoảng 80% trở lên mới thu hoạch, phải chú ý tránh làm hạt tiêu bị tróc vỏ. Khi phân loại, chỉ lấy hạt tiêu chín ra khỏi cọng bằng phương pháp thủ công. Tiêu chín được phơi khô tách hết cọng và tạp chất. Lúc này chỉ còn lại hạt tiêu chín đạt chất lượng cao. Tiếp theo cho hạt tiêu chín đã phơi khô qua hệ thống rửa sạch, phải làm nhanh tránh ngâm tiêu trong nước quá lâu. Tiếp theo là công đoạn khử trùng và tạo độ bóng bằng cồn (cồn thực phẩm). Cuối cùng là sấy khô trên ngọn lửa ga, khi độ ẩm của hạt dưới 12,5% là được và phải có màu đỏ sẫm, bóng của hạt tiêu chín. Sản phẩm hạt tiêu lúc này được gọi là tiêu đỏ và được bảo quản trong bao nilon PE, phía ngoài bọc bao PP. Đây là sản phẩm mới của hồ tiêu, chất lượng cao, giá trị kinh tế cao gấp 3 lân tiêu đen, người trồng tiêu dễ áp dụng. Từ năm 2005 đến nay anh Quéo đã bán được 20 tấn tiêu đỏ ra thị trường, người tiêu dùng rất ưa thích, khả năng tiêu thụ cao. Hiện nay chưa đủ sản phẩm cung cấp cho nhu cầu thị trường. Giải pháp này khuyến khích người trồng tiêu bỏ dần thói quen thu hoạch tiêu xanh, kém chất lượng.

Trao đổi với chúng tôi anh Quéo cho biết: Vụ tiêu vừa qua, nhờ có chiếc máy cải tiến chế biến tiêu trắng và phương pháp chế biến tiêu đỏ đã cho anh thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng (lãi một kg tiêu trắng hơn tiêu đen 1.500 đồng). Hội thảo do Trung tâm Khuyến công Gia Lai tổ chức mới đây bàn về sản xuất tiêu trắng theo mô hình cụm hộ sử dụng máy bóc vỏ hạt tiêu bằng phương pháp ly tâm, theo đó huyện Chư Sê lập dự án mở rộng mô hình này cho các hộ nông dân trồng tiêu trên địa bàn, anh Quéo sẽ cùng hợp tác. Đến trang trại tiêu của anh mới biết người nông dân này không chỉ có sáng kiến về chế biến hạt tiêu mà còn nắm rất rõ kỹ thuật thâm canh tiêu cho năng suất cao. Tiêu của anh chỉ sử dụng choái bằng trụ bê tông, đầu tư ban đầu tuy tốn kém một chút nhưng bền và đương nhiên không chặt rừng lấy gỗ làm trụ. Anh cho biết kỹ thuật trồng tiêu trên trụ bê tông cây tiêu ít bị sâu bệnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt.

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm