| Hotline: 0983.970.780

Người có sở thích làm giàu từ nuôi thú rừng

Thứ Sáu 18/08/2017 , 07:15 (GMT+7)

Anh Trần Văn Giang (46 tuổi, ở thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) sau nhiều thất bại nuôi nhím đã chuyển sang nuôi chồn hương và chim công kết hợp mỗi năm lãi hơn 300 triệu đồng.

10-28-37_nh_1
Anh Giang kiểm tra sức khỏe đàn chồn hương

Tìm đến tham quan trang trại của anh Giang, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chỉ với 60m2 chuồng nuôi khép kín ngay tại khu dân cư nhưng được bố trí hợp lý, trong đó 40m2 nuôi chồn hương, 20m2 nuôi chim công. Chuồng trại luôn giữ được thoáng mát, sạch sẽ giúp vật nuôi phát triển mạnh và tránh được dịch bệnh.

Anh Giang kể, năm 2014 sau nhiều năm nuôi nhím thua lỗ vì rớt giá, anh vay mượn của người thân gần 50 triệu đồng, lặn lội ra Nghệ An để mua 5 cặp chồn hương giống với giá 40 triệu về nuôi thử.

“Do có sở thích nuôi thú rừng, tôi thấy loài chồn hương này đẹp và thơm nên mua về nuôi thử xem sao. Lúc mới nuôi do không nắm được kỹ thuật nuôi và ít sự chăm sóc, nên 3 con chết vì bệnh và một số trốn khỏi chuồng. Sau những tổn thất đó, tôi tập trung nghiên cứu cách thức nuôi và nhân rộng số đàn lên ổn định như bây giờ”, anh Giang nhớ lại.

Sau khi thu được những “quả ngọt” đầu tiên từ chuồng nuôi thử nghiệm chồn hương. Năm 2016 anh Giang lại ra Hà Nội mua 3 cặp chim công giống với giá 12 triệu đồng. Sau khi nuôi một thời gian, đàn công phát triển mạnh nhưng gia đình anh bị trộm mất một cặp.

Theo anh Giang, nuôi chồn hương cũng như nuôi mèo, với diện tích chuồng nuôi rộng khoảng 1m2 nhưng phải được rào kín để chúng không ra được. Một ngày chỉ ăn một lần và thức ăn chủ yếu là cháo cá hoặc cháo thịt. Chi phí cho mỗi bữa ăn chỉ khoảng 2.000 đồng/con. Mỗi năm, một con chồn cái sinh được 2 lứa, mỗi lứa từ 3 - 5 con. Sau một năm nuôi đạt trọng lượng từ 3 - 4kg/con.

“Chồn hương chỉ nhiễm bệnh cầu trùng nên phải chích thuốc thường xuyên cho chúng. Khi nuôi hạn chế cho ăn sống vì khi đó chồn dễ đau bụng và dễ chết. Đặc biệt khi nuôi chồn hương con, phải hạn chế sờ vào nó. Vì khi con vật có hơi người thì chồn hương mẹ sẽ ăn thịt chồn con”, anh Giang chia sẻ.

Cũng theo anh, nuôi chim công cũng như nuôi gà, phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho ăn đúng bữa. Chim công có thể ăn thêm rau và cỏ. Loài công chỉ sinh sản từ tháng 2 đến tháng 7, mỗi mùa 1 cặp sẽ đẻ được gần 50 trứng. Hiện tại, anh đầu tư máy ấp trứng mini nên tỷ lệ chim con nở rất cao.

10-28-37_nh_2
Đàn chim công của anh Giang phát triển tốt

Nhờ nắm được kỹ thuật nuôi, từ 10 con chồn giống ban đầu, anh Giang nhân rộng diện tích nuôi lên và luôn duy trì từ 30 - 40 con chồn hương thương phẩm. Với giá thị trường hiện nay 1,5 triệu đồng/kg, trừ mọi chi phí thu lãi 4 triệu đồng/con.

Hiện đàn chim công có 10 con, trong đó 4 con bố mẹ, 6 con nhỏ và hơn 50 trứng sắp nở. Sau khi nở anh bán chim công giống cho bà con, mỗi lứa thu về hàng chục triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí từ nuôi chồn hương và chim công, mỗi năm lãi ròng hơn 300 triệu đồng.

Xem thêm
Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.