| Hotline: 0983.970.780

Người cứu vịt bầu Quỳ

Thứ Sáu 11/11/2011 , 10:43 (GMT+7)

Giống vịt quý này hiện đã thoát khỏi nguy cơ bị xoá sổ nhờ được ông Thái Diệu, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu bỏ công sức khôi phục và nhân giống...

Nhân giống vịt bầu Quỳ để cung ứng cho các hộ dân trong liên minh

Chúng tôi đến thăm căn nhà 2 tầng nằm cạnh chân chiếc cầu bê tông Châu Tiến vắt qua thượng nguồn sông Hiếu, thuộc xã Tiền Phong, huyện Quế Phong chợt nhìn thấy đàn vịt đẻ hàng nghìn con căng tròn đang nằm nghỉ dưới chân cầu. Thấy người lạ cả đàn vịt chạy nhốn nháo và kêu inh ỏi.

Đó là đàn vịt bầu Quỳ, một giống vịt đặc sản quý chỉ có ở các huyện miền núi phía Tây xứ Nghệ. Và không khỏi vui mừng khi biết giống vịt quý này hiện đã thoát khỏi nguy cơ bị xoá sổ nhờ được ông Thái Diệu, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu bỏ công sức khôi phục và nhân giống trên quê hương của chúng tại huyện Quế Phong.

Ông Thái Diệu cho biết: Do sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên giống vịt bầu Quỳ có khả năng tìm kiếm các nguồn thức ăn thiên nhiên giỏi và có sức chống chịu bệnh tật cao. Chúng chỉ cần cho ăn thóc lép, trấu gạo (chế độ nuôi dưỡng thấp) vẫn phát triển tốt. Giống vịt bầu Quỳ chỉ cần nuôi 2 tháng đã có trọng lượng khoảng trên 1 kg. Nuôi 4 tháng trọng lượng tăng gần gấp đôi (trên dưới 2kg/con).

Thịt vịt bầu Quỳ đặc biệt rất thơm và ngon. Thịt đùi có tỷ lệ protein thô 21,23 - 21,50%; tỷ lệ mỡ thô 1,18 - 1,68%; tỷ lệ nước 75,09 - 75,6%, do không quá béo, chắc thịt, người tiêu dùng rất ưa thích. Giá vịt bầu Quỳ có thời điểm lên tới 250 đến 300 nghìn đồng/con nhưng vẫn rất khó mua. Nguyên nhân là do tình trạng chăn nuôi gia đình nhỏ lẻ mỗi nhà chỉ 5 - 10 con, khi các nhà hàng đặc sản đổ xô đến săn lùng đã đẩy giống vịt quý nổi tiếng này đứng trước nguy cơ bị xoá sổ...

Từ thực trạng trên, ông Thái Diệu đã nảy ra ý tưởng tự mình tìm cách khôi phục lại nhằm bảo vệ và giữ gìn giống vịt bầu Quỳ cho địa phương. Năm 2009, nhờ sự giúp đỡ của Sở KH- CN Nghệ An, ông Diệu đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu, và ngay lập tức ông lặn lội đến các bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện Quế Phong để lùng mua từng con giống gốc.

Có đàn vịt bầu Quỳ giống gốc, doanh nghiệp Diệu Châu bắt đầu xây lò ấp để sản xuất vịt giống. Nhờ nguồn giống 100% máu thuần do doanh nghiệp này cung ứng, phong trào nuôi vịt bầu Quỳ của đồng bào các dân tộc đã được phục hồi lại. Chỉ sau 2 năm, đàn vịt bầu Quỳ ở nhiều xã tại Quế Phong và Quỳ Châu đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.

Ông Thái Diệu cho biết: Đảm bảo đàn giống vịt bầu Quỳ xuất bán cho người nuôi 100% máu thuần chủng chúng tôi đã thực hiện rất nghiêm túc việc duy trì đàn giống gốc ông bà, bố mẹ bằng việc xây dựng trại giống độc lập, đảm bảo cách ly hoàn toàn với các giống vịt khác ở vùng lân cận. Thường xuyên mời cán bộ kỹ thuật đầu ngành của Viện Chăn nuôi và cán bộ chuyên môn Khoa Sinh, Trường Đại học Vinh về giúp tuyển chọn đàn vịt bầu Quỳ hậu bị.

Năm 2011, được sự giúp đỡ của hợp phần chăn nuôi, dự án cạnh tranh nông nghiệp tại Nghệ An, doanh nghiệp Diệu Châu hình thành “Liên minh sản xuất và tiêu thụ vịt bầu Quỳ giữa doanh nghiệp và HTX chăn nuôi xã Tiền Phong - Quế Phong” với sự tham gia của 100 hộ, quy mô 200 con giống/lứa/hộ, mỗi năm 2 lứa; kế hoạch đến năm 2013, tăng lên 200 hộ.

Tại liên minh này, hai bên đã ký kết với nhau: Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu hỗ trợ nông dân kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, cung ứng giống, thức ăn đảm bảo chất lượng, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho nông dân theo giá được thỏa thuận trong vòng 2 năm.

Trước mắt, đàn vịt bầu Quỳ thương phẩm thu được khoảng 4 vạn con/năm sẽ tập trung cung ứng cho thị trường là các nhà hàng khách sạn trên địa bàn huyện Quế Phong để giới thiệu đặc sản quê hương cho khách khi đến công tác. Về lâu dài, khi đã có các chứng chỉ về chất lượng, nhãn mác, thương hiệu và ổn định về sản lượng, doanh nghiệp sẽ xúc tiến đưa sản phẩm thâm nhập thị trường TP Vinh và mở rộng dần sang các thị xã, thành phố khác.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất