| Hotline: 0983.970.780

Người đàn bà tắm lửa và chuyện gỡ bùa chài

Thứ Sáu 18/10/2013 , 09:51 (GMT+7)

Chuyện có thật nhưng không lý giải được về người đàn bà sau một lần ốm thập tử nhất sinh, hơn ba tháng trời ăn cơm chan nước suối, ngủ trên nóc nhà...

Thật khó lý giải được về người đàn bà sau một lần ốm thập tử nhất sinh, hơn ba tháng trời ăn cơm chan nước suối, ngủ trên nóc nhà, bà đã nhảy vào đống lửa đang ngùn ngụt cháy khiến nhiều người kinh hãi, bà bốc than đỏ rực khoả lên người như đang tắm lửa như phủi hết bụi trần gian. Khi bước chân ra khỏi đống lửa bà không hề hấn gì, từ đó bà biết cúng và gỡ bùa chài…

Người đàn bà ấy tên là Sừn Thị Hoa, người dân tộc Dáy, bản Nậm Bon, xã Phúc khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, năm nay trên 60 tuổi.


Bà Sừn Thị Hoa - người đàn bà tắm lửa kể lại những lần đi gỡ bùa chài.

Chị gái tôi là Nguyễn Thị Đường vốn là bạn của bà Hoa, chị đã vài lần mời bà Hoa về cúng, chị tôi bảo: Nghe mọi người nói, bố chồng bà Hoa là ông Sừn Văn Quỳnh trước kia là thầy cúng sau khi chết đã nhập vào bà Hoa. Bản thân bà Hoa trước đây có biết cúng bái, gỡ bùa chài gì đâu, sau lần ốm nặng khi khỏi bệnh tự nhiên bà ấy biết cúng, thuộc tất cả những bài cúng thế mới lạ…

Đem chuyện bà Hoa biết cúng và gỡ bùa chài hỏi ông Lò Văn Tàng - bí thư Đảng ủy xã Phúc Khoa vốn là giáo viên một thời dạy học ở Nậm Sỏ với tôi là người cùng bản với bà Hoa. Ông lắc đầu: Chịu, chẳng hiểu nổi, bà Hoa sau một lần ốm suýt chết, khi khỏi thì bà ấy biết cúng và gỡ được bùa chài cho người ta...


Bản của người Khơ Mú Nà Lại (Phúc Khoa, Tân Uyên, Lai Châu).

Tôi nhờ con rể chị tôi là Lò Văn Hải, hiện là phó chủ tịch xã Mường Khoa đưa lên nhà bà Hoa. Nhà bà Hoa ở ngay đầu cầu Nậm Bon, một ngôi nhà vừa để ở vừa làm quán bán hàng. Trước đây bà ở trong bản, ngôi nhà khá to, sau khi con cái lấy vợ lấy chồng bà chuyển ra gần đường làm quán bán hàng. Nói là quán nhưng chẳng có mấy thứ hàng hoá để bán, vài gói bánh, mấy chai nước ngọt, cuộc sống của vợ chồng bà chủ yếu trông vào ruộng nương. Khi tôi đến, rất may hôm nay bà đang có mặt ở nhà.

Bà Hoa giọng khàn khàn hỏi chúng tôi đến có việc gì thế? Tôi bịa ra một câu chuyện rằng: Em có đứa cháu trai trên Pa So, Pa Tần trên Phong Thổ làm máy xúc. Nó đã về nhà gần một năm nay rồi, nhưng chả hiểu sao người cứ ngơ ngẩn như bị ma ám, không đi làm cứ vơ vẩn hết trong nhà lại ra sân, thỉnh thoảng lại xin tiền lên Phong Thổ. Hỏi thì nó bảo: Ở nhà không chịu được, ruột gan rối bời…

Bà Hoa hỏi tôi: Thằng cháu đã có vợ chưa? Chưa à, chắc nó bị con gái Thái ở Pa So chài rồi. Trên ấy con gái Thái làm bùa chài giỏi lắm, nhiều người bị chài không biết đường về đâu. Cháu của anh về được tới nhà nhưng chưa gỡ được bùa thì vẫn nghĩ mình đang ở đâu đó, đi lại khắp nơi mà không biết mình đi đâu.

Tôi bảo: Em muốn đón chị xuống Yên Bái cúng cho đứa cháu. Bà Hoa lắc đầu: Chưa biết con ma ấy thế nào, anh lấy cái áo của cháu nó lên đây để tôi xem thế nào đã. Phải là áo của nó đã mặc rồi, áo đã giặt cũng được, áo chưa giặt cũng được…

Tôi ngạc nhiên quá, nhìn sang ông Phàn Văn Bàn hỏi: Bố chồng chị tại sao không nhập vào con trai mà lại nhập vào con dâu?
Ông Bàn cười bảo tôi: Tại mình hay ăn thịt chó, nên bố không nhập vào được...

Chồng của bà Hoa tên là Phàn Văn Bàn vừa đi làm ruộng về, thấy chúng tôi đang nói chuyện thì lặng lẽ ngồi nghe.

Tôi hỏi bà Hoa: Chị đã cúng và gỡ bùa chài cho bao nhiêu người rồi, gần đây có ai đến nhờ chị gỡ bùa chài không?

Bà Hoa chẳng ngần ngại cho biết: Ây dà, nhiều lắm, không nhớ được hết đâu cả người Thái, người Mông đấy, chị biết cúng từ năm chị mới hơn ba mươi tuổi. Cách đây mấy tháng chị mới gỡ ma chài cho cháu Hùng ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát cách thành phố Lào Cai hơn chừng chục cây số. Nó ở bãi vàng Văn Bàn về, bị ma rừng nhập vào hàng ngày cứ đi lang thang. Cúng xong là khỏi. Mới bị ma nhập nếu cúng ngay thì khỏi, còn để lâu khó khỏi lắm…

Lúc này tôi mới giới thiệu với bà tôi là em trai bà Nguyễn Thị Đường ở bản Phúc Khoa, bà Hoa mới à lên một tiếng rồi bảo: Chị với bà Đường là bạn từ lúc chưa lấy chồng, chị em vẫn thỉnh thoảng gặp nhau mà.

Tôi hỏi bà Hoa: Để biết cúng và gỡ được bùa chài chị phải học ai chứ?

Bà Hoa lắc đầu: Chị tự khắc biết thôi, sau một lần ốm sắp chết, bố chồng chị là Sừn Văn Quỳnh trước kia là thầy cúng nhập vào người chị, bắt chị lội suối, đêm ngủ trên nóc nhà, tắm lửa đang cháy cao, hai tay xúc than đỏ… không biết đau. Mọi người ở đây bảo chị: Nó không còn là người nữa, nó là ma nhập rồi mới làm được như thế. Chị ốm khoảng ba tháng đấy, người gầy lắm, không ăn được gì chỉ ăn cơm chan với nước lã thôi. Khi khỏi ốm thì tự nhiên thuộc hết tất cả các bài cúng của bố chồng chị mà từ bé chị có bao giờ học đâu.

Ông Bàn chỉ bà Hoa: Bà này hồi ấy ốm tưởng chết, người gầy lắm, chắc khi đó chỉ nặng hơn ba chục cân thôi. Suốt ngày lội suối, hết nhặt rêu, cạy đá quần áo lúc nào cũng ướt. Cả ngày có khi chỉ ăn một bát cơm chan nước lã múc dưới suối lên, đêm leo lên nóc nhà ngủ, rồi trèo đi lại trên xà nhà như con mèo ấy. Mọi người trong bản bảo bà này cứ đi lại, leo trèo lung tung như thế có ngày ngã chết thôi. Sau này khỏi ốm, người ta hỏi những chuyện bà ấy đã làm, bà bảo không biết gì, nhớ gì...


Nơi cuộc sống của đồng bào còn nghèo đói thì những hủ tục vẫn tồn tại, việc tin vào ma chài là điều không có gì lạ.

Bà Hoa khoe với tôi: Chị vừa đi gỡ bùa chài cho mấy người Tàu ở Hà Khẩu. Thấy mình sang chơi, mấy người dân có người nhà ốm lấy áo cho chị xem, chị cúng khỏi mà. Mới đây thôi có người ở tận Nam Định đến đón chị xuống đến cúng cho ông tên là Tảo, hơn 60 tuổi bị đồng đội đã hy sinh nhập vào, cứ đi là ngã. Chị cúng khỏi cho ông ấy, ông còn cho chị cái điện thoại để liên lạc với gia đình ông ấy…

Tôi hỏi chị: Ông Tảo ở xã nào? Chị lắc đầu: Không biết đâu. Người ta lên đây đón chị, cả đi và về hết 5 ngày đi đường…

Cạnh nhà chị tôi chừng trăm mét là bản Nà Lại, mỗi lần về tôi đều qua nhà thằng Sừn Văn Pháng, người Khơ Mú có vợ là Lường Thị Lự. Lự bị ai đó thả bùa chài, không ăn không ngủ từ mấy năm nay, chữa chạy khắp nơi nhưng không khỏi.

Tôi tìm đến nhà Pháng, cả hai vợ chồng Pháng ở nhà. Vợ Pháng vừa đi hái chè thuê về người gầy như cái que củi, gương mặt như người mất hồn ngơ ngác nhìn tôi.

Pháng bảo: Vợ cháu đấy, vợ cháu là người Thái ở trong Mường Khoa, bị bệnh từ năm ngoái năm kia chú ạ. Chẳng biết bệnh gì, trong đầu như có con sâu cứ bò đi bò lại, đau lắm. Cháu bán một nếp nhà vừa xẻ về chưa dựng, rồi cắm cả ruộng để lấy tiền chữa chạy cho vợ. Cháu đưa vợ đến các bệnh viện Than Uyên, Lai Châu, Lào Cai rồi sang tận Hà Khẩu - Trung Quốc khám bệnh, chụp cắt lớp xem trong đầu có con gì mà cứ bò đi bò lại như thế. Chẳng thấy con gì, các bác sĩ đều bảo vợ cháu chẳng có bệnh gì. Chịu, chẳng hiểu nổi. Nghe người ta bảo hay vợ mày bị ai thả bùa chài? Thế là vợ chồng cháu đi tìm các thầy cúng, để gỡ bùa chài trong đầu ra…

Pháng thở dài ngán ngẩm: Cháu bán sạch lợn gà, trâu bò lấy tiền đưa vợ đến các nhà thầy cúng nhờ họ gỡ bùa chài trong đầu vợ cháu ra. Cháu không tin vợ cháu bị ma chài, nhưng không đưa vợ đi thì vợ bảo cháu không thương vợ, khổ thế…

Nghe Pháng kể đã đưa vợ đến nhà các thầy cúng ở trong xã Phúc Khoa và Mường Khoa như ông Phạp, ông Trô, ông Chánh rồi bà Vá ở xã Phúc Than đều không khỏi. Nghe nói ở Mường Giôn - Quỳnh Nhai, Sơn La có thầy cúng cao tay gỡ được bùa chài vợ chồng Pháng bán lúa non, lúa già khăn gói ra đi. Ở Mường Giôn thầy cúng vừa đắp thuốc lên đầu vừa cho uống thuốc giải bùa một tuần không khỏi, thầy bảo: Con ma chài này to lắm, tôi không lấy nó ra được, tôi xin giới thiệu đến nhà thầy dạy tôi, người ấy có thể lấy ra được… Theo địa chỉ thầy Mường Giôn giới thiệu, vợ chồng Pháng quay lại Quỳnh Nhai, rồi lên Sơn La, cuối cùng đến thầy Phái Tinh, thầy này cũng bó tay.


Lường Thị Lự nghi bị bùa chài đến nay chưa khỏi bệnh.

Vợ Pháng gần đây mới ăn được, người đã hồi lại nhưng vẫn còn yếu lắm. Pháng cho vợ đi làm cho đỡ buồn chân chân tay. Nhà chỉ có ít ruộng, làm mấy buổi là hết, theo mọi người đi hái chè thuê, kiếm được đồng nào hay đồng ấy, ngồi ở nhà mệt mỏi thêm.

Tôi hỏi Lự bây giờ đầu óc thế nào rồi, còn đau nữa không? Lự lắc đầu bảo tôi: Cháu không còn đau như trước nữa, nhưng con sâu thì cứ bò trong đầu cháu chú ạ, bây giờ bò ít hơn…

Pháng buồn rầu bảo tôi: Cháu chưa đưa vợ cháu sang bà Sừn Thị Hoa, con ma này to lắm, lại ở lâu trong người vợ cháu rồi, bà Hoa chắc cũng khó gỡ ra được…

Năm ngoái chị tôi ốm to quá, tưởng chết, phải đưa đi bệnh viện Tân Uyên rồi Than Uyên để chính các con chị điều trị cho, khi về cứ ốm quặt quẹo. Chị mới đón bà Hoa về cúng, chị tôi bảo: Bà Hoa không lấy tiền công của ai, người ta cho thế nào thì nhận, nhưng không quá một trăm ngàn đồng…

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.