| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 23/01/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 23/01/2018

Người dân mong mỏi một mô hình BOT hợp lòng dân!

Các trạm thu phí BOT là câu chuyện nóng bỏng nhất trong năm 2017, trên những diễn đàn truyền thông cũng như trên nghị trường quốc gia.

Để đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT giúp người dân đón Tết cổ truyền Mậu Tuất 2018 được an vui, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký công điện yêu cầu các ngành liên quan và các địa phương phải có phương án cần thiết và hiệu quả nhằm chấn chỉnh những diễn biến phức tạp đã và đang xảy ra.

Giải pháp BOT nhằm phát triển hạ tầng giao thông, rất đáng khuyến khích và ủng hộ. Thế nhưng, quá trình triển khai đã tồn tại một số bất cập, khiến dư luận bức xúc. Bộ trưởng Bộ GTVT – Nguyễn Văn Thể trong buổi họp báo đầu năm 2018, đã thừa nhận thái độ phản ứng của lái xe và doanh nghiệp đối với các trạm thu phí BOT làm trên các tuyến đường đã có, là phản ứng tất yếu.

Đồng thời ông Nguyễn Văn Thể khẳng định mạnh mẽ: "Hiện nay chúng tôi đã dừng nhiều dự án BOT chậm tiến độ, không làm những dự án BOT trên đường cũ, thì không lặp lại như BOT Cai Lậy. Dự án BOT Cai Lậy triển khai trước năm 2016 nên có yếu tố lịch sử. Khi hoàn thành thì vận hành theo chủ trương khi đàm phán thực hiện. Những bất cập như ở BOT Cai Lậy hay các dự án khác sẽ được xem xét xử lý cụ thể. Chính phủ sẽ xem xét tổng thể hoặc riêng lẻ với từng dự án…”.

Rõ ràng, vấn đề rắc rối của BOT nằm ở vị trí đặt trạm và chính sách thu phí chưa được quan tâm sâu sát, trong khi chất lượng đường sá nhiều nơi vẫn hư hỏng mà không sửa chữa kịp thời. Ngoài phí bảo trì đường bộ thu trên đầu mỗi phương tiện hàng năm, thì phí BOT cũng là một gánh nặng cho người tham gia giao thông, nếu không có những sự điều tiết khéo léo hơn. Không thể chấp nhận kiểu lập luận vu vơ rằng, thu phí BOT chỉ nhắm vào túi tiền của những người giàu, còn người nghèo thì không bị ảnh hưởng gì. Hạ tầng giao thông luôn là huyết mạch của đời sống kinh tế, cho nên phí giao thông sẽ tác động trực tiếp đến giá cả thị trường, nhất là những mặt hàng nông sản phải vận chuyển từ nơi nọ sang nơi kia.

Dù muốn dù không cũng phải thừa nhận, phí BOT đang tạo ra một áp lực xã hội. Bản chất áp lực xã hội không tự nhiên hình thành và cũng không tự nhiên biến mất. Để hiểu thêm áp lực xã hội do BOT gây ra, thử đặt một câu hỏi đơn giản: Vì sao người dân vui vẻ trả tiền để sử dụng đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương hoặc TP.HCM – Dầu Giây, mà người dân lại bực bội khi qua trạm BOT nằm trên Quốc lộ 1A? Câu trả lời cũng đơn giản: BOT phải hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người lưu thông, tránh gây hiểu nhầm “phí chồng phí”.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các trạm BOT chắc chắn Tết này sẽ không có tình trạng ách tắc. Và điều mọi người mong mỏi hơn nữa ở Chính phủ kiến tạo là một mô hình BOT hợp lòng dân!