| Hotline: 0983.970.780

Người đàn ông lạ đời

Thứ Bảy 16/05/2015 , 13:06 (GMT+7)

Nói ông Lê Tất Dũng (51 tuổi, ở Phú Lộc, xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) là người lạ đời quả thật không sai. Bởi ông đã dùng số tiền 300 triệu đồng làm nhà “ném” vào cây cầu phao cho người dân đi.

Cũng ở con người này, chỉ học đến lớp 5 nhưng tự mày mò thiết kế máy cày có chức năng “3 trong 1” giúp bà con giảm công lao động 20 lần.

Đổi nhà lấy cầu

Hỏi về chuyện làm cầu, ông Dũng khiêm tốn nói: “Không có gì to tắt lắm! Mình có nghề có trong tay, lấy công sức giúp bà con thôi. Nhà chưa có rồi sẽ làm, còn cầu phao chưa có thì sẽ có nhiều cái chết xảy ra”.

Nghe nói thì đơn giản lắm nhưng để làm được chiếc cầu phao dài 78 m, bắc qua sông Vu Gia, ông Dũng đã tốn nhiều công sức và tiền của.

Quá trình làm cầu kéo dài 3 tháng, ông phải thức đêm thức hôm tự mày mò thiết kế cho đến lắp ráp.

Tôi hỏi: Xuất phát từ đâu ông làm cầu? Ông Dũng đáp: Xã Đại An nằm bên này sông Vu Gia nhưng ruộng đồng nằm bên kia sông. Hằng ngày, bà con chèo ghe đi làm rất bất cập. Để thuận tiện, mọi người trong thôn đã làm cây cầu tre tạm bợ để qua sông. Mỗi lần gồng gánh nông sản đi trên cây cầu này, việc rơi cả người lẫn đồ xuống sông là thường xuyên. Bi kịch đã có nhiều cái chết xảy ra.

"Cách đây 5 năm, tui tận mắt chứng kiến một đứa bé theo cha mẹ qua sông trồng ngô. Trong lúc cha mẹ mải làm việc, đứa bé đi qua cầu đã rơi xuống sông chết. Thấy những cái chết thương tâm, tôi suy nghĩ lắm, do đó phải làm cái gì đó giúp đỡ bà con", ông Dũng kể.


Người dân xã Đại An đi lại rất dễ dàng qua cầu

Đầu năm 2013, ông Dũng bắt tay làm cầu. Ông khảo sát rồi tự thiết kế. Sau đó, ông nhờ trưởng thôn mời bà con đến họp và trình bày ý nguyện làm cầu phao, thay thế cây cầu tre.

Khi nghe tin, có người chẳng ngại ngần chỉ thẳng vào mặt ông nói: “Nhà thì không chịu làm mà ở, lại bỏ tiền đi làm những việc không công”.

Ông Dũng cho biết: “Đi trên cầu tre độ an toàn không cao, sau mỗi trận lũ cầu bị cuốn đi, bà con phải chặt tre làm lại. Muốn người dân đi lại thuận lợi, không còn cách gì hơn phải làm ngay cầu phao”.

Người dân thắc mắc, lấy đâu ra tiền làm cầu? Ông Dũng thật thà nói với bà con: “Hơn 25 năm gắn bó với nghề sửa chữa xe máy, ô tô, thợ cơ khí, tui tích góp được 300 triệu đồng. Đáng lẽ số tiền này tui dùng để làm căn nhà, nhưng nay tui ở một mình, vợ đã chia tay từ lâu, mà ở một mình, có chỗ ăn ngủ, chui ra chui vào là được, cần gì nhà to!”.

Thế rồi, ông chạy ngược chạy xuôi ra TP Đà Nẵng không biết bao nhiêu lần để mua 147 cái thùng phuy; 1,8 tấn sắt thép và 2 tạ dây cáp. Riêng phần thiết kế, ông mất 3 ngày đêm thức trắng để hoàn thành.

Trong khoảng thời gian 3 tháng, các bộ phận cây cầu được hoàn thành. Sau đó, ông đưa ra bờ sông Vu Gia lắp ráp.

Thấy việc ông làm có ích, mọi người trong thôn thay nhau góp sức. Người gánh thanh sắt, người chở thùng phuy để nối các nhịp cầu. Và trong 1 tuần, cây cầu phao dài 78 m, rộng 2m được nối nhịp.

Cầu đưa vào sử dụng, mỗi ngày có hàng trăm lượt người dân qua lại. Ông Nguyễn Văn Trung, một người dân thôn Phú Lộc hồ hởi khoe: “Sướng lắm chú ạ! Hồi trước, muốn qua bên kia sông phải lụy đò. Chúng tôi ra đồng phải đi sớm, 5h chiều là lo về nếu không trễ đò.

Từ ngày có cây của ông Dũng đã giúp bà con rất nhiều. Đi lại dễ dàng, thu hoạch mùa màng vận chuyển bằng xe máy rất nhanh chóng. Bà con không còn phải gọi đò như xưa nữa, ra đồng lúc nào cũng được”.

Tôi hỏi, ở dải đất miền Trung này cũng có nhiều dân bỏ tiền ra làm cầu như ông, sau đó thu phí, sao ông không làm như vậy để bù lại số tiền bỏ ra?

Ông Dũng nói ngay: “Ai lại làm rứa chú! Ở đây bà con chẳng khấm khá gì, cuộc sống trông vào vài sào ruộng, lấy tiền đâu ra. Tui bỏ tiền làm cầu, sau khi hoàn thành, có một số nhà hảo tâm hỗ trợ được 120 triệu đồng. Mặc dù chưa đủ xây căn nhà nhưng tui đi vay mượn thêm, nay cầu có, nhà cũng có rồi”.

Máy cày "3 trong 1"

Chúng tôi đến thăm ông Dũng khi mặt trời đang tròn bóng, cái nắng cháy da, cháy thịt, thế nhưng phía trước hiên nhà, một mình ông Dũng cặm cụi gò hàn chiếc máy cày.


Chiếc máy cày được ông Dũng thiết kế

Cầu phao do ông Dũng thiết kế và xây dựng bắc qua sông Vu Gia đã đoạt giải 3 cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ năm 2013, do Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Nam trao tặng.
Ngoài ra, ông được Sở GT- VT Quảng Nam trao bằng khen và phần thưởng 15 triệu đồng. Đặc biệt, khi cây cầu hoàn thành, chính quyền xã Đại An đã cấp cho ông 6 sào đất để SX.

Ông Dũng cho hay: “Tui đang tranh thủ thời gian hoàn thành để bàn giao cho bà con kịp cày đất gieo trỉa hoa màu. Đấy là cái thứ 10, tui xuất ra thị trường, hiện bà con đặt quá trời mà tui làm chưa kịp để họ lấy”.

Nhìn chiếc máy cày rất đơn giản, nó được ông Dũng chế ra từ chiếc xe máy cũ, nhưng giảm được sức lao động rất đáng kể.

Theo ông Dũng, cứ đến mùa vụ, thấy em trai mình cày đất, gieo hạt vừa tốn công vừa mất sức. Làm một sào ngô phải đến 3 người làm trong một ngày mới xong, do đó hiệu quả kinh tế đem lại không cao.

Thấy em mình quá vất vả khiến ông suy nghĩ rồi tự đặt câu hỏi: Sao không thiết kế cái máy vừa cày đất vừa trỉa hạt?

Nghĩ rồi, ông vẽ trên giấy nhiều mẫu máy cày, sau đó tự mày mò sáng chế. Ông ra cửa hàng thu mua phế liệu mua một chiếc xe máy cũ với giá 1 triệu đồng, cùng một số sắt thép phế liệu. Ông đưa về nhà, sau 1 tuần vật lộn thì chiếc máy cày đa năng đã được ra lò.

Kết cấu chiếc máy rất đơn giản, phía trước một bánh xe của xe rùa, phía sau một bánh bằng sắt, giống bánh máy cày và sau cùng là chiếc lưỡi cày và thùng đựng hạt giống để gieo.

Khi máy cày vận hành, người ngồi lên và điều khiển, còn cày sâu hay nông là do mình điều chỉnh. Máy vừa cày đất, sạ hạt giống xuống, sau đó có một cần gạt lấp hạt giống.

Nói về hiệu quả chiếc máy, ông Dũng tính toán, tính ra chiếc máy cày sẽ giảm được 20 lần công lao động so với người làm.


Điều khiển máy cày giống như xe máy, mọi thao tác rất dễ dàng

Chưa hài lòng máy cày ở đất khô, hiện ông Dũng đã thiết kế thành công máy cày ruộng đất ướt. Máy được cấu tạo giống máy cày đất khô, tuy nhiên phía sau được thiết kế 2 bánh. Máy vận hành dễ dàng, giảm được công lao động như máy cày đất khô.

Thấy được hiệu quả hai loại máy do ông Dũng sáng chế, hiện nhiều người trong và ngoài huyện đã đến đặt hàng. Mỗi chiếc máy bán giá 3 triệu đồng, trừ chi phí ông Dũng có lãi khoảng 1 triệu đồng.


Một chiếc máy cày ruộng đất ướt sắp hoàn thành

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Gió lốc kèm mưa đá liên tiếp xảy ra tại Sơn La

Sáng 29/3, một số bản của xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.

Bình luận mới nhất