| Hotline: 0983.970.780

Người đào tẩu Triều Tiên kể về những người mắc 'bệnh lạ' gần bãi thử hạt nhân

Thứ Ba 05/12/2017 , 06:55 (GMT+7)

Những người từng sống gần khu thử hạt nhân của Triều Tiên nói họ tin rằng mình bị phơi nhiễm phóng xạ, dẫn đến các căn bệnh lạ.

Một phụ nữ Triều Tiên và đứa trẻ tại Kilju, gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Ảnh: AFP. 
 
"Nhiều người đã chết và chúng tôi bắt đầu gọi nó là 'bệnh quỷ ám'. Chúng tôi đã nghĩ mọi người chết vì nghèo đói và do ăn uống tệ hại. Bây giờ thì chúng tôi biết đó là phóng xạ", Lee Jeong-hwa, một người đào tẩu Triều Tiên nói với NBC News.
 
Những người đào tẩu Triều Tiên, từng sống gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nói họ tin rằng đang phải chịu đựng phóng xạ và lo lắng cho những thành viên gia đình còn ở đó. 
 
Lee, với chiều cao khoảng 1m52, bước đi với những bước chân tập tễnh. Ở độ tuổi trung niên, bà Lee có khuôn mặt xanh xám và đôi mắt nâu ẩn chứa sự u buồn. Bà nói mình đang phải chịu đựng những nỗi đau, song nếu về quê nhà, mọi thứ còn tệ hơn. 
 
Trong lúc xoa bên chân phải bị lở loét, tại văn phòng của SAND, tổ chức phi chính phủ tại Seoul, bảo vệ nhân quyền cho Triều Tiên, bà Lee nhắc lại việc đã bị bắt khi tìm cách trốn khỏi đất nước hồi năm 2003. 
 
Bà cuối cùng đã trốn được sang Hàn Quốc vào năm 2010, từ quê nhà ở hạt Kilju, gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
 
Trong 7 năm gần nhất mà bà Lee sống ở Triều Tiên, lãnh đạo thời đó là ông Kim Jong-il, đã thử hai quả bom hạt nhân. Sau đó, người con Kim Jong-un lên kế nhiệm và thử hạt nhân 4 lần. Ông Kim Jong-un tuyên bố vụ thử hồi tháng 9 là bom nhiệt hạch, vũ khí có sức hủy diệt lớn nhất lịch sử loài người.
 
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phóng xạ có thể làm giảm chức năng của các mô và cơ quan trên cơ thể người, tùy thuộc mức độ tiếp xúc. Ở mức thấp, nó có thể gây ung thư.
 
Lee và những người đào tẩu khác quả quyết rằng các vụ thử hạt nhân gây ảnh hưởng có hại cho sức khỏe của họ. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học và đánh giá của giới chuyên gia, lại không hẳn như vậy. 
 
Một người phụ nữ Triều Tiên đi bộ ở Kimchaek, cách Kilju 35 km. Ảnh: AFP. 
 
Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã cho xét nghiệm với Lee cùng 29 người đào tẩu ở Kilju về khả năng nhiễm xạ. Lee cho biết các kết quả xét nghiệm cho thấy họ không bị nhiễm xạ. 
 
Ngoài lời kể của Lee và những người khác, giới khoa học nói họ khó có thể xác định nguyên nhân của những căn bệnh hàng loạt, như máu trắng và các chứng ung thư, được những người đào tẩu cho là đang tàn phá Kilju.
 
Suh Kune-yull, giáo sư ngành kỹ thuật hạt nhân, Đại học Quốc gia Seoul (SNU), nói rằng các nhà nghiên cứu đang bị "thiếu thốn dữ liệu". "Tôi không nghĩ họ nói dối. Chúng tôi đã ghi nhận lời kể của họ, song tôi không có nhiều những thông tin đáng tin cậy", Suh nói. 
 
Người phát ngôn Học viện Triều Tiên về An toàn Hạt nhân, nói rằng cơ quan này "giả định" rằng sự tiếp xúc với vật liệu phóng xạ tại bãi thử là quá mức an toàn với người, song điều này cũng khó được kiểm chứng. 
 
Cả Lee và Rhee Yeong-sil, một người đào tẩu khác tại văn phòng SAND, nói rằng trong nhiều năm, họ không hề biết Triều Tiên đang thử hạt nhân. Họ đã bỏ qua những lần địa chấn và chỉ phát hiện sự thật sau khi rời quê nhà. 
 
Rhee, hiện ngoài 60 tuổi, đào tẩu năm 2013, nói rằng bà sống cách bãi thử Punggye-ri chỉ vài km. Rhee nói hàng xóm của bà đã sinh ra một đứa trẻ dị dạng. "Chúng tôi không xác định được giới tính, vì đứa bé không có cơ quan sinh dục. Ở Triều Tiên, trẻ dị dạng thường bị giết, vì thế họ đã giết đứa bé", Rhee nói. Tuy nhiên, điều này cũng không thể kiểm chứng, bởi người đào tẩu thường không đưa ra được chứng cứ, ngoài lời kể, đôi khi bị cho là thổi phồng sự thật. 
 
Một số lời kể tương tự như của Rhee và Lee, cho rằng tiếp xúc phóng xạ xảy ra từ những năm 1990, thậm chí 1980, điều này làm dấy lên nghi vấn về vài thứ khác ngoài một vụ thử nghiệm hạt nhân có thể gây hại đến môi trường và sức khỏe người. 
 
Trong khi đó, Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006. Những người đào tẩu kể rằng cá hồi chết trong những dòng suối trên núi và loài nấm thông quý hiếm đã biến mất trước đó rất lâu. 
 
Chủ tịch của SAND, ông Choi Kyung-hui, cũng là một người đào tẩu, song không phải từ Kilju, nói rằng các hoạt động quân sự tại Punggye-ri trong nhiều năm trước các cuộc thử nghiệm, có thể là nguyên nhân sự việc. 
 
Hình ảnh vệ tinh về Kilju. Ảnh: Getty. 
 
Tuy nhiên, Ferenc Dalnoki-Veress, nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu James Martin về Không phổ biến vũ khí hàng loạt, tại Monterey, California, Mỹ, bày tỏ nghi ngờ về việc phóng xạ gây hại môi trường và sức khỏe người dân. 
 
Ông Ferenc nói bất cứ nguyên liệu phóng xạ nào bị rò rỉ, thậm chí từ một đường hầm đã sụp vào tháng này tại bãi thử Punggye-ri, sau vụ thử hạt nhân lần 6, đều sẽ bị các thiết bị cảm ứng trong khu vực và trên không trung "đánh hơi" được. Ông Ferenc cho biết các vụ thử khác cũng tương tự, thiết bị cảm biến sẽ phát hiện rò rỉ phóng xạ, nếu có. 
 
Vài ngày sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 6, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố họ phát hiện rò rỉ phóng xạ Xenon, song không công bố cụ thể địa điểm. 
 
Ferenc nói rò rỉ phóng xạ "cực kỳ không chắc chắn" đến từ bãi thử Punggye-ri. Nhà khoa học này cũng nghi ngờ giả thiết ô nhiễm nước ngầm. Ông cho rằng bãi thử hạt nhân nằm ở nơi có nhiều sỏi đá bão hòa nước. Vụ nổ có thể gây ra hơi nước làm văng chất bẩn vào không khí. Tuy nhiên, không ai quan tâm tới việc này, Ferenc khẳng định. Nhà khoa học đến từ Mỹ bác bỏ giả thiết rò rỉ phóng xạ. 

Theo NBC News

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất