| Hotline: 0983.970.780

Người đổ xô về Hà Nội sau đợt nghỉ Tết dương lịch

Thứ Ba 05/01/2010 , 09:02 (GMT+7)

Sau 3 ngày nghỉ Tết dương lịch, các bến xe ở Hà Nội như Lương Yên, Giáp Bát, Gia Lâm... xe ùn ùn nối đuôi nhau về bến. Tại các điểm đón trả khách, hàng nghìn người chen chúc nhau.

Trước cổng bến xe Giáp Bát lượng xe và người đổ về rất đông

Sau 3 ngày nghỉ Tết dương lịch, các bến xe ở Hà Nội như Lương Yên, Giáp Bát, Gia Lâm... xe ùn ùn nối đuôi nhau về bến. Tại các điểm đón trả khách, hàng nghìn người chen chúc nhau.

Bến xe “nghẽn” người sau Tết


Đầu giờ sáng 3/1, trong khi các tuyến phố của Hà Nội khá quang đãng, riêng tuyến đường Giải Phóng tấp nập khác thường với hàng nghìn người, phương tiện ở ngoại tỉnh nối đuôi nhau vào trung tâm thành phố.

15 giờ ngày  3/1, toàn bộ làn đường Giải Phóng chiều từ bến xe phía Nam vào trung tâm Hà Nội bị kẹt ôtô, xe máy. Nguyên nhân chính do lượng người từ các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đổ về Hà Nội quá đông.

Tại bến xe khách Giáp Bát, Hà Nội, điểm trung chuyển hành khách lớn nhất của thành phố, hàng nghìn người đứng, ngồi chật cứng khuôn viên bến xe. Các bãi gửi xe chật ních xe máy, khu vực cổng sau trả khách đông nghịt người.

Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, tại khu vực cổng này, trung bình cứ 3 phút lại có một chuyến xe Thái Bình - Hà Nội, Ninh Bình - Hà Nội, Thanh Hóa - Hà Nội... dồn dập về bến.

Vừa rời tuyến xe Thái Bình - Hà Nội, anh Nguyễn Tiến Nguyên, quê Thái Bình cho biết "Xe vừa xuất bến đã chật ních khách. Suốt chặng đường từ Thái Bình đến đây tôi phải đứng một chân trên xe, nhiều khách phải đứng chen chúc suốt dọc đường".

Rời khỏi chiếc xe khách tuyến Thanh Hóa - Hà Nội, chị Nguyễn Thị Quyên thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng. Chị cho hay, cứ ba hành khách bị xếp ngồi trên một chiếc ghế đôi. Chiếc xe chật chội, ngột ngạt người đứng kẻ ngồi, chưa kể những hành khách bắt xe dọc đường phải ngồi bệt giữa sàn hoặc đứng... một chân mà không ai dám kêu ca, chị Oanh than thở.

Theo Phòng điều hành bến xe Giáp Bát, khoảng từ 9 giờ là hàng trăm xe khách thi nhau về bến. Lúc này là thời gian các xe từ các tỉnh đổ về nhiều nhất, vì thế các nhân viên của bến xe phải làm việc hết tốc lực mới điều hòa được lượng xe và người trong toàn bến xe.

Trong khi đó, các bến xe đầu mối như Lương Yên, Mỹ Đình cũng đã rơi vào tình trạng dồn ứ vì lưu lượng người đổ về quá đông.

Trước cổng bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát có rất đông người nhà ra đón, họ đỗ xe ngay dưới lòng đường khiến cho giao thông vào bến gặp khó khăn.

Xe buýt, xe ôm đắt khách


Ngày 4/1 các trường học, công sở bắt đầu hoạt động nên mọi người đổ xô về Hà Nội, dẫn đến quá tải cả xe buýt, xe ôm.

Mỗi khi xe về bến, mở cửa đón khách chỉ vài phút là đã chật kín. Anh Nguyễn Hải Tân, lái xe buýt tuyến Giáp Bát – Nhổn cho biết: “Xe vào bến mở cửa trả khách xong thì người lên đã chật cứng, ra đường hầu như không còn đón khách lên xe”.

Khuân một túi to lỉnh kỉnh đồ đạc ra điểm chờ xe buýt, Trần Văn Hải, sinh viên Đại học Thương Mại cho biết: "Mình lên tới bến xe cách đây 1 giờ nhưng chờ mãi xe buýt mà chưa thấy trong khi lượng người đổ dồn về bến ngày càng đông".

Các điểm chờ xe buýt chật cứng người. Có tới hàng nghìn người ngồi, nghiêng ngó chờ xe. Đường tắc, lượng người chờ xe đông nên có nhiều người chờ cả tiếng vẫn chưa lên nổi xe buýt.

Anh Trần Trung Kiên, Vĩnh Phúc cho biết: “Cứ 5 phút lại có một chuyến xe buýt, nhưng do quá đông nên tại các điểm dừng đón trả khách xe buýt chỉ mở cửa xuống rồi lại vọt đi luôn. Hai anh em đợi mất 30 phút mà vẫn chưa lên được xe. Tình hình này phải đến chiều mới về tới nhà trọ”.

Trước nhu cầu đó, xe ôm được lợi thế. Với lý do giá cả sau Tết tăng cao, cái gì cũng đắt đỏ nên các bác tài cứ việc hét giá thoải mái.

Nhiều sinh viên vì không có ai đi đón, mà đợi xe buýt lâu, đi đường xa mệt muốn về sớm để nghỉ đành cắn răng mà chịu cái giá trên trời mà các xế xe ôm đưa ra với cái lý “mỗi năm một lần, miễn sao mau về tới nhà để nghỉ ngơi chuẩn bị đi học lại”.

Đối với các hành khách "hạng sang" hay những người có nhu cầu, taxi lại là lựa chọn số một. Nhiều xe taxi túc trực ngay trước cổng bến luôn có khách vẫy gọi. Thậm chí, nhiều người gọi điện đến các hãng thì đều được trả lời "hết xe".

(Theo TTXVN)

Xem thêm
Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trữ nước sông Hà Thanh, cấp nguồn vùng Nam Phù Mỹ

Với 164 hồ chứa và 31 đập chính trên sông, hệ thống thủy lợi của Bình Định đã khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn những ‘lỗ hổng’ mà tỉnh này đang nỗ lực lấp đầy…

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.

Bình luận mới nhất