| Hotline: 0983.970.780

Người dựng nên "tập đoàn trang trại"

Thứ Ba 17/08/2010 , 14:15 (GMT+7)

Từ thị trấn đi hơn một giờ đồng hồ, qua không biết mấy lối rẽ, chợt mở ra trước mắt chúng tôi một rừng cao su ngút ngàn đã vào tuổi khai thác. Đó là trang trại của anh Bùi Viết Phương (xóm 7, Tiểu khu Xung Kích, thị trấn Nông trường Việt Trung, Bố Trạch, Quảng Bình).

Một góc trang trại của anh Bùi Viết Phương
Từ thị trấn đi hơn một giờ đồng hồ, qua không biết mấy lối rẽ, chợt mở ra trước mắt chúng tôi một rừng cao su ngút ngàn đã vào tuổi khai thác. Đó là trang trại của anh Bùi Viết Phương (xóm 7, Tiểu khu Xung Kích, thị trấn Nông trường Việt Trung, Bố Trạch, Quảng Bình).

>> Gã gàn Vũ Cao Thăng

Kí ức món cháo rau má...

Quê anh Phương ở xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch), cách đây 20 năm cái nghèo cứ bám lấy gia đình anh như không chịu buông rời. Nhà có đến tám người con nên bố mẹ anh quanh năm lo cái ăn, cái mặc cho con đến rạc cả người.

Trăn trở làm sao cho gia đình thoát nghèo khiến anh thao thức hằng đêm. Tranh thủ ngày nghỉ, anh vào rừng, khi hỏi công nhân cạo mủ cao su và họ cho biết đã hết địa phận rừng của Nông trường Việt Trung thì anh dừng lại vạch kế hoạch cho riêng mình. Hôm sau về quê, anh "triệu tập" mấy đứa em theo chân vào vùng rừng lần trước đã đạp chân đến.

Dẫn mấy người em đi, anh vung rựa phát cây mở lối. Đến một khoảng đất bằng phẳng, anh phát rộng ra rồi nói như hạ lệnh: cắm trại ở đây. Mấy đứa em giúp sức phát rộng ra một chút, chặt cây dựng lên và kiếm lá về che lên thành mái nhà. Đêm ở rừng sương xuống lạnh. Tiếng chân thú đi kiếm ăn đạp cây rừng nghe roang roác. Trong cơn mê chập chờn lại có cảm giác như tiếng hổ gầm rất gần. Mấy đứa em ôm riết lấy người anh mà cứ run bắn lên vì sợ. Sáng, Phương dậy sớm nhen bếp củi nấu cơm rồi gọi các em dậy phát rừng mở đất.

Dưới rừng cây dó trầm

Rồi tiền hết, gạo vơi. “Lúc đó, mấy anh em lâm vào cảnh gạo không quá mười cân, tiền không quá mười đồng”, anh Phương nhớ lại. Nhiều bữa, dốc hết ba lô cũng chỉ còn được bơ gạo, anh nói với vợ chia làm hai rồi nấu nồi cháo trộn cả mớ rau má vào húp lấy sức. Cũng có ngày gạo không còn một hạt phải kiếm củ mài, củ sắn thay cơm. Nhìn những đứa em lam lũ, hốc hác, áo quần tả tơi khiến anh chực trào nước mắt.

Một chiều, cơn mưa rừng sầm sập đổ. Phương run bắn người, đổ mồ hôi lạnh và gục xuống vì cơn sốt rét rừng. Mấy người em bàn nhau chặt cây làm cáng để đưa anh về. Trong cơn sốt, không hiểu sức mạnh nào kéo anh ngồi dậy. Nếu cho các em cáng về thì coi như chấp nhận bỏ cuộc. Phương bật dậy, đầu cứ nghe như có đàn ong rừng chui vào làm tổ. Túm lấy một gốc cây làm tựa, anh đứng lên, người như cắt được cơn sốt và chỉ nói được câu ngắn "đi làm", rồi xiêu xiêu cầm rựa đi về hướng đám rẫy đang được phát chiều hôm qua. Mấy đứa em không cản được cũng cầm cuốc, rựa đi theo.

Phát được đến đâu, Phương chia luôn đất cho các em rồi quy hoạch trồng trọt. Chỗ trồng lạc, đậu, sắn; nơi thành vùng ươm cây giống bạch đàn, cao su... Bếp cơm và bữa ăn hàng ngày của mấy anh em cứ di động theo vùng đất được mở rộng. Phát cây đến đâu là đặt bếp ăn đến đó, cho dù trong nồi cũng chỉ cơm ít, sắn nhiều. Chín tháng sau ngày bước chân vào đây thì nồi cơm mấy anh em mới được đầy hơn, bao gạo cũng ít khi vơi cạn. Đó là lúc sản phẩm đầu tiên của mấy anh em được bán: giống cây bạch đàn. Vài bữa lại có người lặn lội tìm vào mua cây giống. Dù chưa được nhiều nhưng mỗi lần được vài trăm ngàn, anh Phương chia đều cho các em mua gạo, mắm và ánh mắt sáng lên: rứa là sống được rồi đó.

...đến "tập đoàn trang trại"

Khi đám lạc, sắn... cho thu hoạch thì Phương lại có tính toán mới. Không lẽ cứ cõng từng bao lô lạc ra chợ bán? Phải đầu tư con đường. Quyết định vậy rồi phải lên kế hoạch và tính toán chi li từng khoản. Vì lúc đó tiền thu vào cũng có mà cái chi cũng cần thì như gió lùa khe liếp. Cứ thu được một đồng là anh chia làm hai, nửa chi phí mở đường, nửa đầu tư vào trang trại. Con đường dẫu ngoằn ngoèo, lên dốc xuống khe rồi dần cũng được nên hình nên thù. Bạn hàng có thể chạy xe máy vào tận nơi, rồi đến khi ô tô cũng vào tận trang trại. Vậy là ổn, anh Phương xoa tay sờ lên đám râu cằm tua tủa hể hả nhìn chiếc xe bán tải của bạn hàng chất đầy chuối len dưới tán rừng cao su về xuôi.

Hồ cá trong trang trại
Quy hoạch của trang trại dưới bàn tay anh Phương cứ lặng lẽ đi vào nề nếp. Dưới thung lũng bây giờ hệ thống 15 ao hồ nuôi cá với tổng diện tích khoảng 5ha. Ao này nuôi cá trắm với rô phi, ao kia nuôi loại chình, thát lát, kế đó là ao của cá bống tượng, ếch, ba ba... Sát bìa rừng cây là đến ao cá, vườn cây ăn quả. Đoạn xen ở giữa được trồng thẳng hàng có đến cả ngàn cây mai vàng, mưng (lộc vừng), sanh... Rặt các loại cây cảnh đang có giá trên thị trường. Anh Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bố Trạch (từng là bạn ở nông trường với anh Phương) đi xem trang trại cứ xuýt xoa: "Thằng cha ni ghê thiệt. Có trục trặc chi thì hắn bán ngàn cây cảnh ni cũng thu bạc tỷ rồi". Anh Phương cười xòa: “Thì cũng quy hoạch cả đó. Mai bữa tôi bứng mấy cây tặng ông mà chơi”.

"Đi coi rừng hè", anh Phương nói rồi xăng xái đi trước. Vượt qua rừng cao su là đến rừng cây dó trầm. Bên sườn núi thoai thoải, cả rừng dó trầm xếp hàng như kẻ chỉ, lá xanh sáng màu xào xạc. "Loại ni trồng được 5 năm rồi, sang năm là bắt đầu đục thân tạo trầm", anh Phương dừng lại giới thiệu. Từ sườn thoải đi ngược lên cao là rừng bạch đàn, keo đang “tuổi ăn tuổi lớn”, bắt đầu khép tán.

Trên đỉnh núi, một hệ thống ống nước dẫn mạch nguồn mát lạnh về. “Nếu tôi đóng khóa hết là cột nước phun lên tận sáu mét lận. Nước về coi như vô tư, tôi làm hệ thống mương, đập tràn xi măng cốt thép để điều chỉnh nước khi mùa mưa lũ và phân phối về cho hệ thống ao cá. Ao nào cũng căng nước, sâu đến gần hai mét đó”, anh Phương chỉ tay quơ một vòng nói thêm.

Dưới một hồ cá rộng, hai anh em nhà Vinh (công nhân làm cho trang trại) đang tranh thủ thả lưới. Anh Phương nói lớn: "Coi chừng, “thằng” cá trắm to thấy động húc vô người là chết đó”.  Con cá trắm to như cột nhà cái, màu én bạc quẫy đuôi phóng lên cao rồi rơi bùm xuống mặt hồ. Cú nhảy tạo nên một hình vòng cung nước hắt sáng lên trong cái nắng trưa. “Nó đó, chắc cũng được yến rưỡi (15 kg) rồi. Có lần nó đâm phải người tôi làm đau đến mấy ngày", anh Phương xoa xuýt nói cứ như mới bị chú cá trắm húc hôm qua.

Sau gần 20 năm bền gan với vùng đồi núi trọc, bốn anh em nhà anh Phương đã có một trang trại trên 100 ha với nhiều giống cây đặc dụng có giá trị kinh tế cao. Trước đây khai hoang bằng đôi bàn tay cầm dao, rựa, cuốc, thuổng, nay đã có máy húc, máy ủi. Mấy anh em cũng sắm mấy chiếc ô tô để vận chuyển sản phẩm đi bán. Ngày 24/8 tới đây, anh Phương vinh dự đại diện cho những nông dân của Quảng Bình báo cáo tại Đại hội thi đua yêu nước ngành nông nghiệp lần thứ 3 tại Hà Nội.
Anh em nhà Vinh kéo mẻ lưới cũng được chừng mấy chục con rô phi to cỡ hai bàn tay người lớn. Anh Phương bảo lấy cho tất vào bao rồi nói hai anh em mang về nấu cho con ăn. Vinh khoe với chúng tôi: “Mấy chục anh em làm công cho bác Phương cũng đỡ lắm. Nếu cạo mủ một buổi thì bác trả công bảy mươi ngàn đồng, nếu làm vườn rừng cả ngày thì một trăm ngàn. Ngoài ra bác còn cho cá, hoa quả, tiền thưởng thêm. Ai có đau ốm bác đều hỗ trợ tiền để động viên”. Hỏi ra thì hệ thống trang trại của mấy anh em nhà anh Phương có vài chục lao động thường xuyên và vào thời vụ thì có đến cả trăm người.

"Hiện giờ, tôi gánh thêm trách nhiệm của một xóm trưởng của gần 30 hộ dân. Xóm thực chất là một cụm trang trại rộng vài trăm héc - ta. Ở đây, gia đình nào ít nhất cũng có 5 ha rừng để làm trang trại. Nhiều người nói vui vô đây như là tập đoàn trang trại. Hầu hết những người ở đây đều làm công cho tôi và học hỏi kinh nghiệm rồi lập trang trại riêng. Nhiều hộ trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp địa phương”, anh Phương nói trước lúc chia tay.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất