| Hotline: 0983.970.780

Người gắng công, trời không phụ

Thứ Ba 29/01/2013 , 09:32 (GMT+7)

Gần 3 tháng trôi qua kể từ bão Sơn Tinh, dấu tích thiệt hại của cơn bão giờ không còn, nhiều cánh đồng đã hồi sinh, đang và sắp bước vào thu hoạch.

* Nông dân thu 2.070 tỷ

Cơn bão số 8 - bão Sơn Tinh đổ bộ vào Thái Bình, Nam Định vào cuối tháng 10, thời điểm mà chẳng ai nghĩ rằng còn bão; đã cuốn đi của ngành trồng trọt tỉnh lúa trên 1.500 tỷ đồng bao gồm gần 5 ngàn ha lúa chưa thu hoạch kịp của huyện Tiền Hải, 29 ngàn ha cây vụ đông với trên 20 ngàn ha cây ưa ấm đang thời kỳ ra hoa kết trái và thu hoạch, gần 10 ngàn ha cây ưa lạnh vừa xuống giống, có tới 1.500 ha khoai tây bị thiệt hại và phải moi lên trồng lại.

Sau bão, nhìn cảnh tan hoang của những vùng cây vụ đông giá trị cao như ớt, dưa bí, ngô ngọt, ngô nếp ở Quỳnh Phụ, Hưng Hà… mà quặn lòng.

Thế rồi, gần 3 tháng trôi qua, dấu tích thiệt hại của cơn bão giờ không còn, nhiều cánh đồng đã hồi sinh, đang và sắp bước vào thu hoạch. Trong cái rét ngọt của tiết Đại hàn, chúng tôi có mặt ở cánh đồng khoai tây rộng trên trăm ha của xã Quỳnh Nguyên - Quỳnh Phụ, rồi ngược về Trọng Quan - Đông Hưng, Vũ An, Vũ Lế - Kiến Xương; ở đâu bà con cũng phấn khởi báo tin: vụ đông này được mùa và được cả giá.

Theo số liệu của Cục Thống kê Thái Bình, diện tích cây vụ đông năm 2012-2013 tính đến thời điểm được thu hoạch là 29.670 ha (diện tích đã bị mất do bão Sơn Tinh là gần 12.000 ha). Tỉnh Thái Bình đã có những chính sách khá mạnh để phục hồi và phát triển cây vụ đông, giúp bà con nông dân bù đắp những thiệt hại quá lớn mà trận bão lịch sử đã tấn công, cũng nhờ vậy sản phẩm nông sản vụ đông ở Thái Bình phong phú hơn, đáp ứng thoải mái nhu cầu thị trường.


Một vụ đông thắng lợi của nông dân Thái Bình

Về chính sách hỗ trợ cho phục hồi sản xuất, cùng với nguồn 10 tấn hạt giống rau ăn lá được hỗ trợ từ nguồn dự trữ Quốc gia, UBND tỉnh Thái Bình đã có Quyết định ban hành chính sách hỗ trợ chỉ 4 ngày sau bão. Chính sách tập trung cho nhóm cây ưa lạnh gồm: cứ trồng 1ha khoai tây được hỗ trợ 10 triệu đồng, và hỗ trợ sau đầu tư, tỉnh cũng trích ngay 10 tỷ phân bổ cho các huyện tự lựa chọn giống, phương thức hỗ trợ các cây ưa lạnh ngoài khoai tây theo lợi thế của từng vùng và ưu tiên cho các cây có hợp đồng tiêu thụ. Nhờ chính sách kịp thời, thông thoáng, diện tích khoai tây của Thái Bình đạt gần 3.200 ha; rau ăn lá, củ các loại (su hào, cải bắp, sup lơ, cải xanh…) gần 10.000 ha, hành tỏi gần 1.000 ha và phục hồi được 1.117 ha ớt các loại.

Rét đậm rét hại làm rau sinh trưởng chậm, giá rau các loại nhích lên, nông dân hoan hỉ trước thế sản xuất mới, có lãi và hấp dẫn. Anh Nguyễn Văn Đống ở An Châu - Đông Hưng, cho biết: Nhà anh trồng 1,2 sào su hào, vừa trồng xong vài ngày thì bão quét vào, tưởng mất trắng vì sau bão nước ngập lên mặt luống, cây nghiêng ngả, dập nát, thảm hại. Cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn, rồi trên đài truyền hình của tỉnh, đài phát thanh xã cũng hướng dẫn về chăm sóc, sử dụng các chất giúp phục hồi. Anh dùng ET, Bồ đề phun liên tục 2-3 lần sau khi đã xới xáo phá váng, kết quả hơn 1 sào su hào của anh đã lên được.

Với giống su hào Nhật, lẽ ra chỉ khoảng 55 ngày anh đã thu hoạch, nhưng đợt này phải trên 65 ngày, hơn 2.000 cây su hào củ non mượt, to gần bằng cái bát con mà anh vừa bán, giá tới 3.000 đồng/củ, thế là có 6 triệu trong tay, số tiền không nhỏ với một nông dân như anh. Anh cũng ước nhanh vụ đông này nếu giá được như vừa rồi anh sẽ có 20 triệu đồng từ gần 4 sào vụ đông.

Theo tính toán nhanh của các cán bộ kỹ thuật Sở NN-PTNT Thái Bình, với giá hiện hành, bình quân 1 ha vụ đông ở Thái Bình tính cho các loại cây ước đạt gần 70 triệu đồng (2,5 triệu đồng/sào). Vụ đông đã mang lại cho nông dân Thái Bình khoảng 2.070 tỷ đồng.

Ở vùng khoai tây xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, ngoài đồng cảnh thu, người mua, người bán khá tấp nập. Người ta mua khoai ngay tại ruộng, khoai Hà Lan, khoai Đức vỏ vàng ruột vàng, cỡ củ 15-20 củ/kg giá bán trên dưới 10 ngàn đồng tùy loại, họ trả giá, trả tiền và thuê người địa phương lựa, đóng bao cân ngay đầu ruộng. Khoai tây hiện đang thu hoạch là khoai trồng ngay sau bão, tính ra thời gian được 75-80 ngày, trung bình 6-7 lạng/khóm với 10-12 củ, như vậy 1 sào khoai tây với 1.100-1.200 mống, cho thu hoạch 600-700 kg khoai, 450-500kg đủ tiêu chuẩn bán, nông dân thu 4-5 triệu đồng/sào, quy trung bình 120-130 triệu đồng/ha.

Diện tích khoai trồng trước bão năng suất có thấp hơn, chỉ 3,5-4 tạ/sào, nhưng giá lại cao hơn 1-2 ngàn, thành ra trồng khoai tây năm nay như nông dân nói là “trúng đậm”. Với chính sách hỗ trợ của tỉnh, nông dân gần như không phải bỏ tiền giống (trên 300.000đ/sào), chi phí phân bón, chăm sóc 6-7 trăm ngàn, những vùng trồng khoai tây lớn, có hộ làm tới 4-5 sào, và vụ đông thành nguồn thu nhập chính, trong khi không ít hộ giờ mới tiếc vì được mùa, được giá, Nhà nước hỗ trợ đến nơi đến chốn nhưng lại không làm.

Nhiều cây trồng khác như ngô ngọt ở Quỳnh Phụ, với chính sách hỗ trợ của huyện, nhiều địa phương trồng trước và sau bão theo hợp đồng ký với Cty XNK Nông sản Hải Dương cũng cho thu nhập rất cao. Vụ đông này mặc dù khó nhưng riêng Quỳnh Phụ vẫn đạt gần 6.300 ha, đảm bảo kế hoạch trồng cây vụ đông của huyện. Các loại rau xuất khẩu và ăn lá, hoa của Thái Thụy ký với các Cty Vạn Đạt, Thái Bình Dương cũng trúng mùa trúng giá.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.