| Hotline: 0983.970.780

Người giàu khác người nghèo như thế nào?

Chủ Nhật 21/05/2017 , 07:20 (GMT+7)

Giàu – nghèo, không chỉ do “mệnh trời”. Giàu – nghèo, còn do lối sống và nhận thức của mỗi người.

Người giàu bàn về ý tưởng, người nghèo buôn chuyện tào lao

Bạn dành thời gian để bàn về điều gì? Những điều bạn nói giống như bánh lái con thuyền cuộc đời bạn. Chúng quyết định bạn sẽ đi hướng nào. Người giàu dành hầu hết thời gian nói về các ý tưởng và hiếm khi bàn tán về sự việc hoặc mọi người xung quanh. Trong khi đó, người nghèo thường không nói về các ý tưởng mà dành phần lớn thời gian để buôn chuyện tào lao.

09-55-44_trng-26-2
Ảnh mang tính minh họa

Người giàu tìm kiếm ý tưởng và biến chúng thành sự thật. Người nghèo dò xét và bàn luận sau khi sự việc đã xảy ra.

Người giàu luôn biết khen ngợi. Họ hiểu rằng khiến người khác cảm thấy mình quan trọng là việc làm thông minh. Chê bai, giễu cợt người khác là ngu ngốc bởi nó khiến họ luôn có cái nhìn tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến tư duy của họ. Con người luôn thích được tán dương. Hãy học cách tán dương và bạn sẽ thấy họ có thể làm bất cứ điều gì để giúp bạn.

Ý tưởng là một loại tài sản quý. Con người có thể kiếm bộn tiền nhờ những ý tưởng tuyệt vời đó. Tiền bạc có sức mạnh lớn lao, nhưng ý tưởng có sức mạnh phi thường. Điểm mấu chốt là đừng thảo luận ý tưởng của bạn với những người thất bại. Họ có thể khiến bạn nhụt chí. Người giàu bàn luận ý tưởng với những người có tư tưởng giống mình chứ không nói với người có trí lực kém cỏi. Vậy, hãy dành khoảng thời gian bạn vẫn mơ mộng mỗi ngày để tăng khả năng sáng tạo cho mình.
 

Người giàu cấp tiến, người nghèo thủ cựu

Sự tự tin là sức mạnh. Càng tự tin bạn càng được chuẩn bị kỹ càng để nắm bắt khi cơ hội đến. bạn sẽ chẳng biết trước được khi nào cơ hội sẽ xuất hiện vì thế không có gì bằng sự chuẩn bị kỹ càng. Người nghèo luôn nghĩ rằng người giàu đã may mắn và gặp thiên thời, địa lợi thôi. Nhưng may mắn thôi chưa đủ. Bạn cần phải có tố chất nữa, nếu không bạn thậm chí không thể phân biệt được các cơ hội của mình. Học cách chấp nhận thay đổi là tấm vé bảo đảm bạn trở thành người biết tận dụng các cơ hội của cuộc sống để mang lại lợi ích cho mình. Tương lai thuộc về những người có thể thay đổi theo thời gian. Tuyệt đối đừng ngại thay đổi.
 

Người giàu dám mạo hiểm, người nghèo luôn an phận

Người nghèo bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của người làm thuê bởi họ không dám mạo hiểm. Cách duy nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó là dám mạo hiểm. Mạo hiểm không có nghĩa là bất chấp và lần mò trong bóng tối.

Người giàu mạo hiểm một cách có tính toán. Nghĩa là họ học hỏi tri thức trước và cân nhắc những hậu quả của thất bại trước khi hành động. Hãy sử dụng tri thức để vượt qua nỗi sợ hãi. Và luôn đặt cho mình 3 câu hỏi để quản lý rủi ro trước khi hành động: Điều tốt nhất có thể xảy ra là gì? Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Điều gì có khả năng xảy ra lớn nhất? Một khi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đừng sợ thất bại và hãy sống như thể mai là ngày tận thế.
 

Người giàu học cả đời, người nghèo theo nửa đoạn

Bạn có biết lý do tại sao những ngôi nhà triệu đô luôn có thư viện trong đó. Còn các ngôi nhà nhỏ thì không? Hầu hết các triệu phú đều đọc một cuốn sách mỗi tuần. Họ luôn gợi ý cho nhau những cuốn sách và các chương trình truyền hình bổ ích. Người giàu đọc sách về tiền bạc và cách tạo dựng quan hệ. Họ đọc về sức mạnh của trí óc, về những bài học thành công và thất bại của những người khác. Trong khi đó, người nghèo cho rằng người giàu quá coi trọng tiền bạc. Thực chất, người giàu nào tham lam và luôn sợ mất tiền thì không thực sự thành đạt. Vì thành công thực sự phải đồng nghĩa với sự thanh thản và mãn nguyện.

Người giàu luôn trích một phần tài sản để đầu tư cho tri thức. Chỉ vật chất thôi không đủ thể hiện sự giàu có đúng nghĩa. Không có sức mạnh nào sánh bằng sức mạnh của tri thức.
 

Người giàu nỗ lực vì lợi nhuận, người nghèo làm việc vì lương

Những người làm việc vì lương cuối cùng cũng sẽ có đủ tiền để sống, nhưng không thể kiếm nhiều hơn được nữa. Lương là khoản tiền bạn nhận được cho công việc bạn làm. Lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa giá mua đầu vào thấp và giá bán ra cao. Ông cha ta từng có câu "phi thường bất phú", vì thế hầu hết người giàu đều làm trong lĩnh vực kinh doanh. Nếu bạn coi lương là nguồn thu nhập chính, thì thu nhập của bạn sẽ luôn vô cùng hạn chế. Nếu nỗ lực vì lợi nhuận thì thu nhập của bạn là vô tận.

Lương sẽ cho bạn thu nhập cố định, nuôi sống bạn hàng tháng. Lợi nhuận cho bạn khoản tích lũy tăng dần và giúp bạn nhanh trở nên giàu có. Thật tuyệt vời nếu bạn bắt đầu bằng việc kết hợp cả hai.

Người giàu được tự do về tài chính là bởi họ làm việc chăm chỉ trong thời gian đầu để có được lợi nhuận. Khi lợi nhuận đạt đến một mức độ nào đó, họ được tự do làm những điều mình thích, bất cứ khi nào họ muốn. Người giàu coi tài sản là những thứ có giá trị mà họ sở hữu và chúng tạo ra thu nhập thụ động cho họ. Một người nghèo cũng sở hữu những tài sản nào đó, những loại tài sản này không tạo ra thu nhập thụ động. Vậy, hãy nghĩ về một thứ tài sản nào đó có giá trị tạo ra thu nhập thụ động cho bạn. Người giàu biết sai khiến đồng tiền làm việc cật lực cho họ. Còn người nghèo làm việc cật lực vì đồng tiền. Người giàu có quyền kiểm soát tài chính bản thân. Người nghèo trao quyền kiểm soát tài chính của bản thân vào tay người khác.
 

Người giàu tư duy tích cực, người nghèo sống bi quan

Khi tạo cho mình thói quen tư duy tích cực, cuộc sống của bạn sẽ mang một ý nghĩa mới và thành công là điều hiển nhiên. Người giàu là bậc thầy về việc quản lý cảm xúc của bản thân. Vì họ có thói quen tự hỏi mình những câu hỏi tích cực. Họ liên tục rèn luyện trí não. Còn vấn đề của người nghèo là họ không tự suy nghĩ cho bản thân. Họ để người khác điều khiển suy nghĩ của họ.

Tư duy tích cực là một trong những cách tốt nhất để rèn luyện trí não và tạo dựng thành công. Tư duy tích cực mở ra mọi con đường. Nghĩ tiêu cực, bi quan sẽ dần dẫn bạn đến bế tắc. Và hãy tin rằng trên đời không hề có con đường cùng. Hãy dẫn dắt suy nghĩ của mình theo ánh sáng bạn sẽ tìm thấy hào quang. Chắc chắn!

(Kiến thức gia đình số 19)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?