| Hotline: 0983.970.780

Người Hà Nội làm rau hữu cơ

Thứ Ba 27/03/2012 , 10:12 (GMT+7)

Đặc biệt, trong khi sản xuất RAT trên địa bàn TP đang gặp khó thì huyện Sóc Sơn khá thành công với mô hình rau hữu cơ...

Trồng rau an toàn tại Sóc Sơn
Thực tế, thời gian qua trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xuất hiện khá nhiều mô hình nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường ở các xã như nuôi chim bồ câu ở các xã Việt Long, Tân Dân, Phú Cường hay nuôi ếch Thái Lan, gà đồi nuôi ong ở Bắc Sơn, Bắc Phú…

Đặc biệt, trong khi sản xuất RAT trên địa bàn TP đang gặp khó thì huyện Sóc Sơn khá thành công với mô hình rau hữu cơ tại 3 xã: Thanh Xuân, Đông Giang, Xuân Giang với tổng diện tích gần 30 ha. Sản phẩm rau hữu cơ đa dạng trên 30 loại rau, củ các loại. Chỉ tính riêng xã Thanh Xuân đã phát triển được 8 nhóm sản xuất rau hữu cơ với diện tích gần 5ha. Hiện, mỗi tháng mô hình cung cấp từ 18 - 20 tấn rau củ quả hữu cơ cho địa bàn Hà Nội với giá bán bình quân cao hơn rau thường là 7000 - 8000 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập trung bình của các thành viên đạt 3,5- 4 triệu đồng/tháng.

Mặc dù tăng trưởng của ngành nông nghiệp và việc giảm nghèo trên địa bàn huyện đã có kết quả khá tốt trong những năm qua, nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức. Ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban xây dựng NTM huyện Sóc Sơn cho hay, hiện sản xuất nông nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố đầu vào như ngày công lao động thời vụ, vật tư nông nghiệp… tăng cao gây khó khăn và áp lực cho người nông dân.

Hiệu quả canh tác của đại bộ phận các hộ gia đình nghèo, nông dân sản xuất quy mô nhỏ còn thấp. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, thiếu bền vững, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn chậm phát triển. Hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Tình trạng người nông dân có biểu hiện không thiết tha với đồng ruộng... vẫn còn khá phổ biến. Trong năm 2011, huyện Sóc Sơn đã trợ giúp cho 3.400 hộ thoát nghèo, tuy nhiên vẫn còn 6.727 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,92% số hộ. Ở Sóc Sơn vẫn còn một số xã đặc biệt khó khăn như Nam Sơn, Bắc Sơn, Bắc Phú…

Phó chủ tịch UBND huyện Ngô Đại Ngọc cho biết, tùy vào điều kiện đất đai của từng vùng để xây dựng mô hình nông nghiệp phù hợp. Khuyến khích các địa phương thực hiện được cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đối với các xã điều kiện đồng ruộng khó khăn, huyện khuyến khích các mô hình sản xuất phù hợp với quy mô hộ gia đình, cần nguồn vốn thấp nhưng hiệu quả cao như mô hình nuôi ong lấy mật, nuôi giun quế, chim bồ câu...

Trong năm 2012, sau khi cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, huyện Sóc Sơn sẽ xây dựng một số vùng sản xuất hàng hóa như xây dựng vùng sản xuất chè tại xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ với diện tích 650ha; vùng sản xuất hàng hóa và thủy sản tại Tân Hưng và Bắc Phú với diện tích hơn 1.000ha; vùng trồng hoa cây cảnh, cây ăn quả tại Minh Phú, Minh Trí, Xuân Giang...

Vùng sản xuất rau hữu cơ và rau an toàn tại Thanh Xuân, Đông Xuân, Việt Long, Hiền Ninh... với diện tích 1.800 ha. Đây là những vùng sản xuất sẽ được ứng dụng những công nghệ hiện đại nhằm góp phần tích cực cho xây dựng NTM thành công.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất