| Hotline: 0983.970.780

Người họ Hoàng ở Châu Sơn

Thứ Ba 02/02/2010 , 11:15 (GMT+7)

Trước khi dẫn chúng tôi vào Châu Sơn để tìm nhà thờ họ Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hưng Châu (Hưng Nguyên, Nghệ An) Võ Văn Quyền tự hào: "Đây được xem là "nôi" của Xứ uỷ Trung Kỳ đó".

Đất nghèo đến nỗi cả họ tộc phải chia nhau lần lượt bỏ làng mà đi, nhưng khi cách mạng về họ lại quyết tâm bám trụ nuôi dưỡng. Nhà thờ của họ tộc được xem là cái "nôi" của Xứ uỷ Trung Kỳ và cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh bây giờ đã trở thành di tích cho dù chủ nhân vẫn nghèo.

Hiến nhà thờ họ làm trụ sở Xứ ủy Trung Kỳ

Ngôi nhà này năm xưa là trụ sở Xứ ủy Trung Kỳ

Trước khi dẫn chúng tôi vào Châu Sơn để tìm nhà thờ họ Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hưng Châu (Hưng Nguyên, Nghệ An) Võ Văn Quyền tự hào: "Đây được xem là "nôi" của Xứ uỷ Trung Kỳ đó".

Đất nghèo nhưng dạ không nghèo

Ông Quyền dẫn tôi tìm nhà cụ Hoàng Tính, trưởng họ Hoàng ở Châu Sơn. Đã ngoài 80 nhưng cụ Tính vẫn tinh anh, khi chúng tôi đến tìm, ông đang chỉ đạo con cháu quét dọn, sửa sang ở nhà thờ. Suốt gần cả tiếng đồng hồ tôi vẫn chưa thể hướng câu chuyện vào ngôi nhà di tích vì cả ông Quyền lẫn cụ Tính thay nhau thao thao về vùng đất cách mạng Hưng Châu.

Trước cách mạng tháng Tám, Hưng Châu là xã chuyên độc canh về nông nghiệp. Đất pha cát, khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt, mưa bão, lụt lội xảy ra liên miên cộng thêm ách áp bức bóc lột làm cho cuộc sống của nông dân vốn đã quá đói nghèo càng trở nên điêu đứng. Làng Châu Sơn như một lòng chảo phía Tây Bắc là núi Nhón, phía Nam là sông Lam. Rất nhiều người dân không chịu nổi đã phải bỏ làng mà đi. Đói nghèo nhưng Châu Sơn có vị trí hết sức thuận lợi để hoạt động cách mạng bởi có thể liên lạc từ thành phố Vinh lên Hưng Nguyên, qua Nam Đàn, sang Hà Tĩnh... Cả cụ Tính lẫn ông Quyền đều giải thích rằng phải sơ qua như thế để thấy được dân vùng này nghèo nhưng một lòng vì cách mạng đến mức nào.

Tháng 4/1930, Xứ uỷ Trung Kỳ cử phái viên về bắt liên lạc với nhóm cộng sản có bí danh là Trúc - Lam - Giang để phát triển cơ sở Đảng các làng dọc theo sông Lam ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đức Thọ... Nhưng để tìm được một nơi ở Châu Sơn làm cơ sở thật không dễ dàng bởi cho dù rất nhiều hộ dân sẵn sàng "chứa cộng sản" nhưng vì nghèo quá nên không nuôi nổi.

Làng Châu Sơn lúc bấy giờ mới chỉ có một vài cán bộ đảng là các đồng chí Nguyễn Ngô Dật, Nguyễn Lệ... cùng các quần chúng tích cực như Nguyễn Khuôn, Hoàng Viện, Hoàng Tư, Nguyễn Thuyên.... đã tham gia hoạt động cách mạng. Tính toán mãi cuối cùng ông Hoàng Viện xin tổ chức lấy nhà thờ họ mình làm cơ sở hoạt động. Đó là một căn nhà rộng gần một sào Trung bộ hình thang, mặt hướng về phía Đông Nam, xung quanh cây cối um tùm, ít người qua lại. Một cuộc họp họ cũng được bí mật tổ chức. "Nghe các cụ kể, cũng có ý kiến này nọ, bởi đưa cán bộ về hoạt động không chỉ lo ăn ở mà còn phải chạy vạy ở các lý trưởng, hương lý trong làng để chúng khỏi soi mói. Nhưng cuối cùng ai nấy đều đồng lòng", cụ Tính bùi ngùi.

Ngay ngày hôm sau nhà thờ họ được nguỵ trang thành trụ sở Xứ uỷ Trung Kỳ. Bên ngoài vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng ở 2 căn phòng bên trong được độn thêm gác xép làm nơi ăn nghỉ cho cán bộ. Để an toàn, cụ Viện còn huy động con cháu đào thêm 2 căn hầm thông sâu vào núi Nhón cho tổ chức làm nơi in ấn cất dấu tài liệu và ẩn nấp. Hầm sâu 2m, rộng 1,5m, phía trên lát gỗ đắp đất kín đáo, xung quanh cây cối rậm rạp che khuất. Khi có động, cán bộ xuống hầm, vòng ra sau núi để thoát. Ban đầu là các gia đình anh em trong xóm như nhà ông bà Hoàng Tuân, Hoàng Em, Hoàng Xí,... ra sức vận động quyên góp kinh phí cho Xứ uỷ hoạt động. Dần dần, dân trong làng biết có cách mạng về, người góp củ khoai, đấu thóc cho các cán bộ hoạt động. Tháng 7/1930, Chi bộ Phúc Mỹ được thành lập do đồng chí Nguyễn Ngô Dật làm Bí thư và kết nạp thêm các đảng viên Hoàng Viện, Hoàng Em, Hoàng Xí… Cơ sở đảng càng vững mạnh.

Chính trong căn hầm bí mật của nhà thờ họ Hoàng, các tờ báo Lao khổ, Tiến lên số tháng 9, 10 và 11 năm 1930 được in ấn và phát hành, kịp thời cổ vũ tinh thần đấu tranh cho quần chúng nhân dân.

Để đảm bảo an toàn cho cơ quan Xứ uỷ, họ Hoàng kết hợp với dân làng thành lập đội tự vệ. Ngày ngày họ vẫn ra đồng bình thường nhưng tối đến tập trung canh gác tuần tra.

Hậu phương "làng đỏ"

Từ ngày cơ quan Xứ uỷ về làm việc tại Hưng Châu, phong trào cách mạng địa phương trở nên sôi nổi với nhiều cuộc mít tinh, biểu tình diễn ra. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của 500 nông dân đòi hào lý trả lại 500 quan tiên Tuần sương và một số ruộng đất chia cho dân cày nghèo. Tiếp đó là cuộc biểu tình ở cây đa Nhật Tân vạch mặt Tôn Thất Đàn nhũng nhiễu nhân dân đã thu hút rất đông bà con ở các xã lân cận như Hưng Phú, Hưng Khánh, Hưng Nhân, Hưng Lợi, Hưng Phúc... tham gia. Sau cuộc đấu tranh này, chính quyền Xô Viết ở làng Phúc Mỹ được thành lập. Số lượng quần chúng tham gia vào nông hội đỏ, đoàn thanh niên, phụ nữ, tự vệ ngày càng nhiều. Cách mạng càng phát triển, nhà thờ họ Hoàng càng đón thêm nhiều cán bộ từ khắp mọi miền về hoạt động.

Với giá trị lịch sử là cơ sở hoạt động của Xứ uỷ Trung Kỳ trong hai giai đoạn cách mạng 1930-1931 và 1939-1945, nhà ông Hoàng Viện đã được công nhận là Di tích cấp Quốc gia. Hiện trong nhà thờ còn có một bộ phản 2 tấm, một bàn làm việc và một cái sập đựng tài liệu, một nồi đồng tư dùng nấu thạch in tài liệu của chi bộ Đảng năm 1930-1931. Năm 1964, sau khi cụ Hoàng Viện mất, ngôi nhà chuyển cho con trai Hoàng Nhị chăm nom.

Thời gian sau đó, địch liên tiếp cho lính về Hưng Châu đàn áp, lùng sục từ cán bộ, đảng viên đến cả quần chúng cách mạng. "Chúng liên tục bắt bớ vì cho rằng ở đây chắc chắn có cơ sở cách mạng. Các đồng chí Hoàng Xí, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Hứa đã sa vào tay giặc và bị xử bắn ngay tại đình Châu Sơn. Tất cả đều chấp nhận hi sinh nhưng nhất quyết không khai ra cơ sở bí mật. Để phòng bị, cụ Viện còn cho người nhà lấy rơm chất lên các gác xép phòng khi cán bộ ra hầm không kịp. Truy mãi không ra vì dân làng một mực giữ bí mật nên địch đành bó tay" - cụ Tính bồi hồi rồi kể tiếp rằng, sau khi cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp liên tục, phần lớn các cán bộ cách mạng ở "làng đỏ Hưng Dũng" (nay ở TP Vinh) đều rút về Châu Sơn. Ngôi nhà lại trở thành địa chỉ để các cán bộ trong cao trào Xô Viết tập hợp nhau.

Cuối năm 1940, đồng chí Mười Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh) cán bộ Trung ương về trực tiếp lãnh đạo phong trào, chỉ đạo Xứ uỷ chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

Trải qua bao đời, nhà thờ họ Hoàng ở Châu Sơn vẫn vững chãi. Cứ đến lễ tết, con cháu tụ họp, nhìn những kỷ vật của cán bộ cách mạng các bậc tiền nhân trong họ lại tự hào kể cho con cháu nghe quá khứ gian khổ nhưng hết sức tự hào.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.