| Hotline: 0983.970.780

Người hồi sinh thổ cẩm Tà Ôi

Thứ Tư 08/09/2010 , 09:42 (GMT+7)

Chúng tôi tìm đến nhà chị Mai Thị Hợp (46 tuổi), tổ 6, khu 4, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa thiên- Huế, khi những vệt nắng cuối chiều ở rẻo cao đã khuất xa tầm núi...

''Cô giáo'' thổ cẩm Mai Thị Hợp hướng dẫn chị em cách dệt

Chúng tôi tìm đến nhà chị Mai Thị Hợp (46 tuổi), tổ 6, khu 4, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa thiên- Huế, khi những vệt nắng cuối chiều ở rẻo cao đã khuất xa tầm núi. Trong căn nhà ba gian, tiếng lách tách đều đặn của hàng chục chị em say sưa trên khung cửi đã xua đi cái không khí ảm đạm của buổi chiều.

Vượt qua luật tục

Ngày đêm băng rừng lội suối, vừa truyền nghề, vận động chị em phụ nữ trở lại với nghề dệt thổ cẩm (dèng) truyền thống rồi tự tay mình thành lập xưởng dệt ngay tại thị trấn A Lưới, tạo công ăn việc làm cho hàng chục chị em có hoàn cảnh khó khăn là những kỳ tích hiếm thấy mà người con gái Tà Ôi Mai Thị Hợp đã làm.

Cũng như bao người con gái Tà Ôi khác, từ nhỏ chị Hợp đã được mẹ mình truyền cho nghệ dệt thổ cẩm truyền thống. Khi lớn lên về nhà chồng, sản phẩm thổ cẩm đầu tiên của người con gái Tà Ôi Mai Thị Hợp cũng được mẹ dành làm của hồi môn. Có nghề thổ cẩm trong tay, những ngày nhọc nhằn trên rẫy, trên nương chị suy nghĩ rất nhiều.

Chị bảo: "Sao người Tà Ôi mình có nghề dệt thổ cẩm truyền thống rất đẹp mà cứ cam chịu mãi trong đói nghèo. Mình nghĩ thế và ý tưởng dệt thổ cẩm mang xuống miền xuôi bán thử xem”. Nói là thế nhưng từ bao đời nay, với người Tà Ôi cũng như một số dân tộc khác, nghề dệt thổ cẩm chỉ nhằm phục vụ nhu cầu may mặc trong gia đình hay mang đi đổi những nhu yếu phẩm của người dân trong bản làng mà thôi.

Sau bao đêm chong đèn đắn đo suy nghĩ, chị đã đi đến quyết định truyền nghề dệt thổ cẩm của người Tà Ôi cho những chị em dân tộc khác. Chị kể: “Buổi đầu, mình đưa ra ý định, gia đình phản đối kịch liệt, nhất là mẹ mình. Bà bảo: Luật tục ngàn đời nay thế rồi, nghề thổ cẩm Tà Ôi không truyền ra ngoài. Nay con phá luật, giàng (trời) sẽ phạt đó! Nhưng rồi sau bao lần tâm sự với lý lẽ nếu không truyền nghề cho bà con các bản khác thì vải thổ cẩm mình sẽ không một ai biết đến, mai này sẽ không còn ai dệt thổ cẩm nữa, mẹ chị đã đồng ý… 

Xưởng dệt của chị em nghèo

Một góc xưởng dệt của chị Hợp
Trong căn nhà ba gian nơi miền rẻo cao A Lưới, chị Hợp tận tình chỉ từng đường dệt, cách đính hạt cườm cho chị em. Thành lập năm 2004 với khoảng 5 thành viên, đến nay xưởng dệt thổ cẩm của chị Hợp đã có 35 chị em phụ nữ tham gia, thu nhập bình quân mỗi người 1,2- 1,5 triệu đồng/tháng. Với phụ nữ vùng cao, đó khoản thu không dễ gì có được! Với đôi bàn tay thoăn thoắt, say sưa bên khung cửu, chị Hồ Thị Nhiên (thôn A Tin, xã A Đớt) cho biết: “Mình tham gia xưởng dệt này đã hơn một năm rồi. Trước đây miềng mần nương mần rẫy cực lắm mà không đủ cái ăn cái mặc. Từ ngày về đây, chị Hợp giúp vốn, tạo việc làm nên miềng có thu nhập có tiền mang về nuôi con ăn học”.

Không chỉ tạo việc làm, nâng cao tay nghề, chị Hợp còn sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, họa tiết mới rồi hướng dẫn chị em làm đến khi nào thuần thục mới thôi. Với những người ở xa, đường đi lại khó khăn, chị Hợp nhận hợp đồng rồi thông báo cho chị em dệt sản phẩm thổ cẩm tại nhà. Đúng hẹn thì mang đến giao hàng cho khách. Với cách làm này, vừa giúp đỡ nhiều chị em không có điều kiện đến xưởng dệt nhưng vẫn có thu nhập, vừa tăng thêm đội ngũ người dệt thổ cẩm.

Cầm tấm thổ cẩm mới “ra lò” trên khung cửu, chị Hợp bảo: “Khác với các dân tộc khác, thổ cẩm người Tà Ôi sinh động, đẹp hơn là nhờ vào các hạt cườm được đính lên sản phẩm. Đây là công đoạn tỷ mỷ đòi hỏi sự kiên trì, khéo tay, mà cái đó hầu hết chị em miền núi đều có cả nên không lo. Điều quan trọng là luôn tạo ra các mẫu mã mới, sự “phá cách” luôn đảm bảo kết hợp cách dệt truyền thống và cách dệt trên khung cửi cải tiến mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá của thổ cẩm mình là được”.

Nói về dự định tương lai, chị bộc bạch: “Bao năm đi về các bản làng, nhìn chị em mình khổ mà thương lắm, nhưng cũng không giúp nhiều hơn được. Nếu có điều kiện mình sẽ mở rộng thêm xưởng dệt, tạo công ăn việc làm nhiều hơn nữa cho chị em”.

Nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Tà Ôi thật sự có cơ hội phát triển khi Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế ra Nghị quyết về bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm (zèng) ở A Lưới. Đây là một tín hiệu vui cho những người con biết nghĩ, biết trăn trở về sản phẩm truyền thống của dân tộc mình như chị Hợp.
Khi đã được phép truyền nghề dệt thổ cẩm cho các dân tộc khác, hành trình chị Hợp đến các bản làng vận động, dạy nghề cũng bắt đầu. Từ thị trấn A Lưới, chỉ trừ khi mưa gió bão lụt, với túi xách đựng nhu yếu phẩm và bộ khung cửu trên vai, chị len lỏi hàng chục cây số, như con ong cần mẫn vun mật cho đời, đến các bản làng người Cơ Tu, Pa Hi, Pa Kô dạy nghề thổ cẩm cho bà con.  Những nơi chị đến không chỉ là các xã Nhâm, Hồng Trung mà con xa hơn, ra tận các xã Hồng Thuỷ, A Roàng, A Ngo…

Qua bao năm vận động, dạy nghề, bao kỷ niệm gắn với nghề thổ cẩm đi qua đời chị. Chị kể: “Ban đầu mình đi mấy xã gần thị trấn thôi, đến nhà nào cũng có một hai khung cửu nằm im lìm. Mình hỏi: “Sao không dệt vải?”, đa số bảo: “Dệt mần chi, đã đến mùa đông đâu mà cần áo mặc”. Mình thuyết phục với mục đích dệt để bán, để lưu giữ nghề thổ cẩm thì bà con cũng chẳng tin. Khi có nhiều người lên A Lưới mua sản phẩm của mình thì bà con mới tin rồi lục đục dọn khung cửu ra làm”.

Chia sẻ về những gian nan của mình, chị cho biết, có lần phải lên tận thôn vùng sâu A Ka (xã A Roàng), mất cả ngày đi đường để gặp chị em “thuyết trình” về nghề thổ cẩm. Giữa đường gặp cơn mưa rừng trút nước như xối, người ướt như chuột lột! Đường về thì xa, vẫn chưa đến được với bà con mà ở lại giữa rừng thì nguy hiểm quá! Rất may, khi bà con dân bản biết tấm lòng của chị nên đã giữ lại bản mình, cho cơm ăn, áo ấm để thay. Sáng ra, cơn mưa rừng đã ngớt, chị lại tất tả lên đường. Cảm được tấm lòng của bà con, chị như được tiếp thêm sức mạnh, kiên tâm làm sống lại thổ cẩm của người Tà Ôi.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.