| Hotline: 0983.970.780

Người hùng Ba Mun

Thứ Năm 20/04/2017 , 13:45 (GMT+7)

Hơn 40 năm công tác trong ngành công an, ông lập nhiều chiến công lẫy lừng, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự vùng biên giới. Nay về hưu...

Nay về hưu, ông tiếp tục cống hiến sức lực cho quê hương đẩy lùi nạn phá rừng, xoá bỏ nhiều hủ tục lạc hậu. Ông là Điểu Mun, 66 tuổi, ở thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước.
 

Ký ức hào hùng

Về đến thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, hỏi thăm nhà ông Điểu Mun, một cậu bé chừng mười tuổi, nhanh nhảu: “Nhà ông Ba phải không? Chở con đi, con chỉ nhà cho”.

16-19-55_nh-1
Người hùng Ba Mun

Nói rồi cậu bé nhảy phóc lên sau xe tôi. Lòng vòng qua mấy con ngõ hẹp, trải bê tông sạch sẽ, cậu bé kêu tôi dừng xe trước căn nhà xây khang trang, yên tĩnh. Bên trong, các cánh cửa nhà mở toang. Xe vừa dừng lại, tôi nghe có tiếng đàn ông từ trong nhà vọng ra: “Ai đấy? Cứ vào đi, cổng không khoá”. Cậu bé dẫn đường nói câu ngắn gọn: “Ông Ba đấy”, rồi thoắt chạy đi.

Gặp ông, tôi không khỏi ngạc nhiên. Năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng ông còn rất cường tráng, nước da màu đồng rắn chắc, đôi mắt sáng, giọng nói như chuông lệnh. Quả là đáng nể.

“Đây chắc nhà báo từ Sài Gòn lên phải không?”, ông hỏi khiến tôi càng ngạc nhiên hơn. Như hiểu thắc mắc của tôi, ông giải thích: “Tôi vào ngành công an từ năm 15 tuổi, đến khi về hưu là 43 năm. Làm công tác điều tra, phá án, tôi có chút năng khiếu trong việc nhìn người mình tiếp xúc. Nhìn chú, biết không phải người địa phương, không phải người làm ăn… nên đoán là nhà báo”. Tôi nghe chỉ biết lắc đầu thán phục.

Dù là người thiểu số S’tiêng nhưng do có năng khiếu, lại sinh ra trong trong gia đình có truyền thống cách mạng, nên năm 1966, khi mới 15 tuổi, ông đã tham gia cách mạng. Nhận thấy nhiều tố chất trong công tác điều tra trong ông, cấp trên cử ông đi học nhiều khoá đào tạo nghiệp vụ tại trung tâm của Việt Nam mở bên nước bạn Campuchia, Liên Xô cũ. Năm 1985, ông Ba Mun được bổ nhiệm làm Trưởng Công an huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé cũ, nay là TX.Phước Long, tỉnh Bình Phước.

“Huyện Phước Long ngày ấy chưa chia tách nên địa bàn rất rộng, bao gồm cả huyện Bù Gia Mập và huyện Bù Đăng ngày nay. Trong khi tình hình an ninh hết sức phức tạp: tổ chức phun-rô chống phá, vượt biên trái phép, buôn lậu, buôn bán người ra nước ngoài... xảy ra như cơm bữa.

Trong khi giao thông liên lạc khó khăn nên những vụ án điều tra rất khó khăn, mất thời gian và tốn kém. Nhưng cuối cùng, hầu hết các vụ việc đều giải quyết xong”.

16-19-55_nh-3
Vợ chồng ông Ba Mun

Trong ký ức ông Ba Mun, những năm của thập niên 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước, là khoảng thời gian ấn tượng nhất, ông lập nhiều thành tích nhất. Hồi đó, nhức nhối nhất là nạn vượt biên, buôn bán phụ nữ, trẻ em trái phép.

Để giải quyết tình trạng này, cấp trên lập tổ công tác do ông Ba Mun dẫn đầu, lên nằm vùng ở những địa bàn biên giới của Bình Phước giáp Campuchia suốt nhiều tháng để điều tra.

“Tôi nhớ có vụ việc xảy ra đầu năm 1990. Bảy cô gái trẻ sau khi bị các đối tượng dụ dỗ sang Campuchia để chúng kinh doanh thân xác. Khi nắm được thông tin, tôi cùng anh em đi lại nhiều lần sang Campuchia phối hợp với các lực lượng nước bạn tìm manh mối. Và hơn 1 tháng miệt mài vào cuộc, cả 7 cô gái được trả về đúng vị trí. Mãi nhiều năm sau này, khi tình cờ gặp lại một vài trong số 7 cô gái ấy, họ ôm chầm tôi, khóc sướt mướt, sau đó, họ nhận tôi là cha đỡ đầu”, ông Ba Mun kể.
 

Người làm thay đổi nhiều thứ

Sinh ra giữa rừng già, từ nhỏ, ông Ba Mun đã chứng kiến không biết bao nhiêu gia đình phải khốn khổ, tiêu điều vì những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi.

“Một trong những hủ tục phổ biến khiến nhiều người nghèo cứ nghèo hoài là dù nghèo, nhưng khi có cưới hỏi, ma chay, vẫn vay mượn khắp nơi để làm tiệc lớn. Rồi sau đó bán hết ruộng nương, đất đai trả nợ. Nợ truyền kiếp, có người phải trả nợ của ông bà để lại.

Để chấm dứt chuyện này, mỗi khi thấy nhà nào chuẩn bị có đám tiệc, đám tang, tôi đến tận nơi khuyên nhủ không nên làm linh đình, không vay mượn. Rồi tôi tổ chức nhiều cuộc họp buôn làng để tuyên truyền, vận động bà con không nên hoang phí. Lần đầu không nghe tôi đến lần hai, lần ba, đến khi nào nghe mới thôi. Mỗi khi có dịp gặp mặt đông bà con, tôi đều tranh thủ tuyên truyền. Nhờ vậy mà nhiều gia đình không dính cảnh nợ nần”, ông Ba Mun nói.

Không chỉ giỏi công tác chuyên môn, về đời thường ông còn giúp dân làm giàu. Với triết lý “kấy sức dân làm lợi cho dân”, ông Ba Mun vận động bà con thay đổi phương thức canh tác truyền thống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng sản lượng. Nhờ đó, đời sống của bà con ở nhiều vùng thuộc Bù Gia Mập ngày nay được cải thiện, nâng cao.

Nhắc đến ông Ba Mun còn phải nhắc đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Về hưu năm 2009, thì một năm sau ông được Ban giám đốc VQG Bù Gia Mập (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) mời tham gia cộng đồng nhận khoán, bảo vệ rừng. Không chỉ trực tiếp tham gia, ông Ba Mun còn vận động bà con trong xã và các vùng lân cận cùng tham gia. Có tiếng nói của ông Ba Mun nên đến nay, phần lớn diện tích hơn 25.700ha rừng VQG Bù Gia Mập đã được giao cho các cộng đồng thôn bản trên địa bàn nhận khoán bảo vệ.

16-19-55_nh-4
Ông Ba Mun là người tiên phong trong việc vận động người dân nhận giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng

Trong số những người ông Ba Mun vận động tham gia giữ rừng, nhiều người từng là lâm tặc khét tiếng. Một trong số đó là anh Điểu Long, 45 tuổi, ở thôn 5, xã Bù Gia Mập, trước đây là tay lâm tặc nổi tiếng. Sau khi được ông cảm hoá, lại được ông bảo lãnh vào cộng đồng nhận khoán rừng, gai đình Điểu Long đang dần thoát nghèo.

“Mấy năm nay, bà con vào nhận khoán chăm sóc rừng nên không còn phá rừng nữa. Mà thu nhập của bà con lại cao hơn. Mỗi quý các hộ được nhận lương một lần, tiền lương tính theo ngày công, một ngày tuần tra rừng được trả 150.000 đồng, ai đi nhiều thì được cao, có hộ nhận hơn 10 triệu đồng/quý. Nếu gặp khó khăn đột xuất các hộ có thể ứng tiêu xài trước, sau đó trừ vào lương.

Trước kia, bà con sống trong rừng, nguồn lợi chính đều trông vào rừng, nên lúc nào cũng nhăm nhe phá rừng, săn bắt thú. Mỗi người nói cần một cây rừng. Tôi nói vậy cả làng ai cũng cần thế thì còn rừng đâu? Rồi con cháu mình sau này chúng nó cũng cần rừng thì lấy đâu ra? Bà con như vậy là không thương con mình rồi.

Nghe vậy, bà con phản ứng: “Thương chứ, thương chứ”. Tôi hỏi lại: “Thương mà phá hết rừng của con cháu sao?”. Lúc này bà con mới chịu thua, và nghe theo. Đó, tuyên truyền bà con cứ phải thực tế như vậy mới hiệu quả. Lần khác, năm đó hạn nặng, con suối Đặk Mai gần rẫy tôi bị cạn nước, tôi nói với bà con, nguyên nhân suối cạn là do rừng bị phá, bà con tin lời”, ông Ba Mun nói.

“Ông Ba Mun là con người chính trực, trọng danh dự. Tiếng nói của ông Ba Mun rất quan trọng, ông nói bà con ai cũng nghe và làm theo. Từ khi về nghỉ hưu tại địa phương, ổng giúp chúng tôi rất nhiều. Do có nghiệp vụ công an, lại tuyên truyền khéo, nên rừng VQG được bảo vệ rất tốt. Tình trạng phá rừng làm rẫy, cháy rừng đã không còn. Nếu như trước đây, mỗi năm xảy ra trên 2.000 vụ vi phạm lâm luật thì hiện nay đã giảm đến hơn 90%. Quả thật, chúng tôi rất biết ơn ông Điểu Mun”, ông Nguyễn Đại Phú, Giám đốc VQG Bù Gia Mập.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất