| Hotline: 0983.970.780

Người hùng Lê Mạnh Hùng

Thứ Ba 17/09/2013 , 10:17 (GMT+7)

Nghèo mà hiến nhiều đất như cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng ở thôn Trung, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên thì quả là xưa nay hiếm.

Nhắc đến chuyện dân hiến đất xây dựng hạ tầng trong Chương trình xây dựng NTM ở Quảng Ninh thì ở làng nào, xã nào cũng có. Nhưng, nghèo mà hiến nhiều đất như cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng ở thôn Trung, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên thì xưa nay hiếm.

Hiến đất, hiến cả nhà ở

Cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng năm nay đã 76 tuổi, đang phải ở nhờ ngôi nhà nhỏ của cô con gái lấy chồng xa. Không còn ruộng đất canh tác, toàn bộ thu nhập hiện tại của ông dựa vào mấy cái cờ lê, tô vít sửa xe đạp.

Ngày trước, tại khu vườn rộng khoảng 6 sào của mình, ông Hùng trồng mấy trăm gốc chuối, vài cây nhãn. Mùa nào quả ấy, ông hái xuống rồi chất lên chiếc xe đạp cà tàng rao khắp làng trên xóm dưới lấy tiền để tự nuôi sống bản thân. Nhưng từ khi hiến toàn bộ diện tích đất trên, cộng thêm cuốn sổ đỏ 400 m2 đất ở để Nhà nước xây trường mầm non, ông phải chuyển sang nghề sửa xe đạp kiếm sống.

Những xáo trộn, đổi thay trong cuộc sống của ông Hùng bắt đầu từ cuối năm 2012. Khi ấy, dự án xây dựng Trường Mầm non xã Đồng Rui (nằm trong Chương trình xây dựng NTM của tỉnh Quảng Ninh) được phê duyệt với tổng kinh phí 11,7 tỷ đồng. Tiền có, nhưng vấn đề nan giải đó là địa phương không thể tìm đâu quỹ đất rộng trên 3.000 m2 để triển khai thi công.

Ông Vũ Văn Kiện, Trưởng thôn Trung, xã Đồng Rui, tâm sự: “Hồi ấy, tôi cùng các ban, ngành, đoàn thể khối đến từng hộ gia đình cả ngày lẫn đêm để vận động hiến đất. Nhưng, xã chưa thực hiện dồn điền đổi thửa, đất đai manh mún, đời sống của bà con gặp khó khăn. Bảo họ hiến cho hàng ngàn mét đất thì không khác nào cắt đường sống của họ”.


Mảnh vườn của ông Hùng giờ đây thành trường mầm non khang trang

Cuối cùng cũng có cụ Nguyễn Thị Cư đồng ý đổi hơn 1.000 m2 sang đất 5% của xã (chứ không hiến vì gia đình đông người). Tuy nhiên, diện tích ấy không đủ nên chính quyền đành vận động các hộ khác. Xét thấy trong thôn chỉ có gia đình nhà ông Hùng là hộ neo đơn, đất đai lại rộng nên ông Kiện và lãnh đạo xã đã có những buổi tiếp xúc, trao đổi thân mật.

Ông Hùng nghĩ, giờ trường mầm non của xã chưa có, vẫn phải tổ chức nhờ tại nhà cộng đồng thôn. Con cháu mình sinh ra không được học hành tử tế thì khó nên người. Bây giờ nếu hi sinh quyền lợi của cá nhân để tập thể được lợi thì cũng cam lòng. “Mình vốn là bộ đội Cụ Hồ. Xông pha qua chiến tranh, có thể hi sinh tính mạng còn chẳng tiếc, huống chi bây giờ chỉ chịu thiệt thòi chút kinh tế”, ông Hùng chia sẻ.

Đối với gia cảnh 3 năm liền thuộc diện hộ nghèo như ông Hùng, đất đai vô cùng quan trọng nhưng không thể đem nó ra so sánh thiệt hơn khi Nhà nước thực sự cần.

“Nếu nhận tiền đền bù từ số đất ấy, có khi tôi phải mang cả bao tải ra để đựng. Nhưng, tiền nhiều để làm gì hả chú? Chia mỗi người một ít cuối cùng cũng hết. Mà nếu không chi tiêu hợp lý sẽ rất dễ đưa con cháu ta đi vào chỗ sai lầm. Cho nên ta làm việc này có ích hơn, trước mắt ta chịu thiệt nhưng lại có lợi về sau”.

Nghĩ là làm, ông Hùng làm đơn tự nguyện hiến đất, hiến nhà gửi UBND huyện Tiên Yên và UBND xã Đồng Rui. Trong lá đơn có đoạn: “Để hưởng ứng cuộc vận động toàn dân chung tay, góp sức xây dựng NTM tại địa phương, vì thế hệ trẻ em – vì tương lai con em chúng ta, tôi toàn tự nguyện hiến toàn bộ 2.411 m2 đất các loại gồm: 400 m2 đất ở, 2.011 đất nông nghiệp và toàn bộ 3 gian nhà cấp 4, lợp ngói của gia đình để giải phóng mặt bằng cho địa phương xây dựng trường mầm non của xã”.

Vượt qua áp lực gia đình

Điều đặc biệt, đây không phải là mảnh đất chôn nhau cắt rốn của ông Hùng. Quê hương của ông mãi tận Hải Phòng. Thời kỳ bao cấp túng đói, gia đình lại đông con nên không thể cứ mãi sống như vậy được.

May thay, nhờ có chính sách xây dựng vùng kinh tế mới của tỉnh Quảng Ninh, tháng 5/1978, giống như bao người dân Hải Phòng khác, ông di cư lên đây lập nghiệp. Được Nhà nước cấp đất ở, đất sản xuất, ông đã thực sự được làm chủ trên mảnh đất của mình.

Nhưng, éo le thay, vợ ông lại mất sớm. Ông một mình nuôi 5 con, 3 trai, 2 gái, đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi. Khi ấy thị trường còn chuộng thúng, mủng, nong, nia, vì thế, ngoài thu chuối, hái nhãn bán, ông cần mẫn vót tre đan đổi thóc nuôi con. Cuộc sống không khá giả nhưng cũng đủ ăn.

“Nếu không có mảnh đất này, chắc bố con tôi đã chết đói ở một xó xỉnh nào rồi. Bây giờ, các con tôi đã có công việc ổn định, bản thân tôi cũng tự xoay xở được để sống đến cuối đời. Ơn nghĩa đó của Đảng, của Nhà nước tôi không bao giờ quên”, ông Hùng tâm sự. Cũng vì lẽ đó, ông Hùng coi việc hiến hơn 2.000 m2 đất của mình cho chính quyền là cách để trả ơn Đảng, Nhà nước.

Khi biết được kế hoạch hiến đất của ông Hùng, anh Lê Tiến Dũng, 40 tuổi (con trai thứ 2 của ông Hùng) tỏ ý đồng tình ủng hộ quyết định của bố. Nhưng, đến người con thứ 3 thì xảy ra trục trặc.

“Lúc ban đầu nó cũng phản ứng. Nó đi ngoài đường bị bạn bè “kích đểu”, bảo bố mày hâm. Mấy lần sang nhà tôi, nó mặt phồng mặt dẹt nhưng không dám nói gì nặng lời, chỉ cằn nhằn bảo bố làm thế là mất hơn 2.000 m2 đất chứ còn gì nữa. Tôi bảo: Thôi thì, tính mạng con người mới là quan trọng, đất đấy cũng chẳng phải đất của cha ông mình để lại, ta hiến cho tập thể để cho các cháu có chỗ học hành. Nay mai con mày, cháu mày và trẻ em ở cả xã này cũng học ở đấy chứ ở đâu? Nghe thế nó cũng nguôi ngoai dần”, ông Hùng nói.

Sau khi hiến toàn bộ số đất trên cho chính quyền, ông Hùng sống tằn tiện qua ngày dựa vào số tiền trợ cấp cựu chiến binh và sửa chữa xe đạp. Trong căn nhà đơn sơ của cô con gái lấy chồng xa, thứ ông Hùng nâng niu, trân trọng nhất là những tấm bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND xã Đồng Rui, Hội Cựu chiến binh… vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Ông khoe: “Tôi còn được Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của tỉnh Quảng Ninh tuyên dương là một trong những điển hình tiêu biểu trong xây dựng NTM năm 2011-2012. Như vậy là mình cảm thấy được an ủi, mát lòng mát dạ lắm rồi chú ạ. Đời mình không cần gì hơn nữa”.

Sở hữu cuốn sổ đỏ 200 m2 đất chính quyền cấp sau khi hiến đất, ông Hùng cũng muốn xây một căn nhà nhỏ trên đó để không phải bấu víu con cái. Nhưng, vì không thể xoay đâu ra tiền nên chỉ trồng chuối để giữ tài sản cho con cháu. Nhận xét về ông Hùng, Trưởng thôn Vũ Văn Kiện dành những lời ngợi ca đặc biệt: “Với người dân thôn Trung, hành động vì tập thể của ông Hùng giống như một người hùng”.

“Sống thì phải có xã hội. Làm mọi điều tốt đẹp cho cộng đồng. Phải như thế thì xóm làng, đất nước mới bình yên vui vẻ, hạnh phúc hơn. Còn ai cũng muốn co quắp vào túi, ai cũng muốn để tiền trong người thì còn ra cái gì?

Xin lỗi chú, tiền làm gì? Ăn rồi cũng hết nhưng cái nhân cách của anh để đời đời. Thỉnh thoảng trên đài vẫn hát cái bài gì có câu Tiền ơi! Tiền ơi! Đấy, lãng xẹt lắm”, ông Hùng chia sẻ với tôi trong cuộc trò chuyện.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất