| Hotline: 0983.970.780

Người hùng Lục Ngạn

Thứ Hai 03/06/2013 , 11:05 (GMT+7)

Họ, hoàn cảnh gia đình còn nghèo khó, còn bộn bề những lo toan. Họ, những nông dân chân lấm tay bùn, vất vả, một nắng hai sương, lo miếng ăn còn chấp chới. Vậy mà khi phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động, họ có những việc làm không tưởng.

Họ, hoàn cảnh gia đình còn nghèo khó, còn bộn bề những lo toan. Họ, những nông dân chân lấm tay bùn, vất vả, một nắng hai sương, lo miếng ăn còn chấp chới. Vậy mà khi phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động, họ có những việc làm không tưởng.

GIẤU VỢ MANG SỔ ĐỎ ĐI HIẾN ĐẤT

Những dự án làm đường không có kinh phí hỗ trợ đền bù vốn rất khó khăn bởi yêu cầu người dân phải hiến đất xây dựng. Đồng bằng khó vì đất đai đắt đỏ, vùng cao khó vì cái lý đôi lúc chẳng giống ai. Tôi gọi họ người mở đường là bởi, không có những việc làm của họ, công lao của họ thì những con đường khó có thể thành công.

Hiến 1.420 m2 đất

Cầm bản danh sách truyên dương những hộ dân hiến đất, ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), cơ quan Thường trực xây dựng NTM của huyện đúc kết: Dân mình kỳ lạ lắm, đáng quý lắm ông ạ.

Cái quý, cái lạ ấy đều là chuyện hiến đất. Ngay cả bản thân người gắn bó mấy chục năm với nông nghiệp vùng cao này, tận tường từng xã, từng thôn như ông Báo vẫn cứ bất ngờ khi lần đầu cầm bản danh sách tuyên dương. Thậm chí, ông còn bốc điện thoại kiểm tra các xã xem có in nhầm hay không? Một người như ông Báo còn phải nghi ngại như vậy thì những việc làm của người dân trên vùng cao này chắc chắn phải kỳ lạ rồi.

Trong danh sách tuyên dương của huyện Lục Ngạn, những thông tin về Giáp Văn Thắng chỉ gói gọn có mấy dòng thế này: Diện tích đất hiến làm đường 1.420 m2. Tài sản 10 cây vải, 40 cây keo. Vậy nhưng chuyện hiến đất làm đường giao thông của gia đình Thắng rất dài. Dài như con đường liên xã từ Xạ To đến Cống Luộc sắp đến ngày hoàn thành. Dài như quãng thời gian đói nghèo đeo bám vùng đất vải nằm bên sông Lục Nam này vậy.

Xạ To điểm bắt đầu của con đường liên xã Đèo Gia, một dự án làm đường mà Nhà nước chỉ có đầu tư thi công chứ không có bất kỳ một đồng đền bù hỗ trợ nào. Năm ngoái, khi ngày khởi công cận kề, những lãnh đạo trong BCĐ xây dựng NTM của huyện Lục Ngạn như ông Báo lo ngay ngáy.

Điều kiện tiên quyết của dự án này là người dân phải hiến đất. Bằng không dự án buộc phải thu hồi. Xạ To còn mang vai trò lịch sử. Nếu thành công thì Đồng Bụt, Đèo Gia, Cống Luộc sẽ theo, còn không thì chắc dự án làm đường phải còn chờ rất lâu năm nữa.

Hoàn cảnh mà rất ít người dám nghĩ theo hướng tích cực bởi Xạ To cũng như các bản làng ở xã Đèo Gia này còn nghèo quá. Ruộng cằn cỗi, đất đai sản xuất cũng chẳng nhiều nhặn gì. Với lại, nói đáng tội, dân làng lo miếng ăn, cái mặc còn đang vã mồ hôi thì chuyện xây dựng nông thôn mới người ta cũng chỉ loáng thoáng trên đài, cứ tưởng đang xây ở đâu chứ nơi này chắc chưa đến.

Họ lại còn nghĩ: Đột ngột quá, lạ lùng quá. Ai đời, làm đường cho dân là trách nhiệm của Nhà nước chứ còn bắt dân hiến đất để làm thì còn gì gọi là Nhà nước nữa? Cái suy nghĩ ấy trói buộc bản làng, trói buộc cả những gia đình rục rịch mang bìa đỏ lên xã cắt đất, bởi họ sợ là mình hiến rồi không biết những nhà khác có hiến hay không.

Giáp Văn Thắng 39 tuổi, thành viên của Hội Cựu chiến binh thôn Xạ To. Lắm bận, anh giấu vợ mang sổ đỏ, sổ xanh của gia đình lên đến cổng UBND xã rồi lại quay về cất vào chỗ cũ vì hỏi dò chẳng thấy ai có mục đích như mình cả.


Giáp Văn Thắng bên mảnh đất đồi hiến làm đường

Chuyện hiến đất len lỏi vào bữa cơm, giấc ngủ, làm Thắng trăn trở: Bây giờ không làm thì không biết đến bao giờ dân bản này, xã này, vùng cao này mới có đường đi? Mình không hiến, bà con Xạ To không hiến thì những Đồng Bụt, Cống Luộc chắc cũng không đời nào họ thuận. Không có đường, vải mình hái xuống, rừng keo chặt xong lại phải bán giá rẻ vì đường sá đi lại khó khăn. Những con đường bé, cheo leo, gập ghềnh, xe máy đi lại còn khó thì đến bao giờ dân mình khá nổi?

Cứ sau một đêm là Thắng lại tìm một lý do để củng cố suy nghĩ phải hiến đất để làm đường. Đến một ngày, dân Xạ To thấy người ta về đo đạc, chỉ trỏ trên vườn vải của gia đình Thắng. Một lúc sau lại thấy máy ủi, máy xúc kéo về. Móc, san, ủi, kéo. Vải, keo nhà Thắng cứ đổ ràm rạp như bão quật. Vợ Thắng, chị Nguyễn Thị Sinh tiếc của, không dám ra nhìn mà trốn ở trong buồng, thỉnh thoảng hỏi thằng con xem người ta làm xong chưa.

“Ai mà chả tiếc hả anh. Người nông dân mà không tiếc đất thì coi như bỏ. Người đồng bằng quý ruộng lúa thế nào thì vùng cao quý cây vải, cây keo như thế. Tiếc thật, nhưng nếu ai cũng tiếc thì lấy đâu ra đường để mà đi”, cái lý của vợ chồng Thắng giản đơn và đáng quý như thế đấy.

Cả một cung đường dốc đá dựng đứng, ròng rã mấy ngày liền đám thi công san ủi, mở bạt tà luy sau vào vườn gia đình Thắng cao mấy chục mét. Vườn vải hơn 200 gốc gần đường nhỏ cũ bị đẩy vọt lên tít đỉnh đồi, chỉ còn 160 gốc. Bù lại con đường nhìn rất ra dáng. To, đẹp, phẳng lỳ. Dân bản Xạ To thấy vậy, nhiều nhà lục tục về mở hòm lấy sổ đỏ, sổ xanh kéo nhau lên ủy ban xã xin “chịu thiệt thòi như nhà Thắng Sinh”.

Góa phụ nghèo hào phóng

Xạ To có 132 hộ thì có tới 71 hộ nằm trong diện nghèo. Đất vườn, đất đồi của dân bản cũng giống như ruộng lúa ở dưới xuôi, đều là nồi cơm, tất tần tật trông vào đấy cả.

 Sau sự kiện Giáp Văn Thắng phá vườn vải làm đường, số người hiến đất liên tục tăng. Dân vẫn nghèo, vẫn khó khăn, việc mở đường thường ảnh hưởng đến diện tích đất nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu, nhưng người dân dứt khoát: Đã hiến rồi thì cứ làm thoải mái.

Nếu chỉ nhìn vào gia cảnh sẽ không ai dám nghĩ bà La Thị Hoàng là người hiến đất nhiều thứ hai ở xã Đèo Gia. Chồng mất gần chục năm nay, một mình bà nuôi ba đứa con. Đứa lớn đi làm thuê, 2 đứa nhỏ còn đi học. Vất vả khó ai sánh bằng. Vậy mà khi mở đường, bà hiến tới 745 m2 đất sổ đỏ, 15 cây vải 20 năm.


Nhà nghèo nhưng bà La Thị Hoàng sẵn sàng hiến đất

Cần thứ gì đó để gọi là tài sản thì nhà bà Hoàng chỉ có duy nhất một chiếc xe đạp phục vụ chuyện học hành của hai đứa nhỏ. Đứa lớn đi làm thuê phải xin đi nhờ xe máy của người ta. Bản thân bà, mỗi lúc lên nương hay ra đồng đều cuốc bộ. Cả gia đình được 4 sào ruộng, vụ chiêm chỉ cấy được 2 sào, thường chỉ đủ gạo ăn.

“Cả xã Đèo Gia có 10 hộ hiến đất làm đường được tuyên dương thì Xạ To có 4 hộ, đều là là những hộ nhiều nhất cả. Việc làm đường thuận lợi đến mức chẳng có bất cứ một lời phàn nàn nào. Chỉ hơi buôn một nỗi là dân còn nghèo quá. Hi vọng có đường rồi sẽ được quan tâm nhiều hơn”, trưởng thôn Xạ To Vi Văn Lực.

Gia cảnh ấy đặt cạnh số đất đem hiến mà giá bán hiện tại có thể mua xe, xây nhà thì quả thật đáng quý. Gia đình bà vẫn chấp nhận cảnh nghèo, vẫn chấp nhận hiến không đất để làm đường, chẳng đòi hỏi hỗ trợ, đền bù gì cả. Trong tiềm thức người đàn bà lam lũ này, cứ chủ trương của nhà nước thì chắc chắn phải có lợi cho dân rồi.

Vì thế mà lúc ông trưởng thôn Vi Văn Lực đến đặt vấn đề dự án làm đường đi qua vườn và đồi của gia đình, bà Hoàng thẳng thắn: Đất nhà tôi đấy, Nhà nước làm đường thì cứ làm, lấy vào bao nhiêu cứ lấy, miễn là phải trừ lại một nửa để mẹ con còn có nơi sản xuất mà nuôi nhau.

Ngoài 745 m2 đất sổ đỏ đem hiến, 15 cây vải trưởng thành, cứ mỗi vụ thì thu mỗi cây một triệu. 15 triệu, số tiền quá lớn so với cuộc sống của gia đình. Tiếc lắm chứ. Nhưng bà lại nghĩ thế này: Nghèo thì nghèo rồi. Mình chịu thiệt thòi một tí, biết đâu có đường rồi thì dân bản, gia đình mình có thể khấm khá hơn. Hiến là hiến cho con cái, cho tương lai bản Xạ To mà.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm