| Hotline: 0983.970.780

Người khai hoang Tứ giác Long Xuyên đội đơn đi tìm công lý

Thứ Năm 25/11/2010 , 10:14 (GMT+7)

Gần 20 năm qua, bà Ân phải đội đơn kêu cứu khắp nơi, xin được bồi hoàn thành quả lao động trên chính những mảnh đất mà mình đã nhọc công khai phá.

Bà Võ Thị Ngọc Ân với những tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công của những người thân trong gia đình đã hy sinh

Tứ giác Long Xuyên trước năm 1982 vẫn còn là một vùng đất hoang hóa và những hố sâu do bom đạn chiến tranh để lại. Với ý chí và nghị lực phi thường, người phụ nữ Võ Thị Ngọc Ân đang trong thời kì bụng mang dạ chửa nhưng vẫn cùng chồng xông pha vào chốn bưng biền này khai hoang phục hóa với biết bao công sức và tiền của để biến nơi đây thành một vùng đất trù phú.

Để rồi gần 20 năm qua, bà Ân phải đội đơn kêu cứu khắp nơi, xin được bồi hoàn thành quả lao động trên chính những mảnh đất mà mình đã nhọc công khai phá.

Nữ tướng vùng hoang

Từ năm lên 9 tuổi, bà Ân đã theo mẹ là cụ Nguyễn Thị Mỹ làm giao liên, tiếp tế lương thực cho bộ đội thuộc địa bàn huyện Tri Tôn (An Giang). Cha ruột là cụ Võ Kim Long, tham gia Cách mạng từ năm 1945. Về phía bên chồng, mẹ chồng là cụ Trần Thị Minh (Mẹ Việt Nam Anh hùng) có chồng và hai người con đều là liệt sĩ.

Năm 1982, nước nhà đã thống nhất bà Võ Thị Ngọc Ân đã cùng chồng ngày đêm lăn lộn vào vùng Tứ giác Long Xuyên để khai hoang và lấp lại những hố bom thành những vạt đất phẳng phiu để trồng rừng và có thể sản xuất lúa 2 vụ/năm. Bà Ân kể rằng, lúc đó bà là công nhân của Nông trường quốc doanh 85 B. Những năm đó, ở khu vực Cây Gòn, xã Lương An Trà chỉ có cỏ năn, cỏ vắt là sống nổi vì đất đai rất đậm phèn.

 Vậy mà ngày ấy bà đã mạnh dạn thuê hơn chục chiếc máy cày của nông trường để vào đây khai phá và lên liếp thành những mảnh ruộng bằng phẳng. Trong giai đoạn này bà đã san lấp cho hàng ngàn ha đất hoang thuộc các xã Tân Tiến, Lương An Trà (Tri Tôn), Phú Cường (Tịnh Biên), Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú) và trăm ha đất hoang ở Lung Tượng thuộc địa bàn huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Đặc biệt tại khu vực Phú Cường, lượng bom đạn nằm rải rác khá nhiều trong lòng đất sau chiến tranh biên giới Tây Nam.

Huyện uỷ Tịnh Biên lúc đó đã mời bà đến để cày ải và san lấp lại những hố bom để nông dân trong vùng khôi phục sản xuất. Bà Ân kể rằng, sau nạn Pônpốt diệt chủng, nơi đây có lẽ là nguy hiểm và ghê sợ nhất. Ngoài hiểm nguy do bom đạn chiến tranh còn sót lại, mặt đất nhiều nơi cỏ mọc lên hình người (do xác người chết bị thối rữa và thấm vào trong đất nên cỏ mọc xanh um).

Phần đất thuộc khu vực ấp Cây Gòn (Lương An Trà, Tri Tôn), bà Ân đã sang phẳng và lên liếp trồng rừng cho gia đình mình được 579 ha. Năm 1989, bà Ân cùng chồng là ông Nguyễn Công Mính làm đơn xin thành lập Lâm trường Tư doanh Nam Việt và được Sở Lâm nghiệp phê duyệt. Tiếp đó 21/3/1990, căn cứ vào đơn xin cấp đất trồng rừng của Lâm trường Tư doanh Nam Việt, UBND huyện Tri Tôn đã ra quyết định đồng ý cấp 3.000 ha đất hoang để khai phá và trồng rừng trong thời hạn 30 năm.

Nỗi oan chưa giải

Đầu năm 1988, bà hợp tác hùn vốn với Lâm trường Bảy Núi thuộc Sở Lâm nghiệp An Giang đầu tư cung cấp cây giống và trồng 600 ha bạch đàn trên nền đất của lâm trường. Được một thời gian thì phía Lâm trường Bảy Núi đối xử với bà giống như kiểu “đem con bỏ giữa chợ”. Trong thỏa thuận hợp đồng thì Lâm trường phải cung cấp cho bà các khoản chi phí với tổng số tiền 216 triệu đồng, nhưng bước đầu chỉ cung cấp 65 triệu đồng thì không còn vốn tiếp tục đầu tư theo hợp đồng (vỡ hợp đồng).

Sau đó Lâm trường Bảy Núi kí kết hợp đồng liên doanh với bà Ân trồng trên 5 triệu cây bạch đàn và cũng tiếp tục dở dang. Tiếp đó Phòng Nông Lâm - Thủy lợi Tri Tôn kí hợp đồng với bà Ân thí điểm trồng tập trung 500 ha bạch đàn với tổng số vốn đầu tư nhiều đợt 125 triệu đồng theo hình thức chia lợi nhuận. Nhưng 8 tháng sau ngày kí hợp đồng chỉ ứng cho bà 15,5 triệu đồng thì lại hết vốn. Từ đó cơ quan này giới thiệu cho bà đến Cty Vàng bạc An Giang vay 63 lượng vàng = 120 triệu đồng.

Bà Ân cho biết, thời gian này bà phải ngược xuôi khắp nơi để đi tìm được đối tác làm ăn. Phái đoàn người Pháp là một đối tác đầu tiên mà bà đã mời họ về với An Giang. Ngay sau đó, phái đoàn này đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh đàm phán kí kết hợp tác trồng rừng với diện tích 10 ngàn ha đất hoang theo dự án của Sở Lâm nghiệp. Trong đó, đại diện của phái đoàn đề nghị kí kết hợp tác đầu tư 3.579 ha với Lâm trường Tư doanh Nam Việt do bà Võ Thị Ngọc Ân làm PGĐ, kiêm chủ tịch HĐQT.

Khoảng 20 ngày sau bà Ân cầm bức thư của TCty XNK Tổng hợp ở TPHCM để hẹn ngày cùng phái đoàn xuống huyện Tri Tôn kí kết hợp tác. Trên đường xuống huyện trình giấy hẹn thì bà Ân bị công an huyện Tri Tôn đưa lệnh bắt tạm giam. Mặc dù bà Ân giải thích rằng bà hoàn toàn có khả năng trả nợ và không hề có ý trốn tránh bằng những văn bản có liên quan. Tuy nhiên lời giải thích của bà bị vô hiệu và phải ở trại tạm giam huyện Tri Tôn 4 tháng. Sau đó đưa về công an tỉnh hơn 10 tháng và ra tòa án tỉnh 3 lần.

Một cán bộ địa phương cho biết: Việc thu hồi 244 ha đất của gia đình bà Võ Thị Ngọc Ân mà không có quyết định thu hồi là sai với quy định pháp luật. Bởi lẽ khi Nhà nước thu hồi đất để làm một công trình, dự án gì thì phải có sự thỏa thuận, nếu các bên liên quan thống nhất thì cấp có thẩm quyền mới ra quyết định thu hồi. Do đó, việc bà Ân đòi lại thành quả lao động trên phần đất 244 ha này cũng là điều chính đáng.
Ngày 20/11/1991 VKSND tỉnh An Giang ra quyết định trả tự do cho bà, sau 14 tháng 7 ngày bị tạm giam. Khi được trả tự do trở về, nhà cửa và của cải đều tiêu tan. Phần đất 244 ha tại khu vực ấp Ninh Phước, xã Lương An Trà do chính gia đình bà mua trồng rừng cũng vào tay một số cán bộ và người dân địa phương nhưng không có quyết định thu hồi. Trước những bức xúc trên, gần 20 năm qua bà Ân đã đội đơn đi kêu cứu ở hầu khắp các cơ quan chức năng trong tỉnh và cả TW.

Năm 2007, UBND tỉnh An Giang đã kí quyết định hỗ trợ về chi phí đào, nạo vét kênh mương trên phần đất 244 ha và chi phí trồng tràm 165 ha với tổng số tiền hỗ trợ 935.530.800 đồng. Tuy nhiên theo bà Ân, UBND tỉnh chỉ mới hỗ trợ một phần về huê lợi trên mặt đất, phần đất 244 ha này do gia đình bà bỏ tiền ra sang nhượng của tập đoàn và có công cải tạo thành đất thuộc trồng rừng chưa tính tới, nên chưa thỏa đáng. Nguyện vọng của bà Ân là mong muốn UBND tỉnh giải quyết bồi hoàn thành quả lao động bằng giá trị đất 30% đối với diện tích 165 ha/244 ha do cán bộ và dân giàu đang sử dụng. Đối với dân nghèo thuộc dự án kinh tế mới, bà Ân chỉ muốn lấy lại 15% giá trị đất đối với diện tích 79 ha còn lại.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.