| Hotline: 0983.970.780

Người 'không chân' vẫn chinh phục đỉnh Pha Rôm và trở thành nghệ nhân

Thứ Tư 30/11/2016 , 13:15 (GMT+7)

Liệt cả hai chân từ nhỏ, lấy hai mảnh gỗ để chống tay đi thế mà ông Khà Văn Ư làm được đủ thứ việc, từ chinh phục đỉnh Pha Rôm đến chế tác khèn bè điệu nghệ được phong tặng nghệ nhân. 

Giờ đây khi đã ngót nghét tuổi 80 ông vẫn chuyên tâm nghiệp chế tác khèn. Khèn bè của người Thái là nhạc cụ có cấu tạo hết sức tinh vi...

Học đi bằng hai mảnh gỗ

Nắng xuống mù tan, cả thung lũng bao quanh bản Nà Tuộng (xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, Hòa Bình) chợt hiện lên như mơ, như thực. Đang ngất ngây trong cảnh huyền diệu ấy tôi bỗng nghe thấy tiếng khèn bè ở phía đằng xa liền vội rảo bước. Tiếng khèn lúc cao vút như gió núi, lúc sà xuống như mây ngàn. Lúc vui như tiếng con trẻ, lúc buồn như một tiếng thở dài của thiếu nữ nhớ người thương. Chủ nhân của tiếng khèn ấy là một người đi bằng tay, ông Khà Văn Ư.


Ông Ư đi lại trên bậc cầu thang
 

Liệt cả hai chân sau cơn sốt ác tính, đang tuổi chạy nhảy cậu bé Ư bỗng biến thành một con rùa bị lật ngửa mai, suốt ngày chỉ biết nằm lăn lóc nơi xó nhà, buồn hơn cả cái cối đá. Mỗi lần nhìn ra cửa sổ, trông thấy chúng bạn nô đùa Ư đều khóc. Không chịu ngồi yên, cậu mày mò lấy hai mảnh gỗ kẹp vào tay, quyết chí tập đi.

Những ngày đầu, cả mười ngón tay đều rớm máu, phồng rộp lên như phải bỏng nhưng cũng không làm cậu nản chí. Dần dà, Ư có thể ra suối mò cá, lên rừng bắn chim, vào vườn xới rau, xuống sân cho gà, cho vịt ăn. Thiếu đôi chân, người Ư vốn nhỏ lại càng bé, con chó cũng có thể cắn được ngang đầu, con trâu cũng có thể giẫm nát ngang thân nhưng chẳng từ việc gì mà cậu không nhúng tay vào làm.

Quê Ư hồi ấy là vùng Pháp tạm chiếm. Từ Chiềng Sại, Đồng Uống, Co Lương đến Bao La, Suối Rút đâu đâu cũng là đồn bốt của giặc. Năm 1954 giải phóng Điện Biên cũng là lúc cậu có cơ hội đi học, khi đã ở tuổi 12.

Trường học đóng ở xóm Piềng Phung cách nhà vài cây số. Tuy tàn tật nhưng không buổi nào Ư chịu bỏ học. Lọc cọc hai thanh gỗ chống, cậu cứ thế mà lết đi. Trời nắng còn đỡ, trời mưa thì cực khổ trăm bề. Thân mình bé nhỏ của cậu lúc thì lê trong bùn lầy, trong cứt trâu, cứt bò khi lại dầm dưới làn nước suối lạnh giá. Trong cái túi thông pù cậu đeo bên người, ngoài sách vở còn cả bộ quần áo cũ để thay mỗi khi đến lớp.

Cứ thế suốt 7 năm ròng Ư bám trường, bám lớp để rồi trở thành một người có học nhất của xóm hồi ấy, đảm nhiệm chức thư ký đội sản xuất kiêm luôn cả giáo viên dạy vỡ lòng. Thủa còn HTX, thấy mọi người đi lên núi Pha Rôm để trông ngô cho tập thể, Ư cũng xin đi theo, ai can cũng không được. Mất trọn một buổi bám từng mỏm đá, từng cái rễ cây, cuối cùng ông cũng chinh phục được đỉnh núi cao tít khuất sau sương mù. Không những thế ông còn xin ở lại, dựng lều để gõ mõ đuổi khỉ, lợn rừng hay gấu về phá ngô…
 

Tiếng khèn trong mây

Một buổi, bố ông đem từ đâu về một cái khèn bè rất đẹp rồi ngồi thổi. Tiếng khèn như bắt lấy hồn ông. “Hay quá, vui lắm bố ạ!”. Khà Văn Ư thốt lên như thế và rất háo hức mỗi khi được bố dạy khèn.


 

Người Thái có sự tích về cái khèn bè, chuyện rằng: Một người con có hiếu sống ở miệt rừng khi biết tin bố mẹ chết liền làm cái bè nứa để về xuôi chịu tang. Bè trôi qua bao ghềnh, bao thác, hễ vướng mắc ở đâu thì chàng trai liền cầm dao chặt bớt nứa đi. Gió thổi qua các ống nứa cứ vi vu khiến cho anh nảy ra sáng kiến chế tạo một loại nhạc cụ giống cái bè nứa để thổi mỗi khi nhớ bố mẹ. Khèn bè ra đời từ đó.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, một ngày cái khèn của ông Ư bị hỏng. Vắng tiếng khèn khiến cho cái tai của ông chao ôi là buồn. Tò mò ông thử tháo khèn ra thì thấy cái lưỡi gà bằng đồng bên trong đã bị gãy. Thế là ông lấy ca tút đạn đập dập ra, hí húi chế lưỡi gà. Vậy là cái khèn sống lại, reo vui cùng Ư mỗi ngày. Trên đà thắng lợi ông còn tiến lên chế tác hoàn chỉnh cả một cái khèn…


Ông Ư đang thổi khèn bè
 

Chiến tranh chống Mỹ lan rộng, bệnh viện huyện sơ tán về Nà Phòn. Hồi ấy, một cô y tá thầm yêu trộm nhớ tiếng khèn bè của chàng trai tuy tật nguyền nhưng có gương mặt rất sáng. Biết ý, ông chỉ tế nhị mà rằng: “Anh bệnh tật không dám nghĩ gì xa xôi. Thôi, chúng ta chỉ nhớ nhau mà thôi”.

Trong quyển sổ tay của ông vẫn có vẽ một đôi chim nốc ếng đậu trên cành cây châu đầu vào nhau, vẫn có những vần thơ dạt dào tình tứ. Bài tự họa về tiếng khèn, ông viết: “La thanh âm tiếng ve sầu. Giọng khèn tha thiết từng câu vui buồn… Âm thanh cao đến vòm trời. Nhớ người sáng lập người ơi cái khèn”.

Giờ đây khi đã ngót nghét tuổi 80 ông vẫn chuyên tâm nghiệp chế tác khèn. Khèn bè của người Thái là nhạc cụ có cấu tạo hết sức tinh vi gồm 14 ống thổi được chia làm hai dãy. Bầu khèn làm bằng gỗ thực mực còn thân khèn làm bằng nứa tép. Điều đặc biệt ở chỗ khèn được khoét lỗ để có thể thổi được các âm đôi kiểu: đồ đố, là lá với đầy đủ các nốt nhạc. Chính vì thế mà khèn Thái vừa chơi được nhạc cổ truyền vừa chơi được nhạc hiện đại.

Quy trình làm khèn rất kỳ công. Nứa tép lấy về được lam lên (cho vào ống nứa đốt lên như kiểu cơm lam) để loại bỏ hết các chất ngọt trong thân rồi phơi khô, cắt thành từng đoạn dài ngắn. Các ống khèn sau khi được khoét lỗ, cắm lưỡi gà, chỉnh âm thanh tròn trịa xong rồi mới được gắn với bầu khèn bằng sáp ong rừng. Tỉ mẩn là thế nên để sản xuất ra một cái khèn ông Ư phải mất trọn một tuần trong khi giá của nó chỉ khoảng 400-500.000đ.


Ông Ư làm các đồ chơi để bán cho khách du lịch
 

Một cây khèn tốt gắn bó với cả đời người thậm chí cha truyền con nối đến mức thân bóng loáng những quang dầu. Nếu chẳng may hỏng một ống thì lại đem hơ trên bếp lửa cho tan chảy sáp ong ra, gắn ống khác vào là xong.

Buồn một nỗi, hiện nay thanh niên Thái chỉ thích nhạc xập xình chẳng mấy ai còn hứng thú nghe khèn bè huống hồ biết thổi. Ăn cơm nếp, uống nước mó, ở nhà sàn mà nhiều đứa còn không biết nói tiếng Thái chỉ nói rặt tiếng Kinh. Mỗi dịp tổ chức văn nghệ người ta lại tìm đến nhà ông Ư để đặt mua những cái khèn không khoét lỗ, không lưỡi gà về làm đạo cụ quay phim, chụp ảnh. Cầm những đồng tiền bán “khèn câm”mà tay ông bải hoải còn hơn cả việc bò lên đỉnh núi Pha Rôm năm nào.

Ông bảo, đối với người Thái trước đây, không gì vui bằng tiếng khèn bè. Khèn bè tỏ tình. Khèn bè vui hội. Khèn bè mừng nhà mới. Con trai Thái hầu như ai cũng biết thổi khèn bè, con gái Thái hầu như ai cũng biết hát khắp (một loại hát giao duyên). Giữa lễ hội cả trăm tiếng khèn cùng hòa giọng nhưng người con gái vẫn nhận ra được tiếng khèn của chàng trai mình yêu qua những nốt luyến láy cũng như lực thổi.

Thế mà giờ đây cả bản Nà Tuộng chỉ có 4 người biết thổi khèn trong đó 1 trẻ và 3 già phần đa nặng tai, nghễnh ngãng. Cả huyện Mai Châu giờ chỉ còn 4 người biết làm khèn bè, ngoài ông Ư ra có ông Hà Văn Thấm ở Pù Bin, ông Lường Văn Đương ở Bao La, ông Lò Văn Nhoi ở Đồng Bảng, có nghệ nhân già đến mức mắt gần như đã hóa mù.

Lo sợ cho sự mai một của một loại hình văn hóa độc đáo, mấy năm trước quỹ Ford có tài trợ để mở một lớp học khèn bè tại Mai Châu. Lớp gồm 10 học viên do ông Ư đứng bục giảng. Sau hai tháng khổ luyện, 5 người thất bại còn lại 5 người. Buồn thay, giờ đây duy trì 5 người ấy để đừng rơi rụng mất một ai cũng là cả kỳ tích.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phú Yên tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để cảnh báo người dân tổ chức sản xuất, không để thiếu nước sinh hoạt.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm