| Hotline: 0983.970.780

Người Mảng nơi cuối trời Tây Bắc

Thứ Hai 25/04/2011 , 10:15 (GMT+7)

Dù bị suy thoái về nhiều mặt và đứng trước thách thức bảo vệ giống nòi, song tộc người có số lượng ít ỏi này vẫn lưu giữ được nhiều phong tục vô cùng kỳ bí.

Thuộc ngữ hệ Nam Á, người Mảng là dân tộc chỉ có ở Lai Châu. Với hơn 3.000 nhân khẩu, cư trú trên địa bàn 20 bản thuộc 8 xã của hai huyện Sìn Hồ, Mường Tè. Dù bị suy thoái về nhiều mặt và đứng trước thách thức bảo vệ giống nòi, song tộc người có số lượng ít ỏi này vẫn lưu giữ được nhiều phong tục vô cùng kỳ bí.

Sự tích tứ thạch thần

Đã có một thời người Mảng định rủ nhau đi tìm dòng dõi vì tin vào lời kích động, lôi kéo của các đối tượng xấu nói nguồn gốc của họ bên đất nước Hàn Quốc xa xôi. Tuy nhiên, qua câu chuyện thần thoại còn lưu giữ, đặc biệt là sự tích bốn hòn đá thần linh thiêng hiện còn tồn tại ở xã Nậm Ban, huyện Sìn Hồ đã chỉ ra rằng, người Mảng có nguồn gốc tại Việt Nam.

Bị lừa có họ với... Ju Mông

Số liệu thống kê mới nhất của Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho thấy, người Mảng cư trú chủ yếu ở hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè. Đây là hai huyện miền núi hiểm trở, nghèo nàn. Trong đó, xã Nậm Ban được coi là vùng đất tổ của người Mảng. Từ quốc lộ 12, chỉ có con đường đất độc đạo như con trăn mắc võng uốn lượn lưng chừng dãy núi Nậm Na có thể đưa chúng tôi vào tới trung tâm xã Nậm Ban.

Các chiến sĩ bộ đội đồn Biên phòng Pa Tần cho biết, địa bàn xã Nậm Ban trải dọc biên gới, không có các đường nhánh liên thông nhau nên hầu hết cán bộ xã ở đây đều phải chấp nhận cảnh ở trọ như các em học sinh trường dân tộc nội trú. Sáng thứ hai hàng tuần, họ từ nhà đi xe máy tới nơi làm việc rồi ở lại nhà tập thể, đến cuối tuần mới về với gia đình. Chủ tịch xã Nậm Ban Lý A Nhè cho hay, bây giờ còn khá chứ ngày trước chưa có đường, chưa có xe máy, họ phải đi bộ mất nửa ngày trời mới đến được trung tâm xã nên nhiều khi nửa tháng mới đáo qua nhà một lần.

Ngoài những câu chuyện truyền thuyết được truyền miệng từ đời này qua đời khác thì có một ký ức buồn cho đến tận bây giờ người Mảng không thể quên. Đó là ngày chiếc máy phát điện chạy bằng tua bin nước cùng chiếc ti vi về tới bản làng, một thế giới đẹp như mơ khác đã được mang đến với người Mảng. Đúng dịp ấy trên truyền hình chiếu bộ phim đình đám “Truyền thuyết Ju Mông” của Hàn Quốc, bà con ham quá cứ ở nhà xem ti vi mà chẳng chịu đi làm.

Bắt được thóp, một số đối tượng xấu kích động, tuyên truyền rằng gốc tích của người Mảng ở tận bên Hàn Quốc, nơi có anh chàng Ju Mông trong phim. Cái tin hoang đường ấy cũng đủ khiến bà con người Mảng ở Nậm Ban hoang mang. Họ quyết định họp bàn rồi cử người đi tìm hiểu và định kéo nhau sang Hàn Quốc.

Nhớ lại việc trên, bà Lò Thị Vương, Phó Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho rằng, may nhờ sự phát hiện kịp thời của cán bộ Ban Dân tộc tỉnh và bộ đội biên phòng đồn Pa Tần mà một niềm tin mu muội đã được ngăn chặn kịp thời. Tư tưởng bà con được củng cố và cuộc sống đã trở lại bình thường.

 Trò chuyện với chúng tôi, già làng Tào A Trắng, bản Nậm Nó 1, xã Nậm Ban rưng rưng: “Ngày đó mu muội không hiểu biết nên chúng tôi mới có hành động sai lầm như vậy, chứ bây giờ Đảng và Nhà nước mình quan tâm cho gạo ăn, con cái đi học không mất tiền lại còn được học bổng nên bà con mình biết ơn lắm. Với lại cán bộ đến vận động tuyên truyền bảo nguồn gốc của người Mảng ở Việt Nam chứ không như lời bọn xấu nói nên chúng tôi không bao giờ có ý định bỏ đi nữa đâu”.

Bốn tảng đá thần

Phảng phất trong câu chuyện mà các già làng người Mảng ở Nậm Ban kể, toát lên một cách rất rõ nét phong tục tập quán mang đậm chất tín ngưỡng Tây Bắc như: Thờ thần sông, thần núi, thần lúa nước và đặc biệt là thờ trời cao. Tập quán đó hiển hiện qua bốn hòn đá thần hiện vẫn được lưu giữ bảo vệ tại vùng đất tổ Nậm Ban.

Những câu chuyện xung quanh bốn hòn đá kỳ lạ ấy lý giải rất rõ người Mảng tại vùng Tây Bắc nước ta có quá trình hình thành, phát triển từ khá lâu. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về bốn hòn đá thần, chủ tịch xã Lý A Nhè không ngần ngại dành cả một ngày đi bộ hàng chục cây số dẫn đường. Ông Nhè tâm sự rằng, bốn hòn đá thần được bà con người Mảng bảo vệ, gìn giữ tôn thờ như những “thánh thạch”, đánh dấu mốc biên cương khẳng định chủ quyền của đất nước vùng Tây Bắc.

Đầu tiên là hòn đá hươu ở bản Pa Pảng, kể câu chuyện về người đàn ông họ Tào nọ ở mạn Sơn La đi buôn đến một khe suối, mệt quá nên nghỉ chân uống nước và rửa mặt. Lúc xuống suối, ông ta tiện tay mắc cái túi vào cành cây. Sau khi rửa mặt xong quay lên người đàn ông họ Tào thấy con hươu cái khoác chiếc túi của mình bỏ chạy. Anh ta hốt hoảng đuổi theo để lấy lại cái túi vì trong đó đựng tất cả vốn liếng làm ăn. Con hươu chạy mãi, chạy mãi còn người đàn ông thì co cẳng đuổi theo sau. Khi đến vùng đất Pa Pảng hiện nay thì bỗng một tiếng sấm nổ to và con hươu cái ấy biến thành một hòn đá. Đúng lúc ấy, cũng có một con hươu đực chạy tới và tiếng sấm lại nổ to, con hươu đực cũng biến thành hòn đá.

Người đàn ông chỉ biết chôn chân đứng nhìn, vốn liếng đi buôn đã mất hết, không có tiền về nhà nữa, anh ta đành vào bản của người Mảng và xin được làm con nuôi của một gia đình. Đúng lúc gia đình ấy có một cô con gái đang chửa hoang, bố mẹ cô gái gán người đàn ông họ Tào với con gái họ. Thật bất ngờ, chàng trai họ Tào không những phản đối mà động lòng thương cảm nhận lời. Từ đó, hai vợ chồng chung sống hạnh phúc bên nhau và sinh con mang họ Tào.

“Hòn đá thứ hai hiện đang nằm ở bản Nậm Nó 2, nó có tên là hòn đá đặt chảo, gồm ba hòn đá rất to được xếp lại với nhau theo mô hình chiếc kiềng ba chân ở miền xuôi các anh vậy. Câu chuyện về hòn đá đặt chảo xoay quanh hai dòng họ Lùng và Chìn trong việc phân chia đất đai. Do dòng họ đông, đường phân mốc lại dài nên cả hai họ đều thống nhất mổ mấy con trâu mộng cho vào một cái chảo lớn nấu cho mọi người cùng ăn khi làm việc. Sau khi thịt trâu xong, người ta lấy ba hòn đá to kê làm kiềng nấu thức ăn chia cho nhau, khi mà việc phân chia đất đai kết thúc, bà con người Mảng ở Nậm Ban đã đặt tên cho ngọn núi ấy là núi Nậm Vạc để nhắc nhở con cháu sau này về tích xưa”, ông Lý A Nhè hào hứng kể lại.

Từ đó, không ai dám xếp đá thành cột để trèo lên bắt con lợn trên trời nữa. Hòn đá chống trời đó giờ thuộc bản Nậm Nó 1, cây cột đá nghiêng khoảng 60 độ, có đường kính khoảng 2,5m, cao khoảng 8m, trên mặt hòn đá cao tầm bằng đầu người lớn còn có hai núm vú của người đàn bà bị ngã chết năm xưa.

Quả đúng như lời kể của ông Nhè, hòn đá đặt chảo là ba tảng đá rất to xếp lại với nhau theo hình tam giác, xung quanh hòn đá đặt chảo còn vết tích của một cái thớt thái thịt trâu rất bằng phẳng và những vết lõm mà theo câu chuyện kể lại là nơi đặt chiếc chảo khi đi phân chia thịt cho mọi người.

Từ vị trí hòn đá đặt chảo, chúng tôi phải đi bộ thêm 3 km nữa mới đến được vị trí hòn đá dê đoằn ở bản Nậm Ô. Cũng giống hai hòn đá trước, sự tích quanh hòn đá dê đoằn lý giải sự ra đời của dòng họ Lý và họ Anh tại Nậm Ban qua câu chuyện phân chia đất đai khác. Và cuối cùng là hòn đá chống trời thể hiện niềm tin tuyệt đối của người Mảng vào sự linh thiêng của trời đất.

Câu chuyện kể rằng, vào một đêm bà con người Mảng bỗng thấy một vệt sáng rơi xuống, nghĩ chuyện lạ nên rủ nhau chạy lại xem thì thấy một con lợn to. Mọi người sung sướng khiêng con lợn về bản mổ thịt chia cho cả bản ăn và ai cũng khen ngon. Những người đàn bà trong bản ăn thịt lợn trời thấy vẫn thòm thèm nên bàn nhau xếp đá lên cao để với lấy con lợn trên trời về ăn. Nhưng người đàn bà đầu tiên trèo gần tới nơi thì cây cột đá bị đổ gãy khiến bà ta chết tại chỗ.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.