| Hotline: 0983.970.780

Người mất ngủ khi thấy dân nghèo

Thứ Sáu 21/02/2014 , 10:54 (GMT+7)

Là người con của bản làng Tăng Cô, chị sống bao dung và đầy trách nhiệm; là người cán bộ lãnh đạo xã, chị biết đau đáu với cái nghèo của dân...

Là người con của bản làng Tăng Cô, chị sống bao dung và đầy trách nhiệm; là người cán bộ lãnh đạo xã, chị biết đau đáu với cái nghèo của dân và mừng vui khi số hộ nghèo trong xã ngày một ít đi vì bà con biết cách làm ăn. Ở vị trí nào chị cũng được bà con hết mực yêu thương. Chị tên là Hồ Kăn Linh, người dân tộc Pa Cô.

Giúp người dân tự tin

Từ sáng sớm, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa Hồ Thị Lệ Hà cho biết, khi tôi vào đến A Túc sẽ có người đón. Đến gần buổi trưa thì tôi đến được A Túc, một xã nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, thuộc huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Quá bất ngờ, người đón tôi hôm ấy chính là chị Hồ Kăn Linh, người dân tộc Pa Cô, nhân vật mà tôi muốn gặp. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Kăn Linh là khuôn mặt phúc hậu, hiền lành. Ở tuổi 50, chị đang giữ chức Chủ tịch HĐND xã A Túc.

Bây giờ đang là đầu mùa xuân, hoa nở trắng rừng A Túc. Ở nơi biên giới phía tây của Tổ quốc này như sáng bừng lên với muôn sắc hoa. Bản làng của những người con gái Pa Cô đã đi vào trong ca khúc “Cô gái Pa Cô” của nhạc sĩ Huy Thục nay đã đổi thay quá nhiều. Chị nói bây giờ đời sống của bà con người Pa Cô đã thay đổi rất nhiều rồi. Cách đây hơn mười năm, người Pa Cô ở xã A Túc suốt ngày làm rẫy, sáng mặt trời chưa mọc đã đi, chiều tối tắt mặt trời mới về nhà. Vậy mà lúa rẫy có năm nào nuôi đủ bà con đâu. Làm cán bộ mà thấy dân nghèo đói cũng buồn lòng lắm, nhiều đêm về không ngủ được.


Chị Kăn Linh đang giải thích cho bà con về cây cao su

Ngày ấy, Kăn Linh giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Túc. Nhận thấy đời sống người dân quá khổ cực, chị nghĩ mình có lỗi với bà con. Nguyên nhân lớn nhất của nghèo khổ vẫn là con đông, của ít. Đêm nằm trằn trọc suy nghĩ, nếu tình trạng khó khăn về kinh tế vẫn kéo dài thì biết đời nào lũ trẻ miền núi có được cái ăn, cái mặc, chứ đừng nói đến chuyện học hành. Chị muốn làm thay đổi cuộc sống của bà con miền núi.

Việc làm đầu tiên là đứng ra vận động chị em phụ nữ thực hiện mô hình “nhà hai con". Truyền thống của người miền núi là sinh nhiều, nghe bàn đến chuyện dừng lại chỉ sinh hai con họ buồn cười lắm. Ban đầu bà con phản đối, Kăn Linh không nản lòng. Đến bản làng nào chị cũng tìm mọi cách chỉ ra những hạn chế về con đông, sinh nhiều cho bà con nghe.

Mỗi lần nói chuyện kế hoạch hoá gia đình với bà con, Kăn Linh phải làm những phép tính thật đơn giản để bà con hiểu. Ví như gia đình bán buồng chuối, nếu chỉ có hai đứa con thì sẽ mua đủ cho nó hai bộ quần áo. Song có đến bốn con thì chẳng có đứa nào được mặc đủ một bộ quần áo mới. Kăn Linh nói bà con mình thường có tư duy cụ thể nên muốn tác động làm thay đổi tâm lý, suy nghĩ của họ cũng phải đi từ những câu chuyện rất nhỏ nhặt như vậy.

Kiên trì vận động tháng này sang tháng khác bà con dân bản mới hiểu ra Kăn Linh nói đúng. Sau mấy năm thực hiện chính sách “nhà hai con”, nay xã A Túc đã có 8/9 bản không có người sinh con thứ ba.

Được người dân tin yêu, sau đó Kăn Linh được bầu giữ chúc Phó Chủ tịch UBND xã A Túc. Chị luôn trăn trở với con đường thoát nghèo cho bà con, tìm mọi cách để đưa số hộ nghèo hạ xuống mức thấp nhất. Cái cách xoá nghèo của chị hướng cho bà con cũng thật ý nghĩa. Nếu dân bản thiếu ăn vài ngày chị giúp bà con bằng hũ gạo tiết kiệm để ăn hàng bữa. Ai có bệnh tình, ốm đau chị đứng ra đi làm giấy tờ bảo hiểm, đưa đường chỉ lối cho bà con về bệnh viện khám bệnh. Gia đình nào thiếu ăn trầm trọng chị lại có kế hoạch giúp họ cả con giống như trâu, bò, giống cây trồng để bà con cảm thấy tự tin, không bị bỏ rơi.

Chị nói khi người dân cảm thấy được chăm sóc chu đáo thì họ tự giác làm ăn. Với phương châm “lạt mềm buộc chặt”, Kăn Linh đã giúp được không biết bao gia đình rũ bỏ được đói nghèo thực sự. Kăn Linh không phải xoá nghèo cho bà con theo cái cách như nhiều nơi khác đang làm là chuyển hộ nghèo sang thôn khác, xã khác là địa bàn của chị hết nghèo, chị làm việc bằng cả cái tâm của mình.

Như một kỹ sư nông nghiệp

Từ khi người dân sinh con ít, biết làm ăn kinh tế nên nhiều gia đình no đủ hẳn lên. Song bà con chủ yếu dựa vào việc trồng cây như xoài, nhãn, gần đây là cây sắn lấy củ bán cho Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hoá. Kăn Linh lại có một suy nghĩ thật đáng khâm phục. Phải có một cái nhìn xa cho cây sắn, lơ là sẽ trở tay không kịp khi đất bạc màu.

Biết rằng bây giờ sắn là cây chủ lực trong đời sống của bà con. Song phải coi đây chỉ là cây lấy ngắn nuôi dài, trồng sắn là phải bón phân mới cho năng suất cao. Rành rọt như một kỹ sư nông nghiệp, chị phân tích cách đây ba năm trồng sắn cho năng suất đến 40 tấn/ha, năm rồi chỉ còn 35 tấn/ha, năm nay năng suất dự tính chỉ còn chừng 30 tấn/ha mà thôi. Nguyên nhân do đất bạc màu, sản lượng sắn giảm dần. Do vậy, chị vận động bà con dân bản phải biết dùng phân bón cho cây săn, biết ứng dụng KHKT vào SX để bảo vệ đất luôn đủ chất cho cây sinh trưởng tốt.

Kăn Linh mê nhất là phát triển cao su ở A Túc. Với nguồn đất đỏ tốt tươi và ẩm nhiều, trồng cao su sẽ cho giá trị kinh tế cao hơn hết. Ngoài ra cao su còn góp phần che phủ các đất trống, đồi trọc, chống xói mòn cho đất. Trước đây đã có dự án trồng cao su ở Lìa nhưng tất cả giao cho bà con thì làm sao trụ nổi. Kăn Linh chỉ tay về những vườn cao su xanh tốt cho biết, chị đã vận động bà con chặt hết những vườn xoài, nhãn kém chất lượng chuyển sang trồng cao su để tạo ra sự ổn định lâu dài cho nền kinh tế miền núi. Bởi vì khi trồng loại cây công nghiệp dài ngày này sẽ kéo theo sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nhà máy chế biến mủ tạo việc làm, thay đổi bộ mặt cho miền núi.

Nhớ lại khi thấy các địa phương khác trồng cao su, ngày đêm chị mong rằng cấp trên có chủ trương cho A Túc và cả vùng Lìa được trồng cao su thì chắc chắc không xa nữa quê chị sẽ giàu có lên rất nhiều. Nếu đi đúng hướng con đường xoá đói, giảm nghèo không cần mất đến hàng chục năm, mà chỉ 5 năm là thực hiện được.

Không dừng lại ở suy nghĩ và ước mơ, cách đây 5 năm chị ra ngoài huyện kiến nghị với lãnh đạo cho bà con được trồng cao su thoát nghèo. Thấy ý tưởng của chị đưa ra thuyết phục, huyện Hướng Hoá liền chấp nhận đưa vào quy hoạch cả vùng A Túc và vùng Lìa trở thành trung tâm trồng cây cao su. Giờ đây cây cao su đã bén rễ xanh tươi, mỗi gia đình bà con dân tộc đã được quy hoạch trồng 1 ha cao su. Nhìn rừng cao su xanh tốt, đời sống người dân có nhiều thay đổi, trẻ con trong các bản làng đều được đến trường, bà con ai cũng mừng, họ bảo tất cả đều nhờ Kăn Linh nên bà con luôn xem Kăn Linh là người con yêu quý của dân tộc mình.

Kăn Linh cho hay, thời điểm nhiều nhất nhà chị có 6 đứa con nuôi, là các cháu mồ côi cha mẹ. Khi mới đưa các cháu về nhà, đứa nhỏ nhất mới 6 tháng tuổi. Mỗi ngày chị phải giã gạo nấu nước làm sữa cho con bú. Những người hàng xóm cho biết, chị rất thương chúng, xem như con đẻ. Dù bận rộn với công việc nhưng ngày nào chị cũng tranh thủ tắm giặt, chăm sóc các cháu và cho ăn học. Bây giờ 3/6 con nuôi của chị đã có gia đình, trong đó có 2 em làm cán bộ.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất