| Hotline: 0983.970.780

Người "mẹ" trẻ bất đắc dĩ

Thứ Hai 18/02/2013 , 10:39 (GMT+7)

28 tháng Chạp. Năm nay, vì không có ngày 30 nên hôm đó đã sát tết, đêm hôm sau đã là giao thừa. Sáng sớm, tôi tất tưởi ra ga để về Vinh - thành phố quê hương tôi.

Ảnh minh họa
28 tháng Chạp. Năm nay, vì không có ngày 30 nên hôm đó đã sát tết, đêm hôm sau đã là giao thừa. Sáng sớm, tôi tất tưởi ra ga để về Vinh - thành phố quê hương tôi.

Tôi lên toa ở phía cuối đoàn tàu. Trước mặt tôi là một bà cụ chừng hơn 70 tuổi và một người đàn ông trẻ, chỉ ngoài 30. Ngồi giữa là một bé gái khoảng 3 tuổi. Lúc đầu, tôi nghĩ đó là 3 mẹ con, bà cháu. Nhưng sau biết chỉ là 2 bố con. Bà cụ không liên quan gì đến họ. Đứa trẻ không hề tỏ ra mệt mỏi, cứ bi bô hát hết bài nọ đến bài kia khiến cả toa tàu rất vui. Ai cũng yêu quý bé. Mọi người cho quà nhưng bé không nhận. Chỉ khi được bố cho phép, nó mới cầm và biết cảm ơn rất ngoan.

Tàu chạy từ sáng sớm tại Hà Nội, đến ga Thanh Hóa đã hơn 11 giờ. Bỗng ở ghế phía bên kia, cách mấy hàng, có tiếng khóc dữ dội của một bé trai chừng 1 tuổi khiến mọi người đổ dồn ánh mắt nhìn sang. Thằng cu vừa ưỡn người, vừa ôm chặt lấy mẹ, càng ngày càng gào thét to hơn.

- Có lẽ  cháu bị đau ruột thừa – Người đàn ông trẻ ngồi trước mặt tôi nói.

Đúng lúc ấy, nhân viên nhà tàu đi qua. Người nhân viên cho biết những trường hợp như thế này, để bảo đảm an toàn tính mạng, phải đưa cháu đi cấp cứu. Anh ta cũng cho biết tàu dừng ở ga này 30 phút. Sau khi biết hai mẹ con cô gái trẻ không có ai thân thích đi cùng, người đàn ông đã không lưỡng lự nói: “Bà và cô cho gửi cháu để con gọi giúp tắc xi chở bé đi bệnh viện”.

Tất nhiên là chúng tôi nhận lời, không quên dặn anh khẩn trương trở lại vì chỉ còn không đến nửa giờ nữa tàu sẽ chuyển bánh. Người đàn ông xách đồ hộ người mẹ trẻ, cùng chị ta khẩn trương xuống tàu. Đứa bé vẫn khóc ngặt nghẹo. Người mẹ vừa bước đi khẩn trương, vừa dàn dụa nước mắt.

Trong lúc tàu dừng đỗ, nói chuyện với bé Như, tôi được biết tên bố cháu là Huy. Hỏi sao mẹ không đi cùng, nó nói không biết mẹ. Một lúc sau, tàu rú còi chuẩn bị tiếp tục lộ trình. Chúng tôi rất nóng ruột vì không thấy bố cháu trở lại. Nó đã mếu máo. Tôi thò đầu ra cửa sổ toa tàu nhìn các phía nhưng vẫn không thấy Huy.

Tiếng xình xịch vang lên. Tàu chuyến bánh. Vậy là Huy đã không kịp lên tàu. Tôi xác định từ phút này sẽ thay anh Huy chăm sóc bé. Thấy nó bắt đầu gà gật, tôi bế để nó ngủ trong vòng tay.

Tàu đến ga Vinh. Chia tay bà cụ, hai cô cháu khẩn trương lên tắc-xi về nhà trước sự ngỡ ngàng của cả gia đình. Sau khi nghe tôi kể lại ngọn ngành, mọi người đều vui vẻ dành cho Như sự yêu quý, gần gũi để bé hòa nhập, không khóc trong khi chưa gặp lại bố.

Liền sau đó, tôi phóng đến Đài truyền hình tỉnh để đăng tin nhắn anh Huy, báo rõ địa chỉ nhà tôi ở Vinh cùng các số điện thoại cần thiết. Tôi cũng gọi điện ra Hà Nội nhờ một người bạn thân làm việc này trên Đài Truyền hình TW với hy vọng bố cháu hoặc bất cứ người thân nào của anh có thể tìm được tôi trong khoảng thời gian sớm nhất. Ngay trong bản tin sáng sớm hôm sau ở Đài Truyền hình Nghệ An, tin này đã được thông báo. Cũng đến tối hôm sau, xuất hiện trên Đài THTW.

Nhưng 1,2,3 ngày rồi cả tuần sau đó, tôi không thấy có bất cứ cú điện thoại nào của anh Huy hoặc người nhà anh. Tôi vô cùng bồn chồn. Điều tôi lo nữa là cháu rất lười ăn, gầy sọp. Cả nhà tôi coi bé như ruột thịt nên ban ngày Như cũng vui vẻ, nhất là lại được mấy chị con anh trai tôi đưa đi chơi đây đó, nhưng ban đêm cháu nhớ bố, khóc nhiều.

Trong tôi nảy ra nhiều thắc mắc: Không lẽ anh Huy không xem ti-vi? Quan sát ở trên tàu thấy anh là một người cha rất thương yêu con, nó lại không có mẹ bên cạnh nên tình thương đó càng nhân thêm. Chắc chắn anh phải vô cùng sốt ruột và lo lắng về đứa con. Vậy thì vì sao đã hơn 1 tuần trôi qua, anh vẫn không tìm kiếm mình? Bé Như còn quá nhỏ, không biết gì về bố, chứ chỉ cần có thông tin về anh, tôi sẽ chủ động tìm.

Đang hết sức bồn chồn thì bỗng tôi nhận được cú điện thoại của một phụ nữ nhận là người nhà anh Huy hẹn đến đón cháu Như.

Người này nói vội vàng rồi cúp máy khiến tôi chưa kịp hỏi kỹ. Rồi chị ta xuất hiện, nói là em họ anh Huy, đến đón cháu. Một chi tiết rất đáng chú ý là khi tôi hỏi vì sao anh không alô cho tôi thì chị ta nói Huy bị tai nạn xe máy rất nặng, vẫn đang cấp cứu trong bệnh viện nên không thể. Chị ta còn đưa ra một mảnh giấy có nét chữ nguệch ngoạc nói là của anh viết cho tôi.

Tôi để ý thấy Như hoàn toàn xa lạ với “bà cô” này. Chị ta nhanh trí thú nhận là bạn nữ thân, chứ không phải họ hàng với Huy như phút đầu khai và chưa có dịp tiếp xúc với bé Như. Nhìn người này, từ hình dung diện mạo đến mọi biểu hiện, tôi không thể tin tưởng nên đã không để chị ta đón Như. Chị ta nói sẽ tạ ơn tôi một khoản tiền xứng đáng vì đã có công trông nom cháu những ngày qua. Tôi và cả gia đình lại càng nghi ngờ. Thế là chị ta đành bỏ đi.

Tôi sắp phải trở lên trường ở Hà Nội nên không biết xử trí bé Như ra sao. Bố mẹ tôi già yếu, không thể chăm sóc bé. Tôi định mang lên chỗ trọ học để trông cháu nhưng các cụ không đồng ý, sợ trở ngại đến việc học của tôi và nhất là sẽ bị dư luận hiểu nhầm, sẽ khó cho tôi lấy chồng.

Nhưng thực lòng, do rất cảm kích nghĩa cử cao đẹp của anh Huy mà tôi thấy cần thay người mẹ trẻ trên tàu đền đáp lại anh. Tôi không quản ngại nuôi bé Như. Thậm chí còn thấy thú vị và tự hào. Song, tôi vẫn vô cùng bối rối. Rất mong các anh chị giúp tôi một lời khuyên. Tôi xin vô cùng biết ơn.

(Vũ Thu Hiền, Trường Đại học Luật Hà Nội)

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

Bạn không trao bé Như cho người đàn bà kia là chính xác. Chỉ có thể trao khi đích thân anh Huy đến nhận lại con hoặc có giấy ủy quyền cho ai đó nhưng phải có xác nhận của chính quyền địa phương chứng thực chữ ký của anh ấy (khả năng Huy không thể đến).

Chắc chắn anh ấy đang có lý do nào đó bất khả kháng. Bạn hãy cứ kiên trì chờ đợi. Hãy thuyết phục bố mẹ hoặc là nuôi bé, coi như cháu ruột mình, hoặc vui lòng để bạn đưa cháu lên Hà Nội chăm sóc. Cây ngay không sợ chết đứng. Rồi mọi người sẽ rõ sự thật và sẽ cảm phục tấm lòng nhân hậu, vị tha của bạn.

Còn nếu mãi mà không thấy gì, bạn và cả nhà không có nhu cầu nuôi bé thì có thể đưa cháu vào trại trẻ mồ côi. Khi ấy, lương tâm bạn sẽ thanh thản.

Đấy là tư vấn của chuyên gia tâm lý, bạn có thể chia sẻ với chị Hiền qua địa chỉ nonghiep.vn

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm