| Hotline: 0983.970.780

Người mở đường lên đỉnh Ngòi Lip

Chủ Nhật 01/01/2012 , 07:30 (GMT+7)

Sau “cuộc cách mạng” của tỷ phú Lân với đỉnh núi Ngòi Lip, người ta buộc phải có cách nhìn khác với cây cam sành...

Ngọn núi Ngòi Lip (xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) xưa là vùng đất hoang vu, vậy mà bây giờ nó trở thành một trong những nơi “đẻ tiền” khỏe nhất tỉnh Hà Giang.

Khổ tận cam lai

Với 10 dân tộc anh em sinh sống, Vĩnh Hảo bây giờ vẫn còn là một trong những xã nghèo nhất huyện Bắc Quang. Nguyên nhân người ta đổ cho Vĩnh Hảo nghèo là vì diện tích lúa một vụ ở đây chỉ rơi vào khoảng 100 ha, trong khi có đến 1.143 hộ. Lúa ít ỏi, đời sống của dân Vĩnh Hảo chủ yếu dựa vào giống cam sành Bắc Quang. Nhưng cái giống cây trồng được xem là chủ lực này cũng không ít lần đỏng đảnh khiến bà con điêu đứng. Được mùa thì mất giá, được mùa được giá thì bị người ta làm giả rồi mất khách hàng.

Đã có lúc dân địa phương chặt bỏ cam chuyển sang cây trồng khác ngắn ngày để đảm bảo cái ăn. Từ chỗ hơn 400 ha cam sành, bây giờ toàn xã chỉ vỏn vẹn 200 ha. Lạ một điều, khi cây cam sành tưởng chừng bị xóa bỏ khỏi vùng đất này thì nó lại đẻ ra 26 hộ dân thuộc diện giàu nhất huyện Bắc Quang. Câu chuyện lạ lùng ấy bắt nguồn từ việc lão nông Phạm Quang Lân (66 tuổi) ở thôn Vĩnh Chính, một người vì chán đời nên vác dao lên đỉnh Ngòi Lip đốn củi đổi gạo rồi ở lại làm…tỷ phú.

Quê mãi tận Mỹ Hào (Hưng Yên), đói nghèo đẩy lão khỏi làng, dắt díu vợ con đi làm thuê tứ xứ rồi dạt đến vùng đất này vào năm 1980. Độ ấy, Vĩnh Hảo toàn dân góp, kể cả những người chạy loạn từ chiến tranh biên giới xuống nên kinh tế khó khăn. Vậy mà, độ khoảng 5 năm đầu mới đến, năm nào nhà lão cũng nằm trong diện nghèo nhất xã nghèo Vĩnh Hảo. Hai vợ chồng, 6 đứa con làm quần quật vẫn chẳng đủ ăn vì đất lúa một vụ thường xuyên mất mùa. Thành thử lão là người đầu tiên giơ tay khi có chính sách kêu gọi các hộ dân làm thí điểm đưa cây cà phê về chuyển đổi cây trồng ở Vĩnh Hảo.

Ngôi nhà treo đầy bằng khen của tỉ phú Lân

Lần ấy giơ tay mà cho đến gần hai chục năm sau, khi cuộc sống tưởng chừng chẳng thiếu thứ gì thì lão vẫn còn hối hận. Cà phê chết sạch, tiền bạc vay mượn đổ vào cũng chết theo. Không chỉ tiếp tục ăn đong, gia đình lão còn phải gánh thêm cả nợ nần. Mấy hạt lúa ít ỏi mùa thu hoạch cũng chẳng được mang về nhà vì người ta xiết nợ. Nhìn cảnh ấy, lão nản. Nhưng chán nản chẳng thể khiến vợ con no, lão xách rựa lên đỉnh Ngòi Lip với giấc mơ nghèo nàn là đốn củi về bán lấy tiền mua gạo.

Núi Ngòi Lip dạo ấy là chốn thâm sơn cùng cốc, đến nỗi leo núi giỏi như người Mông vẫn sợ núi cao, đốn củi giỏi như người Dao cũng sợ con ma rừng bắt nên chẳng mấy ai đặt chân tới. Núi lại nằm biệt lập bên kia dòng sông Bạc quanh năm hung hãn nên chẳng khác nào vùng đất chết. Ban đầu lão quyết định lên Ngòi Lip là vì lý do ít người đến nên trên ấy còn nhiều củi. Hết chuyến đầu tiên, đến chuyến thứ hai- chặt xong lão chẳng thèm gánh về mà đi thẳng lên xã xin thuê đất sản xuất. Biết tin ấy vợ lão òa lên khóc rồi bảo đám con bằng mọi cách phải “ngăn cha mày lại không thì nhà mình nợ đời này qua đời khác mất”. Gạt phắt mọi lời can ngăn, lão tiếp tục vác dao lên Ngòi Lip, nhưng lần này không phải đốn củi mà là phát quang để trồng rừng.

Chẳng mấy ai tin chuyến đi liều lĩnh ấy biến Ngòi Lip sau 10 năm trở thành nơi có tổng tài sản nông nghiệp vào loại lớn nhất tỉnh Hà Giang trên cùng một diện tích. Còn lão nông liều lĩnh ấy bằng khen treo kín nhà trên xuống nhà dưới, treo lên cả trang trại ở trên đỉnh núi. Hôm tôi đến tìm, lão chuẩn bị nhấn nút cho chạy cây cầu phao bắc qua sông Bạc có số vốn đầu tư gần 200 triệu đồng.

Cây cầu tự lão bỏ tiền túi làm để nối Ngòi Lip với thôn Vĩnh Chính sau khi đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng để làm đường bê tông từ bên kia sông lên tận đỉnh đồi. Đó cũng là triết lý lão nghiệm ra khi đã trở thành tỷ phú: Có đường sẽ có tất cả. Phải đến lúc xác nhận thông tin một mình lão bỏ ra 500 triệu để làm con đường này ở mấy vị cán bộ UBND xã tôi mới tin những gì lão đã trải qua là thật. 

Ngòi Lip hôm nay không chỉ có đường bê tông chạy lên tận đỉnh đồi, khắp “ngọn núi ma” ngày xưa bây giờ phủ một màu xanh của cam, của chè, của cây keo. Và “đều như vắt chanh”, mỗi năm ngọn núi này đem lại cho 26 hộ dân trồng cam tầm 20 tỷ. Thực ra, trong số 70 ha cam sành ở Ngòi Lip thì lão Lân chỉ có khoảng 10 ha, còn lại của con cháu, xóm làng, những người rủ nhau lên sau này khi thấy lão thành công. Nhưng chỉ với 10 ha ấy cũng đã đủ để cho lão “thích thì mua ô tô vài ngày rồi lại bán mà chẳng cần quan tâm lỗ lãi thế nào”.

Mỗi vụ gia đình lão thu hoạch từ 150-200 tấn cam sành. Nếu bán với giá đầu vụ thì mỗi kg từ 8-10 ngàn. Còn vào chính vụ trong dịp Tết thì 15-20 ngàn. Một năm làm cam, trừ đi chi phí, chẳng có năm nào lão thu về dưới một tỷ. Con cái dựng vợ gả chồng hết, chỉ còn lại hai ông bà nhưng ngôi nhà lão đang ở bây giờ to nhất xã. 6 đứa con, mỗi đứa lão cho một căn nhà và vài ha cam trên Ngòi Lip để làm ăn. Đứa “thiệt thòi” nhất năm vừa rồi cũng lãi ròng 300 triệu đồng từ cam.

Giấc mơ “không giàu một mình”

Sau “cuộc cách mạng” của tỷ phú Lân với đỉnh núi Ngòi Lip, người ta buộc phải có cách nhìn khác với cây cam sành. Diện tích cam bị chặt bỏ trước đây dần dần được khôi phục. Bởi tỷ phú Lân đã tính hộ người dân rằng: Một ha cam sành đầu tư tất tần tật chỉ tầm 30-40 triệu, trong khi thu lại dù có “rớt mùa rớt giá” cũng gấp ba số ấy rồi. Đặc biệt là ở thôn Vĩnh Chính, nơi mà tỷ phú Lân chọn để thực hiện khát vọng “đưa cam sành Bắc Quang này xuất khẩu”. Mặt bằng chung xã Vĩnh Hảo vẫn nghèo, nhưng với riêng thôn Vĩnh Chính lại khác. 46 hộ dân mà 90% số đó trồng cam thì vùng đất này là nơi sản sinh ra nhiều đại gia nhất huyện Bắc Quang.  

Lão nông Phạm Quang Lân, người mở đường lên đỉnh Ngòi Lip

Núi Ngòi Lip đẻ tiền, đẻ nhà, đẻ ra những đại gia thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Cả thôn có khoảng 10 chiếc ô tô, thu nhập bình quân đều đặn 100 triệu đồng/người/năm. 50% số dân trong thôn thuộc diện hộ giàu. Năm ngoài còn sót lại một hộ nghèo vì hoàn cảnh đau ốm thì đầu năm nay dân Vĩnh Chính chung tay xây nhà, cho vay vốn thành hộ trung bình rồi. Với tinh thần ấy, chả trách tỷ phú Lân khảng khái: Dân vùng này triển khai xây dựng nông thôn mới từ năm 2000 cơ.

Đúng là nhìn vào nội lực, vào cơ sở hạ tầng, vào đời sống người dân thì riêng thôn Vĩnh Chính đã có thể gọi là nông thôn mới. Đây chính là nơi đầu tiên ở Hà Giang xây dựng con đường liên thôn. Một cán bộ ở Phòng NN- PTNT huyện Bắc Quang định giá tài sản trên đất nông nghiệp ở thôn Vĩnh Chính bây giờ vào khoảng 50 tỷ mỗi năm. Ngay cả dải đất ven dòng sông Bạc hung hãn bây giờ cũng có giá 300 triệu một ha nhưng cũng chẳng có mà bán.

Dân Vĩnh Chính giờ xem chừng viên mãn lắm, còn lão thì không. Tháng trước lão rong ruổi cả tháng trời ở ĐBSCL để tìm hiểu về giống cam không hạt. Người như lão giờ có thiếu thứ gì đâu mà phải bôn ba làm gì cho khổ? Không, lão còn một giấc mơ khác: Giấc mơ không giàu một mình. “Với diện tích cam hiện tại tôi có thể thuê người làm rồi ngồi chơi vẫn có tiền tỷ. Nhưng xã này, huyện này, cả tỉnh này còn nhiều vùng nghèo. Cam sành Bắc Quang ngon nổi tiếng, khắp nơi đều biết nhưng tại sao dân ở Vĩnh Hảo, ở Bắc Quang này vẫn chưa thể giàu từ đặc sản quê mình? Họ thiếu sự đầu tư, thiếu ý chí làm giàu”.

Nghe lão nói tôi cứ tưởng mình đang hầu chuyện một chuyên gia nông nghiệp chứ chẳng phải lão nông mà 20 năm trước còn nghèo nhất vùng đất Vĩnh Hảo này. Phải. Nếu có ý chí thì cam sành Bắc Quang chắc chắn còn đẻ ra nhiều lão Lân, nhiều ngọn núi Ngòi Lip, nhiều vùng quê giàu sang như Vĩnh Chính.

Kỳ tích của lão khiến mấy lần chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng khi lên tìm hiểu giống cam sành Bắc Quang phải ngỡ ngàng. Tưởng lão gặp may ông Hùng thử giới thiệu lão trồng bưởi Diễn trên đất Vĩnh Hảo, ai dè lão làm được thật. Phục tài lão, hễ cứ lần nào có hội chợ nông nghiệp là ông lại đánh tiếng cho lão một gian hàng trưng bày.

Đại hội Đảng toàn quốc năm nay, Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang đặt hẳn một tấn cam của lão trên đỉnh Ngòi Lip vừa làm quà cho đại biểu vừa quảng bá giống cam sành Bắc Quang.

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng
    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên
    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín
    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển
    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'
    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

  • Những 'bông hồng' trên mâm pháo
    Phóng sự 08/03/2024 - 06:30

    Đó là những nữ dân quân trẻ tuổi thuộc Đại đội pháo phòng không 37 ly ở Đồng Hới, Quảng Bình. Bất kể trong điều kiện thời tiết nào, họ vẫn hăng say luyện tập…

  • Thu hoạch tiêu, nghề nguy hiểm
    Phóng sự 06/03/2024 - 06:33

    Nghề hái tiêu nhìn bên ngoài có thể dễ dàng nhưng công việc luôn đứng trên thang cao, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đây được xem là nghề nguy hiểm.

  • Gã họa sĩ lập dị móng tay dài cả mét
    Phóng sự 05/03/2024 - 09:08

    Sau hơn 30 năm nuôi móng tay, ông Huyền không thể tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày nhưng lại là họa sỹ nổi tiếng vùng biển.

  • Độc đáo chuyện học trên đảo Hòn Chuối
    Phóng sự 04/03/2024 - 06:54

    Ngày mới tập làm quen với con chữ, học sinh của 'lớp học tình thương’ trên đảo Hòn Chuối được người thầy mặc áo lính tập trung dạy làm người, hình thành nhân cách…

  • Chuyện ông 'Thìn rồng' ở đền Đô
    Phóng sự 02/03/2024 - 06:00

    Về Từ Sơn, hỏi chuyện 'ông Thìn rồng', đứa trẻ lên 6 cũng tỏ tường bởi ông là người may mắn hai lần ghi được khoảnh khắc đám mây hình rồng trên đỉnh đền Đô.

  • Ngày hội của những chàng trai
    Phóng sự 01/03/2024 - 06:00

    Mới ngày nào, họ còn là những học sinh, sinh viên, hay lao động tự do, nay đã chỉnh tề trong bộ quân phục màu xanh, chuẩn bị lên đường làm nghĩa vụ quân nhân.

  • Nổi nênh nghề rọ tôm trên hồ Thác Bà
    Phóng sự 26/02/2024 - 10:05

    YÊN BÁI Nghề đan rọ tôm có lúc mai một bởi xuất hiện công nghệ đánh bắt hiện đại, nguồn tôm cá ít dần theo thời gian, nhưng bà con vẫn cần mẫn thủy chung với nghề.

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.