| Hotline: 0983.970.780

Người mở đường ở Cà Roòng

Thứ Năm 13/05/2010 , 07:15 (GMT+7)

Đến xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) hỏi thăm gia đình Đinh Xon (60 tuổi, người dân tộc Ma Coong trú tại bản Cà Roòng 1) hầu như ai cũng biết. Sở dĩ người ta biết nhiều về Đinh Xon bởi ông hiện là một trong những người con của bản làng sớm tiên phong trong việc học và làm giàu...

Đến xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) hỏi thăm gia đình Đinh Xon (60 tuổi, người dân tộc Ma Coong trú tại bản Cà Roòng 1) hầu như ai cũng biết. Sở dĩ người ta biết nhiều về Đinh Xon bởi ông hiện là người được “kế thừa” từ cha đẻ để chủ trì Lễ hội đập trống của tộc người Ma Coong diễn ra vào tháng Giêng hàng năm. Bên cạnh đó, người ta còn biết nhiều về Đinh Xon bởi ông hiện là một trong những người con của bản làng sớm tiên phong trong việc học và làm giàu...

Học chữ để làm người

Cha đẻ của Đinh Xon tên là Đinh Keo (đã mất), trước đây vốn là tộc trưởng của tộc người Ma Coong nơi đây. Vào những năm tháng đất nước kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đinh Keo là một trong số ít người Ma Coong góp công lớn cho cách mạng. Ông cũng từng đảm nhận chức vụ Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Thượng Trạch...

Cùng chúng tôi đi ra rẫy chuối mới trồng, Đinh Xon thổ lộ: “Trước đây gia đình miềng và nhiều bà con người dân tộc Ma Coong nơi đây đều chủ yếu sống du canh du cư nay đây mai đó. Cuộc sống chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm, ăn ngủ trong những hang đá nơi rừng sâu núi thẳm thuộc miền tây Quảng Bình và sang tận đất Lào. Nói chung cuộc sống cực trăm bề... Khoảng năm 1965, cha miềng mới dắt díu mấy mẹ con ra ổn định cuộc sống tại mảnh đất Cà Roòng này. Đó là nhờ công lao vận động rất lớn của các chú bộ đội. Nói thiệt với mấy cán bộ, hồi mới “chân ướt chân ráo” ra đây định cư, vốn sống quen với cuộc sống hoang dã, rứa mà cha miềng lại bắt đi học con chữ để chống dốt, chống mù chữ rồi. Ông dặn với tui: Tao là cán bộ ở xã Thượng Trạch, muốn nói cho dân nghe, dân tin thì trước hết mày phải đi học con chữ để chống dốt, lúc đó tao mới vận động được bà con học theo, lúc đó cái thằng “giặc dốt” mới bị đánh bật ra khởi bản làng này”. 

Ngoài việc trồng lúa nước, cây màu, Đinh Xon còn đầu tư trồng chuối, và trồng rừng để làm giàu

Nghe lời cha dặn, Đinh Xon bới cơm độn sắn với củ khoai mài cùng cha đi vào tận Trường Thanh niên dân tộc (đóng tại huyện Lệ Thủy). Thời đó, đường sá đi lại vô cùng vất vả, đường nối từ bản ra về dưới đồng bằng toàn vực sâu núi thẳm, nhiều đá hộc, đá tảng, cây cối mọc rậm rạp, lắm thú giữ... Hai cha con phải cắt rừng đi bộ một ngày đường mới về tận Phong Nha, từ đó đi tiếp về thị trấn Hoàn Lão mất thêm một ngày đường đi bộ nửa. Nói chung, để đến được trường học, Xon tốn chừng 4 ngày đi bộ, khổ lắm. Đường tới trường vốn rất khó khăn, đã thế, cái bụng lúc nào cũng đói meo. Gia đình Xon và bà con bản lúc ấy nghèo lắm, đói mờ mắt. Thỉnh thoảng mấy chú bộ đội lại cho Đinh Xon vài cân gạo đi đường, riêng tiền ăn học đã được nhà nước bao cấp. Cực khổ mấy rồi cũng qua, mãi tới năm 1974, Đinh Xon đã học xong hệ lớp 7/10. Vào thời đó, hiếm có người Ma Coong nào được học cao như Đinh Xon.

Có được con chữ trong đầu, Đinh Xon vào làm văn phòng tại huyện Bố Trạch. Làm một thời gian, ông lại chuyển sang làm thương nghiệp ở huyện Bố Trạch. Mãi đến năm 1996, Đinh Xon xin về làm giáo viên tại xã Thượng Trạch nhằm truyền lại cái chữ cho bà con Ma Coong...

Bây giờ tuổi đã cao, Đinh Xon xin nghỉ dạy học để tập trung vào làm ăn kinh tế. Điều đáng nói, trong số 8 người con của Đinh Xon, đứa nào đứa nấy cũng được ông nuôi ăn học tử tế. Bằng chứng, con gái đầu của ông tên là Y Quyết đã học xong và đang giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thượng Trạch; con thứ 2 có tên Đinh Tâm đang học năm thứ 4 Trường đại học sư phạm Huế; con gái thứ 3 tên là Y Quyết và con trai thứ 4 có tên Đinh Nhật hiện học tại trường dân tộc nội trú tỉnh; riêng các con còn lại hiện đang đi học tại xã và chuẩn bị đến tuổi đi học... Đinh Xon cười nửa đùa nửa thật: “Đứa nào cảm thấy thích học, dù có cực khổ mấy miềng cũng nuôi tới hết đại học luôn”.

Bỏ tiền túi mở đường

Trước đây còn đường vào bản như con rắn bò trên núi đá, gồ lên hụp xuống, khi thì quăng quật đặt được bàn chân bên mép đá xanh. Thấy bà con khổ với con đường quá, Đinh Xon nghĩ bụng phải cố làm được con đường này. Vậy rồi cứ tiết kiệm từng đồng cho đến khi ông thôi dạy học là dành dụm được khoản tiền 8 triệu đồng.

- Mang tiền nhà làm đường cho bà con đi, người nhà ông có vừa lòng không?

- Ờ thì ban đầu cũng buồn trong bụng chớ. Tiền đó mà mua trâu, bò thả thêm cũng kiếm được thêm bò nghé mỗi năm, bán đi cũng được vài triệu mà. Nhưng rồi miềng phân tích cái thiệt hơn cho cả nhà nghe ra rồi ai cũng đồng tình ủng hộ mới làm được đó chớ. 

Đinh Xon mạnh dạn đầu tư 8 triệu đồng để mở con đường nối từ km 47 vào tận bản Cà Roòng 2

Vừa bỏ công, ông còn thuê người phạt cây, bắn đá, đào lấp mở con đường rộng cho người và trâu bò đi không phải tránh nhau nối từ km 47 tới bản Cà Roòng 2. Ông Quách Tẩm, Bí thư Đảng bộ xã Thượng Trạch cho rằng: “Việc mở con đường của Đinh Xon đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong xã đi lại, giao thương với bên ngoài, từ đó mà cái đói sẽ dần được đẩy lùi...”.

Đinh Xon đi trước, băng rừng vào một khu đất khá bằng phẳng, rồi chỉ tay vào nương ngô xanh thắm, trồng xen lẫn dưới những luống ngô là đậu lạc và đậu xanh, ông nói: “Cha của miềng trước kia mạnh dạn tiên phong đi diệt giặc Pháp, giặc Mỹ, bây chừ thằng Đinh Xon này cũng phải tiên phong diệt “giặc dốt” và “giặc đói” cho xứng đáng lời ông cha dạy chớ. Ngày còn học ở trường, thầy cô có dạy cho miềng là “tấc đất, tấc vàng”, bây chừ miềng mới thấy đem vào áp dụng tại vùng đất khai hoang này là rất hợp lý”.

Đứng bên cạnh khu đất mà Đinh Xon có công khai hoang, chúng tôi thấy ông còn làm cả lúa nước. Ông nhớ một cách tường tận, sau một quá trình khảo sát, gia đình chính thức bắt tay vào khai hoang mảnh đất này. Phải mất chừng 1 năm ròng, cả nhà mới đắp, đào xong hệ thống kênh mương dẫn nước từ trên núi về để trồng lúa nước. Vừa lao động, Đinh Xon thường tranh thủ sự giúp đỡ, bày vẻ của bộ đội, chính quyền địa phương trong kiến thức làm ăn. Ngoài ra người đàn ông Ma Coong này lặn lội xuống dưới xuôi, thậm chí ra các tỉnh bạn để học hỏi cách thức làm ăn...

Hiện tại, gia đình Đinh Xon đã khai hoang được gần 7 sào đất đem vào trồng các loại cây màu như ngô, lạc, đậu xanh và gần 2 sào đưa vào trồng lúa nước. Rồi bên cạnh việc trồng lúa, cây màu, mỗi năm gia đình Đinh Xon còn nuôi và xuất chuồng được 7 con lợn, 6 con bò và hàng chục con gà... Đinh Xon bày tỏ khát vọng làm giàu của mình: “Muốn giàu thì nuôi cá, muốn khá thì nuôi lợn. Miềng đang bàn với vợ sang năm sẽ trồng thêm rừng, nếu được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn, miềng sẽ đầu tư đào ao thả cá, mở rộng chăn nuôi lợn để làm giàu... Chừ miềng đang đầu tư trồng rẫy chuối thí điểm, nếu tốt có thu nhập thì động viên cả bản trồng theo”.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất