| Hotline: 0983.970.780

Người nhặt chứng tích bên dòng sông lịch sử

Thứ Hai 27/12/2010 , 09:38 (GMT+7)

Hồng “khảo cổ” là biệt danh người dân xóm Chùa, xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) nhắc tới mỗi khi có ai hỏi thăm ông Nguyễn Việt Hồng.

Hồng “khảo cổ” là biệt danh người dân xóm Chùa, xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) nhắc tới mỗi khi có ai hỏi thăm đường vào nhà ông Nguyễn Việt Hồng. Tìm hiểu ngọn ngành mới biết người đàn ông này chuyên làm những việc không giống ai. Hơn mười năm qua, ông đi nhặt nhạnh, sưu tầm những mảnh vỡ và dày công tìm hiểu về cội nguồn lịch sử của cha ông ta từ hàng nghìn năm về trước. 

Cả đời lọ mọ với sông Hồng

Men theo triền đê sông Hồng, chúng tôi tìm vào xóm Chùa, xã Kim Lan sau trận mưa lớn. “Nhà ông Hồng nằm sát bên bờ sông Hồng ấy! Các chú cứ đi hết con đường này thì đến, chắc giờ này ông đang nhặt nhạnh chổi cùn, dẻ rách ngoài bãi sông rồi”. Bà Khanh, hàng xóm nhà ông Hồng, cho biết. Sở dĩ bà Khanh nắm bắt được quy luật làm việc của ông Hồng rõ đến như vậy vì bà biết chắc sau mỗi trận mưa to là y như rằng ông lại lọ mọ ra ven bờ sông để tìm kiếm những mảnh gốm vỡ, những đồng tiền cổ còn sót lại của nhiều thập niên về trước.

Đứa cháu nội thấy nhà có khách liền chạy ù ra bờ sông gọi ông về. Quần xắn móng lợn chưa kịp buông xuống, ông Hồng vồn vã rót nước mời khách. Ông kể thuở còn nhỏ rất thích tìm hiểu lịch sử của nước nhà qua các cuốn sách giáo khoa và những quyển truyện. Nhưng cơ duyên đưa ông đến với công việc sưu tầm cổ vật bắt đầu từ những năm 1980. Hồi đó mỗi lần đi tắm hay đi làm đồng ở bãi giữa sông Hồng bà con nơi đây nhặt được rất nhiều mảnh gốm, thậm chí cả rổ tiền từ dưới lòng sông nhưng vì sợ cõi âm phạt nên họ lại vứt đi.

Nhưng với ông Hồng thì khác, những lần đi tắm sông ông nhặt được mảnh gốm cũ hay những đồng tiền bằng kim khí cổ làm đem về cất giữ như những báu vật. Là người có chuyên môn trong nghề nên mỗi khi nhìn thấy mảnh gốm cũ ông Hồng lại nghĩ về tổ tiên của làng nghề. Ông bảo, những sản phẩm gốm thời đó tuy có kết cấu hoa văn rất thô, không đẹp nhưng khi tìm hiểu về chúng có thể biết được giá trị lịch sử qua từng thời kỳ.

Vào năm 1996, khi nước sông Hồng dâng cao, nhiều bãi bồi bị nước bào mòn, đám trẻ con trong xóm ra tắm sông nhặt được một hũ tiền liền mang đi đổi kem. Biết chuyện, ông Hồng nhanh chân đi chuộc lại và ra bờ sông bởi móc đến tận đêm khuya khi vợ ông ra gọi mới chịu về. Từ đó, ngày nào ông cũng ra bờ sông để tìm kiếm những chứng tích lịch sử của cha ông còn sót lại qua những đồ vật. “Nhờ biết chút ít chữ Hán nên cả ngày tôi cọ rửa cẩn thận với mấy đồng tiền và mảnh gốm không rõ mặt chữ để biết về niên đại của chúng mà quên cả việc nhà. Thứ gì không biết, tôi lại tay bị, tay nải cất công lặn lội đi tìm các vị cao niên trong làng để hỏi cho rõ ngọn ngành, không thì tôi tự tìm sách nghiên cứu bằng được thì mới thôi”, ông Hồng dí dỏm chia sẻ.

Chỉ tay vào tủ kính chất đầy mảnh gốm cũ và những đồng tiền cổ, vợ ông Hồng trách khéo: “Đấy! Anh thấy ông nhà tôi có giống ai không? Toàn đi nhặt thứ linh tinh, hai vợ chồng vừa bán được đôi lợn hơn triệu ông ấy đã cầm cả số tiền đi mua tủ kính về đựng mấy thứ đồ của ông”.

Tặng 2.000 cổ vật quý

Không biết cái tên của ông Hồng có liên quan gì tới dòng sông lịch sử chảy qua thành phố Hà Nội hay không mà hơn 10 năm qua ông luôn tìm kiếm những di vật tại dòng sông này đem tặng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Viện Khảo cổ học Việt Nam hơn 2.000 cổ vật quý có giá trị về mặt lịch sử. Mang những bộ đồng tiền mà ông cất công tìm kiếm và sưu tầm được qua nhiều năm rồi ông tỉ mỉ giới thiệu: Đó là những đồng Khai Nguyên thời Đường (TQ) tôi nhặt được khi đi tắm, đồng Ngũ thù Tây Hán thời Hán Cao Tổ Lưu Bang (khoảng năm 118 TCN) do đứa con trai nhặt được, đồng Tường Phù nguyên bảo thời Tống, tôi xin lại của người bạn trong xóm. Đây là  loại tiền đúc ở Việt Nam Thái Bình Hưng bảo thời Đinh Tiên Hoàng hay Thiên Phù Trấn bảo thời Lê Đại Hành...

Ông Hồng bật mí, nhưng đồng tiền càng cọ rửa càng sáng là những đồng tiền được đúc bằng đồng nguyên chất, mỗi đồng tiền đều nói lên được giá trị lịch sử, sự hưng thịnh hay suy thoái của nền kinh tế thời đó. Cầm viên gạch trên tay ông khoe: “Trong một lần ra mép sông, tôi đã phát hiện hai viên gạch có khắc chữ Giang Tây Quân. Theo xác định ban đầu, đây là loại gạch có niên đại từ thời nhà Đường (TQ). Đây là loại gạch vào thế kỷ VII Cao Biền dùng xây thành Đại La, ngày nay phát hiện rất nhiều ở những dấu tích kiến trúc hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Năm 2000, ông Hồng làm đơn gửi lên Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội để trình bày toàn bộ mong muốn, tâm huyết của ông cho việc nghiên cứu bảo tàng cổ vật. Tháng 4/2004, một tổ cán bộ thuộc Viện Nghiên cứu khảo cổ đã về khảo sát thực tế, đem những thứ ông nhặt nhạnh được mấy mươi năm qua đoàn nghiên cứu đã có kết luận rằng những thứ đó có dấu tích cổ nhất 1000 năm về trước.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất