| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi tôm quá lệ thuộc

Thứ Ba 21/05/2013 , 09:42 (GMT+7)

Nuôi tôm đang lệ thuộc quá nhiều thứ, nhất là thức ăn, nguồn cung chủ yếu là Cty có vốn nước ngoài.

Nghề nuôi tôm nước lợ đang bị dịch bệnh bủa vây gây thiệt hại mỗi ngày trong khi giá tôm thương phẩm đã giảm hơn 10.000 đồng/kg, còn Cty sản xuất thức ăn tôm thì tăng giá gần 1.200 đồng/kg. Nuôi tôm đang lệ thuộc quá nhiều thứ, nhất là thức ăn, nguồn cung chủ yếu là Cty có vốn nước ngoài.

Ông Võ Văn Long, người nuôi tôm ở ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh (Duyên Hải, Trà Vinh) nói: Thức ăn chiếm 70-80% giá thành sản xuất tôm thương phẩm. Vì vậy, mỗi lần thức ăn tôm tăng giá là người nuôi phải gánh thêm chi phí không nhỏ. Trung tuần tháng 5/2013, các Cty thức ăn tôm có vốn đầu tư nước ngoài đã đồng loạt đẩy giá thức ăn từ mức gần 31.000 đồng/kg lên khoảng 32.200 đồng/kg (loại 42 độ đạm). Với mức giá hiện tại, để sản xuất 1 kg tôm thẻ chân trắng, chi phí thức ăn dao dộng khoảng 50.600-51.000 đồng/kg. Như vậy, so với mức giá thức ăn cũ, giá thành sản xuất 1 kg tôm thẻ phải tốn thêm 2.000 đồng mua thức ăn. Trong khi đó giá tôm thẻ chân trắng trong vòng 2 tuần qua đã giảm khoảng 10.000-12.000 đồng/kg: từ mức 100.000 đồng/kg (loại 100 con/kg) nay chỉ còn 88.000-90.000 đồng/kg.


Người nuôi tôm đang làm “mọi” cho Cty sản xuất và nhà kinh doanh thức ăn.

Ông Lê Hoàng Vũ, ấp 4, xã Bình Thới (Bình Đại, Bến Tre) nói: Giá tôm có tăng có giảm, còn thức ăn tôm thì từ đầu năm đến nay các Cty đã 3 lần tăng giá tổng cộng gần 4.000 đồng/kg. Mỗi lần xăng, dầu, USD tăng giá các Cty chế biến thức ăn lấy đó làm cơ sở để tăng giá. Khi đã tăng không bao giờ các Cty hạ giá, kể cả khi xăng, dầu hay USD giảm giá. Giá tăng và người dân có tiền mới mua được thức ăn cho tôm vì đầu vụ tôm 2013 các đại lý đưa ra phương thức bán hàng là: tôm thẻ chân trắng nuôi trong 40 ngày đầu người nuôi phải lo tiền mặt để mua thức ăn, sau 40 ngày tuổi thì các đại lý mới bán thức ăn ghi nợ đến thu hoạch thanh toán. Sở dĩ các đại lý thức ăn chọn mốc này là giai đoạn hòa vốn trong quá trình nuôi. Tôm sú thì phải qua 70 ngày tuổi các đại lý thức ăn mới bán hàng ghi nợ.

Rất nhiều câu hỏi của nông dân nuôi tôm đặt ra: Tại sao các Cty chế biến thức ăn tôm liên tục tăng giá? Phải chăng 90% Cty thức ăn tôm có vốn nước ngoài đã liên kết để trục lợi. Và khi thức ăn tôm tăng giá đẩy người dân nuôi tôm chẳng khác đi làm “mọi” cho Cty sản xuất thức ăn tôm. Một đại lý thức ăn ở huyện Cầu Ngang, Trà Vinh (xin giấu tên) bức xúc: Khi thức ăn tôm tăng giá thì Cty chiết khấu bán hàng cho đại lý sẽ tăng. Với mức giá thức ăn 32.200 đồng/kg mức chiết khấu khoảng 6.000 đồng/kg. Với mức chiết khấu này đại lý kinh doanh thức ăn sống dày còn người nuôi tôm phải gồng mình làm để cho Cty chế biến thức ăn tôm mập. Tham khảo qua nhiều nhà khoa học và kỹ sư trong ngành chế biến thức ăn thủy sản, được biết: Giá thành trong thức ăn nuôi tôm chỉ khoảng 250-260 đồng/1 độ đạm. Thế nhưng khi giá sản phẩm bán đến tay người nuôi tôm thì giá cao vút trên mây, ngành chức năng không thể kiểm soát giá, hậu quả người nuôi tôm lãnh đủ.

Ông Lê Vũ Phương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Duyên Hải, Trà Vinh nói: Thức ăn tăng giá, tôm nuôi dịch bệnh bủa vây, giá tôm thương phẩm biến động giảm… đang làm cho bà con bí cách sản xuất sao cho có lãi để gỡ nợ. Thực tại, diện tích thả nuôi tôm thâm canh trên địa bàn huyện Duyên Hải chỉ mới đạt 56% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chậm là người nuôi tôm bị ảnh hưởng tâm lý từ dịch bệnh trên tôm, thức ăn tăng giá… và khó khăn nhất vẫn là vốn. Người nuôi tôm ở Duyên Hải đang bí lối tìm vốn để thả nuôi vụ tôm 2013.

Ông Dương Văn Đởm, quyền Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cầu Ngang, Trà Vinh cho biết: Dịch bệnh trên tôm tiếp tục hoành hành, giá tôm không ổn định, thức ăn thì tăng giá không thể kiểm soát được. Với cái đà này người nuôi tôm ở Cầu Ngang sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra lợi nhuận để giải quyết nợ của con tôm.

Thống kê của Chi cục nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, đến trung tuần tháng 5/2013 trên địa bàn Trà Vinh có 3.453 hộ nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại trên diện tích 2.863 ha. Đa số tôm bị thiệt hại có biểu hiện triệu chứng của bệnh hoại tử gan tụy và một số ít ao nuôi có biểu hiện của bệnh đốm trắng, tôm chết ở giai đoạn từ 20-60 ngày tuổi. Tôm chân trắng là đối tượng nuôi mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong vụ tôm 2013 nhưng đã có 270 hộ thả nuôi bị thiệt hại trên diện tích 163,53 ha, chiếm 21,1% so với diện tích thả nuôi toàn tỉnh. Tôm thiệt hại chủ yếu do bệnh đốm trắng, tôm chết ở giai đoạn 25-50 ngày tuổi. Tôm liên tục thiệt hại, giá thức ăn tôm đã mới tăng thêm 1.100 đồng/kg, vốn sản xuất đang thiếu trầm trọng, người nuôi tôm phải đi vay bạc nóng với mức lãi 5-7%/tháng... Tất cả các yếu tố trên đang đưa người nuôi tôm càng lúc càng bí cách sản xuất có lãi để trả các khoản nợ cho tôm.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm