| Hotline: 0983.970.780

Người phụ nữ san gò, lấp rạch

Thứ Tư 02/10/2013 , 09:20 (GMT+7)

Bằng nghị lực không thể tin nổi, nhiều năm dài, vợ chồng chị Vân đã vượt qua những vất vả không bút nào tả xiết, để cuối cùng, khó khăn lùi xa.

Năm 1987, chị cùng chồng và 2 con nhỏ “ra riêng”, gia tài là… 10 lít gạo (tương đương 7,5 kg) và một chiếc xuồng bể mũi. Bằng nghị lực không thể tin nổi, nhiều năm dài, vợ chồng chị đã vượt qua những vất vả không bút nào tả xiết, để cuối cùng, khó khăn lùi xa. Chị là Lê Thị Tuyết Vân, ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

>> Anh nông dân bốn trong một
>> Đổ mồ hôi sôi nước mắt

TỪ 3 KHÔNG…

Từ UBND xã Vĩnh Hanh, tôi được anh Trương Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã dẫn đường đến nhà chị Vân, một trong những nông dân sản xuất giỏi nhất tỉnh An Giang. Do ảnh hưởng thời tiết xấu, bầu trời như lúc nào cũng muốn sụp xuống. Con đường nhỏ trải bê tông gập ghềnh nằm dọc bờ kênh dài hun hút. Cây lá bên đường ướt rượt nước mưa, sà xuống ngang mặt người.

Quá trưa, chúng tôi dừng xe trước nhà chị Vân, căn nhà đúc khang trang không có bóng người. “Tui chắc bả ngoài ruộng chứ hổng đâu”, anh Hoàng Anh nói rồi dẫn tôi ra sau nhà.

Quả nhiên đúng, chị Vân đang len lỏi đôi chân giữa hai hàng lúa, đôi mắt chăm chú nhìn xuống chân như sợ gãy những lá lúa mỏng manh đang đong đưa trong gió. Nghe tiếng bước chân, chị ngẩng đầu cười: “Chết thật, lúc nãy ngoài xã có báo rồi mà chị mải quá, quên mất tiêu”.


Được như ngày hôm nay, là bởi chị lao động miệt mài, không lúc nào lơi tay (Ảnh: Chị Vân đang chăm sóc ruộng lúa sau nhà)

Bước vào trong nhà, thấy tôi cứ chăm chăm nhìn lên 2 bên tường treo đầy bằng khen, chị Vân lại cười: “Nhà chị chỉ mỗi bằng khen, giấy khen là nhiều thôi. Không còn chỗ treo nên chị cất trong tủ mất nữa đấy”. Nói rồi chị mở tủ, lấy một chồng bằng khen ra khoe.

Khi đã yên vị, nghe tôi hỏi nội dung chính cuộc gặp hôm nay, chị Vân rót nước mời tôi rồi im lặng. Hồi lâu, người phụ nữ 53 tuổi với bao thăng trầm trong đời mới kể: “Năm 87, vợ chồng chị từ quê chồng ở Tịnh Biên về đây lập nghiệp với tài sản là 2 con, đứa đi chưa chắc, đứa còn ẵm trên tay và “3 không”: Không nhà cửa, không đất đai, không một đồng vốn, phải tá túc nhờ một người bà con.

Lúc đó, không có việc gì vợ chồng chị không làm: Cắt lúa thuê, cấy thuê, mót lúa, mò cua bắt ốc, giăng câu, thả lưới… Miễn sao mỗi ngày có được 2 bữa cơm, cháo cho con. Hồi đó đất trong này rẻ lắm, người ta cho không chị 7,5 công đất, chị mừng lắm, nhưng chị không đồng ý lấy không mà nói họ viết giấy mua lại, giá mỗi công đất 1 giạ lúa. Có điều, phải mua thiếu.

Năm sau, đi cấy lúa thuê được trả công 30 giạ lúa, chị trả tiền đất, rồi cất tạm căn chòi lá để không phải ở đậu. Nhưng vất vả còn kéo dài nhiều năm sau đó nữa em ạ…".


Ngoài hàng chục bằng khen, giấy khen treo 2 bên tường, gia đình chị còn nhiều tấm khác xếp chồng trong tủ

Sau khi có chút vốn trong tay, vợ chồng chị bắt đầu mua heo về nuôi. May mắn là năm ấy, giá heo giảm nên chị mua được vài con. Heo lớn, chị bán lấy tiền vừa heo con về nuôi vừa mua thêm ruộng. Và, quỹ đất của chị cứ tăng dần theo thời gian.

“Bây giờ nhớ lại, thấy ngạc nhiên, không biết sao hồi đó mình khỏe thế. Ngày nào cũng vậy, cứ 3 giờ sáng là chị thức dậy, nấu cơm cho con ăn cả ngày, rồi 4 giờ là 2 vợ chồng ra khỏi nhà, đến tối mịt mới về. 2 đứa con nhốt trong nhà, đứa 3 tuổi chăm đứa 1 tuổi”, chị Vân kể tiếp.

...ĐẾN CÓ TẤT CẢ

Có thể nói như thế. Bởi bây giờ, vợ chồng chị Vân đã có cơ ngơi khang trang nhất nhì trong xã Vĩnh Hanh này. Thu nhập mỗi năm từ ngót chục hécta lúa và vườn trái cây của chị lên cả tỷ đồng.

Nhưng, chị bảo, tài sản lớn nhất, hạnh phúc nhất của vợ chồng chị chính là 3 đứa con ngoan hiền, học giỏi. Cô con gái đầu Mỹ Duyên là thạc sĩ Ngữ văn, cậu con trai Hoàng Nghĩa chuẩn bị lấy bằng cao học ngành sư phạm Toán, cả 2 đều học tại trường sư phạm danh tiếng nhất TPHCM. Còn cô út Tuyết Mai là sinh viên năm cuối khoa sư phạm Anh văn trường ĐH An Giang.

Nói về việc học của các con. Chị Vân cười nhớ lại: “Hồi đó ở đây đi lại khó khăn lắm, quanh năm ngập lụt chứ không sạch sẽ như vầy đâu. Trường lại xa, đi học là một cực hình không chỉ với trẻ em mà còn cả với người lớn, vì phải đưa đón. Vì thế, trẻ em đa số bị thất học.

Nhưng chị quyết tâm cho con học đến nơi đến chốn, đến khi nào tụi nhỏ không học được nữa thì thôi. Chị đưa đón con đi học hằng ngày, đến mức ông xã bảo chị vào lớp học với con luôn đi cho tiện”.

Chúng tôi đang nói chuyện thì anh Phan Văn Sánh, chồng chị từ sau nhà bước lên. Chị Vân cười, bảo: “Ông xã chị hiền lắm. Chị làm gì ổng cũng ủng hộ. Nhờ vậy mà chị có thời gian làm công tác xã hội”. Thế rồi, tôi tiếp tục nghe anh Sánh kể về những vất vả, cực khổ mà họ đã trải qua ngót 20 năm qua.


Bên người chồng (anh Phan Văn Sánh) đã có gần 30 năm cùng chị sẻ chia cực khổ, hạnh phúc

Chỉ tay ra con kênh trước mặt, anh Sánh kể: “Hồi đó có một con rạch sâu như con sông này, do người ta đào, mót vàng từ lâu tạo thành, nằm giữa 2 khu ruộng của tui. Nên vợ chồng tui quyết san bằng khúc rạch để nối liền 2 mảnh ruộng. Thế là mỗi năm mùa nước lũ, vợ chồng tui lại lấy xuồng chở đất đổ xuống rạch.

Không hiểu vì ham có ruộng, vì sức khỏe tốt hay do trời thương mà ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng đã trầm mình xuống nước đến chiều, vậy mà chẳng lạnh, cũng chẳng bệnh tật gì. May mắn là vợ tui chịu khó, lại có sức khỏe nên cuối cùng, sau cả chục năm ròng, khúc rạch cũng được san bằng. Tụi tôi có thêm khoảng 10 công ruộng”.

Tôi hỏi: “Anh chị lấy đất ở đâu lấp xuống mà nhiều vậy?”. “Đất trên gò. Vì thế mà bà con ở đây nói tui là đàn bà dời non lấp biển đấy”, chị Vân cười nói.

Khi kinh tế ổn định, có “của để” rồi, chị Vân bắt đầu thuê nhân công làm ruộng, còn chị lao vào công việc mới. Đó là tham gia công tác xã hội cùng chính quyền địa phương. “Bây giờ ổn định rồi, mục tiêu lớn của chị là chung tay góp sức với bà con, với địa phương. Rất may là ông xã chị hiểu và ủng hộ nên ổng quán xuyến hết việc nhà, cho chị rảnh tay làm công tác xã hội”, chị Vân nói.

Anh Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã nói thêm: “Từ mấy năm nay, bả đã đóng góp rất nhiều cho địa phương. Từ hỗ trợ kinh phí cho trẻ em nghèo đi học, đến đóng góp làm đường, xây cầu. Tham gia các lớp tập huấn cho bà con trong ấp, xã. Ai cần hỗ trợ, tư vấn là bả có mặt ngay”.

“Chị Vân là người không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng phải nể. Vì chị có thể làm tất cả những việc nặng nhọc của đàn ông. Không chỉ lao động giỏi, chị còn là người có quyết tâm sắt đá, thấy khó khăn nào vợ chồng chị cũng vượt qua được. Giờ chị lại đang đóng góp rất nhiều cho phong trào sản xuất, công tác từ thiện ở địa phương”, anh Trương Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hanh.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất